Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật "Kỳ nữ" Kim Cương – Kỳ 1: Vào nghề

"Kỳ nữ" Kim Cương – Kỳ 1: Vào nghề

171
0
Có lúc người ta gọi chị là "kỳ nữ", có lúc lại mang một cái tên "rất con trai" là Hoàng Dũng với những kịch bản đậm màu sắc xã hội. Bẵng đi một thời gian, người ta thấy chị đi cùng những đoàn cứu trợ xã hội, rồi thỉnh thoảng lại vào chùa học đạo… Người đó là nghệ sĩ tài danh Kim Cương.

Lên sân khấu từ trong bụng mẹ

Góp nhặt những lần được chuyện trò hoặc thư từ với NSƯT Kim Cương, tôi có thể tóm lược những nét chính về một khởi đầu sự nghiệp khá lạ của chị: trong vai Na Tra (vở Na Tra lóc thịt, kịch bản của nghệ sĩ Bảy Nam), Kim Cương lên sân khấu miền Nam từ năm 7 tuổi cùng với mẹ và dì ruột là những nghệ sĩ Bảy Nam, Năm Phỉ nổi tiếng, được khán giả vỗ tay rần rần.

Thành quả đó khiến cô bé Nguyễn Thị Kim Cương tưởng đâu đời mình sẽ gắn liền với nghiệp ca hát mấy đời của gia đình. Nhưng không! Sau khi cha mất trên đường lưu diễn ở Phan Thiết, cả mẹ Năm và mẹ Bảy cùng đưa ra quyết định không cho cô bé theo cái nghiệp quá bạc bẽo này. Kim Cương được gửi vào trường nội trú theo học văn hóa cùng các soeur…

"Sau này khi đã thành danh, nghệ sĩ Năm Châu kể lại rằng, thật ra tôi đã diễn từ trong bụng mẹ diễn ra, khi bà có mang tôi chưa được bao lâu. Khi diễn xuất với cái bầu, có lúc bà đứng dậy không nổi, bèn nhờ bạn diễn là nghệ sĩ Năm Châu đỡ dậy. Đến khi vài tháng tuổi, lại được ra Huế "đóng vai" đứa bé con của Thị Mầu trong vở Quan Âm Thị Kính nhân dịp sinh nhật bà Từ Cung là mẹ của vua Bảo Đại ở cung An Định. Nhưng "vai" này chỉ nằm yên trong chiếc khăn lông và một bình sữa để… khỏi khóc thôi!…", nghệ sĩ Kim Cương kể.

Những ngày xa đoàn hát, xa gia đình để đi học, Kim Cương mới cảm thấy nỗi nhớ sân khấu là cái gì đó rất ghê gớm. Sự lên xuống của đoàn hát của mẹ luôn thể hiện rõ trong sự học của chị hồi đó. "Khi đoàn hát khá, có tiền thì lên học trường lớn ở Đà Lạt, khi diễn ế lại về học ở Tân Định. Đến lúc nghèo quá không đủ tiền, mẹ Bảy Nam lại gửi tôi vào cô nhi viện của nhà thờ Cha Tam trên Chợ Lớn…", Kim Cương nhớ lại.

Những tưởng sẽ xa mãi ánh đèn sân khấu, nào dè năm 17 tuổi, nhân dịp nghỉ hè, khi trở về đoàn hát giúp gia đình thì chị lại bị sân khấu mê hoặc. Năm đó, chị quyết định đi thăm mẹ đang lưu diễn cùng đoàn hát ở Châu Đốc. Đêm đầu tiên xảy ra sự cố quân Ngô Đình Diệm bắn nhau với quân các giáo phái. Dì Năm quyết định cứ diễn rồi khóa cửa rạp, đề phòng khách nhốn nháo chạy dễ dính đạn lạc. Vở diễn kết thúc, súng vẫn nổ, để cầm khách lại trong rạp, các nghệ sĩ trong đoàn phải thay phiên nhau lần lượt hát. Riết rồi cũng hết người mà súng vẫn còn nổ, má Bảy đã cho phép Kim Cương ra hát. Kim Cương hát bản tân nhạc Nụ cười sơn cước đã được khán giả nhiệt liệt tán thưởng. Đêm hát tân nhạc đó đã thay đổi cuộc đời chị và  sau đó chị đã thành công với vai chính A Liễu trong vở cải lương Giai nhân và ác quỷ mà soạn giả Duy Lân đã viết riêng để giới thiệu Kim Cương.

Ở vị trí nào cũng xuất sắc

Những năm nghệ sĩ Bảy Nam không còn sức khỏe, Kim Cương lại thay mẹ gánh vác đoàn hát. Lúc nhiều tác giả kịch bản Sài Gòn chuyển qua viết tuồng cải lương, kịch nói "đói" vở diễn, Kim Cương lại xuất hiện dưới cái tên Hoàng Dũng và các kịch bản nổi tiếng sau đó ra đời như Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo…

Chẳng biết từ lúc nào, báo chí và dư luận đã tặng cho chị cái danh hiệu "kỳ nữ", mà sau này trong một dịp giao lưu với khán giả, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã giải thích "kỳ nữ" chính là tên được dành cho Mạnh Lệ Quân, một phụ nữ kỳ tài trong lịch sử Trung Quốc. Một Kim Cương nghệ sĩ, trưởng đoàn, viết kịch bản, và cả đạo diễn… ở vị trí nào chị cũng trở nên xuất sắc nên xứng đáng được ca ngợi như vậy lắm chứ! Sau ngày đất nước thống nhất, Kim Cương cũng như nhiều văn nghệ sĩ khác ở lại Sài Gòn và tiếp tục sự nghiệp. Đoàn kịch nói Kim Cương do chị quản lý lưu diễn khắp 3 miền với những thành công vượt bậc. Đó cũng là giai đoạn đáng nhớ nhất, thành công nhất của chị…

"Hơn 40 năm, có tất cả những vinh quang, đau khổ tôi mới hiểu ra vì sao gia đình ngày xưa đã không cho đi theo nghề hát. Danh vọng của nghệ sĩ, nhất là một nữ nghệ sĩ đã phải đánh đổi với một giá rất đắt. Một nửa cuộc đời mình phải sống cho người khác, luôn bị áp lực tinh thần rất nặng. Dư luận nhiều khi nói những chuyện oan ức nhưng chẳng thể giãi bày hoặc thậm chí có lúc họ ca ngợi mình lên mây, thì mình vẫn thấy chưa xứng đáng…", một hôm ngồi với tôi ngoài vườn Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn ở Hội An, NSƯT Kim Cương tâm sự. (Còn tiếp)

Trương Điện Thắng (Thanh Niên)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here