Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Lăng mộ – một loại hình di tích xứ Huế

Lăng mộ – một loại hình di tích xứ Huế

140
0

I. QUAN NIỆM VỀ SỐNG CHẾT

Có lẽ trên phạm vi toàn lãnh thổ của đất nước Việt , diện tích lăng mộ chiếm một số lượng đáng kể bên cạnh diện tích sản xuất và diện tích cư trú. Sự tồn tại của loại hình kiến trúc này là xuất phát từ quan niệm đạo đức luân lí về sự sống và cái chết cùng thái độ ứng xử của con người trong giao tiếp xã hội và gia đình nói chung.

Trong bài văn bia tháp mộ ngài Liễu Quán, nhà sư Trung Quốc Thiện Kế viết: “Phù! Ngô giáo trung vi nhất đại sự, hà dã? Sinh bất xuất tử quyết lai, tử bất nhập tử quyết khứ. Thị dĩ cổ nhân nham cư sào xử, phế tẩm vong xan, bất tích thân mệnh, giai vị sinh tử sự đại nhĩ!” (Ôi! trong đạo ta, điều gì lớn nhất? Sinh mà không thoát chết là đến, chết mà không vào cõi chết là đi. Cho.nên người xưa nằm hang ở tổ, bỏ ngủ quên ăn, không tiếc thân mình, đều vì sống chết là việc lớn đấy thôi!). Sống chết là hai đầu cực của cuộc đời, nhưng đều không thuộc quyền quyết định của con người, cho nên nhà Phật tu hành là để nắm lấy nó, làm chủ nó, bắt nó phải tuân theo ý chí mình. Dĩ nhiên, họ không hề sợ hãi khi đối đầu với sinh tử, dù vẫn xác nhận đó là những “việc lớn” cần tính đến trong tư tưởng…

Nhà Nho cũng chung quan điểm, nhưng lại không bận bịu đến những triết lý cao siêu, như con người từ đâu đến, rồi sẽ đi về đâu, họ chỉ đón nhận cái sống và cái chết bằng thái độ thản nhiên như một tất yếu, “sinh ký tử quy” (sống gởi thác về), đồng thời lấy nó làm cứu cánh để xác định phép đối nhân xử thế, đặt ra những bài học luân lý để sống sao cho ra sống, chết sao cho đáng chết. Nhân dân Việt Nam ta nói chung cũng có cách nhìn, cách nghĩ riêng về “đại sự” ấy từ lâu đời, và cũng tiếp thu tư tưởng Phật, Nho để đúc thành nhiều tập tục lưu truyền qua hàng nghìn năm, trong đó, có lẽ họ quan tâm đến “cái chết" nhiều hơn. Việc chôn cất, thờ cúng được coi trọng hàng đầu, thường gọi là “việc hiếu”, “chữ hiếu”, mặc dù “chữ hiếu” không chỉ có thế.

Hiếu nguyên chỉ bổn phận của người con đối với cha mẹ, đi đôi cùng với trung chỉ bổn phận của người dân đối với nhà vua dưới xã hội Nho giáo. Thật ra, dưới mắt Khổng Tử, hiếu chưa có một địa vị đặc biệt nào, ông còn ít bàn về đạo hiếu hơn là về nhân, về nghĩa… Khi đệ tử Phan Trì hỏi, ông trả lời vắn tắt: “Vô vi” (chớ trái ngược), hàm ý được giải thích: “Sinh, sự chi dĩ lễ, tử, táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ” (Khi [cha mẹ] còn sống, phụng dưỡng cho có lễ; khi [cha mẹ] đã chết, chôn cất cho có lễ, cúng tế cho có lễ – Luận ngữ, “Vi chính”). Khổng Tử cũng có khai triển thành những bài dạy rất cô đọng. Chẳng hạn, về phụng dưỡng cha mẹ, ông nói: “Chí ư khuyển mã giai năng hữu dưỡng, bất kính hà dĩ biệt hồ?” (Đến như chó ngựa người ta còn nuôi được thay; nuôi cha mẹ mà chẳng kính, thì có khác gì!- Luận ngữ, “Vi chính”), nghĩa là phải lấy tình cảm, thái độ làm trọng…

Người nổi tiếng về lí thuyết đạo hiếu là Tăng Sâm, môn đệ của Khổng Tử. Ông nâng nó lên hàng triết học nhân sinh, viết thành tập sách mà đời sau gọi là Hiếu kinh, xếp vào số giáo khoa thư chủ yếu. Để thực hành chữ hiếu, ông đề ra thứ tự “đại hiếu tôn thân, kì thứ phất nhục, kì thứ năng dưỡng” (Hiếu trước hết là phải tôn kính cha mẹ, thứ hai là đừng làm điếm nhục, và cuối cùng nên nuôi dưỡng đầy đủ). Sau đó, Hiếu kinh giải thích từng chi tiết một. "Tôn thân" nghĩa là giữ gìn kính trọng cái nhân cách của cha mẹ, khiến cho người có thể phối hợp với trời; “tôn thân” cũng có nghĩa là hoàn thành cái nhân cách của chính mình để cha mẹ được thơm lây. “Phất nhục” thì một mặt phải giữ gìn toàn vẹn thân thể của mình, một mặt phải cẩn thận trong cách xử thế để tránh lầm lỗi, thực hiện đạo làm người cho chu toàn. Còn “năng dưỡng" thì chăm lo cho cha mẹ cuộc sống đầy đủ bằng tấm lòng thành kính. Nhưng “dưỡng sinh” không bằng "tống tử", ông nói: “Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu hỉ” (Thận trọng trong khi chôn cất, cúng tế tổ tiên ở xã đời, dân sẽ cảm hóa đức dày của mình mà quay về đạo hiếu).

Tất nhiên trong tư tưởng của Khổng Tử và Tăng Tử, những điều tiêu cực không hiếm (1), nhưng những giá trị tích cực thì được nhân dân ta tiếp thu và bảo tồn, trong đó có "việc hiếu", tức việc chôn cất và thờ cúng người chết (tử táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ). Từ thời cổ, tổ tiên người Lạc Việt đã biết chôn người thân ngay nơi cư trú bằng nhiều hình thức khác nhau, trong các dụng cụ khác nhau, với nhiều tư thế khác nhau. Qua thời gian, tục mai táng dần dần thay đổi, hoặc do sự sợ hãi vì tin tưởng linh hồn vẫn tồn tại sau khi thân thể đã tiêu tan, hoặc do ảnh hưởng của các nền văn minh tiếp cận, đặc biệt Trung Quốc. Người chết được chôn xa cách nơi cư trú, ở những khu riêng, với một số nghi thức nhất định. Nơi "an nghỉ cuối cùng" được chuẩn bị và chăm sóc chu đáo…

II. NHỮNG NGÔI NHÀ VĨNH CỬU

Trong các thời kì phong kiến, tùy theo tầng lớp sinh tiền của người chết, nơi “an nghỉ cuối cùng” được gọi bằng những từ khác nhau. Lăng hay sơn lăng là chỗ tọa lạc cái "nhà vĩnh cửu" của vua, tẩm dành cho hoàng hậu, hoàng thân; tháp là nơi tôn trí xá lợi của các nhà sư, ngoài ra đều gọi chung là mộ, không phân biệt giàu nghèo sang hèn. Những cái tên gọi ấy phải được tôn trọng, vi phạm thì khó tránh khỏi hình phạt. Trong bảy tội mà triều đình Minh Mạng kê vào bản án Lê Văn Duyệt, chúng ta thấy có tội " tiếm gọi mộ mẹ là lăng" đủ chứng tỏ điều này (2). Ngày nay, người ta không còn phân biệt như thế nữa, cứ hễ xây dựng qui mô kha khá một chút thì gọi là lăng, bất kể người nằm dưới ba thước đất là ai. Một số từ bóng bẩy khác cũng được dùng, như "nhà tùng thư", "sơn phần", "tử phần"… đặc biệt trong văn thơ.

Nhân dân ta rất trọng nơi " an nghỉ cuối cùng" này, có người chưa chết đã tự chuẩn bị cho mình hoặc do con cháu lo trước) cái gọi là: " sinh phần", kể cả cỗ áo quan. Nhiều câu tục ngữ thể hiện tập tục ấy, như "sống nhà thác mồ", "sống về mồ mả không sống về cả bát cơm", "không mả đố ả làm nên"… Họ xem đất, ngắm hướng rất kỹ, cho rằng nó quan hệ đến tiền đồ của con cháu, của dòng tộc, có đất phát khoa cử, có đất phát quan trường, cũng có đất khuynh gia bại sản… nên việc chôn cất không thể coi thường. Vua Tự Đức từng viết trong bài văn bia Khiêm Cung Kí: " Nhân chi ư sinh tử đại hỉ, nhiên diệc thường hỉ! Nhan yểu Bành thọ, Di thiện Chích ác, kì sinh giả cố tự bất đồng, kì tử giả vô bất đồng dã. Cái bất hủ giả danh dã, sở dĩ biệt ư cầm thú, lễ dã, diệc tình dã. Quân tức vị nhi vi bài, tuế nhất tất chi tàng yên. Dư cảm vi tiên vương chi chế! Cường giả do ưu, mỉ thường thân nhược giả hà cảm tất?" (Đối với con người, sống chết là vấn đề lớn đấy, nhưng thật cũng thường thôi! Nhan chết yểu, Bành sống dai, Di hiền lành, Chích hung dữ, sống thì không ai giống ai, mà chết thì không thể không giống nhau vậy. Cho nên, danh là cái không mục nát, còn thân là cái không thể không mục nát. Thế thì vội gì lo đến việc về sau? Chỉ vì chôn là cất giấu. Nó làm cho con người khác với loài chim muông, ấy là do lễ, mà cũng do tình nữa. Các vị vua xưa khi mới lên ngôi đã sai đóng quan tài, mỗi năm sơn một lần, rồi đem cất đi! Ta đâu dám làm sai thể chế của tiên vương. Người khỏe mạnh còn lo chuyện bất ngờ, huống chi người yếu đuối lại dám bỏ qua ư?).

Sự chuẩn bị cho nơi yên nghỉ cuối cùng của mình hay của người thân quả thật hết sức chu đáo, do đó, đến nay, chúng ta có một loại hình di tích khá phổ biến với qui mô và giá trị khác nhau:

Lăng của các hoàng đế nhà Nguyễn mang nhiều giá trị nhất, về kiến trúc, nghệ thuật lẫn lịch sử, văn hóa không đâu có. Mỗi làng được đặt một tên, nhưng ta vẫn quen dùng niên hiệu của vua để gọi, như Thiên Thụ lăng là lăng Gia Long, Hiếu Lăng là lăng Minh Mạng… Nổi bật nhất là Khiêm Lăng, tức lăng vua Tự Đức…

– Tẩm của các ông hoàng bà chúa nhà Nguyễn, rãi rác khắp nơi, một số khá lớn nhưng cũng có giá trị về kiến trúc, nhưng chủ yếu là giá trị nhân vật lịch sử – văn hóa, như tẩm Tuy Lí Vương, tẩm Tùng Thiện Vương, tẩm Mai Am…, đặc biệt tẩm bà Chiêu Nghi Trần Thị Xạ, là tẩm duy nhất thế kỉ XVIII còn nguyên vẹn, kể cả tấm bia với bài văn rất hay.

– Tháp của các thiền sư là một loại hình đặc biệt, bởi vì xưa kia, Huế nổi tiếng là xứ sở của Phật giáo với tên gọi " Thiền kinh" bên cạnh " Thần kinh", đô thành chính trị. Tháp cổ nhất có tháp ngài Nguyên Thiều, tổ Trung Quốc của dòng Lâm Tế, tháp ngài Khắc Huyền, vị khai sơn chùa Thiếu Lâm của dòng Tào Động, và tháp ngài Liễu Quán, tổ Việt Nam cũng của dòng Lâm Tế, cả hai đều có bia… Những tháp ấy mang nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc và cả cảnh quan…

– Mộ hợp thành, từng khu vực rộng hẹp khác nhau, qui mô khác nhau, thường ít có giá trị kiến trúc, và chúng ta đặc biệt chú ý đến hai đối tượng: thứ nhất là mộ các danh nhân lịch sử văn hóa, như mộ Đặng Huy Trứ, Đặng Huy Cát, mộ Nguyễn Khoa Chiêm, Trần Văn Kỉ, Trần Thúc Nhẫn… Thứ hai là mộ các vị khai canh khai khẩn của làng ấp rãi rác khắp nơi như mộ Hồ Đại tướng quân làng Thế Lại, mộ Phiên vệ đồng tổng tri Nguyễn quý công làng Phước Yên, mộ Phạm đại lang làng Dương Xuân…

Ngôi mộ đơn giản nhất chỉ gồm một nắm đất trơ trọi hình tròn hay chữ nhật trên uynh đắp cao hơn chung quanh, nếu khá hơn thì được xây bao quanh một la thành móng ngựa hay vuông, trổ cửa ra vào. Với qui mô lớn, chúng ta thấy những mộ xây theo lối kiến trúc truyền thống kiên cố, có trụ biểu, bi đình, trong thành ngoài quách như tẩm các ông hoàng bà chúa. Nhà chùa thì tạo ngôi mộ theo hình cái tháp, lăng vua thì kèm nhiều công trình phụ rất đồ sộ.

Chúng ta chú ý đến những tấm bia, vì chúng cho biết người yên giấc nghìn thu kia là ai: Bia đơn giản nhất chỉ ghi chức tước, họ tên như bài vị, gọi là mộ chí; bia đầy đủ nhất khắc trọn bài văn kể tiểu sử sự nghiệp của người chết, dài ngắn khác nhau, kết thúc bằng những vần thơ tứ ngôn, ngũ ngôn, gọi là bi văn, bi minh… Bia thường dựng ở chân mộ, trên đường thần đạo, trong hay ngoài cửa ra vào, có nhà che gọi là bi đình. Chúng tôi chỉ gặp một trường hợp hai tấm bia chôn sâu trước ngôi mộ cổ của người phụ nữ tên Hoàng Thị Nghĩa, vợ của tướng Tây Sơn Thái úy Phạm quận công, mẹ của đô đốc Trị An hầu, tại Cồn Nẫy (xã Phò Ninh huyện Phong Điền). Hiện nay, những tấm bia mộ cổ nhất có khắc văn thuộc thế kỉ XVIII, gồm bia tháp Nguyên Thiều, bia tháp Liễu Quán, bia tẩm Chiêu Nghi và bia mộ bà Nghĩa nói trên…

III. NHỮNG KHU MỘ TÁNG

Nhìn chung, những lăng, tẩm, tháp, mộ có hậu duệ được chăm sóc cẩn thận, hương khói thường xuyên, nhất là vào các dịp giỗ chạp, tế lễ. Nhưng cũng không ít ngôi bị lãng quên, rêu phong cỏ mọc, gai góc um tùm, thậm chí dường như hàng chục năm nay không ai đoái hoài lai vãng… Tất cả thường tập trung thành từng khu vực nằm bên ngoài vùng cư trú, những nơi đất đai không thể khai thác để sản xuất nông nghiệp. Riêng ở Huế, quá trình đô thị hóa đã đẩy dần các khu mộ táng ra xa trung tâm, như quanh chân núi Ngự Bình, quanh chân núi Thiên Thai, phía tây dốc Nam Giao (khu mộ cổ)…

Đặc biệt từ thế kỉ XIX, khắp nơi xuất hiện những khu "nghĩa trũng", chôn những kẻ vô thừa nhận, kèm với cô đàn và lễ tế âm linh. Lễ tế âm linh tồn tại lâu đời, được các chính quyền phong kiến đưa vào "tự điển" (lệ thờ cúng). Phan Huy Chú cho biết "lễ này có từ đầu nhà Lê, về sau vẫn làm theo không đổi (3), do sắc chỉ năm Thái Hòa 7 (1449), đến năm Quang Thuận 5 (1464), vua Lê Thánh Tông quy định lễ vật rượu thịt, hàng năm sai quan phủ đặt lễ tế ba mùa xuân, hè, thu. Đối tượng được cúng tế chủ yếu là cô hồn, nhưng cũng bao gồm cả mọi người chết ngoài chỗ cư trú, mặc dù đã có gia đình bản quán rõ ràng. Nhà Nguyễn chẳng qua kế thừa điển lệ cũ. Năm Gia Long 2 (1803), triều đình chuẩn định ở kinh sư và các địa phương làm đàn ở phía bắc ngoài kinh thành, hàng năm cứ vào ngày mồng 3 tháng Ba (quý xuân) và tháng Chạp (quý đông) sai quan đến tế (4). Như vậy, tế âm hồn hay âm linh là lễ cúng đối với "thế giới bên kia", không phân biệt người chết bởi nguyên nhân nào, do chính quyền trực tiếp làm trên địa bàn cả nước. Bên cạnh đó, đến cuối thế kỉ XIX, riêng ở Huế còn xuất hiện lễ cúng âm hồn ngày 23 tháng Năm âm lịch, dành cho những người chết trong cuộc binh biến năm Ất Dậu, kinh thành thất thủ (1885).

Mặt khác, trong lúc tiến hành xây dựng kinh thành Huế đầu đời Gia Long, nhân dân phải dời đi các nơi, được cấp tiền để cải táng mộ phần, mỗi uynh hai quan. Nhưng Phú Xuân và bảy xã kế cận vốn là một xã cổ hàng mấy trăm năm, nên số mồ vô chủ để lại quá nhiều, triều đình phải xuất tiền vải kho công quy tập vào ba chỗ. Hơn hai chục năm sau, những cô mộ ấy hư sụp. Năm 1825, vua Minh Mạng sai đắp điếm lại, rồi năm 1835, cho lập mỗi chỗ một đàn, ban lễ tế hàng năm vào tháng quý xuân. Tục cúng cô hồn với cô đàn bắt đầu từ đó, nhưng chỉ mới ở kinh thành, còn phổ biển rộng khắp thì phải đợi đến đời Tự Đức, do sáng kiến của Đặng Huy Trứ (1825 – 1874).

Nguyên năm 1857, lúc làm thông phán Ti Bố chính sứ tỉnh Thanh Hóa, ông đã lập một nghĩa trũng tại huyện Quảng Xương để chôn những người chết đường chết chợ không thân nhân. Về sau, đổi vào làm bố chính sứ Quảng Nam, ông cũng lập một nghĩa trũng như thế tại xã La Qua phía đông tỉnh thành, rồi dâng sớ về triều tâu xin phát huy ra cả nước, một là để hợp với lòng nhân đạo, cưu mang những cô hồn không chốn nương thân, hai là để làm quang sạch môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh. Tờ sớ để ngày mồng 1 tháng Tám năm Tự Đức 17 (1-9-1864) (5) và được đáp ứng ngay, vua "chuẩn cho trong kinh, ngoài các tỉnh, cùng xã dân xây dựng nghĩa địa để mồ mả", "các địa phương chiểu theo số phần mộ bỏ hoang nhiều hay ít, liệu chọn một khu đất hoang cao ráo, xung quanh bồi đắp lũy đất, dựng bia khắc ba chữ nghĩa trũng xứ (nghĩa địa để mả), đều sức cho có ai chết đường đem đến đấy mà chôn. Hàng năm sắm đủ lợn, xôi, rượu, quả, cơm, cháo, áo mũ, tiền giấy, phái nhân viên đến tế một lần" (6). Ngày nay, Nhà nước ta tiếp tục phát huy truyền thống ấy, nhưng để ghi nhớ công lao những người đã hi sinh cho Tổ Quốc, các xã, huyện, tỉnh xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ với những tượng, đài tưởng niệm. Đó cũng là những di tích thiêng liêng mà thế hệ hôm nay để lại cho mai sau…

 (Tạp chí Sông Hương)


———-

(1). Những nhà nho nệ cổ thường tin vào "sách thánh hiền" để biện minh cho hành vi sai trái của mình. Chẳng hạn, họ không dám hi sinh cho đại nghĩa, cho đất nước, lấy cớ cổ nhân đã dạy: "Thân thể phát phu thụ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương" (thân thể tóc da là nhận lấy của cha mẹ, không dám làm thương tổn- Hiếu kinh). Hay trường hợp Tôn Thọ Tường ra hợp tác với thực dân Pháp trong những ngày đầu chúng chiếm Nam Bộ, còn lớn tiếng bảo vì cần nuôi mẹ già cho tròn chữ "hiếu"…
(2). Bản án xử Lê Văn Duyệt (sao lục) trong hòm bộ làng Xuân Hòa, xã Hương Long, thành phố Huế)
(3). Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Lễ nghi chí, bản dịch của Viện Sử học, tập II, Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1992, tr. 143.
(4). Nội Các triều Nguyễn, Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử Học, tập 6, Thuận Hóa, Huế 1993, tr.470.
(5). Nhóm Trà Lĩnh, Đặng Huy Trứ – Con người và tác phẩm, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, 1990, tr. 285).
(6) Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, bản dịch của Viện Sử Học, tập XXX, Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1974, tr. 138-139. 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here