Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Ký ức tuổi thơ

Ký ức tuổi thơ

149
0

Tuổi thơ tôi trôi qua trong ngôi nhà nằm bên dòng sông Ô Lâu thuộc làng cổ Phước Tích – một ngôi nhà rường ba gian, hai chái rất rộng, mái lợp ngói liệt, vách đố, cửa bàn khoa chạm trổ công phu. Những dãy cột lớn thẳng tắp, vừa tròn một vòng tay nhỏ của tôi, đỡ lấy một bộ giàn trò làm bằng gỗ mun đen bóng. Nhà có nhiều cửa nhưng chỉ được mở tiết kiệm một phần cửa chính và hai cửa hông nên trong nhà luôn luôn râm mát. Những viên gạch Tàu to, nhẵn bóng, sạch trơn, toả hơi mát khi đi chân đất vào mùa hè.

Gian giữa dùng để thờ, bàn thờ cao thấp khác nhau. Chính giữa và cao nhất là cái khám thờ cửa đóng im ỉm, hồi ấy đối với tôi là cả một sự bí mật. Tôi không biết, người lớn đã cất cái gì trong đó. Chỉ biết đây là nơi cấm kị. Ông tôi không cho lũ trẻ vào đó vì sợ chúng phá. Có nhiều khi trong các trò chơi trốn tìm, tôi đánh bạo vào đó núp. Những lúc như thế tôi vừa có cảm giác khoan khoái không ai tìm ra, lại vừa có cảm giác rờn rợn vì mình đã vi phạm vào một chốn thiêng liêng.

Điểm sáng nhất của gian giữa là bàn Phật được đặt trên một chiếc tủ thờ. Bàn thờ giản dị. Chân đèn và lư hương bằng đồng, bát nhang xanh lam màu men cổ. Đặc biệt nhất là tượng Phật Bà ngồi trên toà sen, cao khoảng ba tấc bằng đá màu xám. Vì tượng ở cao quá nên tôi không nhìn kỹ được khuôn mặt. Bây giờ nhớ lại, tuy bức tượng được chạm trổ theo lối thủ công nhưng đường nét tinh xảo và sống động, mang dáng riêng của một tác phẩm nghệ thuật. Bà nội tôi bảo đó là phần thưởng của vua ban khi Cụ Tổ nhà tôi làm nghề thầy thuốc chữa lành bệnh cho một phi tần trong cung. Bàn thờ luôn được thắp sáng bởi hai ngọn đèn dầu, ban ngày được vặn nhỏ có khi bé bằng hạt bắp. Đây là bàn thờ của bà tôi.

Tôi nói của bà tôi vì chỉ một mình bà tôi chăm sóc và tụng kinh vào hai buổi sáng tối. Ông tôi không hề tụng kinh, không ăn chay nhưng cũng không ngăn cản. Chiếc giường thờ được kê ở gian giữa, bốn chân đều có chạm trổ và mặt được được đan bằng mây. Vào những ngày vía Phật và các dịp Tết, mặt giường đầy cả phẩm vật. Những nải

nhớ hoài hình bóng chùa tôi

chuối tròn lẵn, những quả bưởi còn nguyên cuống và lá xanh, những trái đu đủ màu vàng ươm, những khay bánh in hình tháp, màu giấy bóng xanh, đỏ, vàng trông thật vui mắt. Hoa huệ trắng nằm bên hoa phượng đỏ. Rồi hoa ngọc lan, thiên lý, bưởi toả hương thơm… Đúng là "trái nhà hoa vườn" mùa nào thức ấy. Khâu chuẩn bị đối với bà tôi thật sự quan trọng. Vào những ngày ấy, bọn trẻ chúng tôi rất vui.

Hồi ấy mãi chơi nên tôi ít chú ý bà tôi tụng kinh như thế nào. Nhưng tôi nhớ có một buổi sáng mùa đông trời rất lạnh, tôi bị đánh thức bởi tiếng tụng kinh của bà. Hôm ấy mẹ tôi dậy sớm để nấu cơm cho cả nhà, nằm ở chái dưới tôi lơ mơ nghe bà tụng kinh. Âm thanh lạ tai dồn dập cùng với tiếng mõ đều đặn, những tràng "Nam mô A Di Đà Phật", "Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát" khi cao khi thấp trầm bổng rất hay. Những bài kinh dài loáng thoáng không rõ lời mà trong giọng điệu của người đọc có cái gì đó thành kính, chí thiết. Bà tôi đã già nhưng giọng còn trong lắm. Sau này khi có duyên đến với Phật, tôi mới biết đó là lúc bà tôi trì chú, niệm Phật, tụng kinh sám hối. Nằm ấm áp trong chăn, mơn man trong tiếng kinh của bà, thỉnh thoảng có tiếng chuông ngân lên trong buổi sáng tĩnh mịch, tiếp tục đưa thần trí bé thơ tôi đi vào giấc ngủ.

Nhưng có lẽ nhớ nhất, gây ấn tượng nhất vẫn là những lúc bà tôi phóng sanh mà ngày xưa tôi quen gọi là "thả cá". Bà tôi phóng sanh mỗi tháng một lần vào ngày mồng một. Chiều hôm trước, bác Thương – một người làm chài đã đem cá đến. Trong số những người đánh cá trên dòng Ô Lâu, bác đã giành được độc quyền bán cá cho bà tôi.

Ai cũng thích bán cá cho bà tôi. Cá mua để thả không bao giờ bà trả giá. Bà thường bảo: "Nhiều ít gì cũng hoan hỷ vì người bán cũng có một phần công đức ở trong đó". Bà tôi hay mua cá của Bác Thương vì nhiều lẽ: nhà bác nghèo mà đông con; cá của bác lại tươi, mạnh và giá cả cũng phải chăng. Mấy đứa con của bác cũng thừa những dịp ấy đến nhà tôi chơi.

Cá dùng để phóng sanh thường được bà tôi đặt trong chậu sành. Những con cá giếc vẫy bạc lấp lánh; những con cá rô đen xám; những con cá "dét" mình dài trơn tuột, có khi có cả những con cá trê nhỏ có râu dài cong vút. Những con cá quẩy tung tăng biểu hiện một sức sống kì lạ. Bà tôi bảo O Nết, người giúp việc, thả cá vào một cái thạp bằng đất nung rộng miệng màu đỏ tím, trên đậy một cái rổ mắt thưa để đề phòng mấy chú mèo. Bà tôi trả tiền cho bác Thương và thường kèm theo một cái gì đó. Có khi là một cái áo len cũ của ông tôi; có khi là một mớ áo quần thừa ra của phụ nữ và bà con trong nhà, cũng có khi chỉ là một hai lon ruốc và một rá khoai khô. Có khi bác đổi cá để lấy gạo chứ không bán, vì bà tôi thường đong gạo nhiều hơn số tiền cá. Sự đổi chác này có chứa đựng tình thương nên chẳng so đo tính toán gì. Lũ trẻ con bác, đám bạn hàng xóm và kể cả tôi nữa, mỗi đứa thường được bà cho vài cái kẹo, vài cái bánh in hoặc một quả chuối… 

Bác Thương khệ nệ bưng cá đi trước, mấy đứa con của bác theo sau, thêm lũ trẻ hàng xóm, thế là thành một đoàn. Cái đám rước rộn ràng ấy lại càng rộn ràng thêm vì tiếng sủa của mấy con chó khi có người lạ. Đám đông đi ra rồi mà chúng vẫn còn sủa với theo để thị oai. Bà tôi dặn O Nết thêm nước vào thạp và dằn thêm cục đá lên cho chắc. Tôi thấy bà đi vô đi ra, nét mặt tươi tắn hẳn lên.

Sáng hôm sau, sau thời kinh sáng, bà tôi chuẩn bị ra sông thả cá. Bà tôi mặc áo lam cầm nắm hương đi trước, O Nết khệ nệ bưng thạp cá đi theo. Lũ trẻ chúng tôi đi sau cùng, mỗi đứa cầm một cái vợt vải tự làm. Đến bờ sông, O Nết đặt thạp cá gần mé nước, bà tôi thắp hương khấn vái rất thành kính. Sau đó, bà dùng vợt vớt một chú cá rồi thả ra sông. Đứa nào trong chúng tôi đi theo cũng đều được thả, thậm chí có đứa tranh giành nhau để thả hai, ba con. Tôi nhớ bà tôi bảo: "Mấy con cá này đi lạc, thả nó đi về với ba mạ nó". Nhiều con cá sau một đêm bị nhốt, sức đã bị yếu đi, đuôi quẩy không mạnh. Thế là cả lũ trẻ hò nhau động viên, lấy tay khoả nước làm sóng hỗ trợ. Con cá dường như quen trở lại với môi trường cũ, đuôi quẩy mạnh bơi ra xa được một khoảng, mất hút dưới làn nước trong xanh. Cũng có con quá yếu, mắt trương và dại, không bơi được, tấp vào vờ. Những lúc như thế bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng buồn. Mới hay việc làm tuy nhỏ nhưng cũng khơi dậy được từ tâm vốn có của trẻ thơ.

Sau những lần kết thúc buổi đi thả cá, bọn trẻ chúng tôi thường được bà chiêu đãi: những viên kẹo gừng, kẹo xóc cay cay, ngọt ngọt, có phủ một lớp bột trắng mịn; có khi là một rổ khoai lang luộc hay đậu phộng nấu, có khi chỉ vài cái kẹo chanh với một quả chuối. Việc làm này đã trở thành thông lệ. Những lúc như thế bọn trẻ chúng tôi háo hức lắm.

Tôi nhớ có một lần thằng Thìn – bạn hàng xóm của tôi – bắt được một con tắc kè hoa. Hồi ấy nó là một tay bạo gan nhất trong đám con trai. Nó cầm đuôi con tắc kè quay tít trên không như chong chóng, y hệt một diễn viên xiếc, sau đó quật mạnh xuống đất. Tiếng kêu đánh "bịch" của thân hình con tắc kè khi chạm đất khiến cho đám con gái chúng tôi bưng mặt hét lên, còn đám con trai cười ngắt ngoẻo khoái chí. Con tắc kè mới vừa đây thôi, với đôi mắt to sinh động, bộ lưng với những chiếc vảy sặc sỡ lấp lánh nhiều màu bỗng nằm yên bất động, thân hình mềm nhủ, phơi cái bụng màu trắng lên trời

chỉ sợ rằng những hình ảnh thân thương này sẽ biến mất trong một thời gian rất gần nữa thôi

.

Đúng lúc ấy bà tôi từ trong nhà đi ra. Cả đám im thin thít nhìn bà lo sợ. Bà không giận nhưng trong mắt có vẻ gì đó hoảng hốt lẫn một chút thương cảm đến tột cùng. Đến bây giờ ánh mắt đó vẫn còn ám ảnh tôi…

Mãi lúc sau, bà mới chậm rãi nói: "Tắc kè cũng biết đau đấy. Mấy con đứa nào làm nó đau, sau này hoá thành tắc kè cũng bị đánh đau như thế". Bà bảo chúng tôi giải tán, ai về nhà nấy. Thằng Thìn cúi xuống lượm con tắc kè đi ra, mặt nó tiu nghỉu. Nó kiếm chỗ chôn con tắc kè trong vườn chuối. Từ đó lũ trẻ chúng tôi thôi luôn cái trò bắt chuồn chuồn vặt cánh, dùng đinh ghim bướm một chỗ cho nó đừng bay.

Ông tôi là y tá Đông Dương, thuộc lớp công chức thuộc địa, nói tiếng Tây như gió, được triều đình ban hàm Lục phẩm. Ông có cái thú bẫy cu cườm và chơi gà đá. Không biết ông mê đá gà đến cỡ nào mà có biệt danh "Lục chọi". Nghe mẹ tôi kể, bà tôi nhiều lần đánh bạo khuyên ông với câu nói bóng gió: "Không có gì thất nhân ác đức cho bằng xem người ta đánh nhau sứt đầu, mẻ trán mà vỗ tay reo hò". Lời phê phán nhẹ nhàng xem ra không mấy tác dụng so với cái máu mê đá gà quá thể của ông. Chỉ đến lúc cô út của tôi – một cô gái có học, xinh đẹp – bị Tây giết ngay trong vườn nhà mình, ông tôi bỗng dưng trở thành một con người khác hẳn. Bao nhiêu cu mồi – có con rất đắt, ông cưng quý hơn cả con cháu trong nhà – ông đem ra thả hết, chỉ để lại một con để nghe tiếng gáy. Kể từ đó ông cũng không bao giờ chơi đá gà nữa.. Đó là chuyện của quá khứ. Mãi đến sau này, khi tôi lớn lên, vẫn thấy dăm ba con gà cồ trong sân với bộ lông sặc sỡ giữa đám gà mái. Có lẽ chúng là hậu duệ của những con gà chiến thuở trước, người ta giữ lại để cải tạo giống. Chúng có cái vẻ hiên ngang và hào hoa lắm.

Ngôi nhà xưa không còn nữa. Ông bà tôi đã qua đời. Con cháu người còn kẻ mất, người đi xa, thậm chí rất xa… không còn ai ở lại để chăm sóc. Rồi thời gian… chiến tranh… bão lụt… ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Rồi chú tôi với suy nghĩ thực tế, phá ngôi nhà cũ xây lại một ngôi nhà mới nhỏ hơn, chắc hơn. Căn nhà mới không râm mát như xưa mà đầy ánh sáng. Đồ đạc còn sót lại cũng không có gì đáng giá. Những hoành phi, câu đối chạm trổ tinh xảo ngày xưa được thay bằng câu đối viết bằng sơn, màu sắc loè loẹt. Ngôi nhà được gửi lại cho một người hàng xóm trông coi.

Ngôi nhà đã thay đổi, duy chỉ có một điều không thay đổi đó là ngôi mộ của cô tôi nằm cô đơn ở một góc vườn cùng năm tháng. Và một điều rất may là tượng Phật Bà đã được gửi vào chùa làng. Sự thực dụng nhiều khi đã giết chết quá khứ, làm mất đi cái hồn truyền thống nhiều đời của cha ông. Nhưng tôi không trách chú tôi.

Nhìn ngôi nhà mới, tôi lại nhớ đến quặn lòng ngôi nhà xưa, nơi tôi đã gửi lại ở đấy một thời tuổi thơ. Tôi nhớ ông tôi vào những năm cuối đời, không còn đâu cái dũng khí của một thời trai trẻ, ngồi trầm ngâm trên chiếc ghế xích đu ở hàng hiên, đôi mắt đượm buồn nhìn vu vơ. Tôi nhớ bà tôi, một người phụ nữ Việt Nam bình thường như bao nhiêu người khác. Biết đọc chữ quốc ngữ đủ để ghi sổ sách và tụng kinh. Với phương châm sống "buôn chín bán mười", biết giúp đỡ người nghèo, biết thương yêu người và loài vật, luôn khoan hoà với kẻ ăn người ở trong nhà. Tôi nghĩ về tuổi thơ của tôi trôi qua trong ngôi nhà cũ bên dòng sông Ô Lâu mà những bài học đầu tiên về từ bi, được tiếp nhận thông qua những lời dạy chất phác hồn nhiên, đi trực tiếp vào tâm hồn thơ dại, bám rễ bền sâu vào trong tâm trí.

Từ đó tôi mới vỡ lẽ ra một điều rằng, đạo Phật đã đi vào cuộc sống và tâm thức con người Việt Nam, truyền từ đời này sang đời khác. Nó đi vào lòng dân tộc một cách tự nhiên như chính tự nó. Nó hiện hữu mà không hề ồn ào, phô trương. Nó có mà như không. Tưởng như không mà thật sự là có. Nó là mạch nước ngầm, truyền chuyển mãi không bao giờ cạn, nuôi dưỡng, làm đẹp tâm hồn và nhân cách bao thế hệ con người Việt Nam.

 L.T.C.T
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here