Trang chủ Thiền môn xứ Huế Lễ tảo tháp Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán tại Huế

Lễ tảo tháp Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán tại Huế

802
0

Sáng 19-11-Quý Mão (31-12-2023), lễ tảo tháp Đức Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán đã được trang nghiêm tổ chức với sự tham dự có chư tôn đức giáo phẩm chứng minh, thành viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, chư Tăng Ni các tổ đình, tự viện trong và ngoài tỉnh.

Tham dự lễ dâng hương, đảnh lễ tại bảo tháp Tổ sư Liễu Quán tại khu vực núi Thiên Thai (P.An Tây, TP.Huế) có Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN; chư vị Trưởng lão giáo phẩm thành viên Hội đồng Chứng minh; chư tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Tăng Ni các tự viện cùng đồng bào Phật tử các giới đồng tham dự.

Đối trước bảo tháp Tổ sư Liễu Quán, chư Tăng Ni đã cung kính lắng nghe cung tuyên tiểu sử Đức Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán, người đã khai sáng nên một dòng thiền mang đậm dấu ấn Việt Nam dưới thời chúa Nguyễn mà sự truyền thừa và sức ảnh hưởng còn tiếp nối mãi cho đến tận ngày nay.

Chư vị Trưởng lão, giáo phẩm tưởng niệm Tổ sư Liễu Quán

Chư vị Trưởng lão, giáo phẩm tưởng niệm Tổ sư Liễu Quán

Trong không khí thiêng liêng, hương trầm quyện tỏa, toàn thể hội chúng trong tinh thần của các đệ tử Tổ sư từ nhiều nơi hội về đã cung kính đảnh lễ cúng dường, tưởng nhớ thâm ân và hữu nhiễu bảo tháp.

Tổ sư họ Lê, húy Thiệt Diệu, hiệu Liễu Quán, khánh sanh vào giờ Thìn ngày 18 tháng 11 năm Đinh Mùi [1667] tại làng Bạc Má, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (nay thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Ngài mồ côi mẹ từ năm lên 6 tuổi [1673]. Năm 12 tuổi [1678], trong một lần được thân phụ đưa đi chùa Hội Tôn ở Phú Yên lễ Phật, được gặp Hòa thượng Tế Viên rồi xin Hòa thượng xuất gia tại đây. Học đạo tại chùa Hội Tôn được 7 năm [1680] thì Hòa thượng Tế Viên viên tịch. Sau khi lo lễ tang của Thầy hoàn tất, Ngài lên đường ra Thuận Hóa, đến núi Hàm Long đảnh lễ Giác Phong Lão Tổ xin học đạo. Năm Tân Mùi [1691], sau hơn 10 năm học đạo tại đây, và sau một năm được xuống tóc, Ngài xin phép Giác Phong Lão Tổ trở lại quê nhà Phú Yên để phụng dưỡng thân phụ đang ốm bệnh. Sau bốn năm thì thân phụ Ngài qua đời.

Hòa thượng Thích Hải Ấn cung tuyên tiểu sử Tổ sư Liễu Quán

Hòa thượng Thích Hải Ấn cung tuyên tiểu sử Tổ sư Liễu Quán

Năm Ất Hợi [1695], Ngài lại trở ra Thuận Hóa cầu thọ Sa-di giới tại Giới đàn chùa Thiền Lâm, do Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu tổ chức, Hòa thượng Thạch Liêm Đại Sán làm Đàn đầu truyền giới. Hai năm sau, vào năm Đinh Sửu [1697], Ngài thọ Cụ túc giới với Từ Lâm Lão Tổ. Sau khi đắc giới Cụ túc, ngài vào tịnh tu tại một ngôi miếu nhỏ dưới chân Hòn Mô (núi Ngự Bình), và đến mùa Đông năm ấy [Đinh Sửu, 1697], Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu chính thức cho trùng tu ngôi miếu thành chùa và sắc ban biển hiệu “Sắc tứ Viên Thông Am”.

Đến năm Kỷ Mão [1699], Ngài tham lễ khắp chốn tòng lâm Thuận Hóa để tìm cao tăng cầu học đạo thiền. Năm Nhâm Ngọ [1702], Ngài tìm đến chùa Ấn Tôn (tức Từ Đàm ngày nay) ở núi Long Sơn, đảnh lễ Tổ Minh Hoằng Tử Dung cầu học pháp tham thiền và được Tổ trao công án:

“Vạn pháp qui nhất, nhất qui hà xứ?”

(Muôn pháp về một, một về chỗ nào?).

Mùa xuân năm Mậu Tý [1708], Ngài trở lại chùa Ấn Tôn cầu Tổ sư Tử Dung ấn chứng. Đến mùa hạ năm Nhâm Thìn [1712], Tổ sư Tử Dung vào Quảng Nam dự lễ “Toàn viện”, nhân đó Ngài trình lên Tổ sư bài kệ “Dục Phật” (Tắm Phật). Nhận thấy Ngài Liễu Quán lâm cơ ứng luận rất phù hợp nên Tổ sư Tử Dung tỏ ý hài lòng và ấn chứng. Ngài chính thức đắc pháp tâm thiền.

 
Chư tôn đức hữu nhiễu bảo tháp

Chư tôn đức hữu nhiễu bảo tháp

Sau khi được Tổ sư Tử Dung ấn chứng, Tổ Liễu Quán vân du thuyết pháp độ sinh từ Phú Yên đến Thuận Hóa, suối pháp trải khắp xứ Đàng Trong.

Mùa xuân năm Nhâm Dần [1722], Tổ Liễu Quán trở về Thuận Hóa và trú tại tổ đình Viên Thông. Trong các năm Quý Sửu [1733], Giáp Dần [1734] và Ất Mão [1735], Ngài liên tiếp tổ chức ba Đại giới đàn tại Thuận Hóa để truyền trì mạng mạch Phật pháp. Năm Canh Thân [1740], Ngài được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng tại Đại giới đàn Long Hoa. Đến mùa xuân năm Nhâm Tuất [1742], Ngài lại mở Giới đàn tại chùa Viên Thông, có hơn bốn ngàn đệ tử xuất gia và tại gia thọ giới.

Xem video

Sáng ngày 21 tháng 11 năm Nhâm Tuất [1742], tại chùa Viên Thông, Tổ Liễu Quán dạy đồ chúng đem bút mực ra để viết bài kệ:

Thất thập dư niên thế giới trung

Không không sắc sắc diệc dung thông

Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý

Hà tất bôn mang vấn tổ tông?

(Hơn bảy mươi năm trong thế giới

Không không, sắc sắc đã dung thông

Hôm nay nguyện mãn về chốn cũ

Nào phải ân cần hỏi tổ tông?).

 

Vào giờ Mùi, ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Tuất [1742], Ngài viên tịch tại Tổ đình Viên Thông, thọ thế 76 tuổi, với 43 năm truyền y bát, 34 năm thuyết pháp lợi sanh. Đệ tử xuất gia và tại gia có đến ngàn vạn, cao đồ có 49 người.

Tháng 2 năm Quý Hợi [1743], môn đồ tứ chúng cử hành lễ thỉnh kim quan Tổ sư nhập bảo tháp Vô Lượng Quang dưới chân núi Thiên Thai.

Cung kính tưởng nhớ bậc Tổ sư khai sáng

Cung kính tưởng nhớ bậc Tổ sư khai sáng

Cảm mến đức độ của Tổ sư, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban thụy là “Chánh Giác Viên Ngộ Hòa thượng” và cho khắc bi minh tán dương công hạnh của Ngài.

Ngày tốt tháng 4 năm Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 [1748], môn đồ tứ chúng dựng bia ký tháp Tổ, do Hòa thượng Thiện Kế – hàng cháu trong đạo ở tại chùa Tang Liên, huyện Ôn Lăng, tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa phụng soạn.

Lễ tảo tháp Tổ sư Liễu Quán là một trong số những sinh hoạt đặc thù của Phật giáo tại Cố đô, được tổ chức hàng năm vào trước ngày húy nhật Tổ sư. Vào ngày nay, chư Tăng Ni là đệ tử các đời thuộc phổ hệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán, từ các tự viện trên địa bàn Thừa Thiên Huế cùng tìm về phát quang, tảo tháp nhằm thể hiện lòng tri ân, tưởng nhớ ngài. Truyền thống này đã được lưu giữ bởi nhiều thế hệ Tăng Ni của Phật giáo xứ Xuân kinh.

Năm nay, ngay sau lễ tảo tháp Tổ sư Liễu Quán, Hội thảo khoa học với chủ đề “Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển” sẽ được khai mạc tại cơ sở II Học viện Phật giáo VN tại Huế (P.An Tây, TP.Huế), kéo dài từ ngày 18 đến 21-11-Quý Mão (30-12-2023 đến 2-1-2024), nhân tưởng niệm 281 năm Tổ sư Liễu Quán viên tịch (1742-2023).

Hình ảnh ghi nhận tại lễ tảo tháp:

 

16 giờ chiều nay, 30-12-2023, Ban Tổ chức Hội thảo khoa học “Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển” trang trọng khai mạc Triển lãm “Bảo đạc trường minh”, trưng bày ở cơ sở I của Học viện Phật giáo VN tại Huế (chùa Hồng Đức, số 109 đường Minh Mạng, phường Thủy Xuân, thành phố Huế).

Hiện diện tham dự lễ khai mạc có Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN; chư vị Trưởng lão Ủy viên Ban Thường trực, Thành viên Hội đồng chứng minh; chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Trị sự các tỉnh, thành; chư Tăng Ni các nơi đồng tham dự.

Xem bản tin của Giác Ngộ TV

Về phía lãnh đạo chính quyền có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; lãnh đạo Ban Tôn giáo, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh nhà; cùng quý đại biểu, học giả, nhân sĩ trí thức hiện diện tham dự.

Phát biểu khai mạc. Hòa thượng Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế, Trưởng ban Tổ chức cho biết đây là hoạt động văn hóa quan trọng bên cạnh hội thảo khoa học, trong chuỗi các sự kiện tưởng niệm 281 năm Tổ sư Liễu Quán viên tịch (1742-2023).

Hòa thượng Thích Hải Ấn phát biểu khai mạc

Hòa thượng Thích Hải Ấn phát biểu khai mạc

“Bảo đạc trường minh” (寶鐸長鳴) là bốn chữ được trích từ cặp đối trên nghi môn bảo tháp Tổ sư Liễu Quán:

寶鐸長鳴,不断門前流綠水;

法身獨露,依然坐裏看青山.

Bảo đạc trường minh, bất đoạn môn tiền lưu lục thủy;

Pháp thân độc lộ, y nhiên tọa lý khán thanh sơn.

(Chuông báu vang mãi, tợ dòng suối biếc trước cửa chảy hoài chẳng dứt; Pháp thân hiển lộ, như ngài đang an nhiên tĩnh tọa trong bảo tháp ngắm núi xanh).

Cặp đối gồm một vế động một vế tĩnh. Vế động tượng trưng cho “tướng” hành hoạt bên ngoài; vế tĩnh tượng trưng cho “thể” bất sinh bất diệt bên trong.

Theo Hòa thượng Thích Hải Ấn, chủ đề của triển lãm được chọn phát xuất từ ý nghĩa ấy: “Bảo đạc trường minh” – Pháp âm của Tổ vang mãi, với một thanh âm độc lộ, thanh thoát, vô tướng vô ngôn giữa bao cung bậc phù trầm của nhân thế, nhưng vẫn mãi ngưng đọng ngân vang và hiện hình sống động trong tâm thức từ thế hệ này sang thế hệ khác…

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phát biểu

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phát biểu

Phát biểu tại lễ khai mạc, thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế gửi lời chúc mừng đến Ban Tổ chức Hội thảo. Nhận định Hội thảo khoa học “Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển” và triển lãm “Bảo đạc trường minh” lần đầu tiên được tổ chức là hoạt động hết sức đặc biệt của Phật giáo Huế, góp phần vào việc lưu giữ, phát triển di sản văn hóa Phật giáo Huế nói riêng, một phần gắn bó mật thiết trong văn hóa của Huế – vùng đất với bề dày lịch sử, từng giữ vai trò thủ phủ dưới thời các chúa Nguyễn và là kinh đô của triều đại nhà Nguyễn.

Thiền phái Liễu Quán, với đặc trưng là một thiền phái nổi bật của Phật giáo Việt Nam đã góp phần tạo nên nét đặc sắc, riêng biệt của Phật giáo Huế và cả văn hóa Phật giáo Việt Nam. Theo ông Phan Ngọc Thọ, hội thảo lần này, cũng như triển lãm “Bảo đạc trường minh” với việc giới thiệu kho tàng tư liệu hết sức quý giá nói lên mong muốn phát huy những giá trị trường tồn của Phật giáo Huế. Điều đó cũng góp phần vào tiến trình xây dựng và phát triển bản sắc văn hóa Huế mà chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã và đang chung tay thực hiện.

Thiền phái Liễu Quán, với đặc trưng là một thiền phái nổi bật của Phật giáo Việt Nam đã góp phần tạo nên nét đặc sắc, riêng biệt của Phật giáo Huế và cả văn hóa Phật giáo Việt Nam

Thiền phái Liễu Quán, với đặc trưng là một thiền phái nổi bật của Phật giáo Việt Nam đã góp phần tạo nên nét đặc sắc, riêng biệt của Phật giáo Huế và cả văn hóa Phật giáo Việt Nam

Triển lãm trưng bày trên 200 đầu mục tư liệu gồm kinh sách, thư tịch cổ liên quan đến Tổ sư Liễu Quán và lịch đại Tổ sư truyền thừa; gia phổ họ tộc của các thiền sư thuộc thiền phái Liễu Quán; Hộ giới điệp; Chánh pháp nhãn tạng Châu bản thời chúa Nguyễn; Châu bản, sắc phong và độ điệp thời vương triều Nguyễn,cùng nhiều loại hình điển tịch cổ và văn bản Hán Nôm có giá trị sử liệu khác, với niên đại trải dài từ cuối thế kỷ thứ XVIII đến nửa cuối thế kỷ XX.

Bên cạnh đó, ở không gian ngoại vi khu trưng bày trung tâm giới thiệu hơn 100 hình ảnh về các ngôi cổ tự, bảo tháp, pháp tượng pháp khí,… liên quan đến quá trình học đạo, hành đạo, khai sáng tự vũ, tục diệm truyền đăng của Tổ sư Liễu Quán và các thế hệ truyền thừa, trải dài từ Thanh Hóa đến tận các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ.

Không gian triển lãm được thiết trí công phu, trang nhã

Không gian triển lãm được thiết trí công phu, trang nhã

“Với những nội dung như trên, triển lãm nhằm mục đích góp phần làm sáng tỏ công hạnh của Đức Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán và lịch đại Tổ sư của thiền phái qua 5 nhánh truyền thừa chính: Nhánh của ngài Tế Ân Lưu Quang (khởi truyền tại Thuận Hóa); nhánh của ngài Tế Nhơn Hữu Phi (khởi truyền từ Thuận Hóa, phát triển mạnh tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ); nhánh của ngài Tế Lập Ứng Am (khởi truyền từ Bình Định); nhánh của ngài Tế Căn Từ Chiếu (khởi truyền từ Phú Yên) và nhánh của ngài Tế Hiển Bửu Dương (khởi truyền từ Khánh Hòa). Qua đó, bước đầu phác họa phổ hệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán kể từ buổi đầu khai phái (đầu thế kỷ XVIII) đến tận hôm nay, lan tỏa khắp các tỉnh thành ở trong nước cũng như hải ngoại”, lời giới thuyết của Ban Tổ chức cho biết.

Khai mạc mở cửa tự do, đến ngày 10-1-2024, phục vụ hội thảo và giới nghiên cứu Phật giáo, văn hóa Huế cũng như lịch sử và văn hóa dân tộc.

Một số hình ảnh ghi nhận tại buổi khai mạc triển lãm:

Tôn dung Tổ sư Liễu Quán của danh họa Phạm Đăng Trí và thác bản "Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương" trên cổng khu tháp Tổ Liễu Quán tại núi Thiên Thai được thiết trí trang trọng ở khu vực trung tâm của không gian triển lãm

Tôn dung Tổ sư Liễu Quán của danh họa Phạm Đăng Trí và thác bản “Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương” trên cổng khu tháp Tổ Liễu Quán tại núi Thiên Thai được thiết trí trang trọng ở khu vực trung tâm của không gian triển lãm

Lãnh đạo Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng

Lãnh đạo Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng

Cắt băng chính thức khai mạc không gian triển lãm

Cắt băng chính thức khai mạc không gian triển lãm

Thượng tọa Thích Không Nhiên, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế, Phó ban Tổ chức Hội thảo giới thiệu về các tư liệu được trưng bày tại triển lãm

Thượng tọa Thích Không Nhiên, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế, Phó ban Tổ chức Hội thảo giới thiệu về các tư liệu được trưng bày tại triển lãm

Giáo sư Lê Mạnh Thát hiện diện tại lễ khai mạc

Giáo sư Lê Mạnh Thát hiện diện tại lễ khai mạc

Nhiều bản Hộ giới điệp của các vị Tổ sư có niên đại từ thời Minh Mạng, Thiệu Trị với những đặc trưng văn bản riêng của thời kỳ này

Nhiều bản Hộ giới điệp của các vị Tổ sư có niên đại từ thời Minh Mạng, Thiệu Trị với những đặc trưng văn bản riêng của thời kỳ này

Triển lãm trưng bày trên 200 đầu mục tư liệu gồm kinh sách, thư tịch cổ liên quan đến Tổ sư Liễu Quán và lịch đại Tổ sư truyền thừa; gia phổ họ tộc của các thiền sư thuộc thiền phái Liễu Quán

Triển lãm trưng bày trên 200 đầu mục tư liệu gồm kinh sách, thư tịch cổ liên quan đến Tổ sư Liễu Quán và lịch đại Tổ sư truyền thừa; gia phổ họ tộc của các thiền sư thuộc thiền phái Liễu Quán

“Bảo đạc trường minh” mang ý nghĩa Pháp âm của Tổ vang mãi, ngưng đọng ngân vang và hiện hình sống động trong tâm thức từ thế hệ này sang thế hệ khác…

Bảo đạc trường minh” mang ý nghĩa Pháp âm của Tổ vang mãi, ngưng đọng ngân vang và hiện hình sống động trong tâm thức từ thế hệ này sang thế hệ khác…

Các tư liệu mang đến cho công chúng một cái nhìn tổng quan về sự truyền thừa, sức sống linh động của Thiền phái Liễu Quán qua không gian và thời gian

Các tư liệu mang đến cho công chúng một cái nhìn tổng quan về sự truyền thừa, sức sống linh động của Thiền phái Liễu Quán qua không gian và thời gian

Trong đó có những tư liệu hết sức quý giá, lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng

Trong đó có những tư liệu hết sức quý giá, lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng

Triển lãm ngay từ ngày khai mạc đã thu hút rất đông Tăng Ni, Phật tử và học giới quan tâm

Triển lãm ngay từ ngày khai mạc đã thu hút rất đông Tăng Ni, Phật tử và học giới quan tâm

Các văn bản ngoài việc mang giá trị tư liệu còn có sức sống thiêng liêng của một trong những Thiền phái lớn nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam

Các văn bản ngoài việc mang giá trị tư liệu còn có sức sống thiêng liêng của một trong những Thiền phái lớn nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam

Triển lãm giới thiệu một số châu bản có niên đại từ thời các chúa Nguyễn được lưu giữ trong các chùa chiền thuộc Thiền phái Liễu Quán

Triển lãm giới thiệu một số châu bản có niên đại từ thời các chúa Nguyễn được lưu giữ trong các chùa chiền thuộc Thiền phái Liễu Quán

Ở không gian ngoại vi khu trưng bày trung tâm giới thiệu hơn 100 hình ảnh về các ngôi cổ tự, bảo tháp, pháp tượng pháp khí,...

Ở không gian ngoại vi khu trưng bày trung tâm giới thiệu hơn 100 hình ảnh về các ngôi cổ tự, bảo tháp, pháp tượng pháp khí,…

Những hình ảnh có nội dung liên quan đến quá trình học đạo, hành đạo, khai sáng tự vũ, tục diệm truyền đăng của Tổ sư Liễu Quán

Những hình ảnh có nội dung liên quan đến quá trình học đạo, hành đạo, khai sáng tự vũ, tục diệm truyền đăng của Tổ sư Liễu Quán

Giới thiệu các ngôi chùa thuộc Thiền phái Liễu Quán trải dài dọc miền đất nước

Giới thiệu các ngôi chùa thuộc Thiền phái Liễu Quán trải dài dọc miền đất nước

Qua đó cho thấy được sự ảnh hưởng của Thiền phái Liễu Quán kéo dài từ Thanh Hóa cho đến tận miền Nam

Qua đó cho thấy được sự ảnh hưởng của Thiền phái Liễu Quán kéo dài từ Thanh Hóa cho đến tận miền Nam

Nguyễn Cường – Văn Phúc


        

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here