Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Ký Thưởng viên – nơi Nhất Đại Thi ông tiếp sứ thần...

Ký Thưởng viên – nơi Nhất Đại Thi ông tiếp sứ thần Lão Sùng Quang

138
0

Ngày nay, du khách đến viếng phủ thờ Tùng Thiện ở địa chỉ 91 Phan Đình Phùng, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế, ít ai nhận ra đây là Ký Thưởng viên(1). Khu nhà này, 160 năm về trước, Nhất Đại Thi Ông, tức Tùng Thiện vương (1819–1870), đã tiếp sứ thần Trung Hoa Lão Sùng Quang để thanh đàm thế sự và văn chương.

Năm Bính Ngọ, 1846, lúc ấy Tùng Thiện vương còn tước Tùng Quốc Công, ông đã lập Tiêu Viên ở một khoảnh đất rộng lớn bên dòng sông Lợi Nông (nay ở gần nhà khách Điện Lực Thừa Thiên Huế) để rước mẹ là Bà Thục Tân từ Đại Nội ra sinh sống. Đến năm 1849 phủ đệ này mới hoàn thành, lấy tên gọi Ký Thưởng viên, gồm 16 sở.

Bức tranh toàn cảnh cơ ngơi xán lạn này đã được Cụ Ưng Trình, cháu gọi Tùng Thiện vương bằng ông nội mô tả như sau:

1. Thương Hà Bạch Lộ Đường: Một ngôi nhà lớn để tiếp đãi sĩ phu. Gian giữa treo một bức hoành phi đề 5 chữ Hán như vừa nói. Ý nghĩa của 5 chữ Hán tỏ rỏ chủ nhân của ngôi nhà là người thanh cao như giọt sương trắng trên ngọn lau. Bức hoành phi ấy là tặng phẩm của quan sứ Trung Hoa.

Nơi đây là chỗ tiếp nhận bản thảo của vua Tự Đức do Thị vệ chuyển từ Đại Nội sang để Thi Ông nhuận sắc lại thơ văn của nhà vua.

2. Mô Trường: Chỗ ngâm vịnh của Thi Ông cùng anh em, bằng hữu, con cháu và học trò đã thành danh như các Tiến sĩ Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trọng Hợp… Mô Trường còn là một trong những bút hiệu của Thi Ông.

3. Bạch Bí: Chỗ ở của các bà phủ thiếp (vợ của hoàng tử). Thi Ông là con thứ 10 của vua Minh Mạng, có nhiều bà nâng khăn sửa áo. Bạch Bí cũng là một bút hiệu.

4. Tùng Vân: Nhà để thơ văn và bút nghiên… Tùng Vân còn là một bút hiệu khác.

5. Cổ Cầm Đình: Chỗ ngồi để đàn hát hoặc đánh cờ, đánh ma chược cùng gia nhân và chí sĩ, bằng hữu gần xa.

6. Mặc Vân Sào: Chỗ dành để kinh, sử, tử, truyện. Nhà Nho nào có điều kiện cũng đều lập thư phòng như thế để tra cứu.

7. Ngự Mặc Đình: Chỗ để viên mực Tàu do vua Minh Mạng tặng Thi Ông nhân dịp vua mừng lễ Vạn thọ 50 tuổi (Ngũ tuần đại khánh).

8. Xuy Tiêu Ủy: Nơi thanh nhàn dùng để ngồi thổi sáo trúc cùng các nghệ nhân.

9. Sở Tụng Đình: Vườn trồng các loại cây ăn quả quý giá như cam, quýt, bưởi, phật thủ…

10. Hàn Lục Biên: Vườn trồng các loại hoa cúc đủ màu, đủ loại, kể cả loại tỷ muội dùng để ướp trà.

11. Vô Phi Tân Tạ : Nhà tắm nằm bên cạnh hồ nước, có dựng giả sơn. Tên chữ của hồ này là Nga Pha  vì có nuôi ngỗng, một loài vật sống chung thuỷ với đồng loại và trung thành với chủ nhân.

12. Nhất Quyên Thạch: Chiếc cầu bằng đá được bắc từ tạ (nhà tắm) qua hồ nước để ngắm cảnh.

13. Không Minh Bộ: Tên đường đi lại để dạo quanh khu Ký Thưởng viên.

14. Thanh Tịnh Thối: Cửa đi vào lấy sông Lợi Nông làm minh đường, núi Ngự làm tiền án, được xây theo kiến trúc cổ truyền, lưu giữ được nét Huế, cao và rộng trông như một cái đình. Phía trên có khảm mảnh sành 3 chữ như tên gọi. Cửa phủ ngày nay nguyên là đình được trùng tu sau năm 1924, là năm Thi Ông được truy tặng tước Vương. Vì vậy mà có khảm hàng chữ: Tùng Thiện Vương Từ Môn. Phủ đệ này nay đã biến thành phủ thờ và khoảnh đất được phân lô cho con cháu ở.

Nhất Đại Thi ông Tùng Thiện Vương

15. Bốn cột xây bằng vôi hàu. Hai câu trước mặt là:

        Chẩm lưu tẩy nhĩ, thấu thạch lệ xỉ,
        Không đàm tả xuân, cổ kính chiếu thần.

Nghĩa là:

        Gối nước rửa tai; ngậm đá chùi răng;
        Dùng hồ chứa xuân; lấy gương soi thần.

16. Bến nước: Trước phủ có bến nước với tên gọi "Bến phủ Tùng Thiện Vương". Xưa có thuyền nhỏ căng buồm để dạo chơi trên sông Lợi Nông, Hương Giang, gọi là Thủ Quyển(2), còn thuyền dùng đi xa thì theo dạng thuyền rồng ngày nay.

Lệ xưa, một khi đất nước đại định, các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị lúc mới lên ngôi đều ngự giá Bắc tuần, ra Thăng Long làm lễ "bang giao" với Trung Quốc. Vua Gia Long sai sứ sang nhà Thanh báo việc đổi quốc hiệu từ Đại Việt thành Việt Nam. Nhà Thanh còn lưỡng lự, chỉ muốn cho nước ta đổi quốc hiệu thành Nam Việt. Năm Giáp Tý, 1804, hai phái bộ Việt Nam liên tiếp được vua Gia Long cử đi sứ Trung Quốc. Sau nhiều lần tin đi tin lại, vua đã nhất quyết lấy quốc hiệu là Việt Nam, bằng không thì thôi, chứ không tha thiết với việc nước ta được nhà Thanh sắc phong. Cuối cùng nhận thấy nước Việt có lý nên buộc lòng vua Gia Khánh phải chìu theo để được lòng cả đôi bên(3).

Đầu niên hiệu Tự Đức, Đại thần Nguyễn Đăng Giai – vị quan cương nghị, đã mạnh dạn dâng sớ lên vua Tự Đức tâu: "Đời Lê, quốc hiệu là Đại Việt, đóng đô tại Thăng Long, thì lễ bang giao, làm tại đế đô là hiệp quốc thể. Nay liệt thánh đã lập thành một nước, Thanh triều đã công nhận là nước Việt Nam, đóng đô tại Phú Xuân, vậy lễ bang giao, chúng tôi dại nghĩ, làm tại kinh đô mới hiệp"(4).

Trước lời tâu trình đầy tiết tháo của sĩ phu Nguyễn Đăng Giai, vua Tự Đức cho là "phải lẽ", liền gửi quốc thư sang Thanh triều, đề nghị tiếp sứ Trung Hoa tại kinh thành Phú Xuân mỗi khi đến làm lễ bang giao. Vua Đạo Quang nhà Thanh phải đồng tình, cho là "đúng lễ". Nhờ tài kinh luân của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Giai mà Lão Sùng Quang có cơ hội tốt đến thành Phú Xuân. Sau lễ bang giao, vị sứ thần này thân hành đến Ký Thưởng viên để thanh đàm cùng Tùng Quốc Công, chủ nhân Tôn phủ, vừa là chủ soái Mặc Vân và Tùng Vân thi xã.

Nhà Thanh cử một vị Tiến sĩ làm Trưởng phái bộ sang Việt Nam lần này, tức muốn dùng ngòi bút mà trấn lướt ông vua hay chữ và yêu thơ của nước ta cùng với giới sĩ phu nhà Nguyễn giàu khí tiết mà văn chất xưa nay chẳng thừa chẳng thiếu so với lân bang.

Tại sao lại tiếp sứ thần Trung Hoa để luận đàm chuyện văn chương chữ nghĩa tại Ký Thưởng viên mà không chọn một trong các địa điểm khác như Thể Lâu(5), Văn Thánh, Hàn Lâm Viện, Quốc Tử Giám? Đó là câu hỏi khiến chúng ta ngày nay phải suy gẫm về dụng tâm, dụng ý của triều đình Huế và giới trí thức đương thời.

Trước ngày Lão Sùng Quang đến kinh thành Phú Xuân, vua Tự Đức và triều thần đã sai Nội các và Hàn Lâm viện tinh chọn những kiệt tác văn chương của các cát thần(6) làm thành tập Phong Nhã Thống Biên. Phần nhiều thi văn được tuyển chọn là những tiểu phẩm kiệt tác của vua Tự Đức, Tùng Quốc Công, Tuy Quốc Công, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Vũ Duy Thanh, Hà Tôn Quyền… Các danh sĩ khác đương thời trong dân gian cũng đã truyền tụng câu:

        "Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán,
        Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường".

Thơ văn của những bậc danh sĩ đương thời đã bay tỏa vượt biên giới Việt Nam lan sang Trung Quốc, khiến cho nhân sĩ nước bạn ngợi ca. Cụ Ưng Trình cho biết hai câu này không phải do vua Tự Đức sáng tác mà do một văn thần nổi tiếng nào đó làm ra. Bởi vì trong Ngự chế của vua không hề lưu lại di bút có liên quan gì đến chuyện ấy cả.

http://netcodo.com.vn/dataimages/original/images161975_nhavuon.jpg

Phủ Tùng Thiện Vương

Tại Ký Thưởng viên, một bên khách là Tiến sĩ Lão Sùng Quang, Tuần vũ Quảng Tây; bên chủ là Tùng Quốc Công, mỗi người một vẻ. Bên nào cũng vì quốc thể mà đối đáp sao cho tương xứng, cân tài cân sức.

Gặp gỡ nhau để trao đổi văn hoá theo lối bút đàm(7). Không cần thông dịch viên cao cấp. Bạch Hào Tử, Thương Sơn, Bạch Bí, Mô Trường, Tùng Vân là những bút hiệu sáng giá của Tùng Quốc Công gắn liền với non nước Việt Nam(8). Thơ văn của Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương đã được các văn thần lỗi lạc Trung Quốc xếp ngang hàng với hai anh em Tô Thức và Tô Triệt, con trai của nhà thơ Tô Lão Toàn, đều đỗ Tiến sĩ, nổi danh dưới thời Tống. Vì vậy, Tùng Quốc Công và Tuy Quốc Công được dân gian gọi là Nhị Tô (hai ông Tô).

Nhan Sùng Hoành, một thi gia nổi tiếng của Trung Quốc, người phủ Gia Ứng, đã gởi thư khen Nhị Tô, khen thật lòng:

        Phân tài trực bách Nguỵ Tào Thực,
        Ái khách cánh siêu Tề Mạnh Thường.

    Ưng Trình và Bửu Dưỡng dịch thơ:

        So tài chẳng kém Tào Thực thời Nguỵ,
        Yêu khách còn hơn Mạnh Thường đời Tề.

Chu Ứng Nguyên, thi hào Bắc Kinh, trong một bài thơ tứ tuyệt, đã bình phẩm về văn tài của Nhất Đại Thi Ông như sau:

        Nhược sử nguyên tinh giáng Trung Quốc
        Hàn trào, Tô hải si đồng lưu   

Nghĩa là:

        Giá Vương sinh tại Trung Hoa
        Tài ngang sánh với ông Tô, ông Hàn(9).

Được nghe và được đọc "Phong Nhã Thống Biên", Lão Sùng Quang không còn tự phụ mình là sứ thần nước lớn hay là Tiến sĩ của một nước Trung Hoa:

        Độc đáo bạch âu hoàng diệp cú,
        Mãn hoài tiêu sắt đái thu hàn.

Ưng Trình và Bửu Dưỡng dịch thơ:

        Đọc đến câu "Bạch âu hoàng diệp",
        Cả người ớn lạnh với hơi thu.

Không còn có lời khen nào bay thoát hơn lời khen ấy. Thủ tích khen ngợi Nhất Đại Thi Ông tương tự như thế của Lão Sùng Quang còn lại khá nhiều. Ông khen chí tình. Chỉ cần đọc lại hai câu tiêu biểu sau, đủ thấy ông không khen theo lối ngoại giao:

        Thương Sơn nhất lão, thiên đãi dĩ chi thức thị,
        Nam bang khởi đắc, cẩn đại thi nhân mục chi da.

Nghĩa là:

        Trời sinh Thương Sơn để làm gương cho người Việt,
        Nào ai dám coi ông như một thi hào mà thôi.
                                              (Ưng Trình & Bửu Dưỡng dịch)

"Đánh chuông" tiếp sứ thần Trung Quốc như thế thì thật là tuyệt diệu. Đi sứ và tiếp sứ nước ngoài, tầm cỡ như Mạc Đĩnh Chi, luôn được Trung Hoa tôn phong là người có tài ứng đối siêu việt, xứng đáng "Lưỡng Quốc Trạng Nguyên". Noi gương họ Mạc, Tùng Quốc Công cũng đã tiếp sứ thần Trung Hoa trong tinh thần cao nhã ấy, làm rạng rỡ nòi giống Tiên Rồng, để khỏi thẹn lòng với các danh thần ngày xưa. Gương sáng ấy của ông vẫn còn sáng tỏ vằng vặc như vầng nhật nguyệt dưới bầu trời đầy sao.

                                        L.Q.T

Chú thích:

(1) Trước năm 1975, nhà gác tầng 2 của Cô Ngãi, con gái Cụ Ưng Thai, dạy trường Jean d’ Arcs có khắc 3 chữ Ký Thưởng viên, nay không còn nữa. Mà ở nhà gác tầng một lại khắc 3 chữ Lạc Tĩnh các.
(2) Thuyền nhỏ có căng buồm khi no gió, có thể cuốn lại tuỳ theo mức khi chạy qua những bờ sông quanh co. Các vua Gia Long, Minh Mạng… thường dùng những loại thuyền này để dạo trên sông Hương và văn nghệ sĩ thời xưa cũng học đòi, dùng những loại thuyền này để đi ngoạn cảnh.
(3) Quốc Sử Quán, Đại Nam Thực Lục chính biên, tập I, Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 2005; tr.658
(4) Nguyễn Phúc Ưng Trình và Nguyễn Phúc Bửu Dưỡng, Tùng Thiện Vương (1819–1870), Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá, Sài Gòn, 1970, tr.158
(5) Thể Lâu là nhà làm riêng để tiếp sứ Trung Quốc đến bang giao, chứ không tiếp tại Công Quán nằm ở cạnh phủ Thừa Thiên thời bấy giờ.
(6) Các văn gia, thi hào nổi tiếng còn gọi là Cát sĩ. Dưới triều Tự Đức có mở khoa thi Nhã sĩ (chương trình thi cao hơn Tiến sĩ) để tuyển chọn những người đỗ đạt cao bổ dụng làm quan tại Nội các và Hàn Lâm viện.
(7) Bút đàm là một lối thanh đàm thế sự mà nhà nghiên Trần Đình Sơn đã tìm thấy trong một đồ sứ có khắc hai câu thơ: Đối toạ thanh đàm thế sự – Nhàn không tiểu thuỷ hành chu. Nghĩa là: Cùng với chư quân bàn thế sự, như thuyền vượt cạn vẫn thong dong)
(8) Năm 1839, Tùng Quốc Công và các hoàng tử Miên Thẩm, Miên Trinh phải trải qua một khoa thi cam go gồm 3 kỳ về thơ phú, văn sách, kinh nghĩa để được phong tước Công.
(9) tức Tô Thức và Hàn Dũ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here