Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Là Phật tử chân chính

Là Phật tử chân chính

140
0

Ở Việt Nam chúng ta ngày nay nhìn chung các chùa chiền, tự viện mọc lên rất nhìêu, số lượng tăng chúng ngày một đông…Như vậy phải chăng là Phật Giáo đang trên đà phát triển?

Là một Huynh Trưởng GĐPT, tôi được đi nhiều nơi, thăm nhiều chùa chiền, gặp gỡ và tiếp xúc với rất nhiều quý Tăng Ni và Phật tử. Nhìn những ngôi chùa lo lớn, trang nghiêm, quý Phật tử đến chùa đông đảo, tuy nhiên bên trong đó hình như có điều gì bất ổn.

Có lẽ nơi nào cũng vậy, một số Phật tử tỏ ra e dè đối với những người là Phật tử ở nơi khác đến. Một số lại thì thầm nói lỗi của Chư Tăng, Ni hay Phật tử nào đó…Họ đến chùa có vẻ thích nói chuyện Đời hơn là chuyện Đạo, một số lại cho rằng pháp môn mà họ đang hành trì là cao siêu và có sự phân biệt đối với một số Phật tử và chư Tăng hành trì các pháp môn khác. Chư Tăng, Ni thì không ít vị không có nhiều thời gian để hướng dẫn Phật tử tu tập, họ lo nhiều về vấn đề cơ sở vật chất hơn là việc tu tập và cũng thường tỏ thái độ phân biệt đối với chư Tăng , Ni và Phật tử ở các chùa khác…

Các bạn có thấy sự bất ổn này không…? Theo tôi đây là những dấu hiệu của sự phân hoá và cũng là sự bất ổn rất lớn trong Phật Giáo. Thiết nghĩ mỗi Phật tử chúng ta cần phải tỉnh giác trước vấn nạn này, nếu chúng ta không muốn chứng kiến thảm cảnh Phật Giáo ngày một suy yếu, muôn loài chúng sinh lại chìm trong bóng tối vô minh, đau khổ…

Là một Phật tử chân chính thì không vì cảm tính mà bới móc lỗi của người khác, nhằm làm giảm uy tín, phẩm giá của họ, phải nên nhớ rằng không ai có thể làm cho người khác nhiễm ô hay thanh tịnh. Nhiễm ô hay thanh tịnh là do chính họ tự tạo nên. Mỗi người tự họ có nhân quả của họ, chẳng ai có quyền thưởng phạt cho ai cả. Nếu ta là một Phật tử chân chính thì khi thấy ai làm điều sai trái ta nên kiểm điểm lại mình xem có mắc lỗi như họ không. Trên tinh thần Từ Bi ta nên khéo léo dùng phương tiện giúp họ nhận ra điều sai trái và sửa đổi, nếu không làm được như vậy thì ta nên thương cảm cho họ vì quả báo sau này của họ phải nhận lấy và tự xấu hổ vì mình chưa đủ năng lực để giúp đỡ họ.

Là một Phật tử chân chính thì ta không bao giờ có tâm phân biệt giữa Phật tử Người với Phật tử Ta, biết rằng nếu ta còn phân biệt giữa ta và người là còn chấp ngã. Lẽ ra ta nên đối với tất cả chúng sanh bằng tâm bình đẳng vì ta biết tất cả chúng sanh đều có Phật tính, huống chi lại là Phật tử.

Là Phật tử chân chính ta phải đem đạo áp dụng vào đời sống hầu đạt đến một đời sống thật sự lý tưởng còn không hết ,vả lại trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay ta ít có điều kiện để cùng nhau thảo luận vấn đề tu tập giải thoát, huống hồ ta lại đem chuyện không dính dáng gì đến đời sống đạo để thảo luận nơi chốn đạo tràng tu tập như ở chùa.

Là Phật tử chân chính ta biết rằng tám muôn bốn ngàn pháp môn của Phật khác nhau là ứng với căn cơ, sở thích, hoàn cảnh …của vô lượng chúng sanh khác nhau, tuy nhiên mục đích đều là giải thoát. ”Nước trong bốn biển đều duy có một vị mặn, muôn ngàn Pháp môn của Phật duy chỉ có một vị giải thoát”. Phân biệt Pháp môn vô tình là ta chê bai Phật Pháp…Gây sự chia rẽ giữa Phật tử với nhau…

Là Phật tử, bậc tu hành chân chính ta biết rằng chùa chiềng là đạo tràng thanh tịnh để Chư Tăng, Ni trú xứ, hướng dẫn Phật tử cùng nhau tu tập chứ không phải chỉ là thắng cảnh để chiêm ngưỡng ngắn nhìn…Không nhất thiết phải xa hoa, cầu kỳ…Cái chính là làm sao cho số đông được thấm nhuần Chánh Pháp, tinh tấn tu hành giải thoát.

Sư tử trùng thực sư tử nhục. Con sư tử là chúa tể trong rừng không con vật nào có thể hại chết nó, chỉ có tế bào bệnh hoạn trong cơ thể của nó tăng trưởng, sinh sôi nảy nở, lan tràn và huỷ hại nó mà thôi. Cũng như Giáo Pháp của Phật là chân lý tối thượng, không một lý luận ngoại đạo nào có thể lấn át hay phá hoại được, duy chỉ có những phần tử đang thực hành Giáo Pháp Phật một cách lệch lạc, cẩu thả dần dần huỷ hoại Phật Pháp mà thôi.

Mỗi Phật tử chúng ta là một tế bào của Phật Pháp, nếu không muốn vô tình trở thành kẻ huỷ hại Phật Pháp, cần chân thật phát tâm dũng mảnh tu hành Phật đạo một cách chân chính, cần phải là một tế bào khoẻ mạnh ,tràn đầy sức sống xây dựng một khối Phật Giáo vững bền mang lại an vui , giải thoát cho khắp chúng sanh.

N.K

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here