Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Làng bánh Dương Nổ vào tết

Làng bánh Dương Nổ vào tết

132
0

Tất bật đón tết

Từ sáng sớm tinh mơ, các bến đá bên sông Phổ Lợi đã tấp nập các mẹ, các chị mang nếp thơm xuống vo, đãi vỏ đậu xanh và rửa lá chuối; trong nhà, những người đàn ông trai tráng thì tranh thủ chẻ củi, mang phơi khô chuẩn bị các công đoạn gói bánh tét, bánh chưng. Trước đây, lúc nông nhàn, trong làng Dương Nổ chỉ dăm bảy hộ dân gói bánh tét, bánh chưng mang ra chợ Nọ bán kiếm tiền phụ thêm mấy công ruộng. Lâu dần, nghề gói bánh đã trở nên phổ biến trong làng. Bắt đầu tháng Chạp trở đi, mọi công đoạn nấu bánh được người dân chuẩn bị kỹ lưỡng, làng bánh bắt đầu nổi lửa từ đây. 

 

Bàn tay thoăn thoắt vo nếp thơm, đãi vỏ đậu xanh ở bến sông, bà Nguyễn Thị Mão (65 tuổi, thôn Dương Nổ Đông) cho hay: “Năm ni tiết trời lạnh nên công đoạn củi nấu phải chuẩn bị từ sớm. Những ngày áp tết, dân thành phố đổ về làng tìm mua bánh tét, bánh chưng bán cả mấy trăm đòn, nên tranh thủ làm từ giờ may ra đến đó có bánh mà bán”.

Bà Mão là một trong những gia đình có thâm niên làm bánh cúng tết ở Dương Nổ, chỉ tính đến đời mệ đã là đời thứ 3 rồi. Khi làng bánh vào vụ, mỗi gia đình thường huy động hết mọi nhân công vào từng công đoạn gói bánh từ làm nhân, buộc lạt, cắt lá… Những đứa trẻ được nghỉ tết cũng phụ cha mẹ làm bánh ngày tết kiếm tiền ra năm mua áo quần, sách vở mới. 

Bà Mão bảo trước đây bánh tét Dương Nổ làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân trong làng. Dần dần, bánh tét, bánh chưng được gói từ đôi bàn tay tài hoa, cần mẫn của những “nghệ nhân” quanh năm nhọc nhằn trên đồng ruộng đã mang những hương vị thơm ngon đi khắp mọi miền. Làng bánh Dương Nổ cũng nức tiếng từ đó. Cuối năm, ra chợ Nọ, bên cạnh những con tò he, những cành hoa giấy Thanh Tiên truyền thống sặc sỡ màu sắc là những gánh bánh chưng màu xanh đọt chuối non bắt mắt đang được bày bán trên thúng mẹt của các tiểu thương trong chợ.

Chị Nguyễn Thị Thảo, chủ gian hàng bánh tét ở đây, cho biết: “Từ gần một tuần nay tui bắt đầu mua lại bánh của bà con rồi, đến ngày áp tết thì tiệm bánh phải thuê thêm cả chục nhân công nữa. Nhìn màu “da” bánh, người dân Huế ai cũng biết ngay là bánh Dương Nổ nên bán rất chạy”. Về làng bánh Dương Nổ trong ngày áp tết, từ những con đường thôn đã dậy hương mùi nếp mới. Tết đã đến trên mọi nóc nhà trong niềm vui được “mùa” bánh mới.

Bí quyết làm nên thương hiệu

Được hưởng đặc ân của phù sa sông Phổ Lợi, từ xưa, làng Dương Nổ đã nổi tiếng với nguyên liệu nếp thơm, gần chục mẫu đất trong làng được “quy hoạch” cho dân làng lấy nếp làm nguyên liệu gói bánh trong ngày tết. Trải qua thời gian, diện tích đất trồng nếp thơm trên nay không còn nhiều nhưng cũng đủ tạo nên thương hiệu bánh Dương Nổ. Bánh tét, chưng Dương Nổ không những sắc sảo từ hình thức mà còn rất thơm mùi nếp mới, những hạt nếp thấm đượm mồ hôi do chính tay bà con nơi đây cày cấy nên. Rồi lá chuối sứ, dây lạt, nhân đậu xanh… cũng là những nguyên vật liệu có sẵn trong làng.

 

Đòn bánh tét Dương Nổ đến với khách thập phương bằng chính hương vị chân chất của làng quê này. Hỏi chuyện nghề, bà Nguyễn Thị Thân (55 tuổi) một hộ dân có truyền thống lâu năm gói bánh trong làng tiết lộ: “Bánh Dương Nổ có được thương hiệu với người tiêu dùng trong ngoài tỉnh là do bánh bảo quản được lâu, đến rằm tháng giêng hương vị của bánh vẫn thơm ngon như ban đầu. Để tạo được bí quyết đó là cả một quá trình đòi hỏi cái tâm của người làm bánh. Có những thực phẩm khác muốn lâu bị hư thì dùng hóa chất chứ bánh Dương Nổ nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên”.

Bánh Dương Nổ đã có mặt ở nhiều địa phương trong ngoài tỉnh với giá từ 25-30 nghìn/đòn. Mỗi đòn bánh bán ra, người dân có thu nhập từ 4-5 nghìn đồng. Dù thu nhập chưa cao nhưng việc duy trì làng bánh cũng là lưu giữ được nét văn hóa truyền thống và tạo ra công ăn việc làm cho người dân những lúc nông nhàn.

Để “ra lò” các loại bánh tét, bánh chưng theo phương thức bí truyền của Dương Nổ, từ khâu chọn nếp đến khâu tạo nhân bánh đều hết sức quan trọng, được chọn lọc kỹ lưỡng. Lá chuối sứ được rửa nhiều lần, đến khi nào nước trong thì thôi. Sau đó được “tráng” qua nước ấm một lần nữa để loại bỏ các tạp chất. Tùy vào thời tiết mà lớp lá chuối sứ dùng gói bánh được dùng nhiều hay ít để giữ được bánh lâu hỏng. Nếp thơm sau khi vo sạch sẽ trộn với ít muối, muối giữ bánh không ôi thiu.

Ngoài ra, khi gói bánh, “nghệ nhân” cũng không quên cho thêm nước lá bồ ngót, giúp nếp khi nấu mau chín, dẻo hơn. Cũng nhờ đó khi nấu chín, bánh có màu xanh đọt chuối trông rất “tươi”. Đặc biệt khi gói bánh, người gói phải cột dây lạt vừa đủ độ chặt. Nếu không, khi nấu nước thấm vào bánh sẽ nhanh hỏng. Công đoạn nấu, canh lửa đúng chừng mực cũng không kém phần quan trọng. Củi để nấu bánh là những cây lớn, đặc nhằm duy trì nền nhiệt được lâu. Nếu nước không sấp mặt bánh, lửa cháy không đều nếp sẽ sượng coi như mẻ bánh đã hỏng. Người làm bánh ở Dương Nổ thường dùng lá chuối sứ dư “nêm” dưới và hai bên nồi để khi nấu bánh không bị cháy, chín đều nên thơm và dẻo hơn…

Tất cả những bí quyết nấu bánh của người dân Dương Nổ được đúc rút từ những kinh nghiệm truyền đời. Nó thể hiện tính cách bền bỉ, cần mẫn của người dân quanh năm gắn với ruộng đồng.

D.P (Báo Nông Nghiệp)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here