Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo trong nước Lễ Tưởng niệm húy nhật Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không (1905-1997)

Lễ Tưởng niệm húy nhật Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không (1905-1997)

140
0

Buổi lễ được đặt dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Đức Phương – Trưởng Ban Trị sự tỉnh GHPG TT-Huế. Chư Tôn đức Tăng Ni trong Thường trực BTS, chư Tôn đức đại diện các ban ngành trực thuộc BTS, Ban đại diện Phật giáo các huyện, các tu viện, tự viện, tịnh xá, tịnh thất cùng đông đảo Phật tử trong tỉnh TT-Huế đã đến dự.

Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không thế danh Hồ thị Hạnh, húy thượng Trừng hạ Hảo, hiệu Nhất Điểm Thanh, sinh năm 1905, là con gái út của Đông Các Đại học sĩ Hồ Đắc Trung và Bà Châu Thị Lương, người làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Năm 1932 (27) tuổi, Ni trưởng được Hòa thượng Giác Tiên – Trú trì Tổ đình Trúc Lâm truyền thập giới làm Sa di ni với pháp tự Diệu Không, nhưng vẫn đễ tóc để làm Phật sự. Mùa thu năm Giáp Thân (1944), Ni trưởng được thọ tam đàn cụ túc tại đại giới đàn Thiền Tôn do Hòa thượng Giác Nhiên – Đệ nhị Tăng thống GHPGVNTN làm đàn đầu. Ni trưởng viên tịch vào ngày 22 tháng 8 năm Đinh Sửu (23/9/1997), hưởng thọ 93 tuổi đời với 53 hạ lạp.

Cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu trong lời Tưởng niệm đã tán thán công hạnh của Ni Trưởng: “Là một người con trong dòng quý tộc, Ni trưởng đã ngộ lẽ vô thường, thế gian hư huyễn, nên đã phát nguyện xuất gia để thực hiện hạnh tu giải thoát, hoằng pháp lợi sinh. Đặc biệt, Ni trưởng đã hết sức chú trọng đến việc đào tạo Tăng tài, cho nên Ni trưởng đã đem hết vốn hiểu biết hiện có của mình để hướng dẫn giáo dục Ni chúng vững tiến trên con đường giải thoát. Ni trưởng đã cùng với Ni bộ Bắc tông mở nhiều lớp học, Ni viện Phật học để đào tạo Ni tài cho Ni bộ. Lúc còn sinh tiền Ni trưởng luôn luôn ước nguyện tại tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều cơ sở Phật giáo hơn nữa để giáo dục Tăng ni. Ước nguyện đó hôm nay đã thành hiện thực. Riêng tại Thừa Thiên Huế đã mở được Trường Cơ bản Phật học và nay lại thêm Học viện Phật giáo Việt Nam, trong đó ngay từ những ngày đầu thành lập, Ni trưởng đã đóng góp một cách tích cực từ tinh thần cho đến vật chất, trước sau một lòng vì đạo, trước sau một lòng vì sự tu học của Tăng ni hầu có nhiều Tăng ni đủ tài đức để gánh vác việc hoằng dương Chánh pháp, kế tục sự nghiệp của các tiền nhân. Lúc còn sinh tiền, khi chúng tôi vào thăm, Ni trưởng không giây phút nào là không nhắc nhở, không mong mỏi làm sao mở được trường này, mở được trường khác để cho Tăng ni có nơi tu học”.

Trong sự nghiệp hoàng hóa độ sanh, ngoài những công tác Phật sự, Ni trưởng còn biên dịch, soạn thảo và trước tác nhiều tác phẩm Phật học giá trị, trong đó có các tác phẩm nổi tiếng:  Kinh Lăng Già Tâm Ẫn, Đại Trí Độ Luận, Thành Duy Thức Luận, Kinh Duy Ma Cật, đặc biệt có nhiều bài thơ khuyến tu rất hay.

H.T.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here