Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Lần tìm dấu tích các ngôi bảo tháp xưa ở Thừa Thiên...

Lần tìm dấu tích các ngôi bảo tháp xưa ở Thừa Thiên -Huế »» Kỳ 2: Trên những tầng tháp cổ

180
0

Không được bảo vệ tốt và thường xuyên chăm nom như tháp Tổ sư Liễu Quán, bảo tháp của Tổ sư Nguyên Thiều, khai sơn chùa Thập Tháp (Bình Định) và Quốc Ân (Huế) được xây năm 1728, cách chùa Quốc Ân khoảng 2km theo đường chim bay về hướng Tây nam nằm trong danh sách có khả năng bị xâm hại. Nơi đây ngày xưa là núi rừng thâm u, nay không còn như thế, mà một tuyến đường giao thông được khai phóng, biến nơi ngôi bảo tháp tọa lạc trở thành "mặt tiền", đất đai được phân bố cho dân cư. Sự việc này đã được phản ảnh nhiều lần trên tạp chí Văn Hóa Phật Giáo và báo Giác Ngộ… nhưng mãi đến hôm nay tình trạng ngôi bảo tháp có dấu hiệu hư hại mà vẫn chưa có dấu hiệu trùng tu bảo quản nào. Các tầng tháp đã quá rêu phong, thành quách nứt nẻ, bia tháp đã bị vôi hóa loang lổ, văn bia thì chữ còn chữ mất.  

dautich.gif

Hiện trạng bảo tháp ngài Tịnh Hạnh Nguyệt thiền sư 

Buồn hơn khi nhìn ngôi tháp nằm ngay phía sau chùa Tịnh Độ, tại Cồn Sứ (đồi Vạn Phước). Ngôi bảo tháp này có rất nhiều người biết, bởi vị trí ngôi tháp tọa lạc là rất gần trung tâm, nếu tính theo đường chim bay cách chùa Từ Đàm khoảng 500m về hướng Tây. Thế nhưng ngôi tháp rất hoang tàn, cây hoang, cỏ dại mọc tự nhiên bao phủ. Trên những tầng tháp cổ dấu ấn thời gian đã phủ kín rêu phong. Những đường nứt nẻ cắt ngang cắt dọc chia các tầng tháp ra thành nhiều mảnh. Tấm bia đá có hoa văn rất đẹp và lòng bia có khắc chữ Hán nhưng đã bị phá hỏng gần hết, chỉ đọc được 3 chữ "Sắc tứ Tịnh…" và các chữ còn vài nét có thể đoán được là "lão thiền sư". Do văn bia mất chữ nên không rõ bảo tháp này là của vị "lão thiền sư" nào, nhưng có một điều chắc chắn không phải là một vị Tăng bình thường. Đời vô thường, nhưng mỗi khi nhìn ngắm ngôi tháp, khiến không ít người bùi ngùi, nhất là với những ai có nhiều hoài niệm.

dautich-1.gif

Ngôi tháp hoang phế trên đồi Vạn Phước

Trở lại ngôi bảo tháp của Thiền sư Tế Quả tại thôn La Khê, Tổ viên tịch năm Nhâm Thân (1752). Thời gian dãi dầu mưa gió về trên các tầng tháp cổ đã 258 năm, một khoảng thời gian đủ để chứng kiến mọi sự đổi thay của vùng đất. Thế nhưng, ngôi bảo tháp vẫn khiêm tốn hiện hữu giữa núi rừng với 2 tầng cao 2,2m. Bước lần theo vòng la thành xây bằng đá tổ ong dày tròn theo hình móng ngựa mà nghĩ mặc dù khiêm tốn nhưng với ngày xưa, cách đây 258 năm, giữa chốn rừng núi mà xây dựng được như thế này đã quá là một kỳ công. Ngôi bảo tháp cổ kính đã nghiêng theo cùng thời gian (thân tháp lún nghiêng khoảng 50), phía trước tháp có xây nền sân rộng khoảng 6m2 tráng xi măng và có trồng 2 cây hoa sứ, bát nhang có rất nhiều chân nhang cũ có mới có. Những dấu hiệu này cho thấy ngôi bảo tháp tuy nằm khá xa các chùa nhưng vẫn thường xuyên có người hương khói và giữ gìn, chỉ tiếc là ngôi tháp bị nghiêng thì chưa sửa chữa lại được!

Ngôi tháp của ngài Đại Sum khai sơn chùa Kim Đài vào năm 1748 do nằm cách chùa Kim Đài chỉ khoảng 200m nên đã được các thế hệ Tăng chúng chùa bảo quản chăm nom tốt hơn. Hiện trạng ngôi tháp được trùng tu cách đây 10 năm nhưng rất tiếc là khi trùng tu người ta đã không cho xây vòng la thành để bảo vệ mà chỉ trùng tu ngôi tháp. Hiện tấm bia đá đã bị bong lên và đang có dấu hiệu rơi mất các chữ Hán ghi trên đó.

dautich-2.gif

Hiện trạng tháp bên đường đi vào chùa Vạn Phước

Riêng ngôi tháp của Thiền sư Phổ Lý Nguyên Ông, đời thứ 37 dòng thiền Lâm Tế, pháp phái Liễu Quán thì có nhiều điều đáng nói. Tại ngôi bảo tháp này, dân làng Châu Chữ cho biết trước đây đã có kẻ gian tưởng có chôn đồ tùy táng quý nên đã đào trộm và cùng với thời gian dài hàng trăm năm mưa nắng giữa núi rừng mà không ai biết, không ai quan tâm nên ngôi tháp đã bị hư hại nặng nề. Cách đây vài năm nhóm các đạo hữu Lộc, Hòa khi phát hiện đã vận động đạo hữu và trùng tu ngôi tháp như ngày hôm nay. Dấu xưa chỉ còn trên vòng la thành và trụ cổng được xây rất quy mô. La thành dài 13,6m, rộng 11,2m, trụ cổng có bề mặt 0,96m cao 1,5m, cửa vào tháp rộng 1,5m, thành đá tổ ong dày 1,1m. Những số đo trên cho thấy đây là một ngôi tháp rất lớn. Nhưng tiếc thay, thời gian và sự lãng quên đã làm cho ngôi bảo tháp đã biến dạng gần như hoàn toàn. Dấu ấn văn hóa trên những tầng tháp cổ đã phai nhạt theo thời gian và mưa nắng cùng với sự hờ hững của con người.

***

Trong khi thực hiện chuyến "tìm lại dấu xưa", thấy hiện trạng các ngôi tháp cổ của các vị thiền sư xưa tọa lạc tại các núi rừng thuộc Thừa Thiên Huế, chứng kiến nhiều ngôi thì hư hại nặng nề, ngôi thì xuống cấp trầm trọng, không có người chăm nom, bảo quản, trùng tu mà ngậm ngùi nghĩ về cội nguồn…

Thiết nghĩ, chư Tổ xưa đã vì mục đích truyền đăng tục diệm cho đạo pháp trường tồn mà gởi thân giữa chốn núi rừng hoang vu lạnh lẽo. Khoảng thời gian dài hàng trăm năm đến đá cũng phải mục nát huống nữa là những ngôi tháp nhỏ nhoi, khiêm tốn nằm giữa trời đất, qua nhiều giai đoạn thăng trầm của thời cuộc.

Đã có nhiều giải pháp bảo tồn, nhưng tất cả đều rất nhỏ lẻ với sự nỗ lực của từng cá nhân, từng cơ sở. Hiện trạng những ngôi tháp mà chúng tôi đã tìm thấy ở núi Châu Chữ, La Khê, hay đồi Vạn Phước… như đã nêu sơ lược qua 2 bài báo ngắn này rất cần một giải pháp bảo tồn để giữ gìn những di tích của chư vị Tổ sư tiền hiền.

thapdautich.gif

Để bảo tồn giá trị của các di tích Phật giáo, như những ngôi tháp cổ, chúng ta rất cần những hành động thiết thực, chẳng hạn Giáo hội, ngành văn hóa – giáo dục tỉnh nhà nên phát động một cuộc vận động để thống kê sưu tầm những ngôi bảo tháp của chư Tổ còn lại, đồng thời có những hướng dẫn, khích lệ, tạo một điều kiện cho những người thực hiện công tác bảo tồn, nghiên cứu và trùng tu một cách nghiêm túc, theo chủ trương chung, chứ không thể phụ thuộc và sự "phát tâm", "tuỳ tâm" dễ dẫn đến sự tùy tiện trong công tác bảo tồn. Bên cạnh đó, chúng ta cần tổ chức cho các Tăng Ni sinh, Phật tử đi điền dã đến những ngôi tháp xưa, để các thế hệ kế thừa biết và có ý thức bảo tồn và nghiên cứu phát huy các giá trị văn hóa qua di tích của chư vị Tổ sư còn lại. Bài giảng, bài học Phật pháp và văn hoá sinh động nhất không gì khác và hấp dẫn người tham dự bằng cách dẫn chứng qua hành trạng cụ thể của chư hành giả, chư vị Tổ sư đã từng sống, tu học và chứng ngộ ngay trên mảnh đất mình đang ở.

 Theo Báo Giác Ngộ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here