Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Lâm Tỳ Ni

Lâm Tỳ Ni

260
0

Lâm-tỳ-ni (Lumbini) vốn thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, Ấn độ, thế nhưng năm 1857 khi thực dân Anh đến Ấn độ, có nhiều nơi đứng lên phản kháng chế độ thực dân thống trị. Nepal viện binh giúp quân đội Anh bình định phong trào, sau khi yên ổn quân Anh cho quy hoạch biên giới Ấn độ và Nepal. Trong lúc quy hoạch thực dân Anh rộng rải nhường một số đất cho chính phủ Nepal trong đó có cả Lâm-tỳ-ni. Vì vậy ngày nay di chỉ thánh tích Lâm-tỳ-ni thuộc phần lãnh thổ Nepal.

I. GIỚI THIỆU:

Ngày 4 tháng 2 năm 1896, những nhà khảo cổ học thế giới do hai chuyên gia người Đức là Alois. A. FuhrerKhadga Samsher dẫn đầu tuyên bố đã phát hiện di chỉ thánh tích nơi thái tử Tất đạt đa (Siddhartha Gautama) ra đời. Thánh tích được xác định ngay tại Đền Maya Devi, Lumbini, Nepal cách thủ đô Kathmandu khoảng 350 km về hướng tây bắc gần với biên giới tiểu bang Bihar, Ấn độ. Các chuyên gia khẳng định vị trí địa lý của Thánh tích và phá tan mọi nghi ngờ về nơi Đản sanh của thái tử Tất-đạt-đa sau này thành Phật dưới cội Bồ-đề từ trước đến nay.

Các chuyên gia của Nepal, Pakistan, Sri-Lanka, Bangladesh, và Nhật bản phát hiện 15 căn phòng trong đó có những văn bản điêu khắc mô tả sự kiện giáng trần của đức Phật Thích Ca Mâu Ni giống như kinh điển đã mô tả. Bằng chứng thứ nhất là bia đá gắn chắc vào bệ gạch bảy lớp, khắc tả quy mô thánh tích và sự kiện đản sanh của thái tử Tất-đạt-đa. Bia đá được đặt cạnh trụ đá do vua A Dục xây dựng khoảng năm 294 trước Tây lịch. Những nhà khảo cổ đã làm việc cật lực trong chín tháng để tìm thấy các di chỉ cổ vật có liên quan. Đền Maya Devi được xây dựng để đánh dấu nơi hoàng hậu Maya Devi sinh hạ thái tử Tất đạt đa. Hầu hết các cổ vật bằng bạc và các đồng tiền cổ được tìm thấy dưới ngôi đền cổ mô tả đời sống của hoàng hậu và thái tử thời bấy giờ.

Trong kinh điển mô tả rằng, hoàng hậu Maya theo tục lệ trở lại quê cha mẹ để chờ đợi ngày khai hoa nở nhụy. Trên đường trở về Hoàng hậu dừng chân tại vườn Lâm-tỳ-ni, tắm ở hồ thánh, đi dạo quanh vườn, tay vừa nâng chùm hoa Vô ưu (Ashoka flower) thì Thái tử từ hông bên trái hạ sanh. Lúc này đại địa chấn động, ánh sáng lạ thường, thái tử Tất-đạt-đa bước đi bảy bước có hoa sen đỡ chân, tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất và tuyên thuyết: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn!" Phạm thiên cầm bảo cái, Đế Thích cầm phất trần hầu cận xưng tán, trên không trung xuất hiện hai con rồng lớn phun nước tắm thái tử.

Nhiều học giả cho rằng thái tử Tất-đạt-đa đản sinh năm 563 và nhập diệt năm 483 trước Tây lịch. Ngài xuất gia lúc 29 tuổi và sau sáu năm tầm sư học đạo cuối cùng Ngài tự tìm thấy cho mình con đường "Trung đạo" và chứng ngộ dưới cội Bồ-đề, thành Phật vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Năm 1967, U Thant, một Phật tử Burmase bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu Lâm-tỳ-ni nơi đức Phật Thích Ca đản sanh và chọn làm trung tâm hoà bình thế giới, được Liên hiệp quốc công nhận. Sau đó chính phủ Nepal, Nhật bản hợp tác với Liên hiệp quốc quy hoạch và tái kiến di chỉ thánh tích lịch sử và bảo tồn các thánh tích lân cận làm nơi chiêm bái của du khách hành hương và điểm du lịch thế giới.

Lâm-tỳ-ni (Lumbini) vốn thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, Ấn độ, thế nhưng năm 1857 khi thực dân Anh đến Ấn độ, có nhiều nơi đứng lên phản kháng chế độ thực dân thống trị. Nepal viện binh giúp quân đội Anh bình định phong trào, sau khi yên ổn quân Anh cho quy hoạch biên giới Ấn độ và Nepal. Trong lúc quy hoạch thực dân Anh rộng rải nhường một số đất cho chính phủ Nepal trong đó có cả Lâm-tỳ-ni. Vì vậy ngày nay di chỉ thánh tích Lâm-tỳ-ni thuộc phần lãnh thổ Nepal.

Hiện nay Lâm-tỳ-ni nằm trong phạm vi thị trấn Terai hẻo lánh và hoang vu, nhưng những năm trở lại đây nhờ vào sự tham quan chiêm bái của du khách hành hương khắp thế giới đến đây chiêm bái nên chính phủ Nepal đã cho quy hoạch di tích và quản lý tôn tạo dựa vào sự tài trợ chính của Nhật bản mà di chỉ thánh tích trở nên quy mô và triển vọng hơn.

II. QUẦN THỂ THÁNH TÍCH LÂM TỲ NI:

1. Đền thờ hoàng hậu Maya (Mayadevi Temple):

 

Vừa vào công viên, du khách thấy ngay một ngôi đền nhỏ thờ hoàng hậu Maya phía trước. Đền do chính phủ Nepal mới xây dựng gần đây để tưởng niệm hoàng hậu Maya. Đền hơi nhỏ và thiếu ánh sáng, hơn nữa tín đồ Ấn giáo thường đến hành lễ, cúng hoa tươi, thắp đèn cầy khiến không khí trở nên ngột ngạt và đậm màu tín ngưỡng.

Gian chính thờ một tượng đá hình Maya phu nhân, tay trái vin cành Vô ưu, dáng người và phong thái vô cùng nhẹ nhàng thanh thoát. Điêu tượng có vẻ rất cổ kính và bị trầy sướt. Có người cho rằng điêu tượng được vua A Dục cho khắc chạm, nhưng những nhà khảo cổ thì chưa thể chắc chắn để tuyên bố niên đại của nó.

Bên phải tượng này là một bức tượng đá mô tả cảnh Maya phu nhân hạ sinh Thái tử, cạnh Maya phu nhân còn có các thị nữ hầu cận và người em gái Mahaprajapati, chư thiên rải hoa cúng dường, hiện thân Phạm thiên đến thị vệ và xưng tán đức tướng của Thái tử; bên hông trái của phu nhân Maya là Thái tử đản sanh, tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất. Đây là bức tượng hiện đại do chính phủ Miến điện hiến cúng. Quanh tượng có nhiều hoa tươi rải cúng của tín đồ đạo Hindu ở Nepal, họ tôn xưng phu nhân Maya thành Mẫu thần, tượng trưng cho sự phong nhiêu sinh sản và bôi phấn màu lên tượng khiến bức tượng đá màu trắng biến thành đỏ au. Ngoài hai tượng chính vừa kể trên còn có rất nhiều tượng Phật Thích Ca đản sanh bằng đá cũng được thiết trí nhiều nơi mỗi tượng đều có tràng hoa tươi và bôi đầy bột màu. Những cổ vật khai quật được và cả đồ phục chế bày biện đủ cách, do hiện nay toàn di chỉ thánh tích đang được tái khai quật và trùng tu dưới sự tài trợ của chính phủ Nhật bản.

Một tảng đá lớn dài khoảng hai mét, rộng một mét rưỡi, cao khoảng 1 mét vừa mới được phát hiện sâu dưới nền đền thờ và được bảo vệ cẩn thận trong khung kính. Trên tảng đá phong hoá qua thời gian nhưng vẫn còn phù hiện dấu chân của Thái tử Tất đạt đa. Hy vọng còn nhiều cổ vật hiện thân làm minh chứng cho thế nhân chiêm ngưỡng và tôn kính đấng Đại giác ra đời vì mục đích cứu độ chúng sinh.

2. Dấu tích cây Vô ưu (Ashoka tree):

 

Trong cuộc đời của đức Phật, mỗi sự kiện trọng đại đều gắn liền với thiên nhiên, cỏ cây và đặt biệt là thánh thọ, chẳng hạn như sự kiện thành đạo dưới cội Bồ-đề, nhập Niết-bàn dưới hai gốc cây Sa-la và đản sanh dưới cây Vô ưu… Cả cuộc đời Ngài luôn luôn gắn liền với thiên nhiên cỏ cây và con người.

Quanh đền thờ phu nhân Maya là khu vườn Lumbini rộng lớn và tĩnh lặng. Địa điểm đức Phật đản sanh dưới gốc cây Vô ưu hiện nay được đánh dấu bằng một cây Bồ-đề to lớn soi bóng xuống hồ nước. Người bản địa cho rằng cây Bồ đề hiện nay là nơi mà Maya phu nhân vin cành Vô ưu sinh hạ Thái tử. Nhưng một điều rất lạ là toàn bộ thánh tích không thấy bóng dáng cây Vô ưu, có lẽ là khi đức Phật thành đạo, cây Bồ-đề có ảnh hưởng lớn nhất trong Phật giáo nên dần dần cây Vô ưu được thay thế.

Nhưng hình bóng cây Vô ưu luôn luôn gắn bó với sự kiện lịch sử trọng đại trong cuộc đời của đức Thế Tôn và khu vườn Lumbini.

3. Thánh tích hồ nước:

 

Theo "A record of Buddha countries" (Phật quốc truyện) của Ngài Pháp Hiển đến Ấn độ khoảng thế kỷ thứ năm tây lịch chép như sau: "Phu nhân nghỉ chân tại vườn Lâm-tỳ-ni, tắm trong một hồ nước trong xanh và mát. Sau khi tắm gội xong bà đi dạo trong vườn khoảng hai mươi bước chân, tay vin vào nhánh cây Vô ưu quay về hướng đông và hạ sanh Thái tử."

Thánh tích hồ nước nay vẫn còn nằm cạnh trụ đá Vua A Dục khoảng 25 bước chân, hồ luôn có nước trong và xanh, mùa khô mực nước thấp hơn. Theo truyền thuyết kể rằng trước khi sinh hạ Thái tử, hoàng hậu Maya tắm ở hồ nước này. Trong Đại Đường Tây Vực ký chép: "Mặt nước trong như gương, nhiều loại hoa trôi lững lờ." Hiện nay, cảnh hồ nước không được thi vị như xưa, vì điều kiện hoàn cảnh đã đổi thay, nhưng mặt nước vẫn còn trong xanh khiến chúng ta không thể nhìn thấy đáy. Hồ được quy hoạch thành hình vuông vào khoảng năm 1931 của các nhà khảo cổ và xây thêm bậc cấp trong những năm gần đây.

3. Di tích tu viện:

 

Bên cạnh cây Bồ-đề, hồ nước và đền thờ hoàng hậu Maya là một dãy nền móng gạch đỏ nằm trong khuôn viên hình chữ nhật, đó là di tích Tu viện Lâm-tỳ-ni. Di chỉ được xác nhận có bề dày lịch sử từ khoảng thế kỷ thứ 3 hoặc thế kỷ thứ 4 trước tây lịch lần lượt trùng tu cho đến những thế kỷ thứ 7 tây lịch. Theo sự ghi chép của nhà chiêm bái Pháp Hiển đến đây vào thế kỷ thứ 5 thì nơi đây vẫn còn tồn tại Tăng già tu học nhưng hoàn cảnh rất hoang vắng, chư Tăng sinh hoạt và sử dụng nước trong hồ và nước giếng. Đến lúc Ngài Huyền Trang đến đây chiêm bái vào khoảng thế kỷ thứ 7 thì không hiểu vì lý do gì mà tu viện Lâm-tỳ-ni lại trở nên hoang phế điêu tàn và không thấy bóng dáng một tu sĩ nào.

Trong qua trình khai quật không có những tác phẩm nghệ thuật nào có giá trị như những thánh tích khác, chứng tỏ tu viên Lâm-tỳ-ni không có những thời vàng son lịch sử truyền giáo, mà chỉ trong một thời gian ngắn vì điều kiện và hoàn cảnh khiến tu viện ở đây sớm điêu tàn và hoang phế. Hoặc có thể nơi đây là một cánh rừng hoang vu, dân tình thưa thớt nên không phải là môi trường truyền đạo của chư Tăng ni, vì vậy tu viện Lâm-tỳ-ni sớm vắng mặt trên diễn đàn truyền giáo.

4. Trụ đá vua A Dục (Ashoka pillar):

 

Trụ đá vua A Dục nằm phía trước hồ nước và dấu tích cây Vô ưu độ khoảng 25 bước, cạnh trung tâm khai quật của các chuyên gia khảo cổ Nhật bản và cũng vừa mới phát hiện một tảng đá đánh dấu di chỉ Lâm-tỳ-ni. Di tích có giá trị lịch sử nhất vẫn là trụ đá vua A Dục, vì nó cho du khách một thông tin lịch sử chính xác về niên đại rất trung thực và là một bằng chứng "sống" về sự kiện nhân vật có thực của lịch sử. Trụ đá uy nghiêm vững chải đứng trong khu vườn chứng kiến sự hưng vong của Lâm-tỳ-ni.

Mồng1 tháng 12 năm 1896, phái đoàn khảo cổ quốc tế do hai người Đức Alois. A. FuhrerKhadga Samsher dẫn đầu đã phát hiện trong khu vườn rậm rạp hoang vu một bệ đá và rồi đào sâu trong lòng đất thì một trụ đá vô cùng giá trị được phát hiện. Từ đó trụ đá được các nhà khảo cổ dựng lại ngay trên bệ đá đã nguyên thuỷ, và công tác khai quật, trùng tu và bảo quản Lâm-tỳ-ni cũng từ phút giây may mắn này.

Trụ đá tròn, cao khoảng 3 mét, đường kính khoảng 5 tấc, trên thân trụ có một vết gãy rõ rệt, không biết do sự đổ nát hay do con người làm hư hại. Hiện nay trụ đá được bảo quản bằng một rào sắt kiên cố. Kể từ khi chính phủ Nepal đổi tên vùng này thành làng Rupandehi, trụ đá cũng được cư dân gọi là trụ đá Rupandehi (Rupandehi Pillar).

Trong Đại Đường Tây Vực Ký, Ngài Huyền Trang chép: "Trong khu vườn Lâm-tỳ-ni có một trụ đá, đỉnh trụ có tượng đầu ngựa, do vua Vô ưu xây dựng, nhưng sau đó bị sét làm hại, trụ đá gãy làm hai đổ xuống đất." Theo kiến trúc và nghệ thuật trụ đá của vua A Dục cho xây dựng thì trên đỉnh trụ đá có trang trí tượng sư tử hoặc tượng voi mới đúng, nhưng theo sự mô tả của Ngài Huyền Trang thì đây là một trụ đá được trang trí bằng tượng hình ngựa duy nhất trong số trụ đá vua A Dục cho xây dựng trên toàn cõi Ấn độ. Nhưng đáng tiếc thay hiện nay không tìm thấy được tượng hình ngựa ở đâu cả.

Trên thân trụ đá còn lưu lại những dòng chữ Brahmi cực kỳ quý giá do vua A Dục sắc phong: "Trẫm lên ngôi vua đã 20 năm là nhờ ân huệ của bậc tiên đế, nay đến đây chiêm bái, bởi vì nơi đây là thánh tích ghi nhận đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sanh. Đỉnh trụ có biểu tượng, thân trụ khắc văn bi đánh dấu nơi Phật đà giáng thế. Nay Trẫm ban ân làng Phật giáo Lâm-tỳ-ni được miễn thuế."

Lời sắc phong của vua A Dục không những đã xác nhận Phật đà là một nhân vật lịch sử chân thật mà còn giải đáp hoài nghi của những sử gia về vua A Dục có phải là một tín đồ Phật giáo hay không, Pháp của vua A Dục có phải là Phật pháp hay một công cụ khác của chính trị?

Trụ đá xứng đáng nhận sự lễ kính của người đời sau, nó mang sứ mệnh gìn giữ bảo vật và truyền tải một thông tin vô cùng giá trị của di sản Phật giáo. Vua A Dục nếu không phải là một tín đồ Phật giáo thì làm sao một vị hoàng đế thân chinh vạn dặm, đường xá gian nan từ Hoa thị thành (Patna) đến tận chân rặng Hy mã lạp sơn, vườn Lâm-tỳ-ni chiêm bái, huống nữa ông còn thận trọng sắc phong, dựng trụ và xây tháp.

IV. THÁNH TÍCH LÂN CẬN:

Khu vườn Lâm-tỳ-ni đã nói lên hầu hết ý nghĩa lịch sử nơi đánh dấu đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sanh, nên không còn di chỉ nào khác ngoài chùa chiền, tự viện, tịnh xá, tịnh thất của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên chùa chiền các quốc gia trên thế giới ở đây cũng mang một sắc thái văn hóa đặt thù của từng quốc gia tạo thành một hợp thể kiến trúc phong phú và đa dạng. Ngoài ra du khách còn có thể tìm hiểu đời sống sinh hoạt và văn hoá của cư dân ở đây.

Đối diện vườn Lâm-tỳ-ni là chùa Lumbini Dharmodaya Samiti mang đặc sắc tôn giáo và văn hoá Nepal, cổng tam quan khắc chạm nhiều hình tượng và trang trí rực rỡ. Chùa được xây dựng vào năm 1956, tín đồ Nepal thường đến đây chiêm bái và tưởng niệm sự giáng trần cứu độ của Phật đà.

Chùa Tây tạng nằm bên cạnh bãi đổ xe, chùa có tên là Dharmaswami Mahayaja Buddha Vihara. Vào mỗi buổi sáng, chư Tăng Tây tạng bắt đầu cử hành nghi thức tụng niệm cầu nguyện, lúc bấy giờ thánh địa càng thêm linh thiêng và thanh thoát. Cứ mỗi năm vào tháng 9-10 hằng ngàn Tăng sĩ Tây tạng khắp nơi trên thế giới câu hội về đây tổ chức đại lễ cầu nguyện hoà bình.

Trong phạm vi gần vườn Lâm-tỳ-ni còn có nhiều chùa chiền của các nước như Nhật bản, Trung hoa, Thái lan, Miến điện… tạo thành một hệ thống chùa chiền đa dạng và phong phú. Đặc biệt Việt nam Phật quốc tự do thượng toạ Huyền Diệu tiến hành vận động xây dựng từ mấy năm nay đã sắp hoàn thành. Du khách Việt nam rất tự hào khi nhìn thấy trên đất Phật có một ngôi chùa Việt nam. Có thời gian xin du khách đến đây tu học, đánh chuông chùa và ăn cõm chùa Việt nam. Xin bật mí!

Ngoài ra viện bảo tàng Lâm-tỳ-ni và tổ chức nghiên cứu Lâm-tỳ-ni là hai nơi trưng bày nhiều văn vật Phật giáo mà du khách có thời gian xin thuân tiện ghé thăm. Tuy nhiên nếu muốn đến nơi này tham quan, xin du khách đón xe Auto Rickshaw để làm phương tiện, hoặc theo tour hay phái đoàn cùng đi.

So với những thánh tích Phật giáo khác, Lâm tỳ khá yên tĩnh và ít khách vãng lai cũng bởi lẽ đường xá quan sang, vấn đề xuất nhập cảnh qua lại hai biên giới làm trở ngại không ít, vì vậy Thánh tích trầm lắng và yên tĩnh rất phù hợp cho việc tu học và thiền định. Không khí ở đây thật tuyệt vời, cỏ cây tươi tốt đất đai cũng mát mẽ hiền hoà, dân tình chất phát, thích hợp cho người thích yên lặng và chuyên tu, hoặc phát nguyện tu trì một thời gian xa chốn phồn hoa đô hội, công nghiệp ô nhiễm.

Năm 1985, một tổ chức gây quỹ Lâm-tỳ-ni phát động phong trào quyên góp, mong muốn tái kiến, trùng tu, quy hoạch Lâm-tỳ-ni trở thành trung tâm chiêm bái quốc tế, nghiên cứu và du lịch . Tổ chức đứng đầu là kiến trúc sư Kenzo Tanze người Nhật bản, nhưng với dự án này cần một nguồn vốn đầu tư không nhỏ vì vậy tiến độ thi công có phần trì hoãn, xem ra phát triển không nhiều lắm.

Nhưng chính sự hạn chế lại nhiều điều hay, trong khi những thánh tích khác khách vãng lai, tham quan du lịch quá đông khiến hoàn cảnh môi trường và di chỉ Thánh tích bị ảnh hưởng không ít. Lâm-tỳ-ni cũng như bao Thánh tích Phật giáo khác hy vọng những tấm lòng thành tích góp tài vật để xây dựng cảnh quan thánh tích ngày một quang rạng hơn và du khách hành hương cố gắng gìn giữ môi trường cũng như quan cảnh di chỉ thánh tích, không nên hái lộc, lấy đất hoặc lấy gạch ngoái cổ làm kỷ niệm, những nơi nào nghiêm cấm quay phim chụp ảnh vì lý do cổ vật di chỉ tránh tia phóng xạ và tia ánh sáng mạnh, xin du khách hành hương thông cảm hoan hỷ để Thánh tích độc nhất vô nhị được còn mãi với thế giới văn minh nhân loại nói chung và tín đồ Phật giáo nói riêng. Trong lúc phát tâm đốt đèn nến cúng dường, xin du khách hết sức cẩn thận, nên đốt đúng nơi quy định, để khỏi ảnh hưởng môi trường xung quanh và cảnh quan thánh tích, tuyệt đối đề phòng lửa cháy. Đặt biệt chúng ta là những người con Phật cần phải hiểu biết ý nghĩa tôn quý của Thánh tích để gìn giữ ngôi nhà chánh pháp trường tồn mãi trong thế gian.

V. GIAO THÔNG, CHỖ Ở, ĂN UỐNG GIẢI KHÁT:

1. Giao thông:

Tuỳ theo hành trình quy định của du khách hành hương mà chọn điểm đi và điểm đến Lâm-tỳ-ni. Hiện nay Lâm-tỳ-ni nằm cạnh biên giới Ấn độ và Nepal, du khách phải làm thủ tục xuất cảnh qua cửa khẩu Sonauli của Ấn độ và nhập cảnh qua cửa khẩu Belahiya của Nepal.

Gorakhpur là một điểm giao thông liên vận quan trọng của Ấn độ và khu vực biên giới. Bên cạnh ga Gorakhpur về phía nam khoảng 400 mét có một bến xe buýt hai chiều đi Sonauli vào mỗi ngày khởi hành lúc 04:30 sáng, du khách có thể đón xe buýt từ Gorakhpur đến cửa khẩu Sonauli, làm thủ tục xin thị thực và đón xe buýt từ cửa khẩu Nepal tiếp tục đi Lâm-tỳ-ni. Hành trình mất khoảng 3 giờ, lý trình 13 km, giá 40 Rupees. Nếu du khách muốn chiêm bái Lâm-tỳ-ni trong một ngày thì nên tranh thủ đón chuyến xe đầu tiên. Trong bến xe cũng có nhiều xe tư nhân chào mời, nhưng tốt nhất nên đi xe công cộng vừa thoải mái vừa an toàn.

Ngoài ra du khách có thể đi bằng tàu lửa từ ga Gorakhpur bằng tàu địa phương đến một thị trấn nhỏ Nautanwa cách khoảng 8 km và chuyển xe buýt đến Sonauli, nhưng như vậy vừa tốn kém vừa mất thời gian lại chuyển xe, tốt nhất nên đi xe buýt.

2. Chỗ ở, ăn uống giải khát:

Nếu bạn đến cửa khẩu Sonauli đúng lúc trời tối hoặc muốn ở lại ngay biên giới thì không có nhiều sự lựa chọn cho chỗ ở tại biên giới Ấn độ cũng như Nepal. Có những nơi tá túc khả dĩ cho du khách sau đây:

– BABA Restaurant, tel (05522) 238366, có nhà hàng ăn uống, phòng đôi 300 Rupees, đây là một nơi ăn ở khá thuận tiện và rẻ, cạnh bến xe buýt, có điện thoại công cộng quốc tế và dịch vụ thuê xe đi Lâm-tỳ-ni.

– Hotel Niranjana, tel (05522) 238201, phòng đơn 200-300 Rupees, phòng đôi 250-350 Rupees, cạnh BABA Restaurant, nơi đây cũng có nhà hàng ăn uống, giá cả khá đắt đỏ nhưng thực đơn ăn chay khá phong phú.

Nếu du khách chọn ở tại Nepal thì có Hotel Yeti, tel (071) 20551, phòng đôi 20 USD, nhưng cũng gần bến xe buýt và dễ tìm hiểu thông tin, địa điểm chiêm bái.

Đến Lâm-tỳ-ni du khách muốn ở lại để có thời gian chiêm bái và tu tập, du khách Việt nam nên đến đảnh lễ thượng toạ Huyền Diệu, vấn an sức khoẻ và nhân tiện xin ở lai tu học suốt thời gian chiêm bái.

VI. TƯ VẤN HÀNH HƯƠNG:

Đến Lâm-tỳ-ni du khách hành hương cần chuẩn bị các vấn đề liên quan đến xuất nhập cảnh. Mặc dù thủ tục không mấy khó khăn tuy nhiên trong lúc hành hương cũng là một cản trở không nhỏ vì vậy du khách cần chuẩn bị cẩn thận. Cần đem theo hộ chiếu, tốt nhất nên yêu cầu xin visa Ấn độ loại multicipal entry, bốn ảnh căn cước.

Đến biên giới Sonauli, du khách trước hết cần tìm đến địa điểm hải quan Ấn độ là India Immigration Checkpoint. Nơi này rất nhỏ và bình thường đến nỗi như một quán hàng cách biên giới khoàng 200 mét phía bên phải đường cái, bên trong đặt hai cái bàn làm việc, du khách điền một số thủ tục và được đóng dấu xuất cảnh, như vậy xem như đã xong phần hải quan Ấn độ.

Du khách tiếp tục một đoạn đường ngắn qua cửa khẩu khoảng 300 mét kể từ văn phòng hải quan Ấn độ hoặc đi bộ hoặc đi xe ba bánh sức người là đến văn phòng hải quan Nepal (Nepal Immigration Office) cũng về bên phải nhưng sâu vào bên trong. Du khách cần chuẩn bị hộ chiếu, 2 ảnh căn cước, 30 USD và viết bi. Hiện nay chính phủ Nepal khuyến khích du khách nước ngoài nên đã miễn phí lệ phí thị thực cho du khách tham quan trong vòng 3 ngày, nếu tham quan 60 ngày đóng 30 USD, nếu dài hơn phải đóng 50 USD.

Nói chung làm thủ tục hải quan Ấn độ và Nepal mất khoảng 1 giờ đồng hồ, du khách có thể lên xe ba bánh sức người hoặc xe Jeep đến khách sạn Yeti khoảng 10 phút giá 15 Rupees. Đến khách sạn Yeti hoặc nghỉ ngõi hoặc tiếp tục hành trình, du khách có thể đến bến xe buýt gần đó có nhiều chuyến xe buýt đi Lâm-tỳ-ni phục vụ từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, có rất nhiều người đi Lâm-tỳ-ni, thời gian mất khoảng một tiến rưỡi đồng hồ, giá 20 Rupees.

Tiện nhất là lúc vừa nhập cảnh Nepal, du khách thuê một chiếc xe Shumo giống như xe Jeep đi trực tiếp từ Sonauli đến Lâm-tỳ-ni, vì xe Ấn độ có thể vào Nepal và tiền Ấn độ cũng được sử dụng trên đất Nepal. Hành trình mất khoảng 30 phút, giá khứ hồi 500 Rupees, thời gian chờ khách thêm 100 Rupees.

Delhi University – 2007

@ Thông tin bổ sung:

Thủ phủ Kathmandu:

Nếu có thời gian du khách có thể đến tham quan, mua sắm và thãm viếng các đạo tràng Phật giáo ở đây. Mời du khách tìm hiểu sơ lược thủ phủ này:

Kathmandu là thủ đô của Nepal cũng còn gọi là Katmandu, đây là một thung lũng nằm ở phía nam rặng Hymalaya, độ cao trên mực nước biển khoảng 1220 mét, cạnh ngã ba sông Bāghmati và Vishnumati. Kathmandu là trung tâm tôn giáo, kinh tế, văn hoá, và hành chính của cả nước. Kathmandu cũng là một thiên đường du lịch, như cung điện hoàng gia (royal palace), tháp Bodhnath (Bodhnath Stupa), chùa Swayambhunath (Swayambhunath Temple)… Ngoài ra còn có trường đại học Tribhuvan University (1959) và viện bảo tàng quốc gia Nepal (National Museum of Nepal). Thời tiết ở đây luôn luôn thích nghi cho du lịch, nhưng du khách cần chuẩn bị áo lạnh và khăn len.

Kathmandu được bộ tộc Newar khai phá và định cư từ năm 723, đến năm 1768 vương triều Shah cai trị và đóng đô tại đây, từ năm 1846 đến năm 1951 dòng họ Rana trị vì Nepal và đổi thành thủ phủ cho đến ngày nay, dân số khoảng 533 ngàn người thống kê năm 1995.

Delhi University

Thiện Chánh

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here