Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Làm sao để trở thành Phật tử ?

Làm sao để trở thành Phật tử ?

130
0

Ngày nay đặt lại vấn đề Tại sao trở thành Phật tử, một vấn đề tưởng chừng như quá cũ, nhưng lại là vấn đề mà mỗi người Phật tử chúng ta phải tự hỏi lòng mình hằng ngày. Không phải những người chưa trở thành Phật tử mới quan tâm tìm hiểu, mà tất cả những người con Phật trên bước đường tu tập giải thoát phải luôn tự nhắc nhở và quay về quán chiếu vấn đề này như là một hệ quy chiếu trở về Phật hạnh. Trong tầm nhìn đó, chúng ta sẽ nhìn lại những vấn đề căn bản sau:

1. Con người trong thế giới vô thường

Trong khoảng thời gian mà loài người tồn tại trên hành tinh này từ xưa đến nay, biết bao thế hệ đã đi qua và hàng vạn thế hệ mới đang hình thành. Con người sinh ra, lớn lên và mất đi trong khoảng trăm năm, nhưng cũng trải qua biết bao thay đổi của đất trời, thế sự và ngay cả bản thân cuộc sống của chính mình. Vạn vật vẫn đang biến đổi theo lẽ vô thường mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta đã giảng dạy. Trong quy luật này, không một vật nào đứng yên và tồn tại mãi mãi. Con người trở nên quá nhỏ bé trước sự vận hành chung của vũ trụ, dẫu đời người tồn tại một trong chừng trăm năm nhưng thời gian đó vẫn ngắn ngủi đối với sự biến đổi dài lâu của đất trời.

Đối diện với sự thật này, biết bao người hốt hoảng, nhưng cũng có kẻ buông xuôi cho cuộc thế an bài. Cũng có người ra biển khơi tìm thuốc trường sanh bất tử, cũng có người vào núi sâu luyện tập để kéo dài tuổi thọ, nhưng kết quả mọi người vẫn đối diện với quy luật có sanh ắt có diệt. Nỗi ám ảnh về sự tồn tại này là một nỗi đau lớn của kiếp người – Tử khổ. Còn chính trong cuộc sống bình thường, các nỗi khổ khác như sanh khổ, bệnh khổ, lão khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ, hay ngũ ấm xí thạnh khổ cũng đã cuốn con người vào trong vòng xoáy bất tận. Nhìn chung trong cuộc sống, tám khổ của con người cũng phát sinh từ nền tảng vô thường. Trước cảnh biến đổi không cùng của định luật này, con người muốn níu kéo, muốn vượt ra hay buông xuôi cũng khổ. Đó là nỗi khổ của những con người còn nhiều ái nhiễm, không kham nhận lẽ vô thường của cuộc sống, để rồi có cách sống và thái độ sống không thích hợp.

Nhưng không, trong khoảng thời gian cách đây hơn 2500 năm có một người vĩ đại đã đối diện, tìm ra chân lý cuộc đời và giới thiệu thái độ sống, cách sống thích hợp cho nhân loại. Ngài là đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

2. Đức Phật và sự hình thành Phật giáo

Với bẩm tính thông tuệ và đầy tình thương, đức Phật của chúng ta từ nhỏ đã học qua những lý thuyết đương thời tại Ấn Độ, nhưng rồi Ngài cũng từng bế tắc, rơi vào trạng thái buồn rầu khi được hưởng những vinh hoa lạc thú nhung lụa của cuộc đời. Ngài đã trầm tư về sự tồn tại, về những nỗi đau của kiếp người, của chính mình và mọi người xung quanh. Thế rồi, Ngài nhất quyết ra đi, bỏ lại cung vàng điện ngọc, bỏ lại vương vị, quyền lợi và danh vọng, và đành cắt đứt tình yêu thương của gia đình, một mình vào nơi rừng sâu núi tuyết tu hành. Có thể nói, cuộc đời của đức Phật được kết tinh bởi những sự vĩ đại nhất có một không hai. Cuộc ra đi này làm ray rứt lòng người bao nhiêu, mà chính bản thân Ngài cũng phải dũng cảm vượt qua, thì ánh sáng đạo vàng mà Ngài tìm ra sau quá trình tu tập, sau sáu năm khổ hạnh, sau 49 ngày dưới cội bồ đề thật huy hoàng và hào sảng biết bao. Ánh sáng đó đã bừng lên trong sâu thẳm tâm trí thiền định của Ngài làm dứt sạch những nghi hoặc khó giải nhất, nguồn nước từ bi cuồn cuộn dâng trào trong lòng Ngài chữa lành mọi vết thương của con người. Ngài đã giải thoát, đã hạnh phúc và an lạc một cách đầy đủ, thoát ra tất cả những trầm tư hay bóng tối của nhân luân. Đối với Ngài, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong, đã bỏ gánh nặng xuống, không còn tái sanh nữa.

Ánh đạo vàng từ đó phát xuất nơi vườn Lộc uyển. Bánh xe chánh pháp đã được hình thành. Bài pháp Chuyển pháp luân đầu tiên mà Ngài dạy, đã chỉ rõ con đường Trung đạo – Bát thánh đạo mà Ngài tìm ra, khác biệt với hai thái cực sống lệch lạc, hai cực đoan tham dục và khổ hạnh của con người đương thời. Bài pháp này chỉ rõ hai chân lý của cuộc đời: Khổ đế, Tập đế; và hai chân lý được Ngài giác ngộ ra: Diệt đế và Đạo đế. Bài pháp này chỉ rõ thái độ sống và cách sống cốt lõi mà rừng giáo pháp sau này đều tuân thủ một hướng đi: con đường giải thoát khổ đau.

Đồng thời, khoảng thời gian đó cũng bắt đầu xuất hiện những người đệ tử đầu tiên của đức Phật gồm hàng ngũ xuất gia và tại gia. Lịch đại tương thừa từ đó đến nay, hai chúng này vẫn được tiếp nối, không ngừng phát triển và lớn mạnh. Đây là đoàn thể Phật tử hưởng trọn ánh sáng trí tuệ và nguồn suối từ bi của đức Phật, là đoàn thể duy trì sự trường tồn của mạng mạch chánh pháp, là đoàn thể tu tập tồn tại hàng ngàn năm lịch sử.

3. Làm sao để trở thành Phật tử

Trong lịch sử tồn tại của hàng Phật tử, những người có duyên lành được sinh ra cùng thời với đức Phật thật là hạnh phúc khi được trở thành người Phật tử tu tập dưới sự hướng dẫn của Ngài và chư vị Thánh Tăng. Nhưng, không phải bất cứ ai thời kỳ đó cũng có duyên lành gặp được đức Phật; và sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, cơ duyên ấy không còn nữa. Tuy nhiên, cơ duyên được trở thành Phật tử thì mãi mãi còn. Cơ hội lãnh hội chánh pháp của đức Phật là bình đẳng và đó là quyền lợi của mọi người. Niềm hạnh phúc đó có khác gì đức Phật tại thể ? Đức Phật đã dạy hàng đệ tử chúng ta trong kinh Đại bát Niết bàn (Nikàya) hay kinh Di giáo, sau khi Ngài diệt độ hãy lấy pháp và luật làm thầy. Và kể từ sau ngày Ngài nhập diệt, các đệ tử của Ngài đã tuân thủ lời dạy ấy một cách nghiêm túc và tinh tiến tu hành.

Tuy nhiên, để trở thành một người Phật tử chân chính, không phải chỉ làm theo những việc thiện như người Phật tử hay tự xưng là Phật tử, mà phải hiểu con đường tu tập, cách sống của người Phật tử rồi phát tâm trở thành Phật tử. Đặc biệt, người này phải được chư Tăng xuất gia trao truyền giới pháp trong Lễ Quy y.

Người này tự phát nguyện và lãnh thọ Tam quy (quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng) và Ngũ giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không sử dụng các thứ cay nồng làm mê mờ tâm trí như rượu, bia…) để lần đầu tiên trở thành Phật tử trong cuộc đời này. Đó là ngày đặc biệt để người đệ tử đắc giới, có giới thể- năng lực phòng phi chỉ ác trong con người mình. Bước lên bậc đầu tiên là giới, từ đó tu tập thiền định, rồi có trí tuệ thì đạt được giải thoát và giải thoát tri kiến, chấm dứt những khổ đau.

Trở thành người Phật tử trong buổi lễ quy y đó không phải là sự bắt buột hay sự trốn chạy những đau khổ của cuộc đời, mà là nhận thức như thật về con đường giải thoát mà đức Phật đã chỉ dạy rồi tự giác, tự nguyện để lãnh thọ giới pháp. Chính phương thức phát nguyện và truyền thọ này mà đạo Phật truyền trì được mạng mạch chánh pháp. Tính riêng trên phương diện giới thể, đạo Phật chưa bao giờ bị gián đoạn dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao quốc độ trú xứ khác nhau.

Sau khi được chính thức truyền thọ giới pháp trong lễ quy y, một người bình thường mới thực sự trở thành Phật tử. Đó cũng là điểm khởi đầu cho cả chúng Phật tử xuất gia và Phật tử tại gia, là điểm khởi đầu cho một quá trình tu tập trong tinh thần tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn mà đức Phật đã thể hiện. Nhiều người trước khi thọ giới không am hiểu giới và pháp, hay trong khi thọ giới cũng không chuẩn bị đầy đủ tam nghiệp thanh tịnh để đắc giới, hoặc sau khi thọ giới không chịu khó theo Bổn sư mà học tập con đường tu học chân chính. Đó là điều đáng lo ngại, bởi vì hiệu quả của quá trình tu tập sẽ bị hạn chế, sự nghiệp tu hành mang tính hình thức, hoặc chỉ giữ gìn giới pháp trong một giai đoạn. Người xưa nói chiếm thành dễ, giữ thành khó, chuyện tu hành nào có khác gì. Chỉ với nguyện lực sâu dày, đạo tâm kiên cố và luôn được nuôi dưỡng trong môi trường tu hành thì may ra đạo nghiệp mới dài lâu vậy.
 
4. Trở thành Phật tử là xây dựng nếp sống an lạc và hạnh phúc

Vì thế, hướng về mục đích trở thành Phật tử không phải xuất phát từ sự mê tín, thiếu trí tuệ, chuộng hình thức hay sự nương nhờ ỷ lại. Đó là một việc làm sáng suốt, mở ra hướng đi đầy an lạc, hạnh phúc. Vẫn biết rằng oai thần Phật là vô biên không thể nghĩ bàn, nhưng sự tự giác tiếp nhận giới pháp và nỗ lực tu hành mới là sự thành công cốt lõi nhất, bền vững nhất. Ý thức tự giác, có trách nhiệm về chính cuộc sống bản thân mình và mọi người là một tinh thần năng động, lạc quan đối diện với những tình huống thực tế của cuộc đời. Chuyên trì giới luật, thực hành các pháp môn tu là chìa khóa duy nhất khai mở tuệ giác, khai mở đạo lộ giải thoát, hạnh phúc cho đời này, đời sau.

Trong đó, hàng Phật tử xuất gia hay tại gia đều phải ý thức xây dựng nếp sống chấm dứt nguyên nhân khổ đau và nuôi dưỡng nhân tố an lành, hạnh phúc. Đức Phật dạy rằng, nguyên nhân của mọi khổ đau là vô minh, tham ái. Những hoạt động dựa trên hạt nhân này chỉ mang lại những hạnh phúc tạm thời, không xây dựng được cuộc sống an lành nhất. Chỉ có tuệ giác, chánh kiến mới đoạn tận được vô minh và tham ái. Tuệ giác chỉ được khởi lên khi chúng ta thâm hiểu về nguyên lý duyên sinh, vô thường, vô ngã. Tuệ giác chỉ được khởi lên khi có sự hành trì giới luật, bởi vì giới có chức năng phòng hộ, tạo nền móng để tăng trưởng định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến.

Trở thành Phật tử là nuôi dưỡng nếp sống trên chánh kiến và từ bi. Những dấu ấn của tam độc tham sân si sẽ dần xa rời ba nghiệp, sáu căn để biến hắc nghiệp thành bạch nghiệp, rồi chuyển sanh vào những cảnh giới an lạc, hạnh phúc ngay hiện tại và mai sau. Tu hành không phải đợi sẽ có an lạc, hạnh phúc, mà ngay khi tu tập là sự chứng nhập an lạc hạnh phúc. Đó là tinh thần hiện pháp lạc trú mà kinh điển thường dạy. Phật tử được nuôi dưỡng từ nhân tố hạnh phúc, được sống trong môi trường hạnh phúc, ra đi trong hạnh phúc và được tái sanh trong cõi an lành là một cách sống cao đẹp.

Đạo Phật là đạo hành động, tôn trọng thực chứng, không phải nói suông. Vì thế, đối trước năng lực nghiệp, tham sân si bao đời còn tồn đọng; đối trước những biến đổi của cuộc đời, tu hành để có sự an lạc hạnh phúc thật dễ nhưng cũng thật khó. Chỉ có sự kiên trì, đạo tâm kiên cố, và có thiện duyên thân cận các bậc chân nhân, thân cận giáo pháp của bậc chân nhân mới mong giải quyết được những nỗi đau căn bản của con người – nỗi đau từ chính vô thường mang đến. Những nỗi đau về tinh thần và vật chất của nhân sinh thế sự cũng từ đó mà tan dần theo bước chân du hành trên con đường giải thoát.

5. Trở thành Phật tử là giúp mọi người cùng hướng đến đời sống cao đẹp

Điều chúng ta cần chú ý là con người luôn tồn tại trong mối tương hệ xã hội, với thiên nhiên và những người khác. Đức Phật dạy, tất cả mọi người là cha, là mẹ, là anh, là em… nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta. Vì thế, tình máu mủ huyết thống đời này đã lớn nhưng không lớn bằng thứ tình huyết thống muôn kiếp ấy. Với tinh thần thân sơ bình đẳng, Phật tử tu hành không chỉ vì hạnh phúc an lạc cho bản thân, gia tộc đời này của chính mình mà còn vì tất cả những người khác trong đại gia đình huyết thống muôn kiếp đó.

Hạnh phúc của một người chỉ trọn vẹn khi những người xung quanh mình hạnh phúc. Một người chỉ an lạc thực sự khi tất cả mọi loài được an lạc. Mở rộng tầm nhìn về nhận thức (trí tuệ), mở rộng tình thương của lòng người (từ bi) đến vô cùng cũng là cách chữa lành mọi vết thương khổ não của mình và mọi người. Vì thế, hàng Phật tử xuất gia hay tại gia đều phải sống theo nguyên tắc thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, hay hoằng pháp thị gia vụ, lợi sanh vi bản hoài. Phật tử thực hành Thập độ hay Lục độ ba la mật là hướng tu hành tích cực, hướng đến một đại nghiệp giác hạnh viên mãn. Trách nhiệm này đã được bao thế hệ Phật tử chung sức, chung lòng thực hiện để đưa con thuyền chánh pháp đến với mọi người, giúp họ dứt trừ những khổ đau hiện kiếp hay muôn nẻo lai sinh. Điều này đã được lịch sử minh chứng, và khi nào cộng đồng Phật tử phát triển cũng là lúc sức mạnh của Phật giáo và dân tộc phát triển.

6. Người Phật tử trong thời đại hiện nay

Trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam ta, tinh thần yêu nước và nhân đạo của người Việt và tinh thần Phật tử đã hòa quyện như nước với sửa đã hơn 2000 năm. Phật giáo tồn tại ở Việt Nam là một hệ thống lớn mạnh, có bề dày lịch sử lâu đời. Đó là sự kết tinh chính yếu của những người Việt, của Phật tử xuất gia và tại gia Việt Nam.

Trong thời đại ngày nay, đất nước Việt Nam ta đang trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế. Những cơ hội phát triển luôn đi kèm những khó khăn. Tình hình đất nước đang trên đà phát triển mạnh càng đòi hỏi mỗi người dân Việt, mỗi Phật tử phải có năng lực đối diện, đủ sức đáp ứng những nhu cầu mới của đất nước, của những biến đổi về xã hội và đời sống cá nhân. Những vấn nạn toàn cầu và đất nước như biến đổi khí hậu, môi trường sống, chiến tranh, đói nghèo, thất học… vẫn diễn ra từng ngày.

Đối trước những vấn nạn ấy, không phải bây giờ chúng ta mới suy nghĩ. Tinh thần Ngũ minh đã được các bậc Phật tử tiền bối chỉ ra, chúng ta chỉ cần phát huy sáng tạo trong thời đại mới mà thôi. Đặc biệt, những phương pháp như bố thí (tài thí, pháp thí, vô úy thí) đã vạch sẵn và đang được hàng triệu đồng bào Phật tử chúng ta thực hiện. Còn các Độ Ba la mật khác như trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ… cũng đang được hành trì hằng ngày.

Vấn đề đem ánh sáng trí tuệ và dòng nước từ bi vô tận của đạo Phật đi vào cuộc đời là một việc làm lớn khi Phật tử hướng đến vai trò thúc đẩy sự phát triển của Đạo pháp và Dân tộc. Trở thành người Phật tử không còn là ý thức, việc làm cá nhân mà là của cộng đồng tập thể, của cả dân tộc từ lâu. Ngày nay, chúng ta tiếp tục thực hiện công hạnh của cộng đồng Phật tử Việt Nam bao đời, là thể hiện tinh thần dân tộc đoàn kết, hướng đến một đời sống cao đẹp trên hạt nhân trí tuệ và từ bi, thể hiện sức mạnh lớn, bền vững và luôn luôn sáng tạo, luôn luôn đổi mới của người Việt Nam, của Phật tử.

Do vậy, trở thành người Phật tử là đối diện những vấn đề lớn của chính bản thân mình cũng như mọi người, của Đạo pháp và Dân tộc. Khi chúng ta thực sự am hiểu được ý nghĩa lớn lao này thì cách sống của Phật tử trở thành lý tưởng sống của mọi người, và chúng ta mãi cùng nhau tu tập và hoằng dương chánh pháp với nỗ lực biến thế giới khổ đau thành Tịnh độ hiện tiền.
 

HT. T.Q.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here