Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Lan rừng

Lan rừng

142
0

Đi mua lan cũng là một cái thú. Mua lan thì làm gì có thú? Ấy vậy mà nó có đấy. Có nhiều là đằng khác. Hằng ngày, khoảng 8, 9 giờ sáng, những bao tải lan rừng được bứt ra từ đại ngàn Trường Sơn, theo chân người thượng, vượt cả đoạn đường hơn 100km về phục vụ người yêu lan của Huế. Những giò lan xanh mượt tưởng như còn đẫm hơi sương.

Bán lan là phụ nữ và trẻ con người dân tộc Vân Kiều. Cái hoang dã nằm trong màu da đen bóng, cặp mắt nâu, to tròn với hàng mi dài cong vút. Cả cái sặc sỡ trong những bộ váy áo bằng thổ cẩm, cả giọng nói lơ lớ trong âm sắc và ngây ngô trong cách dùng từ đã tạo cho chợ lan (nếu có thể gọi như thế) có cái gì đó đặc biệt thú vị.

Chợ lan ở đây có nhiều cái đặc biệt. Đặc biệt thứ nhất là cách mua bán. Người bán không muốn thối tiền. Phải có tiền lẻ thì mới mua mau, bán dễ. Cho nên muốn đến chợ lan phải đổi tiền lẻ. Một cách mua bán giản dị như thuở còn sơ khai.

Bán cho mình cái ni đi. 15. 000 được không? Răng bữa ni bán mắc rứa?

Mình không bán mô. Chồng mình phải vô trong rừng sâu, trèo lên cây cao từng này (đưa tay làm dấu) bứt xuống. Bán ri không đủ tiền xe, không đủ tiền mua gạo.

So với lan ngoại, giá đã quá rẻ rồi. Trả cho có trả, chứ không ai nỡ ép. Tôi chợt nhớ lời của thầy Từ Vân, Trụ trì chùa Kim Sơn. Thầy cũng rất thích lan nội. Thầy bảo:

“Đã mua bán thì có trả giá. Nhưng mua lan lại khác. Hãy lựa một giá thích hợp rồi trả một lần. Đừng kỳ kèo vì đó không phải cái tâm của người chơi lan”.

Lời khuyên ấy chứa đựng một hàm ý sâu xa. Yêu cái đẹp phải hướng tới cái nhân, cái thiện. Rất giống với quan điểm của Nguyễn Tuân trong truyện ngắn "Chữ người tử tù".

Người mua đông, người bán ít nên không kiểm soát xuể. Mà có lẽ không đủ lanh lợi để kiểm soát vì có khi người bán chỉ là một cô bé 13, 14 tuổi. Thế mà cũng ít khi mất, họa hoằn lắm. Người ta mua bán trả tiền sòng phẳng. Ai mà nỡ! Người ta đến với lan bằng cả cái tâm trong sáng.

Cái đặc biệt thứ hai: gọi là chơi lan nhưng ở đây chỉ có cây và lá, ít khi có hoa. Người đã sành điệu thì không nói gì, người mới tập tểnh làm quen thì phải biết quan sát và lắng nghe:

Bác Thành ơi! Đây là thạch học hay là thủy tiên?

Thủy tiên, dã hạc mập, màu vàng lá nó thon dài.

– Anh Lộc ơi! Làm thế nào để phân biệt dã hạc và ý thảo?

– Dã hạc lá to, thân tím.

Người đi trước giúp kẻ đi sau. Không hề có sự tranh giành mua bán. Tất cả đều có chung một điểm: mê lan.

Nhiều người ngày nào cũng ra đây, có khi để mua lan. Có khi chẳng mua gì (vì không có cái để mua hoặc là vì không có tiền) nhưng để được đắm mình trong cái không khí đặc biệt ấy. Qua khỏi giờ cao điểm, thành phố vốn đã tĩnh lặng này xe cộ chỉ còn lại lưa thưa. Tôi ngồi ở bờ rào của công viên, thảnh thơi nhìn người mua kẻ bán. Ánh nắng xuyên qua kẻ lá của vòm cây long não chạy tới tấp trên mặt đường. Xã hội thu nhỏ của người chơi lan ở Huế tụ tập lại ở đây. Mấy bác xe thồ, không mua lan, nhưng cũng góp chuyện vui và để chờ khách. Dân sành điệu được đám người chơi lan tôn làm nghệ nhân nhởn nha, nhởn nhơ dùng con mắt tinh đời của mình để săn hàng độc và làm cố vấn. Trong một mớ lộn xộn những cây, những lá như thế, mong tìm được một giống hoa quí và lạ. Thật khó có cái gì để so sánh cảm giác lúc ấy! Nó lâng lâng như người uống rượu say. Và lại càng khoái chí hơn khi mọi người chung quanh xúm lại xem, trầm trồ, thèm muốn….

Đám dân mới ghiền lan như chúng tôi thôi thì đủ cả. Từ những người bệ vệ, hồng hào trên những chiếc Spacy láng coóng, mua không cần trả, trước sự lác mắt của mọi người. Có người trách họ phá giá. Tôi không nghĩ thế. Phải có nhiều người như thế để cho người bán lan bớt khổ. Cũng có những cô gái, trẻ và khá xinh, ăn mặc đúng mốt, vẫn ghé vào chợ lan hỏi giống này, giống kia rồi mua về. Nhìn cô tay ôm bó lan cặp mắt trong veo màu nắng thủy tinh của Trịnh Công Sơn, tôi thấy trong lòng rộn rã một niềm vui.

Những cụ già hưu trí, những sinh viên, giáo viên tay còn mang cặp. Và cả chú bé 12, 13 tuổi với 1 khoản tiền nhỏ có được đủ để mua một nhánh lan làm tôi ngạc nhiên quá đỗi. Tự nhiên tôi liên tưởng đến những quán Net đông nghẹt ở đó những trò chơi trên mạng thu hút cả người lớn lẫn trẻ con đến quên ăn bỏ ngủ thì một chú bé đang độ thiếu niên nâng niu một nhánh lan rừng đáng cho chúng ta vui hay buồn nhỉ?

Lan mua về phần lớn chỉ có cây và lá. Đến mùa mới có hoa. Vẻ đẹp của lan rừng là vẻ đẹp tiềm ẩn. Thú chơi lan rừng là thú vui của sự tìm kiếm, đợi chờ. Mua lan về rồi phải nuôi và tạo dáng cho nó bằng những vật liệu thích hợp: gốc vú sữa, gỗ mục, gô-đê hoặc chậu sành tùy theo giống lan. Địa lan dùng đất mùn pha với trú và cát. Phong lan thì nuôi nó bằng xơ dừa, dớn, và than. Rồi lại tưới tẩm hằng ngày phun thuốc kích hoa, kích rể, công phu là thế nhưng đó là niềm vui. Rồi ngày qua ngày: rể nhú ra, cây nẩy mầm, nụ hoa thành hình. Chao ôi! Niềm vui không thể nào tả xiết!

Lan rừng luôn thử thách sự kiên nhẫn của người chơi. Từ khi mua về đến khi hoa nở là cả một thời gian dài: cả thời gian vật lý và thời gian tâm lý. Giữa đám lá xanh, và rễ màu xám bạc ấy như bừng sáng bởi những nụ hoa mới nở. Thạch học từng chuỗi dài, sum suê màu trắng hoặc tím nhạt họng vàng. Lan hài đúng là chiếc hài thêu be bé xinh xinh hợp với bàn chân nõn nà của những cô công chúa trong truyện cổ tích; Sa pa cánh gà màu tím bèo mắt đen, hỏa hoàng cánh hoa bé li ti màu da cam vàng sậm. Rồi thì thủy tiên, long tu, dã hạc, nhất điểm hồng, quế lan hương, giáng thu, cẩm báo…

Lan ngoại áp đảo người ta bằng cái vẻ bề thế, nó bảo chứng cho sự sang trọng của người chơi bởi giá cả mà ai cũng biết. Lan rừng hấp dẫn người yêu nó bởi sự đa dạng và vẻ đẹp đằm thắm sâu kín. Nó tỏa hương thơm để làm người ta quyến luyến. Nó kích thích sự khám phá của người ta. Nhìn vào một đóa lan như Sapa cánh gà màu chanh, long tu cho đến thạch lan, gấm Thượng Hải tôi cảm nhận trong mỗi sinh vật nhỏ bé này là sự toàn năng của tạo hóa. Nhiều khi có sự phối hợp 3, 4, 5 màu khác nhau với biên độ không chênh lệch nhiều trong một đóa hoa chỉ bé bằng hạt bắp mà phải chăm chú nhìn mới thấy được. Từ màu sắc đến hình dáng, những vòng xoắn, những nếp gấp tinh vi và đầy nghệ thuật. Hóa ra là trên trái đất vĩ đại này, có sự hiện diện của muôn loại, nhưng tạo hóa không bỏ sót một thứ gì ngay cả đến những sinh vật bé nhỏ nhất cũng ban cho chúng một vẻ yêu kiều, diễm lệ riêng biệt.

Trong những ngày cuối đời, nhà văn Nhất Linh rất mê lan. Bước chân của ông đi khắp vùng rừng núi Đà Lạt, Bảo Lộc để sưu tầm những giống lan quí. Bìa của Tạp chí ”Văn hóa ngày nay” được trang trí bằng những giống lan quí do ông tự vẽ với màu sắc nhã đạm khiến cho tờ báo tăng thêm phần giá trị. Mãi đến bây giờ tôi mới hiểu và chia sẻ với ông niềm đam mê ấy.

Giữa cuộc sống xô bồ này, biết bao thú vui ngốn của người ta hết cả giờ giấc và tiền bạc, biến người tri thức thành kẻ lừa đảo, biến một số cán bộ công chức thoái hóa thành kẻ tội đồ, thì chơi lan là một thú chơi vô cùng tao nhã. Đến với nó ta mở rộng lòng ra với thiên nhiên và con người. Đến với nó ta sống chậm hơn. Cái đẹp của nó thanh lọc, cứu rỗi tâm hồn ta. Chơi lan, trong một khoảnh khắc nào đó biến cõi ta bà thành cõi tịnh độ của riêng mình.

L. T. C. T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here