Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Linh thiêng núi đá Thần Đinh

Linh thiêng núi đá Thần Đinh

193
0

Núi Thần Đinh nằm soi bóng bên dòng sông Long Đại, thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Hơn 200 năm qua, núi Thần Đinh đã “ngủ say” với những di tích lịch sử, văn hóa của người xưa còn lại. Mới đây, dự án “Bảo tồn sinh thái, tôn tạo di tích núi Thần Đinh” được thực hiện, và núi thần đang tỉnh giấc…


Đỉnh Thần Đinh nằm ở thôn Rào Đá, xã Trường Xuân, cách TP Đồng Hới 25km về phía nam và cách đường Hồ Chí Minh tại cầu Long Đại 3km. Núi có độ cao 405m so với mực nước biển.


Sách Ô Châu Cận Lục có viết: “Núi Thần Đinh tại xứ Thạch Giang, huyện Khang Lộc (Quảng Ninh). Tục truyền khi vua Lê chinh phạt Chiêm Thành đã sai lực sĩ quật đánh núi này, gọi cả các núi đều hướng về tây, riêng núi này quay lưng lại”, do đó núi Thần Đinh còn có tên khác là núi Bất Nghĩa.


Sách Đại Nam Nhất Thống Chí mô tả: “Núi đá cao chót vót, trên núi có chùa Kim Phong (chùa Non), cạnh chùa có đất rộng, trồng hoa; sườn núi có động sâu thẳm rộng rãi, cửa động hẹp phải nghiêng mình mà vào một hồi mới rộng. Trong động có hai tầng, đá xếp hệt như bàn ghế, có viên đá giống tượng phật, lại có thạch nhũ trùng điệp rũ xuống. Trước động về phía tả lại có một động, thạch nhũ trong động chỗ ẩn chỗ hiện, có chỗ như cái tàn vàng, có chỗ như hình voi; về phía hữu có hai động gọi là động Trống và động Chuông, trong ấy đá rũ xuống, gõ vào thành tiếng như chuông như trống nên gọi thế. Ngoài động có giếng đá (giếng Tiên) nước ngọt, không bao giờ cạn”.


Về ngôi chùa Kim Phong trên núi Thần Đinh, cũng sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết rằng: “Chùa Kim Phong ở trên núi Thần Đinh, huyện Khang Lộc, không rõ dựng từ đời nào, sau trải loạn lạc bị bỏ hư. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) trụ trì là Trần Gia Hội dựng tạm chùa tranh, năm thứ 10 (1829) người địa phương là Lê Văn Trúc quyên triều tu bổ và lợp bằng ngói, vừa có một người địa phương đỗ thuyền ở trấn Nhật Lệ khi nhổ neo bắt được quả chuông bằng đồng đem cúng vào chùa”.


Truyền thuyết kể rằng: Thầy Ân Khả đã tu ở chùa này (chùa Kim Phong) từ năm 1694 (đời Lê Huy Tông, niên hiệu Chính Hòa, ứng với triều Khang Hy bên Trung Quốc), thầy là người đức độ tài trí, được tăng ni phật tử trong vùng yêu mến. Trước khi viên tịch, thầy cắt một ngón tay út bỏ vào tráp để lại cho chùa. Lạ thay ngón tay tươi mãi không hề bị thối rửa. Sau này thầy đầu thai vào một gia đình bên Trung Quốc và tái sinh trong hình hài vua Càn Long (1736-1796) (tương truyền vua Càn Long cũng bị thiếu mất một ngón tay út).


Vua Càn Long linh cảm tiền kiếp có duyên nợ với chùa non trên núi Thần Đinh bên Đại Việt nên đã gửi một quả chuông sang tặng, chuông có khắc mấy chữ “Thần Đinh chung”. Thuyền chở chuông vào đến cửa sông Nhật Lệ thì không may bị bão tố nhấn chìm. Sau này một ngư dân quê ở huyện Bố Trạch tên là Đặng Văn Tiên, trong một lần thả lưới đã bắt được quả chuông và đem cúng vào chùa Non trên núi Thần Đinh.


Không biết huyền thoại về quả chuông đồng do vua Càn Long tặng có thật hay không, chỉ biết rằng hiện nay quả chuông chùa Non trên núi Thần Đinh đang được treo ở chùa Phổ Minh, ở xã Đức Ninh, TP Đồng Hới.


Theo con đường xếp bằng đá gần 1.300 bậc của người xưa, chúng tôi leo lên núi Thần Đinh. Gần 200 năm trôi qua cùng với sự bào mòn của thiên nhiên, sự tàn phá của chiến tranh, nhưng trên núi Thần Đinh vẫn còn lại nhiều di tích. Ngôi chùa Kim Phong có tám gian, bây giờ chỉ còn lại những bức tường đá rêu phong. Ngôi miếu cổ linh thiêng đã bị sụt mất một góc. Giếng Tiên ngày xưa mà nay nước vẫn đầy ắp, trong xanh, ngọt mát. Động Trống, động Chuông vẫn huyền diệu những thạch nhũ hình phật, hình voi.


Đứng trên đỉnh Thần Đinh thấy rõ một vùng đất Quảng Ninh, Đồng Hới với các dòng sông Rào Trù, Rào Đá uốn mình lúc ẩn, lúc hiện dưới chân núi sau những rặng cây xanh. Dòng Đại Giang (Long Đại) mềm mại uốn mình dưới cầu Long Đại, về tận Quán Hàu và hòa vào dòng Nhật Lệ để tuôn vào biển Đông. Đường Hồ Chí Minh như một dải lụa trắng vắt ngang dòng sông làm cho cả vùng đất biến thành một bức tranh thủy mặc đầy sức sống.


Lam Giang (TTO)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here