Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Linh Hựu Quán

Linh Hựu Quán

195
0

Vào giữa năm Giáp Thìn (1844) vua Thiệu Trị giao cho nội các sưu tầm, biên soạn và ấn hành Ngự Đề Đồ Hội Thi Tập. Sách được in xong vào tháng 6 năm 1845, nét đặc sắc của thi tập này là đã in tranh mộc bản 20 cảnh đẹp của đất Thần kinh để minh họa và công bố cho mọi người biết. Quán Linh Hựu và ba ngôi quốc tự Thánh Duyên, Thiên Mụ, Giác Hoàng được nhà vua đề vịnh trong tuyển tập thơ văn sáng giá này.

Vị trí, tầm vóc và cảnh quang của Linh Hựu quán (靈祐觀) đã được miêu tả trong tập Kinh Sư của bộ Đại Nam Nhất Thống Chí, xuất bản trước năm 1875 dưới triều vua Tự Đức như sau:

“Linh Hựu quán ở phường Ân Thịnh về phía Bắc Ngự Hà trong kinh thành, dựng từ năm Minh Mạng thứ 10 (1829), giữa là điện Trùng Tiêu, phía tả là gác Từ Vân, phía hữu là gác Tường Quan, phía trước là cửa Tam Quan, lại trước mặt trông ra Ngự Hà dựng cửa Linh Tinh. Năm Thiệu Trị thứ 3, tập thơ Thánh chế vịnh 20 cảnh thần kinh có một bài đầu đề là: Linh Quán Khánh Vận, khắc vào bia và dựng nhà bia ở phía tả cửa quán”

Dưới triều nhà Nguyễn, các di tích lịch sử như cung Khánh Ninh, cung Bảo Ninh, Tứ Dịch quán, Trường Thi, đài Quan Canh, ruộng Tịch Điền, Phủ đường Thừa Thiên, Công Quán… uy nghi, lộng lẫy, trang nghiêm ở phía Bắc Ngự Hà; và Thương Trường với một Công Trường, sở Chi Thu và 10 kho lớn trữ lúa gạo và tiền bạc, sinh hoạt hằng ngày diễn ra tấp nập ở bờ Nam Ngự Hà. Trong tạp chí Sông Hương số 19 năm 1986, nhà thơ Tấn Hoài đã viết bài “Từ Đáy Nước Ngự Hà”, với dạt dào cảm xúc: “Ngự Hà, con sông nhân tạo vẫn đẹp và vẫn càng đẹp với những mùa sen nở của nó”. 

Tất cả đã tạo nên sinh khí và tiềm năng hưng vượng của một kinh thành thoáng mở, giao lưu với khắp cùng bốn phương tám hướng theo dòng chảy êm đềm và tự tại như đắm mình trong không gian, cảnh quang phảng phất hương sen Tịnh Tâm.

Có một dòng sông xanh, ban đầu mang tên Thanh Câu mà tiền thân là đoạn dưới sông Kim Long (một chi lưu của sông Hương), còn đoạn trên đã bị san lấp trong qui hoạch xây dựng kinh đô Phú Xuân. Sông dài khoảng 3600 mét, chảy vắt ngang qua mặt hậu trong lòng kinh thành theo hình thước thợ. Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), sông được cải tạo và đổi tên thành Ngự Hà, nối liền Tây Thành Thuỷ Quan với Đông Thành Thuỷ Quan, thông nước từ sông Hương qua sông đào Kẻ Vạn với sông đào Đông Ba rồi chảy về ngã Bao Vinh hợp lưu cùng sông cái đổ nước ra cửa Thuận An theo quy luật “chúng thuỷ triều Đông”.

Kinh thành Huế có đến 95 phường, nguyên xưa là đất của 8 làng cổ đã nhường lại để xây dựng công trình lớn, biểu thị cho quyền uy của một vương triều. Ân Thịnh là một phường của Thành Nội thuộc quyền cai quản của Đề đốc kinh thành, chứ không phải của Phủ doãn Thừa Thiên. Việc chọn phương hướng tọa lạc của Linh Hựu quán dựa theo tứ thơ uyên áo mà cổ nhân đã chỉ rõ từ thơ Bắc Môn, thiên Bội Phong của Kinh Thi:

“Ra từ cửa Bắc lòng lo ngùi ngùi
Đã khó lại nghèo, chẳng biết ta vất vả;
Thôi vậy thôi, trời đã cố làm như thế, còn nói sao nữa”. 

(Ngô Tất Tố dịch)

Vì thế, không có vị trí nào xứng hợp hơn để chọn làm nơi xây dựng Linh Hựu quán bằng địa điểm cạnh trường thi Hương và thi Hội ở phường Ninh Bắc, có đường thông ra cửa Chính Bắc theo nhiều lối, nhưng lại quay mặt về hướng Nam tiếp cận với một dòng sông xinh đẹp. Trước mặt Linh Hựu quán nhà vua cho dựng cửa Linh Tinh (靈星門) với ý nghĩa thâm thuý rằng, dưới đời Hán Cao Tổ, cứ mỗi lần tế trời thì phải tế sao Linh Tinh trước. Sao này chỉ nguồn gốc của nền văn hóa lúa nước theo chủ trương “Dĩ nông vi bổn”. Tế lễ để cầu cho mưa thuận gió hòa.

Xây dựng Linh Hựu quán cũng là một cách thức thể hiện việc ký thác nỗi niềm ưu lo của nhà vua đối với con dân. Một khi đã ở ngôi vị thiên tử thì phải giữ lòng trung chính, lấy đức mà giáo hóa thần dân thì dẫu cho có lúc ngồi yên một chỗ không làm gì mà vẫn biết rõ khắp nơi, để rồi vua quan hết thảy đều lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ:

“Đạo thường không làm mà không có cái gì là nó không làm”.  (道常無為,而無不為)

Tứ phương vô sự, dân chúng sống đời an lạc, đều nhất tâm hướng vọng về cửa khuyết của vương triều.

Ngày xưa, danh họa Trinh Quán đời Đường xuất thần vẽ tranh Vương Hội. Điển tích này còn được lưu dấu, khắc ghi ở hai trụ biểu ngoại tả, ngoại hữu của 4 trụ biểu ở phía sau đình Thương Bạc:

玉會圖開舟車輻輳
神京勝景山水高清
“ Bức tranh Vương Hội mở ra, thuyền xe tấp nập;
Thần kinh thắng cảnh hội tụ, non nước thanh cao”.

Ngự Đề Đồ Hội Thi Tập khác nào bức tranh Vương Hội, nhưng có tầm vóc và biểu trưng vượt trội hẳn lên: họa-thơ-nhạc đã hoà quyện theo cùng hương hoa như để tỏa ra cái thần thái thanh thoát của 3 dòng tư tưởng Nho-Lão-Phật đúng như chủ trương “Cư Nho mộ Thích” của các vua Nguyễn trong đường lối trị nước an dân. Chúng tôi rất đồng cảm và đồng tình với nhận định của nhà nghiên cứu Vĩnh Cao rằng: “Thi tập này không phải là văn chương dành cho người nông nỗi thưởng thức”

Dư âm xa xưa của “Tiếng Khánh ở quán Linh Hựu” vẫn còn lưu ảnh và tồn đọng dưới đáy nước Ngự Hà. Năm 1933 trong khi quyết tâm đi tìm bia Linh Hựu quán bị thất lạc từ sau ngày thất thủ kinh đô, Linh mục Léopold Cadière không tìm đâu ra bóng chim tăm cá; nhưng có điều lý thú cho biết địa danh Tây Linh do ghép lại hai chữ đầu của các danh từ riêng Tây Lộc và Linh Hựu mà hình thành.

Dựa vào tranh mộc bản “Đệ Thập Tam Cảnh Linh Quán Khánh Vận” và Châu Bản Triều Nguyễn, chúng tôi đi điền dã và tạm thời xác định địa điểm được xây dựng Linh Hựu quán thuộc phường Tây Linh, nay là phường Thuận Lộc. Trước đây Linh Hựu quán có khuôn viên khá rộng, bao gồm: mặt bằng nền móng, các tòa sở uy nghi cộng với thục điền (ruộng hạng nhì), thục thổ (đất hạng tư). Tổng thể các cơ sở kiến trúc gồm điện Trùng Tiêu, gác Từ Vân, gác Tường Quang, nhà Tăng bên tả bên hữu mỗi bên 5 gian, nhà cầu bên tả bên hữu mỗi bên 5 gian, nhà bếp bên tả 3 gian, lầu Tam Quan và 2 cột cờ cao ở hai bên tả hữu để treo cờ phướng. Còn mặt bằng nền móng xây dựng và không gian trống gồm sân chùa, lối đi, vườn cảnh chưa thể ước tính được đã thực sự chiếm diện tích bao nhiêu. Riêng đất và ruộng chùa theo Châu bản Triều Nguyễn thì đã có số liệu cụ thể: đất hạng tư để canh tác rộng đến 3 mẫu 7 thước 5 tấc, ruộng hạng nhì rộng đến 1 mẫu 8 sào. Nếu như không kể mặt bằng khuôn viên cũ, chỉ riêng đất ruộng chùa đã lên tới 4 mẫu 8 sào 7 thước 5 tấc. 

Cả lô đất rộng lớn này tiếp giáp bờ Bắc Ngự Hà (nay là đường Lê Trung Định), trải rộng băng qua đường Thái Phiên ngày nay, phía sau là Hồ Chùa mang đậm nét đặc trưng của Linh Hựu quán. Ngay cả bến nước trước cửa Linh Tinh hướng ra bờ sông còn được gọi là Bến Chùa. Sau này Linh Hựu quán bị triệt giải, nông dân canh tác ruộng vườn chùa và quanh vùng thường cho trâu bò ra sông uống nước cho nên gọi là Bến Trâu. Bốn đá tảng để dựng cửa Linh Tinh nay vẫn còn. Thực tại có cở sở ấy đã chứng tỏ rằng quán Linh Hựu còn được gọi là chùa cùng danh hiệu. Còn các nhà biên soạn lịch sử, nghiên cứu văn hoá và phiên dịch văn bản Hán Nôm có đồng tình với lối giải thích ấy không?

* Ngày 26 tháng 11 năm Duy Tân thứ nhất (1907) Phụ chánh đại thần tâu rằng: “Phụ chánh thần đẳng tâu (châu phê) Phụng chiếu Thành Thái thập lục niên chánh nguyệt tiếp thị vệ xứ lục phụng diện sắc: nguyên Linh Hựu tự (靈祐寺) chỉ tịnh tứ vi thổ, kinh thuộc đồi phế… ”  Bọn thần phủ phục chánh tâu (châu điểm): Phụng chiếu tháng giêng năm Thành Thái thứ 16 (1904) có tiếp được sao lục của Thị Vệ xứ nói phụng diện sắc rằng nguyên cơ sở chùa Linh Hựu và đất chung quanh chùa đã hoang phế…).

Viện Sử học dịch Đại Nam Thực lục Chính Biên có đoạn chép: “Kỷ Sửu, năm Minh Mạng thứ 16 (1829) mùa hạ tháng 6, dựng chùa Linh Hựu (ở phía Bắc Ngự Hà) và đặt Ty Đạo lục để giữ”  a hoặc: “… và tháng 8 (cùng năm ấy)… miễn trừ thuế thân 30 người làm phu chùa Linh Hựu” 2b

Vậy thì, “quán” được dịch ra tiếng Nôm là “chùa” và cũng hiểu như chữ “tự” (寺) đã trình bày ở trên là dựa vào nghĩa lý và cách dùng từ “quán” theo nghĩa phổ biến. Ở đây, tưởng cũng nên phân tích nghĩa lý của từ “quán” bằng cách dựa vào lịch sử Phật giáo được truyền vào nước ta đã trải qua hơn 2000 năm. Phó giáo sư Chu Quang Trứ, viện Mỹ Thuật, vốn dày công nghiên cứu đặc điểm của chùa cổ Việt Nam, đã viết:

Chùa vốn là ngôi đền Phật giáo, song ở Việt Nam phần lớn các Đạo giáo luôn được dân địa phương gọi là chùa, ở đó, ngoài việc thờ Tam Thanh và các vị Thần Tiên, còn thờ cả Phật và Bồ tát. Ngược lại, Phật điện ở hầu hết các chùa luôn dành vị trí trang trọng nhưng gần đời nhất để thờ bộ hạ Nam Tào và Bắc Đẩu vốn của Thần Tiên Đạo giáo. Cũng vì thế đã có một số chùa mang tên chùa Tam Giáo, và dù mang tên khác như chùa Bổ (Bắc Giang) có tên chữ Tứ Ân Tự, là chốn Tổ của Phật giáo xứ Bắc đã thật sự thờ Tam giáo, hai bên Phật điện có thờ tượng Khổng Tử và Lão Tử” 

Đến đây, có thể nói một cách  rõ ràng rằng: Linh Hựu quán là ngôi chùa Tam Giáo độc nhất của chốn Kinh Sư với lối kiến trúc độc đáo và cách thờ phụng giống các chùa Tổ ở Bắc Hà vào thời xa xưa.

Linh Hựu là tên riêng của một ngôi pháp vũ, khác nào các chùa có tên Linh Thứu ở Nha Trang, Linh Sơn ở Đà Lạt, Linh Quang và Linh Mụ ở Huế. Linh có nghĩa là mầu nhiệm, thiêng liêng; Hựu là sự giúp đỡ, che chở, nương tựa:

Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
(Huyền Không)

Theo lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Tổ Linh Hựu (靈祐), người họ Triệu, tỉnh Phúc Châu, là vị cao tăng đời Đường. Vào những năm cuối niên hiệu Nguyên Hòa, Ngài đã sống ở Quy Sơn 7 năm. Tổ Linh Hựu dạy rằng phải tôn thờ và hành trì theo lời chỉ giáo của bậc minh sư mới mong không vấp phải chông gai trên bước đường hành đạo.

Trong Nho giáo cũng có thuật ngữ Linh Hựu (靈囿) nhưng từ “Hựu” ở đây có ngĩa là “cái vườn đẹp”. Vườn của vua có nuôi các loài cầm thú quý hiếm, chúng hồn nhiên vui đùa cho nên gọi là Linh Hựu. Vì vậy, trong kinh thành ở hai bên bờ Bắc – Nam Ngự Hà có các vườn cảnh đẹp như: hồ Tịnh Tâm, vườn Thường Mậu, vườn Thường Thanh, đài Quan Canh, ruộng Tịch Điền…  Các cầu nối liền hai bờ sông có dạng hình cầu vồng như: Vĩnh Lợi, Khánh Ninh, Ngự Hà… đều được gọi là Uyển Hựu (菀囿).

Linh Hựu (靈祐) cũng là thuật ngữ còn được dùng trong Đạo giáo. Các chùa cổ ở Trung Quốc và Việt Nam đều thờ Quan Công, anh em kết nghĩa với Lưu Bị vào thời Tam Quốc. Quan Công có tên là Vũ, tự là Vân Trường, được phong là “Trung Nghĩa Thần Vũ Linh Hựu (靈祐) Nhân Dũng Uy Hiển Hộ Quốc Báo Dân Tuy Tĩnh Dực Tán Tuyên Đực Quan Thánh Đại Đế” vào thời Thuận Trị nhà Thanh.

Linh Hựu Khánh Vận được dịch là “Tiếng khánh ở quán Linh Hựu”, nguyên tác bằng chữ Hán, đã được khắc vào văn bia nhà chùa gồm hai phần: văn và thơ. Phần đề dẫn được viết bằng thể biền văn gồm 10 câu, miêu tả và ca ngợi cảnh quang Linh Hựu quán theo lối chân phương như trong bộ Đại Nam Nhất Thống Chí, tập Kinh Sư đã chép. Phần thơ là bài Đường luật thất ngôn bát cú nói lên nỗi niềm xúc cảm của vua Thiệu Trị trước cảnh đẹp thứ 13 trong 20 thắng cảnh ở kinh thành đã cảnh thức được lòng người hướng thiện, mong cầu đạt đến giải thoát:

膩玉奇聞通覺悟
浮金餘響自登來

Phiên âm:
Nhị ngọc kỳ văn thông giác ngộ
Phù kim dư hưởng tự đăng lai 
 

Dịch thơ:
“Ngọc thốt du dương thông giác ngộ
Vàng ngân vang vọng chuyển thiêng ân”
(Trần Đình Sơn)

Thời huy hoàng của Linh Hựu quán tồn tại được 56 năm. Tại Linh Hựu quán, triều đình Huế bổ nhiệm các chức danh Tăng cang hoặc Trú trì và Quản chúng. Chư Tăng lo điều hành công việc nhà chùa; Bộ Lễ lo việc phong cấp sắc bằng, giới đạo, độ điệp cho các vị Tăng Cang hoặc Trú Trì giống như các ngôi quốc tự khác. Phụ giúp chư Tăng chăm sóc, bảo vệ cảnh quang và môi truờng, canh tác ruộng đất chùa còn có 30 sái phu; họ được miễn trừ sưu dịch tại địa phương.

Ngoài ra, vào các ngày hội lớn, Linh Hựu Quán còn được triều đình cử các đội biền binh, tăng cường cùng sái phu để chăm lo công việc theo yêu cầu của Bộ Lễ. Trong các dịp này, từ vua quan, hoàng gia, sứ thần các nước cho đến thứ dân, du khách đã đến Linh Hựu quán chiêm bái, hành lễ một cách uy nghi. Bộ Binh cho bắn súng lệnh để làm tăng phần trọng thể, về sau được thay bằng pháo giấy vì Linh Hựu tọa lạc trong kinh thành.

Như thế, tuyệt nhiên không có hình bóng các đạo sĩ, pháp sư nào hành lễ và sinh hoạt tại Linh Hựu quán như cách suy diễn của một số người đã từng dựa vào con chữ mà phỏng đoán  thiếu căn cứ. Châu Bản Triều Nguyễn cho biết ngày 4 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 (1838) phúng kinh siêu độ ở chùa Thiên Mụ ba thất ngày đêm, tại Linh Hựu quán một thất ngày đêm… 

Cảnh vật ở Linh Hựu quán ngày thường cũng có sức hấp dẫn du khách. Năm Tân Mùi (1871), nhà nước tổ chức khoa thi Hội cho các sĩ tử dự thi chung cả nước tại Trường Thi cạnh Linh Hựu quán; sau khi thi xong, chờ vào phúc hạch xếp bảng trúng chánh hoặc phó cách để chuẩn bị cho thi Đình tại cung điện trong Đại Nội. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, Nguyễn Khuyến đã tham quan Linh Hựu quán. Vì mải mê thưởng lãm phong cảnh đẹp cho nên đến lúc loa truyền gọi vào phúc hạch không có, khiến cho người nhà phải hốt hoảng đi tìm ông về cho kịp dự thi.

Trước ngày thất thủ kinh đô Huế, 23 tháng 5 năm Ất Dậu (1885), triều đình Huế ban hành thiết quân luật và công bố tình trạng khẩn cấp ở trong và ngoài kinh thành. Dân chúng xao xác, các tu sĩ cũng có chung tâm trạng âu lo:

Thầy pháp mất trống, mất tang,
Thầy tu mất hết hạt tràng, hậu y
”.
(Vè Thất thủ Kinh đô)

Rạng sáng ngày 23 tháng 5 (5-7-1885) quân Pháp trú đóng ở đồn Mang Cá phản công, các cung điện, công sảnh, công quán, đài tạ, chùa quán… ở phía Bắc – Nam Ngự Hà đã bị hư hại nặng, đổ nát rồi trở thành hoang phế:

“Đình chùa miếu vũ người ta,
Giao tranh một buổi thảy đà nát tan.”
(Vè Thất thủ Thuận An)

Kinh Sư của Đại Nam Nhất Thống Chí xuất bản ngày 8 tháng 12 năm Duy Tân thứ ba (1910) cho biết một cách khái quát rằng: “Linh Hựu quán ‘nay đã được triệt giải’”  nhưng không nói rõ là vào thời điểm nào. Như đã trình bày ở trên, nguyên cơ sở chùa Linh Hựu và đất chung quanh chùa đã trở thành hoang phế, vào tháng giêng năm Thành Thái thứ 16, nhà vua chuẩn y cho Thị vệ Đại thần Ngô Đình Khả quản nhận xây cất từ đường gia tộc. Nhưng Ngô Đình Khả đã không làm từ đường mà lại tự ý xây dựng nhà thờ đạo. Sự việc đã diễn biến và kết thúc như thế nào, dựa vào nội dung hai bản tấu của viện Cơ Mật dưới triều Thành Thái và Phủ Phụ chánh đầu niên hiệu Duy Tân sẽ thấy rõ:

* Ngày 11 tháng 4 năm Thành Thái thứ 18 Đại thần viện Cơ Mật tâu rằng: “… Bọn thần xét nghị chỗ đất này nguyên trước có chùa Phật vì từ khi sụp đổ đến nay chưa có ngân sách dồi dào nên chưa tu bổ, nay lại phá chùa Phật để cất nhà thờ đạo là điều không thuận. Huống chi trong Thành Nội từ trước tới nay chẳng có giáo dân có nhà ở đây, vậy mà cất nhà thờ đạo là hai điều không thuận. Vậy đề nghị nên triệt hạ nhà thờ này và cho tuỳ ý chọn cất ngoài sông bên ngoài bốn phía kinh thành… ”  a

* Ngày 26 tháng 11 năm Duy Tân thứ nhất Thần phủ Phụ chánh tâu rằng “… Kế đó căn cứ viên ấy trình xin nhường giáo đường sửa lại làm chùa để lưu giữ tích cũ, viên ấy xin lãnh tiền 300 đồng đem về mua sắm vật liệu và xây cất giáo đường mới ở nền cũ nhà kho Tiên Nộn. Thần phủ đã thương nghị để Bộ Lễ trích ra số tiền này (nói ở trên) trong tiền tự điển cấp hoàn lại cho viên ấy mua vật liệu cất giáo đường mới, còn giáo đường này chờ nếu có làm chùa trù nhu vật liệu nếu tăng thêm bao nhiêu sẽ tính sau, quý khâm sứ Lê Viết hợp ý… ”11b

Không hiểu tại sao Thị vệ Đại thần Ngô Đình Khả lại lần lửa quá ba lần không đến nhận 300 đồng để đi lo việc xây dựng nhà thờ mới ở làng Tiên Nộn.

Sự việc cũng đã đến hồi kết thúc, vì vua Duy Tân mới 8 tuổi cho nên phủ Phụ chánh đã quyết định: “Thần phủ phụng cứu, phụng chiếu tháng 9 năm nay chuẩn cho viên ấy giữ nguyên hàm (Thượng thư) về nguyên quán hưu trí. Nay căn cứ các lẽ quý đại thần đã thương nghị nói xin chiếu nguyên quyết định (như trên) giáng Thượng thư Ngô Đình Khả 3 cấp rời chức vụ về quê quán hưu trí. Còn số tiền ấy thì sung công, đạo đường ấy thì do Bộ Lễ sức triệt hạ đem cây gỗ vật liệu dùng vào việc khác… ” 11c

Lịch sử lần lượt sang trang, ngày 3 tháng 5 năm 1916, vua Duy Tân lãnh đạo cuộc khởi binh chống thực dân Pháp không thành và bị đày sang đảo Réunion, một thuộc địa của Pháp ở Châu Phi. Từ đó, áp lực ngoại bang lại càng đè nặng triều đình Huế vốn dĩ đã là hư vị.

Ngày 10 tháng 2 năm Giáp Tuất (24-3-1934), vua Bảo Đại đã phá bỏ lệ xưa, sắc phong cho bà Nguyễn Thị Lan có tên thánh là Marie Thérèse, con ông Nguyễn Hữu Hào làm Nam Phương Hoàng Hậu ở Thái Bình Lâu. Lúc bấy giờ là thời điểm thuận lợi cho tín đồ Ki-tô giáo tìm cách vận động dựng lên một nhà nguyện còn lợp tranh tre ở địa điểm trường Trung học Tín Đức cũ, có mặt tiền hướng ra bờ Bắc Ngự Hà. Đất dùng để xây trường nguyên là cơ sở của Linh Hựu quán ngày xưa, nay là trường Phổ thông cở sở Thuận Lộc.

Sau ngày thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam lần thứ hai, năm 1950, nhà nguyện được cải tạo và nâng cấp lên thành nhà thờ họ đạo Cầu Kho. Dưới thời Ngô Đình Diệm, nhà thờ họ đạo này được triệt phá để xây dựng trường Trung học tư thục Tín Đức do dòng La San quản nhiệm. Năm 1962, một nhà thờ mới được xây dựng cũng nằm trên đất của Linh Hựu quán nhưng tại một vị trí khác, quay mặt ra đường Thái Phiên thay thế nhà thờ cũ lấy tên là nhà thờ Tây Linh (tức nhà thờ Tây Linh ngày nay).

Vào dịp lễ Vu Lan năm Ất Mùi (1835), triều đình Huế tổ chức lễ đám chay ở chùa Thiên Mụ, vua Minh Mạng đã thân hành tham dự lễ và bảo các quan theo hầu rằng: “Một việc khuyên người làm điều thiện của nhà Phật, dẫu Thánh nhân sống lại cũng không thể nào bỏ đi được” 

Lão Tử đã từng dạy rằng, xuất phát từ nội tâm mà con người trở về với Đạo, cảnh tượng mênh mông của núi sông cũng là một hình trạng của Đạo. Bởi vậy, vua Thiệu Trị đã nói lên được cái tinh tuý của ba luồng tư tưởng Nho – Lão – Phật trong bài “Linh Quán Khánh Vận” bằng hai câu thơ tiêu biểu:

哲人安有尙神
存古亦爲韻事

Phiên âm: 
Triết nhân an hữu thượng thần
Tồn cổ diệc vi vận sự

Dịch nghĩa:
Triết nhân há chẳng chuộng thần
Tồn cổ cũng là việc tốt

Vô cổ bất thành kim, tồn cổ là bảo tồn di sản văn hóa trong mạch sống, tuyệt nhiên khác biệt với hoài cổ hoặc hiếu cổ. Trong những năm gần đây, Ngự Hà đã được khởi động nạo vét nhiều lần và nhất là đang có kế hoạch giải toả các khu nhà ở hai bên bờ sông để trả lại cảnh đẹp cho dòng sông xanh ở chốn kinh thành có sức hấp dẫn mọi người.

Ngày nay, ngành công nghiệp không ống khói đang hướng đến hai loại hình du lịch sinh thái và văn hóa tâm linh, đòi hỏi con người phải biết cách phát huy tiềm năng vốn có để vừa làm cho đất nước phồn vinh, lại vừa nâng tầm vóc của Huế để chứng tỏ rằng: “Người ta không nghe bằng lỗ tai mà nghe bằng lòng, không nghe bằng lòng mà nghe bằng khí”.

Thiết nghĩ, cũng nên tạo điều kiện cho du khách, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau cảm được, nghe được, biết thuởng thức dư âm của tiếng khánh ngân lên thanh thoát trong không trung vào lúc tảng sáng, chiều hôm:

 “Chuông khánh du dương,
Sáo đàn tấu hoạ”
(Linh Hựu Khánh Vận-Vĩnh Cao dịch)

Nếu cứ để thời gian “búa mòn” mà không có kế hoạch trùng tu, tôn tạo cảnh quang và môi trường sinh thái của dòng sông lịch sử thì không biết lấy gì mà nói với bè bạn bốn phương rằng Huế là cố đô văn vật, tiếp nối và làm thăng hoa truyền thống văn hoá dân tộc:

Đất Việt vững xây  nền đạo lý,
Trời Nam rạng tỏ đuốc văn minh”
(Á Nam Trần Tuấn Khải)

Lê Quang Thái

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here