Trang chủ Phật học Lạc thụ dụng

Lạc thụ dụng

184
0

“Nếu lạc sở hữu dựa trên nền tảng vật sở hữu phải sạch và đồng điệu với niềm lạc chung của cộng đồng thì lạc thụ dụng lại tuỳ thuộc vào nền tảng bản thân và tâm tính”.

Bài kinh đức Phật dạy cho đại thương gia Anàthappindika về bốn niềm hạnh phúc, an lạc: lạc sở hữu, lạc thụ dụng, lạc không mắc nợ và lạc không phạm tội (Báo Doanh nhân Sài Gòn số Xuân đã đăng bài “Lạc sở hữu”), không ít giới kinh doanh chột dạ: Thật lạ, làm sao đức Phật biết rõ “tâm địa” của doanh gia mà đề cập đến niềm lạc trong thụ dụng (hưởng thụ và sử dụng vật sở hữu) thấu đáo như chính con người trong cuộc? Lạc hơn nữa, đôi khi chính người trong cuộc, những doanh gia, nghiệp chủ, không hiếm lúc ngộ nhận niềm lạc và nỗi hoạ của chính mình: lúc cố gắng tìm niềm lạc trong thụ dụng thì không thấy lạc đâu, chỉ thấy trăm bề khổ; khi không màng đến thụ dụng cho bản thân, tưởng sẽ khổ, lại thấy vô vàn niềm lạc! Người trong cuộc còn lơ mơ giữa lạc và khổ như thế, người ngoài cuộc (khách) muốn nhận biết chắc cũng chẳng dễ dàng. Phải chăng muốn thấu hiểu thật sự những doanh gia, nghiệp chủ thì tâm khách phải như tâm Phật?

Tay áp phe tội nghiệp

Trong cuốn truyện “Hoàng tử Bé” (Saint – Éxupéry) có đoạn Hoàng tử Bé gặp một “người quan trọng”, người đã dành hằng ngàn, ngàn năm để… hái sao trời. Cả cuộc đời của “người quan trọng” chỉ thực hiện một chu trình: hái sao trời về đếm, đếm xong gởi ngân hàng, gởi ngân hàng xong lại hái sao… Hoàng tử Bé đã gọi “người quan trọng” này là “tay áp phe tội nghiệp”! Việc kinh doanh của doanh gia, nghiệp chủ suy cho cùng cũng là một cách hái sao trên trời. Nhưng khác với “tay áp phe tội nghiệp” ngày xưa, doanh gia thời nay không đắm say mê muội lao vào chu trình “hái, đếm, gởi rồi lại hái…”, mà rất có ý thức trong sự hưởng thụ và sử dụng vật sở hữu, dù ngày nay để “hái sao trời” phải cạnh tranh gay gắt lắm! Tuy vậy, lạc trong thụ dụng của từng doanh gia, nghiệp chủ không ai giống ai, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Thế mới biết, lúc khách tưởng doanh gia đang rất khổ, họ lại lạc; khi khách ngỡ họ đang lạc, thì họ lại rất khổ!

Ngỡ khổ hoá lạc

Có những nam doanh gia vào dịp nghỉ cuối tuần, lễ, tết, cầm đàn tìm đến các chùa nghèo, đường đi lắt léo, đèo dốc quanh co, xin cơm chay của các Sư ăn rồi ôm đàn ngồi gãy tưng tửng từng tưng. Khách hỏi, giàu có thì thiếu gì cách hưởng thụ, tại sao phải “hành xác” như vậy? – Lạc! Có những nữ nghiệp chủ tranh thủ thì giờ, ngày nghỉ, chạy đến bệnh viện chọn những khoa ngặt nghèo thuộc loại “vào cửa trước ra cửa sau” bón từng miếng ăn, thay từng tấm áo, mua nhiều loại thuốc quý hiếm để giúp chữa trị cho những người bệnh (vô gia cư) không quen biết. Khách hỏi, việc gì phải tốn công, tốn của cho người dưng? – Lạc! Có nhiều đại gia, hết giờ ở “chợ” về được đến nhà của mình là sống thanh bần như người tu hành, lấy niềm vui, hạnh phúc và sự đủ đầy của người thân yêu làm trọng. Khách hỏi, làm cực khổ, sao bản thân không hưởng lại muốn người khác hưởng? – Lạc! và cũng có những triệu phú đô-la đem gần hết tài sản và quãng đời còn lại của mình góp phần cùng cộng đồng đào tạo lớp chủ kế nghiệp cho xã hội với hy vọng đất nước mình sớm phồn vinh, thịnh vượng; nhưng tiêu xài cho bản thân thì cân nhắc, tính toán từng đồng. Khách hỏi, tiền nhiều sao không hưởng thụ riêng mình, lại đem cho? – Lạc!

Mặc cho khách thấy mình khổ, các doanh gia, nghiệp chủ này vẫn thụ dụng theo kiểu của riêng mình miễn sao thân tâm an lạc.

Ngỡ lạc hoá khổ.

Khách xin được hỏi: các doanh gia, nghiệp chủ tìm đến cái khổ mà thấy lạc, vậy thì khi nào là khổ? – Xin thưa: khổ khi phải thường xuyên bay từ nơi này qua nơi khác dù bay ở hàng ghế business. Phải liên tục rời xa mái ấm của mình để ở trong những cái “hộp” hình vuông, hình chữ nhật, dù những cái hình đó đạt tiêu chuẩn năm sao, sáu sao. Khổ khi vì giao tế phải nuốt những món quá cầu kì không hợp khẩu vị quen ăn uống thanh cảnh. Khổ vì công chuyện kinh doanh phải dự những buổi hội họp ngột ngạt đông người trái với bản tính thích yên tịnh của mình. Nhưng có lẽ khổ nhất là buộc phải tiếp những vị quan khách không mời mà đến chỉ với nội dung “hỏi thăm sức khoẻ”. Những lúc như thế chủ phải tiếp đãi khách tại những nơi chốn phồn hoa, sang trọng để khách vui, miệng của chủ thì luôn phải cười tươi, nhưng lòng dạ thì như hoa héo…

Mặc cho khách tưởng mình lạc vì được hưởng thụ cao cấp, chi xài rộng rãi, các doanh gia, nghiệp chủ vẫn trong tâm trạng khổ não trăm bề.

Nguồn cội và nguồn gốc

Thương trường hiện đang có nhiều đối tượng tham gia: khu vực tư, khu vực công, khu vực liên doanh, thì thế, thụ dụng cũng rất khác nhau. Nhìn vào cách hưởng thụ và sử dụng của từng người trong giới này, khách sẽ đoán hiểu được phần nào nguồn cội của người và nguồn gốc của vật sở hữu: có những người đem vật sở hữu đi chôn dấu, không dám hưởng thụ, hoặc hưởng thụ một cách lén lút, dấu giếm, thế nên không tìm thấy lạc trong thụ dụng. Khách hỏi: thí chủ đang sở hữu vật “từ trên trời rơi xuống” phải không? Lại có người ngỡ vật sở hữu là “phép tiên”, cho nên đã dùng nó để mua đủ thứ: ghế, quyền, tình cảm, bằng cấp, sắc đẹp, hạnh phúc v.v… nhưng rồi chẳng những không được lạc mà còn chuốc khổ vào thân vì mua “lầm” đồ giả (vì nếu đồ thật thì đã không bán). Khách hỏi: thí chủ không phải âm binh mà sao chuộng đồ “hàng mã” vậy? Cũng có vài ba “tay áp phe tội nghiệp” ngày xưa còn sót lại đến ngày nay, miệt mài lao vào tìm kiếm vật sở hữu đến quên thân mình, quên gia đình và quên cả những người chung quanh. Khách hỏi: chẳng hay thí chủ là “người thiệt” hay là “người máy” vậy? Và hiện nay, có rất nhiều người làm giàu một cách chính đáng, đàng hoàng, nhưng cũng phải làm bộ nghèo cho nên lạc thụ dụng thì có, nhưng không trọn vẹn. Khách hỏi: thưa các thí chủ, có phải do xã hội ta đã có một thời được tôn vinh, sự giàu có bị lên án ? v.v…

Phải chăng, lạc thụ dụng chỉ thật sự có trong một xã hội không những không chối bỏ sự hưởng thụ của doanh gia, nghiệp chủ mà còn khuyến khích họ công khai sử dụng vật sở hữu để cả cộng động, xã hội cùng hưởng lạc (bởi “sao trời” mà bị chôn giấu thì có khác gì đá cuội?). Và phải chăng, khi bản thân đã làm chủ thụ dụng rồi thì lạc đến, ngược lại, khi để thụ dụng làm chủ thì chuốc hoạ vào thân, có khi còn gây hoạ lây cho xã hội?

Và sau cùng, các doanh gia, nghiệp chủ nhìn đức Phật từ bỏ cuộc sống giàu sang phú quý, thanh thản xuất gia hành đạo rồi băn khoăn hỏi nhau: tại sao?

T.T.N.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here