Trang chủ Phật giáo khắp nơi Lời chào mừng của Ban Thường trực HĐTS tại lễ Vesak 2014

Lời chào mừng của Ban Thường trực HĐTS tại lễ Vesak 2014

123
0

Bằng tinh thần đoàn kết quốc tế và hữu nghị của tình Pháp lữ và nhân loại trên hành tinh này, Quý vị đã đáp lời mời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban Tổ chức Quốc tế, quang lâm tham dự Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc, Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc” lần thứ hai tại Việt Nam, sau hơn 2000 năm Phật giáo có mặt tại Việt Nam.

Hôm nay trong bầu không khí trang nghiêm của ngày Đại lễ Vesak, được tổ chức tại Cố đô Hoa Lư, Trung tâm Du lịch Tràng An, chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam, nơi đất nước của sự yêu chuộng Hòa bình, Hội nhập và phát triển, cùng với tinh thần đoàn kết, hòa hợp không biên giới của người con Phật khắp 5 Châu, trong ánh hào quang Từ Bi, Trí tuệ, Hòa bình, An lạc của Đức Phật, thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hân hoan chào mừng đại diện ngài Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc; Ngài Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch quốc hội Nước Việt Nam; Chủ tịch MTTQVN, các vị Phó Thủ tướng, đại diện các Bộ, ngành Trung ương; Quý vị lãnh đạo Phật giáo các nước và khu vực, Quý vị khách Quốc tế và khách quý trong nước.

Bằng tinh thần đoàn kết quốc tế và hữu nghị của tình Pháp lữ và nhân loại trên hành tinh này, Quý vị đã đáp lời mời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban Tổ chức Quốc tế, quang lâm tham dự Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc, Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc” lần thứ hai tại Việt Nam, sau hơn 2000 năm Phật giáo có mặt tại Việt Nam.

Có được ngày trọng đại hôm nay, trước hết được sự đồng thuận của Ủy ban Tổ chức Quốc tế ICDV, đứng đầu là Hòa thượng Brahmapandit và được khẳng định trong tuyên bố tại Bangkok – Thái Lan năm 2013, chấp thuận cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc năm 2014 tại Việt Nam. Đây là một sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong trách nhiệm phát huy tinh thần Đạo Phật, Đạo của Từ bi, Trí tuệ và Hòa bình, tạo sự liên hữu trong ngôi nhà Phật giáo khắp 5 Châu mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên đã thể hiện tinh thần cao cả ấy trong cộng đồng Phật giáo thế giới và  khu vực trong thời kỳ hội nhập, phát triển toàn cầu.

Chúng ta kỷ niệm ngày Lễ Tam hợp – Đản sinh, Thành đạo, Nhập Niết bàn của Đức Phật vào ngày trăng tròn tháng 4 âm lịch, biểu thị một ý nghĩa viên mãn và phổ quát của các lĩnh vực: Từ bi, trí tuệ, hòa  bình, giáo dục, văn hóa, nhân bản của loài người mà Đức Phật đã để lại cho chúng ta và nhân loại hơn 25 thế kỷ qua. Cũng chính từ lẽ đó, Đức Phật không những chỉ là một đấng giáo chủ sáng lập Đạo Phật mà còn là một nhà giáo dục, văn hóa, hòa bình, đạo đức, xã hội và Đạo Phật là Đạo Từ bi, Trí tuệ, Hòa bình và Văn hóa văn minh của nhân loại. Do đó, Liên Hiệp Quốc công nhận ngày Vesak, là ngày Lễ hội Tôn giáo quốc tế, mang đậm màu sắc lễ hội văn hóa, đạo đức, hòa bình của nhân loại.

Kỷ niệm ngày Vesak của các quốc gia, các truyền thống Hệ phái dù có khác nhau, nhưng tất cả đều đồng thuận tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc lần thứ XI tại Việt Nam đã nói lên ý nghĩa của sự tập hợp đoàn kết, hòa bình, thống nhất và hữu nghị trong tinh thần cao cả của ngày lễ Vesak.

Bằng tinh thần Từ bi, Trí tuệ và Đạo đức nhân bản, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như tất cả Quý đại biểu, những nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới, những nhà làm công tác tôn giáo, xã hội, học giả, trí thức, khoa học v.v… nguyện sẽ nỗ lực làm tỏa sáng ý nghĩa Vesak của Đạo Phật trong khắp cõi nhân gian và thế giới con người, mang thông điệp của Đức Phật đến tất cả mọi loài chúng sanh trên thế gian và biến những lời dạy của Đức Phật trở thành hiện thực, để cùng mang lại sự an vui, hạnh phúc, hòa bình, tịnh lạc, công bằng, dân chủ, văn minh của một xã hội phồn vinh, tiến bộ và phát triển của một thế giới trong lành, tịnh lạc không có ô nhiễm, không còn vũ khí hạt nhân và chiến tranh hủy diệt, sống và chia sẻ với nhau bằng tình thương và đạo đức nhân bản của con người.

Với chủ đề Hội thảo quốc tế “Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc” và 05 chủ đề phụ:

1. Hồi ứng của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội.

2. Hồi ứng của Phật giáo đối với hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường.

3. Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh.

4. Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu-mâu thuẫn.

5. Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp Đại học.

Quý vị sẽ phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến quý báu, thảo luận chân tình, thiết thực sẽ giúp cho cuộc Hội thảo thành công tốt đẹp, góp phần xây dựng thế giới tâm linh hoàn thiện, đạo đức luân lý viên mãn; kiến trúc hạ tầng xã hội bình an, hạnh phúc, giảm dần khổ đau, giải thoát của tự thân trong đời này và tại thế gian này.

Mong rằng, hào quang, Phật lực sẽ hộ trì cho tất cả chúng ta luôn hằng hữu quang minh trong ánh đạo Từ bi, Trí tuệ, Đạo đức, Hòa bình của Đạo Phật, ứng dụng những lời dạy của Đức Phật vào trong cuộc sống và phát triển xã hội, phát triển thế giới hôm nay và mãi mãi về sau.   

Thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kính chúc Quý vị lãnh đạo Phật giáo thế giới, các vị khách quốc tế và khách quý trong nước đầy đủ 5 đức: Sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh và trí tuệ. Nguyện cầu Đức Phật mãi mãi hiện hữu trong ta và chung quanh chúng ta trên thế giới này. Kính chúc Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc thành tựu trang nghiêm, Hội thảo Quốc tế thành công tốt đẹp.

Xin cảm ơn Quý Đại biểu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.     

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here