Trang chủ Về TTVHPG Liễu Quán Chủ trương Liễu Quán số đầu tiên – một ấn phẩm đáng đọc

Liễu Quán số đầu tiên – một ấn phẩm đáng đọc

254
0

Với một tình cảm không so đo, Phật giáo Huế luôn được nhiều người nghĩ về, xưng tụng là “kinh đô Phật giáo”.

Chính với tình cảm như thế, nên khái niệm “Phật giáo Huế” cũng trở nên mơ hồ. Như tình cảm vốn nhập nhằng, tự phóng.

Đọc ấn phẩm Liễu Quán số ra đầu tiên, cũng là giai phẩm Xuân Giáp Ngọ 2014, cái mơ hồ ấy được soi rọi bởi những khắc khoải, suy tư của chính người trí thức Phật tử Huế, Phật giáo Huế không chỉ ở trong lòng, mà đi vào đầu óc của mọi người. Chiều sâu tâm linh của mảnh đất từng là kinh đô của đất nước một thời cũng được trình hiện.

Với mong muốn kết nối những giá trị truyền thống của văn hóa Phật giáo và văn hóa Dân tộc với những hệ giá trị của xã hội đương đại trong tinh thần tham chiếu, Liễu Quán luôn hướng đến xây dựng một nội dung vừa có tính chuyên sâu vừa có tinh thần khai phóng, là nơi để nhiều giới, nhiều thế hệ có thể cùng tham gia, trao đổi tri thức và chia sẻ những kinh nghiệm sống có giá trị, bổ ích.

HT.THÍCH HẢI ẤN
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư, chủ biên ấn phẩm Liễu Quán

“Bối cảnh địa phương, lịch sử và chính trị của Huế khác với các miền khác, tất nhiên Phật giáo Huế cũng có những đặc điểm riêng. Nhưng đã là Phật giáo thì Phật giáo ở đâu cũng đều giống nhau trong cùng một nhiệm vụ. Nhiệm vụ đó, nếu phải tìm vài chữ để thâu tóm cho gọn, thì đơn giản là “hộ quốc an dân”. Gánh nước và dân trên vai, Phật giáo Huế đã nếm mùi hưng vong cùng với Phật giáo cả nước, qua mỗi giai đoạn lịch sử. Trong cái chung có cái riêng, nhưng cái riêng của Huế không nằm ở ngoài cái chung của toàn thể, xét cái chung thì hiểu thêm cái riêng. Mà cái chung là “hộ quốc an dân”. Vậy Phật giáo Huế đã “hộ quốc an dân” như thế nào trong dòng lịch sử? Đã rút ra bài học lịch sử gì cùng với Phật giáo cả nước”?

Cái riêng, điểm chung và bài học lịch sử cũng như thách thức ở hiện tại của Phật giáo Huế, cũng là của Phật giáo Việt Nam để xứng đáng với nhiệm vụ “hộ quốc an dân”: “Trong mọi hình thái, từ lễ nghi cho đến học thuật, nhiệm vụ ấy cũng phải được trẻ hóa và trí thức hóa. “An dân” là cùng với dân thắp đuốc trí tuệ của Phật. “Hộ quốc” là cùng với nước tiến lên thời đại văn minh”.

Quý độc giả có thể đọc những vấn đề này qua bài viết của Giáo sư Cao Huy Thuần, người trí thức Phật tử Huế, giáo sư Đại học Picardie, Cộng hòa Pháp. Bài viết có tiêu đề“Phật giáo Huế trong dòng chảy của lịch sử” ở vị trí những trang đầu của ấn phẩm Liễu Quán số 1.

Ban Biên tập đã dành chuyên đề của số đầu tiên về Tổ sư Liễu Quán (1667-1742), bậc Tổ sư đã khai sáng dòng thiền mang đạo hiệu của ngài ảnh hưởng rộng rãi ở miền Nam, với các nội dung đáng quan tâm: Văn bia tháp Tổ Liễu Quán (HT.Thích Thiện Siêu dịch), Tổ sư Liễu Quán qua khảo cứu của các học giả BAVH (Những người bạn cố đô Huế, Hà Xuân Liêm biên khảo)Những ngôi chùa do Tổ sư Liễu Quán khai sơn (Trần Đình Sơn); Phả hệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán (Thích Thiện Chánh); Kiến trúc tháp Tổ Liễu Quán (KTS.Nguyễn Đức Mạnh Tường); Dấu ấn mỹ thuật Phật giáo thời chúa Nguyễn qua tháp Tổ Liễu Quán (Họa sĩ Vĩnh Phối); Các văn bản chữ Hán tại khu tháp Tổ sư Liễu Quán (Vĩnh Ba); Từ dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đến thiền phái Liễu Quán: sự tiếp nối của mạch nguồn Phật giáo dân tộc (Thích Không Nhiên)…

Chuyên mục Văn hóa có các bài viết: Tin Xuân (GS.TS Thái Kim Lan); Ghi rời cuối năm(Nhà văn Bửu Ý); Giở trang bối diệp người vào pháp không (Họa sĩ Đinh Cường).Chuyên mục Phật học giới thiệu về giáo lý Duyên khởi (Thích Kiên Tuệ); Chuyên mục Di sản – Tư liệu có các bài: Đại hồng chung đời Cảnh Hưng tại chùa Thiền Tôn (Thích Trí Năng); Viếng tháp ngài Tế Cảo (Cao Huy Hóa); Những viên ngọc trong vườn thiền Thuận Hóa (Thích Ngộ Tùng); Ba mối quan tâm hàng đầu của Trần Nhân Tông (Thích Thanh Thắng). Chuyên mục Trên địa cầu xanh giới thiệu về Một ngày vui – sinh khí của Phật giáo tại Pháp (Tâm Bồ); Chuyển hóa (Tô Diệu Lan dịch). Những nẻo đường nhận thức(TS.Nguyễn Tường Bách) là khảo luận được giới thiệu trong chuyên mục Phật giáo với khoa học. Chuyên mục Văn học – Nghệ thuật có bài Mấy ghi chú sơ khởi về một tác phẩm nghệ thuật tôn giáo quan trọng: Chân dung Thiền sư Hải Toàn  Linh Cơ (Nghi Thủy); Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh:“Phật giáo là một thành tố mang tính định mệnh của nền văn hóa Việt” (Trần Văn Khắc thực hiện); Truyện ngắn Cháo trắngcủa Phan Thạnh được giới thiệu trong chuyên mục Sen hàm tiếu – dành giới thiệu các sáng tác của các tác giả trẻ. Cuối ấn phẩm có thông tin về Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán – Huế (Thích Pháp Quang)…

Liễu Quán số 1 – giai phẩm Xuân Giáp Ngọ, ấn phẩm của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế trình bày trang nhã, mang nét riêng thâm trầm của đất cố đô, là một ấn phẩm đáng đọc trong mùa xuân này. Được biết, một năm Liễu Quán sẽ ra ba kỳ theo mùa: Xuân, Hạ và Thu – Đông.

Ấn phẩm in 4 màu trên giấy tốt, liên hệ phát hành tại Trung tâm VHPG Liễu Quán, 15A Lê Lợi, Huế; tại TP.Hồ Chí Minh, liên lạc Nhà sách Hà Nội, 245 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1; tại Hà Nội, Phòng phát hành chùa Quán Sứ, 73 phố Quán Sứ. 

Theo GiacNgo online

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here