Trang chủ Lời Phật dạy Kinh Tổng thuyết và Biệt thuyết

Kinh Tổng thuyết và Biệt thuyết

366
0

— Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông Tổng thuyết và Biệt thuyết. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

— Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào để thức của vị ấy đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối. Này các Tỷ-kheo, nếu thức đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối, sẽ không có tập khởi, sanh khởi của khổ về sanh, già, chết trong tương lai.

Thế Tôn nói như vậy. Nói như vậy xong, Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy rồi bước vào tinh xá.

Sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ như sau: “Chư Hiền, sau khi đọc lên bài tổng thuyết một cách vắn tắt, không có giải nghĩa một cách rộng rãi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy và đi vào tinh xá: “Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào để thức của vị ấy đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối. Này các Tỷ-kheo, nếu thức đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối, sẽ không có tập khởi, sanh khởi của khổ về sanh, già, chết trong tương lai“. Nay không biết ai có thể giải nghĩa một cách rộng rãi phần tổng thuyết này, phần này chỉ được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không được giải nghĩa một cách rộng rãi?”

Rồi các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ như sau: “Tôn giả Mahakaccana (Ðại Ca-chiên-diên) này đã được Thế Tôn tán thán và được các vị đồng Phạm hạnh có trí kính trọng, Tôn giả Mahakaccana có thể giải nghĩa một cách rộng rãi tổng thuyết này, phần này chỉ được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa một cách rộng rãi. Vậy chúng ta hãy đến Tôn giả Mahakaccana; sau khi đến, chúng ta hãy hỏi Tôn giả Mahakaccana về ý nghĩa này“. Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến Tôn giả Mahakaccana; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Mahakaccana những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các vị Tỷ-kheo ấy thưa với Tôn giả Mahakaccana:

— Thưa Hiền giả Kaccana, sau khi đọc tổng thuyết này, không giải nghĩa một cách rộng rãi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tinh xá: “Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào để thức của vị ấy đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối. Này các Tỷ-kheo, nếu thức đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối, sẽ không có tập khởi, sanh khởi của khổ về sanh, già, chết trong tương lai“. Nay không biết có ai có thể giải nghĩa một cách rộng rãi tổng thuyết này, phần này chỉ được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa một cách rộng rãi? Rồi này Hiền giả Kaccana, chúng tôi suy nghĩ như sau: “Tôn giả Mahakaccana này đã được Thế Tôn tán thán và được các vị đồng Phạm hạnh có trí kính trọng, Tôn giả Mahakaccana có thể giải nghĩa một cách rộng rãi tổng thuyết này, phần này chỉ được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa một cách rộng rãi. Vậy chúng ta hãy hỏi Tôn giả Mahakaccana về ý nghĩa này, Tôn giả Mahakaccana hãy giải thích cho“.

— Này chư Hiền, ví như một người cần thiết lõi cây, tìm cầu lõi cây, đang đi tìm cầu lõi cây, đứng trước một cây lớn có lõi cây. Người ấy bỏ rễ, bỏ thân cây, nghĩ rằng lõi cây cần phải tìm trong các nhánh cây, lá cây… Cũng vậy là việc làm của chư Tôn giả. Chư Tôn giả đứng trước mặt Thế Tôn, chư Tôn giả lại vượt qua Thế Tôn, và nghĩ rằng cần phải hỏi tôi về ý nghĩa này. Nhưng này chư Hiền, Thế Tôn biết những gì cần biết, thấy những gì cần thấy, bậc có mắt, bậc Trí giả, bậc Pháp giả, bậc Phạm thiên, bậc Thuyết giả, bậc Tuyên thuyết giả, bậc dẫn đến mục đích, bậc đem cho bất tử, bậc Pháp chủ, bậc Như Lai. Nay đã đến thời, chư Hiền hãy đến hỏi Thế Tôn về ý nghĩ này. Thế Tôn giải thích cho chư Hiền như thế nào, chư Hiền hãy như vậy thọ trì.

— Thưa Hiền giả Kaccana, chắc chắn Thế Tôn biết những gì cần biết… Nay đã đến thời chúng tôi đến hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Thế Tôn giải thích cho chúng tôi như thế nào, chúng tôi sẽ như vậy thọ trì. Nhưng Tôn giả Mahakaccana được Thế Tôn tán thán, được các vị đồng Phạm hạnh kính trọng. Tôn giả Mahakaccana có thể giải thích rộng rãi tổng thuyết này, phần này chỉ được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa một cách rộng rãi. Mong Tôn giả Mahakaccana giải thích cho, nếu Tôn giả không cảm thấy phiền phức.

— Vậy chư Hiền, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, tôi sẽ nói.

— Thưa vâng, Hiền giả.

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Mahakaccana. Tôn giả Mahakaccana nói như sau:

— Này chư Hiền, phần tổng thuyết Thế Tôn đọc lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy và đã đi vào trong tinh xá: “Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào để thức của vị ấy đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối. Này các Tỷ-kheo, nếu thức đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối, sẽ không có tập khởi, sanh khởi của khổ về sanh, già, chết trong tương lai“. Này chư Hiền, lời tổng thuyết này được Thế Tôn đọc lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa một cách rộng rãi, tôi hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như sau:

Chư Hiền, sao gọi là thức đối với ngoại trần, bị tán loạn, bị tản rộng? Ở đây, này chư Hiền, khi vị Tỷ-kheo thấy sắc với con mắt, thức truy cầu sắc tướng, bị trói buộc bởi vị của sắc tướng, bị cột chặt bởi vị của sắc tướng, bị triền phược bởi kiết sử vị của sắc tướng, như vậy gọi là thức đối với ngoại trần bị tán loạn, bị tản rộng. Khi vị Tỷ-kheo nghe tiếng với tai… ngửi hương với mũi… nếm vị với lưỡi… cảm xúc với thân… nhận thức pháp với ý, thức truy cầu pháp tướng, bị trói buộc bởi vị của pháp tướng, bị cột chặt bởi vị của pháp tướng, bị triền phược bởi kiết sử vị của pháp tướng; như vậy gọi là thức đối với ngoại trần bị tán loạn, bị tản rộng. Như vậy, này chư Hiền, gọi là thức bị tán loạn, bị tản rộng.

Chư Hiền, sao gọi là thức đối với ngoại trần, không bị tán loạn, không bị tản rộng? Ở đây, này chư Hiền, khi vị Tỷ-kheo thấy sắc với con mắt, thức không truy cầu sắc tướng, không bị trói buộc bởi vị của sắc tướng, không bị cột chặt bởi vị của sắc tướng; không bị triền phược bởi kiết sử vị của sắc tướng; như vậy gọi là thức đối với ngoại trần không bị tán loạn, không bị tản rộng. Khi vị Tỷ-kheo nghe tiếng với tai… ngửi hương với mũi… nếm vị với lưỡi.. cảm xúc với thân…. nhận thức pháp với ý, thức không truy cầu pháp tướng, không bị trói buộc bởi vị của pháp tướng, không bị cột chặt bởi vị của pháp tướng, không bị triền phược bởi kiết sử vị của pháp tướng; như vậy gọi là thức đối với ngoại trần không bị tán loạn, không bị tản rộng. Như vậy, này chư Hiền, gọi là thức không bị tán loạn, không bị tản rộng.

Và này chư Hiền, thế nào gọi là tâm trú trước nội trần? Ở đây, này chư Hiền, vị Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Thức vị ấy truy tìm hỷ lạc do ly dục sanh, bị trói buộc bởi vị hỷ lạc do ly dục sanh, bị cột chặt bởi vị hỷ lạc do ly dục sanh, bị triền phược bởi kiết sử hỷ lạc do ly dục sanh; như vậy gọi là tâm trú trước nội trần.

Lại nữa, này chư Hiền, vị Tỷ-kheo đình chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhứt tâm. Thức của vị ấy truy tìm hỷ lạc do định sanh, bị trói buộc bởi vị hỷ lạc do định sanh, bị cột chặt bởi vị hỷ lạc do định sanh; bị triền phược bởi kiết sử hỷ lạc do định sanh; như vậy gọi là tâm trú trước nội trần.

Lại nữa, này chư Hiền, vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Thức của vị ấy truy tìm xả, bị trói buộc bởi vị xả và lạc, bị cột chặt bởi vị xả và lạc, bị triền phược bởi vị xả và lạc; như vậy gọi là tâm trú trước nội trần.

Lại nữa, này chư Hiền, vị Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm, thanh tịnh. Thức của vị ấy truy tìm không khổ không lạc, bị trói buộc bởi vị không khổ không lạc, bị cột chặt bởi vị không khổ không lạc, bị triền phược bởi kiết sử vị không khổ không lạc; như vậy gọi là tâm trú trước nội trần. Như vậy gọi là tâm trú trước nội trần.

Và này chư Hiền, thế nào gọi là tâm không bị trú trước nội trần? Ở đây, này chư Hiền, vị Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Thức của vị ấy không truy tìm hỷ lạc do ly dục sanh, không bị trói buộc bởi vị hỷ lạc do ly dục sanh, không bị cột chặt bởi vị hỷ lạc do ly dục sanh, không bị triền phược bởi kiết sử hỷ lạc do ly dục sanh, như vậy gọi là tâm không trú trước nội trần.

Lại nữa, này chư Hiền, vị Tỷ-kheo đình chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Thức của vị ấy không truy tìm hỷ lạc do định sanh, không bị trói buộc bởi vị hỷ lạc do định sanh, không bị cột chặt bởi vị hỷ lạc do định sanh, không bị triền phược bởi kiết sử hỷ lạc do định sanh; như vậy gọi là tâm không trú trước nội trần.

Lại nữa, này chư Hiền, vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Thức của vị ấy không truy tìm xả, không bị trói buộc bởi vị xả và lạc, không bị cột chặt bởi vị xả và lạc, không bị triền phược bởi vị xả và lạc, như vậy được gọi là tâm không trú trước nội trần.

Lại nữa, này chư Hiền, vị Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm, thanh tịnh. Thức của vị ấy không truy tìm không khổ không lạc, không bị trói buộc bởi vị của không khổ không lạc, không bị cột chặt bởi vị của không khổ không lạc, không bị triền phược bởi kiết sử vị không khổ không lạc; như vậy gọi là tâm không trú trước nội trần. Như vậy gọi là tâm không trú trước nội trần.

Và thế nào, này chư Hiền, là bị chấp thủ quấy rối? Ở đây, này chư Hiền, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không yết kiến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, thấy sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay thấy sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc. Sắc pháp ấy của nó có biến hoại, đổi khác. Với sự biến hoại và đổi khác trong sắc pháp ấy của nó, thức của vị ấy bị tùy chuyển bởi sự biến hoại trong sắc pháp của vị ấy. Do thức bị tùy chuyển bởi sự biến hoại trong sắc pháp, nên pháp quấy rối khởi lên, xâm nhập tâm và tồn tại. Vì tâm bị xâm nhập, vị ấy sợ hãi, bực phiền và đầy những khao khát. Và vị ấy bị chấp thủ quấy rối.

Vị ấy xem cảm thọ.. tưởng… các hành… thức như là tự ngã hay tự ngã, như là có thức, hay thức như là trong tự ngã, hay tự ngã như là trong thức. Thức ấy của vị ấy biến hoại và đổi khác. Với sự biến hoại và đổi khác trong thức ấy của vị ấy, thức của vị ấy bị tùy chuyển bởi sự biến hoại trong thức của vị ấy. Do thức bị tùy chuyển bởi sự biến hoại trong pháp, nên các pháp quấy rối khởi lên, xâm nhập tâm và tồn tại. Vì tâm bị xâm nhập, vị ấy sợ hãi, bực phiền và đầy những khao khát. Và vị ấy bị chấp thủ quấy rối. Như vậy, này chư Hiền, là bị chấp thủ quấy rối.

Và thế nào, này chư Hiền, là không bị chấp thủ quấy rối? Ở đây, này chư Hiền, có Ða văn Thánh đệ tử yết kiến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh; yết kiến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân; không thấy sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay không thấy sắc như là trong tự ngã, hay tự ngã như là trong sắc. Sắc pháp của vị ấy biến hoại, đổi khác. Với sự biến hoại và đổi khác trong sắc pháp của vị ấy, thức của vị ấy không bị tùy chuyển bởi sự biến hoại trong sắc pháp của vị ấy. Do thức không bị tùy chuyển bởi sự biến hoại trong sắc pháp, nên các pháp quấy rối không khởi lên, không xâm nhập tâm và tồn tại. Vì tâm không bị xâm nhập, vị ấy không sợ hãi, không bực phiền và không đầy những khao khát. Và vị ấy không bị chấp thủ quấy rối.

Vị ấy không xem cảm thọ…tưởng… các hành…thức như là tự ngã hay tự ngã là có thức, hay không thấy thức như là trong tự ngã hay tự ngã như là trong thức. Thức của vị ấy biến hoại và đổi khác. Với sự biến hoại và đổi khác trong thức của vị ấy, thức không bị tùy chuyển bởi sự biến hoại trong thức của vị ấy. Do thức không bị tùy chuyển bởi sự biến hoại trong thức, nên các pháp quấy rối không khởi lên, không xâm nhập tâm và tồn tại. Vì tâm không bị xâm nhập, vị ấy không sợ hãi, không bực phiền và không đầy những khao khát. Và vị ấy không bị chấp thủ quấy rối. Như vậy, này chư Hiền, là không bị chấp thủ quấy rối.

Này chư Hiền, phần tổng thuyết Thế Tôn đọc lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy và đã đi vào trong tinh xá: “Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào để thức của vị ấy đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối. Này các Tỷ-kheo, nếu thức đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối, sẽ không có tập khởi, sanh khởi của khổ về sanh, già, chết trong tương lai“. Phần tổng thuyết này, này chư Hiền, được Thế Tôn đọc lên một cách vắn tắt, không được giải nghĩa một cách rộng rãi; này chư Hiền, tôi hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy. Và nếu như chư Hiền muốn, hãy đi đến Thế Tôn và hỏi ý nghĩa này. Thế Tôn giải thích chư Hiền như thế nào, hãy như vậy thọ trì.

Rồi các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Mahakaccana giảng, từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, sau khi đọc phần tổng thuyết một cách vắn tắt cho chúng con, không giải thích nghĩa một cách rộng rãi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, và đi vào tịnh xá: “Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào để thức của vị ấy đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối. Này các Tỷ-kheo, nếu thức đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối, sẽ không có tập khởi, sanh khởi của khổ về sanh, già, chết trong tương lai“.

Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, chúng con suy nghĩ như sau: “Thế Tôn sau khi đọc phần tổng thuyết một cách vắn tắt cho chúng ta, không giải nghĩa một cách rộng rãi, và đã đi vào tinh xá: “Vị Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào để thức của vị ấy đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối. Này các Tỷ-kheo, nếu thức đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối, sẽ không có tập khởi, sanh khởi của khổ về sanh, già, chết trong tương lai.“. Nay không biết ai có thể giải nghĩa một cách rộng rãi tổng thuyết này, phần này chỉ được Thế Tôn đọc lên một cách vắn tắt, không được giải nghĩa một cách rộng rãi?”

Rồi bạch Thế Tôn, chúng con suy nghĩ như sau: “Tôn giả Mahakaccana (Ðại Ca-chiên-diên) này đã được Thế Tôn tán thán và được các vị đồng Phạm hạnh có trí kính trọng, Tôn giả Mahakaccana có thể giải nghĩa một cách rộng rãi tổng thuyết này, phần này chỉ được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa một cách rộng rãi. Vậy chúng ta hãy đến Tôn giả Mahakaccana; sau khi đến, chúng ta hãy hỏi Tôn giả Mahakaccana về ý nghĩa này.

Rồi bạch Thế Tôn, chúng con đi đến Tôn giả Mahakaccana, sau khi đến chúng con hỏi Tôn giả Mahakaccana về ý nghĩa này. Ý nghĩa của những chữ ấy đã được Tôn giả Mahakaccana giải thích cho chúng con với những phương pháp (akara) này, với những câu này, với những chữ này.

— Này các Tỷ-kheo, Mahakaccana là bậc Hiền giả. Này các Tỷ-kheo, Mahakaccana là bậc đại trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông hỏi Ta về ý nghĩa này, Ta cũng giải thích cho các Ông như vậy, như Mahakaccana đã giải thích. Thật sự ý nghĩa ấy là vậy, và các Ông hãy thọ trì như vậy.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các vị Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

 

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Chú thích: Kinh Trung Bộ-138

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here