Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Làm Phật sự

Làm Phật sự

189
0

Cái thủa ngây thơ làm điệu, tôi không hiểu như thế nào là "làm Phật sự". Chỉ biết hàng ngày cứ quanh đi quẩn lại những công việc như nhổ cỏ, lặt rau, quét sân, chùi chùa, đốn củi, làm ruộng, xay lúa, giã gạo, học kinh, công phu, thỉnh chuông…tôi thường nghe thầy bảo đó là những công việc mà xưa chư tổ dạy "nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực" có nghĩa là một ngày không làm là một ngày không ăn. Điệu mô nhác làm thì tự động nhịn ăn một bữa.

Thế là tôi sợ đói, sợ phải nhịn ăn nên cần cù lao động một ngày từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ không kể các giờ công phu, tụng niệm, rèn luyện cho bản thân mình. Những công việc mà tôi làm thủa ấy đáng nhớ nhất là gánh trên vai hai đầu hai rổ phân heo, trun lưng, trun cổ lội bì bà bì bỏm giữa thửa ruộng rộng hơn 6 sào có độ bùn sâu gần 50cm trong khi chiều cao của tôi hồi ấy chưa đầy 1,3m trông rất buồn cười, bà con chòm xóm gọi tôi là chú trun, điệu trun, tôi cũng cười và lủi thủi làm, chẳng có một điều gì chướng ngại. Khi tung phân, mỗi điệu mỗi lối phải thật đều thầy tôi mới ưng ý. Khi trâu cày bừa xong, phải làm nguội thửa ruộng cho thật bằng phẳng, láng bóng, không chỗ nào nhấp nhô, khi cấy lúa phải thật thẳng như kẻ chỉ, hàng nào ra hàng nấy, đứng trên giường (bờ) nhìn xuống phải thấy cây đầu nầy đến cây đầu kia. Thầy dạy, phải làm, phải tập cái tính kham nhẫn, cẩn thận sau mới làm Phật sự lớn được.

Những lúc mùa màng xong đâu vào đó, thầy tôi … "nhất dạ sinh bá kế" (tụi tôi thường nói đùa với nhau), tìm những công việc thích hợp để phân công chúng tôi làm. Mùa mưa, mùa đông thì sóc lại những cây cối trong vườn chùa cho thẳng hàng thẳng lối, vườn trên vườn dưới có thứ có lớp, cây nào ra cây đó, có khi một cây sứ, hay một cây anh đào chúng tôi phải dời đi dợi lại đến hai ba lần trong năm. Quý thầy chùa khác lại chơi, thấy vậy gọi đùa thầy tôi là người làm nghề "dời hộ khẩu". 
Những lúc mưa to gió lớn không ra vườn được thì thầy tôi dạy đem lúa ra xay bằng cái cối xay được đan bằng tre, hai điệu hai bên kéo cái giàng xay ẻo à ẻo ẹt rồi đem gạo lứt bỏ vào cái cối đá to bằng cái thúng giã ình ịch. Giã gạo thì đừng quá trắng, mà phải trông nó vàng vàng đục đục là được, không nên giã "trắng tựa bông". Bởi thầy tôi bảo như thế ăn vừa có chất cám, lại lâu đói, tiếc kiệm được gạo. Có khi vui, thầy bảo chúng tôi gõ chày vào tai cối làm tiếng phách để thầy hò một vào câu hò theo điệu hò giã gạo của các cụ xưa, vui lắm. Cũng có khi thầy ngồi kể chuyện cho chúng tôi nghe, thầy tôi bảo, con người ta cũng như những hạt lúa vậy, từ khi gieo cấy cho đến khi làm cỏ, bỏ phân, rồi gặt hái phơi hông đem cất vào tra (cái cụi đựng lúa làm trên cao, ở giữa nhà rường xưa) cũng chưa chắc chắn là đã thành công đâu, đến khi đem vào giã trắng tinh như bông cũng chưa chắc lắm, đến khi ăn vào miệng còn có hột rơi ra ngoài. Cũng như công việc tu hành vậy, đi tu là như "bông xoài trứng cá", mấy chú, mấy điệu thấy mấy cây xoài nó ra hoa nhiều, mấy con cá nó đẻ trứng rất hung (nhiều) mà nào có đậu được bao nhiêu đâu, tu hành cũng vậy, đi tu rất nhiều nhưng để đậu được là rất ít, nhiều người chịu cực chịu khổ đến năm, sáu mươi tuổi cuối cùng cũng đành rơi rụng.

Khi trồng khoai lan, thầy tôi dạy phải vét vòng khoai thật to và cao như "mái nhà" và thật thẳng, bởi thầy luôn nhắc nhở muốn làm ông thầy tu trước tiên trong mọi công việc phải chú tâm vào, đừng lơ là mà phải đứng đắn, thẳng thắng, không nghiên bên nầy không vẹo bên kia, việc làm của mình phải thể hiện cái tâm tưởng của mình, các chú các điệu mà vét vòng khoai công vồng như thế thì người ta sẽ đánh giá cho là tu hành mà cẩu thả, thể hiện cái tâm không định, không chính chắn. Hoặc khi lau cái tủ, chùi cái nền chùa phải thật láng bóng, phải soi được hình bóng của mình trong đó, thầy dạy như thế mới thấy được "cái mình" qua công lao tu hành của mình, qua kết quả lao động của mình..Và cứ mỗi công việc, là thầy tôi có một câu chuyện đời, chuyện đạo kèm theo để dạy chúng tôi.
Những công việc thường nhật như trên cứ hết ngày nầy qua ngày khác, hết mùa nầy sang mùa khác, quanh năm suốt tháng, đi học thì thôi chứ hễ về đến chùa là làm việc, làm như những ông nông dân thực thụ. Thậm chí có mấy người bà con nông dân ở dưới quê lên thăm thấy chúng tôi làm còn phát ớn. Thầy tôi lại nói với họ “quý vị chỉ làm để có lúa, có  gạo, có khoai, có sắn mà ăn, chứ nhà chùa làm việc là vừa tăng gia sản xuất ra lúa gạo, khoai sắn để độ nhật lại vừa đào tạo ra một ông thầy tu để độ đời!”. Nên công việc của chúng tôi bù đầu bù óc, các thầy và anh em ở các chùa khác gọi chùa tôi là "trường huấn luyện bật nhất chùa Huế". Thế mà chúng tôi vẫn sống rất vui với đời sống đạo của mình. Cảnh chùa tôi do đó trông thanh bình và xinh đẹp lắm. Thầy tôi dạy, đó là "Phật sự" làm đẹp "Già Lam Địa" lớn lao nhất mà các điệu đã làm được.

(Hình chỉ mang tính minh họa)

Tôi vẫn hiểu lờ mờ, lệch lạc rằng "Phật sự" là từng bước tập làm Phật, nên tôi xướng lắm. Tôi lý luận, mà Phật thì hiện hữu khắp nơi nơi xứ xứ, ngay trong từng công việc của mình, Phật không phân biệt việc lớn hay việc nhỏ, việc của người lớn hay việc của người nhỏ, nên tôi rất vui "làm Phật sự". Nhiều đêm ngủ tôi mơ thấy đức Phật vương dài cánh tay từ trên chánh điện xuống xoa đầu tôi. 

Sau này, tôi tham gia nhiều công tác "Phật sự" của Phật giáo, đi đây đi đó không còn gò bó, quanh đi quẩn lại trong chùa nữa. Đụng độ, cọ xát với nhiều người, nhiều thành phần khác nhau, khi thì tiếp xúc với người đang dạy học, khi lại nói chuyện với người làm văn hoá xã hội, có khi thì gặp một giảng sư, nói chung là đủ tất tần tật mọi đối tượng làm "Phật sự", tôi học được nhiều điều hay, kinh nghiệm được nhiều điều tốt tôi mới hiểu "làm Phật sự" là "tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự", những công việc có liên quan đến chùa chiền, đến Phật giáo mà mình là một thành viên. Nhưng rồi cũng gặp rất nhiều câu chuyện "Phật sự" làm tôi phải suy tư, chiêm nghiệm lại việc mình việc người. Tôi thấy người lớn "làm Phật sự" rất khó hiểu. Lại thêm nghe người ta nói "làm Phật sự" thì phải tỉnh táo, nếu không sẽ hoá ra là "làm ma…sự". Tôi giật mình, sao rối rắm thế, Phật là Phật mà ma là ma chứ, chẳng lẽ Phật với ma dễ lầm lẫn nhau thế à! (mà cũng có thể lắm!). Có người bảo rằng "Phật sự mà bất minh thì sẽ thành ma sự chứ sao".

Tôi phát ớn, nên trong phòng tôi, ngay chỗ dễ nhìn thấy nhất tôi dán tờ công án của "Thoại Nham gọi ông chủ" để mỗi ngày mỗi giờ khi mở cửa ra vào là trông thấy và tự gọi mình:

-Ông chủ!
Rồi tự đáp:
-Dạ.
Lại nói
-Tỉnh táo nhé!
-Dạ
-Mai kia mốt nọ đừng để người gạt nhé!
-Dạ, dạ.

Nhưng tôi không dám bắt chước Thiền sư Thoại Nham tự gọi cái bản lai diện mục, cái chân như tự tánh mà tôi tự gọi là để tự trấn an mình bằng mấy chữ "tỉnh táo" trong công án đó mà thôi, chứ thật tình tôi sợ bắt chước thiền sư Thoại Nham thì sẽ thành chồn thành chuột lắm!
 

Trí Năng

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here