Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Lên Ngọa Vân

Lên Ngọa Vân

119
0

Ở Quảng Ninh, trong những ngày cuối thu này, không ngớt dòng người hành hương về kinh đô Phật giáo Yên Tử-Di tích quốc gia đặc biệt ở TP Uông Bí để chiêm bái tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.






Tượng Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch có Bảo Sái quỳ chắp tay hầu trong Ngọa Vân am

Bài thơ đặc sắc nhất của thơ thiền Đại Việt cổ

Trong số đó, không ít người còn giành thêm thời gian để được một lần đặt chân lên núi Bảo Đài ở huyện Đông Triều chiêm bái tượng Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nằm theo thế sư tử, an nhiên viên tịch trong Ngọa Vân am cổ kính nằm chênh vênh trên tảng đá lớn, phía sau chùa Ngọa Vân quanh năm mây mù bao phủ.

Bởi chuẩn bị đến ngày kỷ niệm 705 năm ngày Đức vua Trần Nhân Tông hóa Phật 1/11 (âm lịch năm 1308-2013), anh bạn trẻ Lưu Đức Hà ở huyện Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) đã khoe với chúng tôi là anh đã sưu tầm và được đọc bài thơ thiền của Đức vua-Phật hoàng  Trần Nhân Tông có tên “Đăng Bảo Đài sơn”. Anh đọc giới thiệu vanh vách:

Địa tịch Đài du cổ

Thì  lai xuân vị thâm

Vân sơn tương viễn cận

Hoa kính bán tình âm

Vạn sự thuỷ lưu thuỷ

Bách niên tâm ngữ tâm

Ỷ lan hoành ngọc địch

Minh nguyệt mãn hung khâm.

Được ông Ngô Tất Tố dịch thơ:

Lên núi Bảo Đài  

Đất vắng, đài thêm cổ

Ngày qua, xuân chửa nồng

Gần xa, mây núi ngất

Nắng rợp, ngõ hoa thông

Muôn việc, nước trôi nước

Trăm năm lòng nhủ lòng

Tựa lan, nâng sáo ngọc

Đầy ngực ánh trăng trong

Đồng thời có dịch giả khác đã dịch:

Đất vắng lâu đài thêm cổ xưa,

Xuân sang vừa đó mới theo mùa.

Gần xa, thấp thoáng mây lồng núi,

Nắng rợp mơ hồ một ngõ hoa.

Nước đẩy nước trôi đời vạn sự,

Tâm nghe lòng nhủ một mình ta.

Nâng ngang sáo ngọc bên thềm vắng,

Đầy ngực trăng trong toả ánh ngà.

Ngọa Vân am trầm mặc trên Bảo Đài sơn 

Bảo Đài là một ngọn núi thuộc dãy Yên Tử (huyện Đông Triều Quảng Ninh). Các nhà nghiên cứu đã nhận định, tác giả bài thơ đến núi Bảo Đài vào lúc chớm xuân, cảnh rất thực. Bởi Yên Tử thời Trần chắc chắn còn là miền đất hẻo lánh, núi rừng xa xôi; không rõ toà đài trong bài thơ này có từ bao giờ, có phải cũng là một hành cung đời Trần, vì đất quạnh nên trông có vẻ cổ kính hơn và vì thời tiết lúc đó mới đầu xuân, nhiều mây, nắng mưa bất chợt, cho nên núi và mây trở nên mờ ảo như xa lại như gần, còn ngõ hoa thì chỗ râm chỗ nắng. 

Dọc đường hành hương…

Con đường của các bậc tiền nhân đã đi xưa được các nhà sử học khám phá. Con đường đó nay đã được huyện Đông Triều thi công mở rộng, đổ bê tông dài gần 6km, được khánh thành chào mừng ngày kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh. Do vậy, xe ô tô của du khách đã chạy vào được tận phủ Am Trà. Tuyến đường hành hương tiếp theo lên đến chùa Ngọa Vân cũng đã được mở rộng, kè bậc đá để nhẹ nhàng nâng bước chân du khách hành hương về đất Phật…

Không ồn ào náo nhiệt như ở kinh đô Phật giáo Yên Tử (TP Uông Bí), con đường hành hương từ hồ Trại Lốc thuộc xã An Sinh (Đông Triều) đi dọc suối Phủ Am Trà để lên đến chùa Ngọa Vân trên núi Bảo Đài (còn có tên gọi khác núi Vây Rồng) từng đoàn người vẫn lặng lẽ trải bước hành hương leo núi trên con đường của Đức vua-Phật hoàng và các bậc tiền nhân đã đi hơn 700 năm về trước. Tất cả như đang lắng nghe lời kinh Phật phát ra từ chiếc đài cassette của một cụ già đi phía trước đang hòa cùng với gió bấc của rừng già. 

Có lẽ trong tâm mỗi du khách đã đặt chân tới nơi này thì đây không chỉ là cuộc leo núi đơn thuần. Họ đang lắng mình trải nghiệm với Ngoạ Vân am, để có được những khám phá bất ngờ nơi đất Phật linh thiêng. Khoảng sân chùa Ngọa Vân nay đã rộng hơn bởi các công trình tạm bằng gỗ được phật tử dựng lên trước đây như nhà tăng, ni, nhà khách, nhà ăn, nhà bếp, bể nước…đã được di chuyển xuống phía dưới. Đồng thời, đã có cả các thùng đựng rác được đặt quanh những lối đi. Đó là kết quả của cuộc vận động của thày, trò ngành giáo dục huyện Đông Triều đã tham gia đảm nhận việc di chuyển toàn bộ các công trình trên trong chương trình các trường tham gia tìm hiểu để giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh. 

Tháp Phật Hoàng uy nghiêm, cổ kính

Về  Thánh địa Trúc Lâm 

Ngọa Vân am trên núi Bảo Đài, nơi ấy, sau khi lãnh đạo quân và dân Đại Việt lập nên những chiến công hiển hách nhất và dựng lên một triều đại thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Đức vua Trần Nhân Tông đã dành những năm tháng còn lại của mình khoác áo nâu sòng, hành đạo cứu nhân độ thế trên núi Yên Tử và nhập niết bàn tại am vào đêm 1-11-1308, trở thành sư Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái đã để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tôn giáo Việt Nam. 

Trong lịch sử nhân loại, có lẽ, Đức vua Trần Nhân Tông là vị vua duy nhất rời bỏ ngai vàng, khoác áo nâu sòng, bỏ lại đằng sau những võ công hiển hách cùng quân và dân Đại Việt hai lần đánh bại đội quân xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới thời kỳ đó. Thiền phái Trúc Lâm đến nay, theo nhận xét của các nhà sử học, các nhà nghiên cứu khoa học…thì đó mới thực sự đưa Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ thể hiện đầy đủ trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam. Giáo lý của Đức vua – Phật hoàng cũng rất đơn giản, bởi Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông lĩnh hội trọn vẹn lời của bậc Thiền tổ Yên Tử là Phù Vân Quốc sư với vua Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của đời Trần vào năm Bính Thân (1236): “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lặng và sáng đó chính là Phật đấy. Nếu bệ hạ giác ngộ được Tâm đó thì lập tức thành Phật, không phải khốn khổ cầu tìm ở bên ngoài”. Bằng quan điểm cơ bản của Thiền là “Phật tại tâm”, Đức vua-Phật hoàng không kêu gọi các tín đồ lìa bỏ cuộc sống trần tục, không ép xác khổ hạnh, mà đề cao nhân nghĩa, giáo dục lòng nhân… Đang miên man câu chuyện về giáo lý của Phật hoàng Trần Nhân Tông để tự hỏi: Trong dòng người về chốn linh thiêng kia, mình có nằm trong những kẻ đã lạc đường không? Về với Phật đâu chỉ chụp vội bó hương rồi chen lấn, xô đẩy cắm vào bát nhang vài cây hương, rồi bỏ mấy đồng tiền lẻ la liệt khắp nơi. Con đường hành hương lên Ngọa Vân am cách đây hơn 700 năm và cho đến mãi về sau sẽ chẳng có gì thay đổi-vẫn là con đường Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chỉ dạy. Chệch con đường đó có lẽ chỉ là cuộc leo núi đơn thuần.

Lên Ngọa Vân am-Thánh địa Trúc Lâm vào những ngày cuối thu này, cùng khách thập phương hân hoan nơi cõi Phật, chúng tôi cảm nhận thấy trong lòng mỗi du khách đang đặt ra một điều gì đó ở phía trước cho cuộc sống để lo toan. Trong tâm mỗi người thanh thản luôn hướng về Phật để tự tin và không ngừng vươn lên… 


Theo Đại Đoàn Kết

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here