Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Lộc của đất, lộc của người

Lộc của đất, lộc của người

138
0

Vừa đến cổng nhà anh ở Paris (Pháp) vào thời gian giao thoa hai mùa xuân hè năm 2007, tôi bị choáng ngợp, không phải vì cơ ngơi sang trọng, lộng lẫy, mà vì hoa hồng. 
Màu đỏ rực, màu trắng sáng từ những bụi hồng dưới thấp, cho đến màu hồng nhung trên cao, trên nền xanh của lá, dựa vào tường. Hương hồng nhung ngọt, khi phảng phất, khi thắm đượm theo bước chân của chúng tôi vào nhà.

Đi du học từ thuở thanh niên, may mắn về già có được ngôi nhà, như một biệt thự nho nhỏ, và một mảnh vườn tương đối thoáng rộng, giữa một vùng ngoại ô Paris khá yên tĩnh, với những con đường thanh lịch, nhà nhà đều xinh xắn, phía trước là cổng bằng gỗ giữa hàng cây cắt khéo như hàng chè tàu; được như vậy là anh đã may mắn, và thành quả cũng xứng đáng công sức anh đóng góp cho xứ người ta. Hạnh phúc thay, tại đó đã sinh thành một gia đình, để đến bây giờ, anh chị về hưu và hai đứa con đều có nghề nghiệp đàng hoàng. Ngôi nhà đó lại là nơi ra đời của những tác phẩm rút ruột đầy trăn trở với quê hương và tha thiết tình đạo, để cùng với nắng và hoa lặng lẽ nơi xa, được anh gửi gắm về quê nhà.

Nhưng anh suốt ngày bận chăm sóc hương hoa và mảnh vườn trên trang giấy, chứ cây cỏ ngoài kia nào có mấy công phu, may sao có hoa hồng đại diện xứng đáng cho mảnh vườn, để đến cuối xuân thì thi nhau khoe sắc. Có thể kể thêm cây mơ (apricot) mà quanh năm chim chóc vui đùa từ sáng sớm đánh thức con người, và một chút rau thơm, diếp cá… như nhắc nhở hương vị quê nhà.

Ngày qua ngày, xuân hạ đi thì thu đông tới, cây hoa hồng từ khoe sắc đến tàn phai, và cùng theo vạn vật, trơ cành khô trên nền xám trắng của giá tuyết, cho đến chu kỳ mới thì vươn mình bật dậy với màu xanh đầy sức sống, với màu đỏ, màu hồng rực rỡ và tiếng chim ca rộn ràng. Còn gia chủ, nay đã thấm thía tuổi già, trong khi hai đứa trẻ lớn lên, trưởng thành, rồi có nghề nghiệp, và theo tập quán phương Tây, hai đứa không còn ở với cha mẹ nữa, mà có nhà riêng không xa nhà cha mẹ. Anh lọt thỏm trong ngôi nhà, một mình chiếc bóng khi ra ngoài nắng. May còn có chị, nhưng… nói dại, lỡ có gì bất trắc và bất ngờ cho tuổi già… Nào ai biết? Nào ai san sẻ ngoài con cái?

Thế mà có người biết, đã đến với anh chị, ngay khi anh chị chưa có gì bất trắc. Một người con gái Huế, qua làm dâu xứ người. Anh chồng lại dễ thương, đẹp trai, mến Việt Nam, yêu Huế, nhà không xa với nhà anh. Nhưng không vì chuyện ở gần, mà vì chuyện đến chùa. Cháu H. qua bên đó, tìm đến cảnh chùa và cứ cuối tuần đến lễ Phật tại Phật đường Khuông Việt. Tất nhiên ông cư sĩ “thâm niên” tại đó phải hỏi han cô Phật tử tập tễnh vào chùa, và khi ông già vừa mở lời thì cô gái “chộp” liền: “Nghe giọng Huế của bác là con quá mừng!”. Tình bác cháu chớm nở một cách tự nhiên.

Cô cháu gái thường xuyên đến thăm anh chị, một phần vì nỗi hoài hương gắn kết những kẻ tha hương, một phần vì phục văn tài của anh, và học hỏi rất nhiều ở anh không qua sách vở, mà một phần cũng vì mê mảnh vườn. Trong khi nhà cô bên đó chỉ là chung cư, khiến cô thèm một ít đất để vui cùng cây cỏ, với sương mai, nắng chiều, thì nhà ông bác, đất sao thừa thãi, phí quá. Thế là cháu đến nhà bác, tha hồ vui thú điền viên mỗi khi rảnh rỗi. Tự nhiên ngôi vườn sống động, không chỉ có người làm vườn thật, mà có thêm hai người làm chơi, vui cười râm ran.

Mới đây, anh liên tiếp gửi email cho tôi, không viết gì về văn chương, bài vở, tạp chí, mà chỉ viết về vườn, rất lạ vì lâu nay anh không đề cập gì chuyện vườn tược. Email đầu tiên làm tôi choáng, bất ngờ: “Lần đầu trong đời, có được một giàn su tríu lịu trái. Không ngờ chỉ trồng một trái su thôi mà bây giờ trái vừa ăn vừa cho”. Kèm theo thư là file đính kèm ảnh giàn su-le lủng lẳng quả. Tôi phục lăn cái cô H. này, bàn tay nhỏ bé yểu điệu của con gái Huế sao có thể đào đất, ủ phân, trồng cây, chăm sóc cây, làm giàn để cho cây ra trái lủng lẳng? 

Thư sau, anh hào hứng hơn: “Giàn su cho trái ăn không hết. Mỗi bữa, hái vô 3 trái ăn ngất xỉu. Cho người quen và hàng xóm hơn 30 trái rồi. Chưa khi mô cây cối cho lộc sung mãn như vậy”. Tất nhiên tôi chia vui với anh: “Địa chủ và tá điền bên Tây. Giỏi quá!”. Ảnh giàn su như đưa tôi về những mùa đông xuân đã xa, mỗi lần lên vùng đồi Nam Giao, Từ Hiếu và xa hơn, tôi bắt gặp rất nhiều giàn su bát ngát, cơ man là trái. Hầu như tất cả vườn chùa khi đó đều có giàn su, và khi cây su tàn thì có bầu bí mướp thay thế.

 Thông tin về thu hoạch trong vườn không chỉ có giàn su. Những email tiếp theo, ngắn gọn, mỗi thư là một sản phẩm của vườn:

 “Trái bầu sắp cắt”, kèm theo ảnh trái bầu trên giàn;

 “Trái bầu vừa cắt xuống”, kèm theo ảnh ông già ăn mặc đàng hoàng, bưng trái bầu no tròn dài, với nụ cười mãn nguyện trẻ thơ;

 “Một trái duy nhất” với ảnh là một trái dưa leo con một;

 “Sơ sơ vậy mà đã ăn được một tô canh mồng tơi rồi. Tuyệt!” với ảnh là giậu mồng tơi có choái để vươn lên cao.

 Vui nhất và cảm động nhất là anh bưng trái bầu, khiến tôi trả lời: “Ngó bộ chưa bao giờ anh cầm trên tay một quả gì. Lần đầu tiên “nựng” trái bầu. Kỳ diệu!”.

 Những su, bầu, dưa leo, mồng tơi không biết từ nhân duyên nào để đến với anh, như trước đây hoa hồng đã đến với anh, để dậy lên niềm vui trong lành, thánh thiện mà ở xa tôi cũng được chia sẻ? Tôi chiêm nghiệm, không có chữ nghĩa nào, tác phẩm nào nói lên hết sự kỳ diệu của đất trời, của tình người, của chúng sinh vô cùng vô tận. Tôi ngẫm lại Phật dạy Tứ trọng ân, trong đó có ân chúng sinh, ân thiên nhiên. Lần đầu tiên anh thắp hương ngoài trời, như là thành kính với trời đất, như tạ ân chúng sinh, và không quên thắp hương trong lòng để cảm tạ cô cháu từ Huế sang, kết nghĩa bác cháu trong buổi xế chiều của cuộc đời.

 

Cao Huy Hóa

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here