Rộn ràng với hoa
Làng Thanh Tiên cách trung tâm kinh thành Huế chừng 10 km về phía Đông Bắc, là mảnh đất thuần nông nhưng lại có nghề truyền thống làm hoa giấy đã mấy trăm năm nay. Làm hoa giấy vào dịp chuẩn bị đón Tết trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của những con người ở vùng hạ du sông Hương này.
Ông Phạm Hóa- một người làm hoa giấy lâu năm của làng cho biết, những hộ dân làm hoa ở đây chỉ làm theo vụ mùa Tết, còn lại đều là nông dân chân lấm tay bùn, phải dựa vào nghề nông để sống. “Làm hoa giấy ngày Tết dường như đã trở thành nếp truyền thống in sâu vào tâm thức của dân làng Thanh Tiên nên dẫu khó khăn bộn bề, những người trong làng vẫn tranh thủ làm hoa phục vụ cho bà con khắp nơi đón Tết”- ông Hóa nói. Vào đầu tháng mười một, người dân bắt đầu phơi tre, chọn tre và chẻ tre cho thật khéo léo. Nửa cuối tháng lại bắt đầu nhuộm giấy, nhà nào có điều kiện thì mua giấy màu trên thị trường đang bán. Và bắt đầu sang tháng cuối cùng của năm, mọi thành viên trong gia đình đều quây quần làm hoa giấy.
Những hộ dân ở đây vẫn đang còn làm hoa bởi dòng họ có đến 4, 5 đời làm nghề này. “Hai vợ chồng ngày làm đồng, tối về lại hì hục làm hoa. Mấy đứa nhỏ trong nhà cũng vừa thi học kỳ xong nên tranh thủ phụ giúp cha mẹ nhưng nhiều lắm thì chỉ làm được nghìn cái là nhiều!”- anh Loan, một người làm hoa giấy trong làng nói. Không chỉ gia đình anh Loan, chú Hóa, nhiều hộ nông dân, người thợ phụ hồ cứ sau giờ làm việc ban ngày thì đêm đến lại đem vật liệu ra làm hoa. Nhìn thì thấy dễ nhưng làm được những cánh hoa đủ loại, đủ kiểu như thế này thì đòi hỏi người thợ phải khéo tay và có con mắt thẩm mỹ trong việc phối màu những cánh hoa.
Theo thống kê hiện chỉ còn chưa đầy 20 hộ làm hoa giấy, những năm trước đó có trên 50 hộ. “Không biết năm sau và năm sau nữa, liệu có còn hộ nào theo nghề không!”- ông Hóa nói.
Rong ruổi phố phường
Không biết tự bao giờ, cánh hoa giấy Thanh Tiên đã gắn sâu trong tâm linh của mỗi người dân cố đô. Dù công việc có bận rộn đến chừng nào đi nữa, người ta vẫn không quên mua vài cành hoa vào độ cuối năm để đặt trên bàn thờ tổ tiên, đặt trên bếp. Hoa giấy được cắm đối xứng hai bên bàn thờ, nhiều kiểu cách và màu sắc trông rất bắt mắt, lại thêm một vài nén nhang thơm là “hương vị” ngày Tết như bao trùm cả không gian. Vẻ đẹp tín ngưỡng của hoa là thế nhưng đằng sau nó lại là những nỗi thổn thức âm thầm của những người thợ từng “sống chết” với nghề. Người dân làng Thanh Tiên cũng vì quá yêu nghề nên lấy công làm lãi. Trên thị trường hiện có rất nhiều mẫu với đủ màu sắc ưa chuộng, giá cả lại phải chăng nhưng những người dân Huế hầu như chỉ quen với hoa giấy làng Thanh Tiên.
Không chỉ làm hoa, nhiều người dân Thanh Tiên còn tự tay đem sản phẩm của mình đi bán. Những ngày nửa cuối tháng Chạp, khắp các chợ ở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế đều có bóng dáng của hoa giấy Thanh Tiên. Ông Thôi, một người dân trong làng cho biết, gia đình ông năm nào cũng làm hoa, nhưng có điều không có đông con cháu rong ruổi phố phường để bán hoa nên ông còn chia sẻ với các hộ dân khác bằng cách đưa sản phẩm cho họ đi bán kiếm lãi. Hoa giấy Thanh Tiên những năm thịnh vượng, người bán còn chạy ra tận Quảng Trị, vào Đà Nẵng nhưng thời gian gần đây thị trường trên không mấy ưa chuộng.
Khi làm hoa giấy thì đau lưng mỏi mắt, lúc đi bán lại đau nhức cả đôi bàn chân bởi chỉ với đi bộ thì người khác mới chú ý và bán được hàng. Ấy vậy mà hàng trăm con người ở làng quê bình yên này lại háo hức với từng cây hoa khắp mọi nẻo đường. Buổi sáng có khi ở chợ này, buổi chiều lại lang thang qua chợ nọ, phố kia. Thời tiết miền Trung nắng mưa bất thường, không may những ngày cuối tháng Chạp trời trở mưa thì những cánh hoa Thanh Tiên đi bán dạo cũng ngậm ngùi trở về. “Mần chi thì mần chứ đến chiều 30 Tết mà không bán hết hoa thì coi như bỏ. Có người tiếc công nên đem về đốt luôn trong bữa tất niên muộn cuối năm của gia đình”- anh Nguyễn Loan nói.
Những năm gần đây, nhiều gia đình ở làng Thanh Tiên còn trồng thêm hoa tươi để tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán. Thế nhưng những cơn lũ vừa qua đã làm vùng hạ du sông Hương này bị ảnh hưởng nặng nề, nông dân lại rơi vào khó khăn.
Theo Báo Văn Hóa