Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Tưởng niệm 30 năm Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ viên...

Tưởng niệm 30 năm Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ viên tịch

171
0

Sáng 31-3 (1-3-Giáp Ngọ) Tăng chúng bổn tự Báo Quốc Huế đã trang nghiêm tổ chức lễ húy nhật và tưởng niệm 30 năm cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ viên tịch.

Chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa Đại đức Tăng, Ni trong Thường trực Ban Trị sự, các Ban, Ngành, các Tổ đình, tự viện và đông đảo Phật tử đã đến dự là đảnh lễ tưởng niệm.

Cố HT.Thích Trí Thủ (1909-1984), là bậc Cao Tăng, có công lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, thống nhất Phật giáo Việt Nam, đào tạo, giáo dục Tăng Ni tài đức, hoằng dương Chánh pháp, khai sơn, xây dựng tự viện, trường Phật học, có nhiều công trình nghiên cứu Phật học, dịch thuật Kinh, Luật giá trị, suốt đời phụng sự cho Đạo pháp, dân tộc.

Trưởng lão Hòa thượng đã được cung thỉnh vào ngôi đàn đầu của nhiều đại giới đàn tại tại Phật học viện Nha Trang, đại giới đàn Quảng Đức tại tổ đình Ấn Quang (Chợ Lớn). Ngài là người thành lập Phật học viện Phổ Đà (Đà Nẵng), Viện Cao đẳng Phật học (Nha Trang), đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trường Tiểu học tư thục Bồ Đề tại Thành Nội Huế, mở đầu mạng lưới giáo dục tư thục Bồ Đề của Phật giáo, xây dựng chùa Pháp Hội – Sài Gòn (tiền thân của Viện Đại học Vạn Hạnh), đại trùng tu tổ đình Báo Quốc, khai sơn tu viện Quảng Hương Già Lam (Gò Vấp), xây dựng tổ đình Linh Quang (Quảng Trị).

Sinh thời, cố Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ từng trải qua nhiều trọng trách: Hội trưởng Hội Việt Nam Phật học Trung phần (trong hệ thống Tổng hội Phật giáo Việt Nam do cố Đức Trưởng lão HT.Thích Tịnh Khiết lãnh đạo), Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chánh  GHPGVN Thống Nhất, Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học (Nha Trang), Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVN Thống Nhất, Trưởng ban Vận động thống nhất Phật giáo, Đệ nhất Chủ tịch HĐTS GHPGVN sau khi Giáo hội được thành lập (1981).

Dù bận rộn Phật sự, Hòa thượng vẫn dành thời gian dịch kinh điển, giảng giải kinh, luật, luận, biên soạn sách để hoằng dương Phật pháp. Các tác phẩm chính gồm kinh: Phổ Môn, Phổ Hiền, Mẹ hiền Quán Âm, Vô Thường, A-di-đà, Pháp môn Tịnh độ, Bát Nhã…; Luật Tỳ-kheo, Luật Bồ-tát, Luật Tứ phần, Nghi thức truyền giới Bồ-tát tại gia và thập thiện; Nghi thức Phật đản, Nghi thức lễ sám buổi khuya, chủ trương các tập san như: Tin Phật, Bát Nhã và nhiều tác phẩm khác.

Trưởng lão Hòa thượng viên tịch vào ngày 2 tháng 3 năm Giáp Tý, tức ngày 2-4-1984, thọ 76 tuổi đời, 56 tuổi đạo. Nhục thân của ngài được nhập bảo tháp tôn trí trong khuôn viên tu viện Quảng Hương Già Lam, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh.


“Giờ đây trước bàn linh trang nghiêm của cố đại lão Hòa thượng, tất cả Tăng Ni Phật tử chúng ta đang còn mang nặng trong tâm tư nỗi niềm bùi ngùi xúc động, thương tiếc nhớ tưởng một vị Cao Tăng, một bậc Thầy đạo hạnh cao thâm, chí nguyện kiên trinh, trọn đời hiến mình cho Đạo pháp và Dân tộc. Với cố giác linh Hòa thượng, tất cả chúng ta những người đã gần gũi, những người đã thọ ân pháp hóa, không ai không khắc cốt ghi tâm, những nụ cười hoan hỷ, những dáng điệu vui tươi, những cái nhìn từ mẫn, những câu nói hiền hòa đậm đà đạo lý, nên một khi nghe Hòa thượng viên tịch, tất cả Tăng Ni Phật tử nơi nơi không ai cầm được giọt lệ, như thấy mình đã mất một bóng cây đại thọ che mát, như thấy mình thiếu giọt nước cam lồ, như thấy mình không còn nơi nương tựa. Sự xúc động, sự nghẹn ngào đã dâng trào khắp tất cả mọi hàng Tăng Ni Phật tử, ở trong chùa, ở giữa đường , ở ngoài chợ, sau khi nghe tin Hòa thượng viên tịch. Sự thông cảm đó đã nói lên công lạnh lớn lao, cái chí nguyện cao cả của Hòa thượng đã ban bố cho hàng Tăng Ni Phật tử. Nên trước cái công lạnh lớn lao đó, dầu có nói mấy cũng không cùng, dầu có tả mấy cũng không hết, chỉ chúng ta lắng lòng suy tư, lắng lòng nhớ tưởng, chúng ta mới thấy rõ được những nét cao siêu, những nét thâm huyền, những nét đạo hạnh nơi Hòa thượng, Hòa thượng luôn luôn phát nguyện rằng :

Một lòng kính lạy Phật đà,

Đời đời con nguyện ở nhà Như lai.

Con hằng mặc áo Như lai,

Con ngồi pháp tọa Như lai muôn đời.

Đó là một lời nguyền thâm sâu phát xuất từ kinh Pháp Hoa, với ý nghĩa nhà Như lai là tâm đại từ bi, áo Như lai là tâm nhu hòa nhẫn nhục, tòa Như lai là Nhất thiết pháp không, đại từ bi là Đại bi, nhu hòa nhẫn nhục là Đại hùng, Nhất thiết pháp không là Đại trí. Hòa thượng đã lấy câu kinh trong kinh Pháp Hoa làm cái chí nguyện cao cả của mình, suốt  đời tuân theo suốt đời hành đạo. Nhờ đó mà trải qua bao nhiêu việc làm của Hòa thượng đều mang một sắc thái đậm đà đạo lý, mang một sắc thái tư lợi lợi tha, ích đời lời đạo. Dù tuổi già đã 76, nhưng Hòa thượng vẫn mỗi buổi sáng dậy thật sớm, hai giờ rưỡi, uống nước, tắm, rồi đi vào chùa lễ Phật 108 lạy trên một giờ đồng hồ, tiếp tục lại trì chú thêm một giờ đồng hồ nữa. Sự tu niệm chuyên cần đó không phải chỉ một ngày hai ngày mà luôn luôn hằng cả hai ba chục năm, không phải ở tại chùa mình mà bất cứ ở chùa nào, sáng nào cũng làm y như thế, không phải ở trong nước mà trong khi đi ra ngoại quốc dự đại hội, làm những việc Phật sự, Hòa thượng vẫn giữ công hạnh đó. Qua cái công hạnh đó để thấy rõ rằng chí nguyện Hòa thượng sâu xa biết chẳng nào, nếu ngược lại, một chí nguyện mỏng manh hời hợt thì làm sao thực hiện được một đạo hạnh thâm sâu lâu dài như thế. Một điều ấy cũng đủ cho tất cả hàng Tăng Ni phật tử chúng ta đời đời ghi nhớ, tất cả hàng Tăng Ni Phật tử chúng ta đời đời noi gương Hòa thượng và kính lạy bao nhiêu lạy cũng không vừa. Huống chi Hòa thượng không phải chỉ nghĩ riêng việc lợi mình giải thoát, còn nghĩ đến việc hoằng đạo lợi sanh, dìu dắt Tăng Ni trên đường chánh pháp. Hòa thượng từng tổ chức bao nhiêu Phật học đường ở Linh Quang, Báo Quốc Hải Đức, Già Lam, đào tạo những lớpTăng Ni nhỏ, đào tạo những lớp Tăng Ni lớn. Hòa thượng đã đeo đuổi công hạnh đào tạo Tăng Ni của mình suốt bao chục năm trường không biết mệt mỏi. Nhờ đức tánh từ hòa hoan hỷ bao dung, ngồi với Hòa thượng thì Hòa thượng trở thành Hòa thượng, đối với thanh niên thì Hòa thượng trở thành thanh niên,đối với Tăng trẻ Hòa thượng trở thành người trẻ, đối với em bé Hòa thượng cũng nói chuyện vui vẻ như một em bé. Do vậy đó mà bao nhiêu năm Hòa thượng sống với chúng Tăng không phải toàn là những người tu đạo lâu ngày, mà những người mới nhập đạo có, những người đi sâu trên con đường tu niệm có, những người mới pháp tâm có, tánh tình mỗi người mỗi chứng, đức hạnh mỗi người mỗi cách) thế mà Hòa thượng bao dung được tất cả dưới sự nâng niu giáo dục của mình, không từ bỏ một ai. Người có khả năng, Hòa thượng nâng đỡ theo khả năng, người khả năng kém Hòa thượng nâng đỡ theo khả năng kém, không để cho ai trở thành người vô dụng. Đó là một công đức lớn lao, một chí nguyện lớn lao, một bức gương sáng để hàng Tăng Ni Phật tử chúng ta soi sáng noi theo muôn đời không hết. Trong khi tổ chức giáo dục Tăng Ni, Hòa thượng đã có những cái nhìn xa thấy rộng, không phải chỉ gò bó trong một cách cổ xưa mà nâng đỡ Tăng Ni, giáo dục Tăng Ni có những kiến thức, những đức hạnh thích hợp với hoàn cảnh với thời cơ để phụng đạo lợi đời Hòa thượng đã từng mở ra đưa Tăng Ni đi thi để có những bằng Tiểu học rồi bằng Đại học đủ phương tiện để truyền dương chánh pháp. Không phải chỉ lo mặt tinh thần, Hòa thượng còn lo mặt vật chất cho Tăng Ni, đi đâu cũng mở những cơ sở kinh tế tự túc để cho Tăng Ni vừa làm vừa học, vừa nuôi sống vật chất; thể chất.,vừa nuôi sống tinh thần, để cho một người vừa có đủ cả hạnh cả bi cả trí cả thể, không thiếu mặt nào. Hòa thượng cũng đã góp chung với tất cả đồng bào, thương yêu tổ quốc, làm những điều mình có thể làm được, trải qua bao thời đại, khi nghe tin Hòa thượng viên tịch, không những chỉ những hàng Tăng Ni Phật tử trong đạo bùi ngùi xúc động, mà bao nhiêu những người không phải Tăng Ni Phật tử cũng bùi ngùi xúc động. Cố lắng lòng ôn lại những ánh mắt từ hòa, những nụ cười hoan hỷ, những dáng điệu bao dung, những cử chỉ êm đềm và những tâm tư rộng rãi quảng đại, chúng ta mới nhớ hết được những công đức cao dày, những công hạnh sâu xa của Hòa thượng, và có noi theo công hạnh của Hòa thượng để thực hành bước lên con đường sáng suốt lợi mình lợi đạo lợi đời) chúng ta mới có thể báo đáp được công đức của Hòa thượng một phần nào.” (HT. Thích Thiện Siêu)

Kỷ niệm 30 năm cố Đại lão Hòa thượng viên tịch, hàng Tăng, Ni Phật tử vô cùng thành kính để tưởng niệm công đức Hòa thượng, ôn lại đạo hạnh hoằng hóa độ sanh của Hòa thượng để làm động lực bước thêm những bước dài trên con đường đạo.

N.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here