Như lẽ tự nhiên, trong cái xô bồ, gấp gáp của cuộc sống, người ta tìm mọi cách để giải tỏa, tìm chỗ tĩnh tâm. Nhiều người tìm đến chùa để cảm nhận sự thanh tịnh, để những căng thẳng lo âu chùng xuống. Bố mẹ hướng con đến chùa để rèn đức, rèn sức khỏe, để nhận thức và tránh xa cám dỗ.
Ở miền Nam, trẻ con lên chùa dài ngày vào dịp hè thay vì đi nghỉ mát, picnic đã là chuyện thường. Tại Hà Nội, mấy năm gần đây, vào dịp hè, nhiều chùa cũng đón trẻ em được bố mẹ gửi đến với bao kỳ vọng. Cuối hè qua, khi gần hoàn thành việc tu bổ chùa Kim Liên, một trong những việc mà sư thầy Thích Đàm Thành nghĩ đến là tạo một sân chơi cho đám trẻ. Trước đấy, mỗi khi nghe chuyện trẻ con thiếu sân chơi, vùi đầu vào game online hay thấy cảnh nam thanh nữ tú đấm đạp nhau trước cổng trường, sư thầy Thích Đàm Thành lại đau đáu nghĩ cách để các em được hướng thiện, tránh xa cái xấu. Thế nên, không đợi đề xuất, sư thầy giao cho những phật tử hay đến chùa tìm cách tập hợp đám trẻ để chủ nhật hằng tuần chúng được học giáo lý nhà Phật, học cách nhận biết thiện – ác một cách đơn giản, gần với đời thường nhất. Bác Hoa Minh Anh, người được sư thầy giao nhiệm vụ này kể rằng: Lúc được giao việc, tôi đã nghĩ đến cách học, cách dạy sao cho các cháu không nhàm chán, thấy hứng thú. Vì thế ngoài học giáo lý, nhất thiết các cháu phải được tham gia các hoạt động khác để đúng như lời Phật dạy rằng "Tài sản lớn nhất của con người là trí tuệ và sức khỏe".
Từng làm ở Thành đoàn Hà Nội lâu năm, nắm khá kỹ về tâm lý lớp trẻ nên bác Hoa Minh Anh đã nghĩ ngay đến việc dạy thêm thể dục nhịp điệu, các trò chơi vận động vừa để rèn sức khỏe cho đám trẻ vừa khiến chúng hứng thú hơn với việc học giáo lý. Đúng lúc ấy, bà gặp người phụ trách thi công tu bổ chùa là anh Đỗ Quốc Thắng, đang làm việc tại Công ty Mỹ thuật trung ương và là võ sư của môn phái võ cổ truyền Nhất Nam. Anh Thắng đã đề nghị được dạy võ Nhất Nam cho các em, tất nhiên là miễn phí. Bà Hoa Minh Anh nghĩ, trẻ em học giáo lý nhà Phật trong ngôi chùa cổ, lại được học một môn võ cổ truyền thuần Việt như Nhất Nam thì không còn gì bằng.
Khi mô hình đã hình thành, bà Hoa Minh Anh đi vận động phật tử hay đến chùa Kim Liên đưa con cháu đến tham gia. Ngày khai giảng, lớp chỉ có độ 20 cháu, hầu hết học tiểu học và trung học cơ sở. Nhiều em đến đây vẫn mang theo cả cái nghịch ngợm, hiếu động từ nhà. Thậm chí, buổi đầu học võ, khi phụ trách lớp hỏi rằng "học võ để làm gì", một số cậu bé đã hồn nhiên trả lời: "Học võ để đánh nhau". Một, hai buổi đầu chỉ tập được mươi phút, nhiều cô cậu bé đã tái mặt, thở dốc, đứng không nổi. Thầy Thắng nói rằng: "Đến lúc đó, một số phụ huynh mới nhận ra rằng đã để con mình lười vận động quá lâu, khiến các cháu không có thể trạng tốt, ảnh hưởng tới sự phát triển tâm, sinh lý của các cháu".
Giờ thì sau mỗi giờ học giáo lý thông qua các câu chuyện, bài hát, các em đã "nuốt trôi" giờ tập võ như không. Nhiều cậu bé trước khi sinh hoạt tại chùa có tiếng là nghịch ngợm, khó bảo, nay đã tiến bộ hơn hẳn. Như Phạm Trung Hiếu, lớp 7 trường Quảng An, hiện đang là lớp trưởng tại chùa. Các bà phụ trách lớp kể rằng, lúc trước, cậu bé này cũng vào diện nghịch ngợm, nhưng từ khi theo học tại đây, tâm tính khác hẳn. Nhìn cái cách cậu gương mẫu chắp tay thành kính, đi từng bước trong gian thờ để lễ Phật, các bà cười mỉm sung sướng vì trước đó tưởng như đã bó tay với sự nghịch ngợm của cậu. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều gia đình đưa con đến chùa Kim Liên vào mỗi chiều chủ nhật. Gian học giáo lý giờ đã kín người, lớp học võ buộc phải chia đôi để bảo đảm chất lượng. Nhiều gia đình cách chùa cả chục cây số nhưng vẫn đưa con đến vì tin rằng đây là một môi trường tốt giúp trẻ biết cách xa rời đường dữ, học cách cư xử đúng mực, nhận biết được những điều màu nhiệm trong cuộc sống và có sức khỏe.
Trong cái vội vã của nhịp sống hiện đại, trong cái chộn rộn nơi phố phường, nếu ai đó đến chùa Kim Liên vào những chiều chủ nhật sẽ cảm nhận khoảng lặng đầy yên bình và rồi đầy hy vọng về những mầm thiện được gieo, vun đắp nơi cửa chùa.
Theo Hà Nội Mới