Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Kính mừng Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật thành đạo...

Kính mừng Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật thành đạo (8-11-ÂL)

135
0

“Sao mai từ góc trời lên,
Tử sinh đã dứt, não phiền đã tan.
Mười phương thế giới hân hoan,
Mừng đấng Chánh giác với nghìn lời ca.”

“……Chính trong giây phút ấy Thái tử Tất-đạt-đa không còn là một chúng sanh bình thường mà Ngài đã trở thành một Bậc giác ngộ. Điều này đã minh chứng một sự thật cao quý rằng đức Phật không phải là một đấng tạo hóa, không phải là thiên sứ, càng không phải là vị cứu rỗi hay một nhà tiên tri, mà ngược lại Ngài là một con người như bao nhiêu con người khác, một chúng sanh như bao chúng sanh khác. Điểm nổi bật ở Ngài là một tâm hồn thánh thiện, một khát vọng vô biên để tìm cầu chân lý, một ý chí kiêu hùng, một tinh thần quả cảm…Tất cả những phẩm tính cao đẹp đó đã hun đúc cho nhân cách và tâm nguyện tầm đạo của Ngài, để rồi trong đêm hôm ấy, ánh sáng giác ngộ bừng lên và khúc ca khải hoàn đã vang vọng tại Uruvelā, một miền quê yên bình, hiền hòa thuộc vương quốc Ma-kiệt-đà lịch sử….”

Cách đây hơn 2550 năm, trên thế gian đã xuất hiện một bậc Vĩ nhân giác ngộ vẹn toàn dưới cội cây Bồ Đề. Kỷ niệm ngày thành đạo, chúng ta cùng nhau tưởng nhớ lại sự kiện trọng đại này của Đức Bổn Sư.

Đức Phật thành đạo đã minh chứng cho chúng ta thấy rằng: mỗi chúng sinh đều có Phật tánh. Như Ngài đã từng tuyên bố: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành.”

Bằng chứng cụ thể nhất là những đệ tử của Ngài từ những dòng dõi quý tộc cho đến những người căn tính ám độn như Bàn Đặc, thấp hèn như Ưu Ba Li – thợ cắt tóc, tàn ác như Vô Não… Dưới sự cảm hóa và hướng dẫn tu tập của Đức Phật, họ đều được giác ngộ giải thoát.

Ngày Đức Thế Tôn thành đạo mang lại niềm khích lệ vô lượng, vô biên cho Chư Thiên và loài người. Sự giác ngộ vẹn toàn của Đức Phật đã tạo một niềm tin vững chắc vào Tam Bảo cho Tăng Ni và Phật Tử, giúp chúng ta tự tin vào chính mình trong quá trình tu tập, hóa giải đau khổ, tìm đến con đường an lạc, giải thoát.

Đức Phật thành đạo cũng phải trải qua vô lượng A tăng kỳ kiếp, tinh tấn tu tập, hành Bồ Tát Đạo, diệt trừ nội ma, ngoại chướng. Nội ma chính là phiền não khổ đau, kiến hoặc, tư hoặc là nguyên nhân dẫn đến sinh tử luân hồi. Ngoại chướng chính là nói đến chướng duyên bên ngoài, đó là sự cám dỗ của ngũ dục thế gian. Tất cả những thứ đó được kết thúc sau 49 ngày thiền định dưới cây đại thụ Bồ Đề. Ngài đã thực sự giác ngộ, giải thoát hoàn toàn, không còn bị sinh tử luân hồi trói buộc, an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh.

Sau 49 ngày thiền định – mặc dù bị Ma vương quấy nhiễu, Thái tử Tất-đạt-đa đạt được sự giác ngộ hoàn toàn. Từ thời điểm đó, Tất-đạt-đa biết mình là Phật, là một bậc Giác ngộ, và biết rằng mình sẽ không còn tái sinh. Kinh nghiệm giác ngộ của Phật được ghi lại trong Kinh sách theo chính lời của Ngài như sau: “… Sau khi hoàn lại sinh lực ( sau 6 năm tu khổ hạnh vô ích ), ta chú tâm giải thoát khỏi những tư tưởng tham ái, bất thiện và đạt được sơ thiền, sau đó nhị thiền, tam thiền và tứ thiền, nhưng những cảm giác hỉ lạc này không để lại dấu vết gì trong tâm ta.

Khi tâm ta được an tịnh, thanh lọc, không bị dục vọng cấu uế, nhạy bén, chắc chắn, bất động, ta hướng nó về những kí ức và nhận thức về các kiếp trước. Ta nhớ lại nhiều tiền kiếp, một, hai, ba, bốn, năm,…, trăm ngàn kiếp trước, nhớ những chu kì của thế giới. Nơi đó ta đã sống, tên của ta đã như thế, gia đình của ta là như thế, nghề nghiệp của ta, giai cấp xã hội của ta… Ta đã chết như vầy…. Sự hiểu biết đầu tiên này ta đã đạt được trong canh đầu…

Sau đó ta chú tâm đến sự sinh thành và hoại diệt của chúng sinh. Với con mắt của chư thiên, trong sáng, siêu việt mọi giới hạn nhân thế, ta thấy chúng sinh hình thành và tiêu hoại,…chúng sinh tái sinh theo nghiệp lực. Ta nhận ra rằng Chúng sinh tạo nghiệp bất thiện qua ba ải thân khẩu ý đều chìm đắm sau khi chết, tái sinh trong đoạ xứ, địa ngục. Các chúng sinh nào tạo thiện nghiệp bằng thân khẩu ý được tái sinh trong thiện đạo, sau khi chết được lên cõi thiên… Sự hiểu biết thứ hai này ta đã đạt được trong canh hai.

Sau đó ta chú tâm nhận thức về sự tiêu diệt các lậu hoặc và nhìn nhận như thật: Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là phương pháp tiêu diệt khổ, đây là con đường tiêu diệt khổ, và khi ta nhận thức được điều này, tâm ta thoát khỏi dục vọng, ham muốn tồn tại, vô minh. Ta tự hiểu chân lí Tái sinh ta đã đoạn, cuộc sống tu tập của ta đã hoàn tất, ta đã hoàn thành những gì phải làm. Cuộc sống khổ đau này ta đã vượt qua… Sự hiểu biết thứ ba này ta đã đạt được trong canh ba…”

Nếu như giây phút đản sanh của đức Phật là một điềm lành báo hiệu cho một sự kiện lớn trong vương quốc Ca-tỳ-la nói riêng và xã hội Ấn Độ nói chung; sự kiện Thái tử Tất-đạt-đa từ bỏ mọi danh vọng của cuộc đời để âm thầm ra đi trong đêm dài vô tận đã thể hiện một hành động phi thường của một tâm hồn quảng đại và cương nghị; thì sự kiện thành đạo của đức Phật chính là một sự thành tựu cao tột, là niềm vinh quang nhất trong cuộc đời của Ngài. Tất-đạt-đa ( người thành tựu mọi ước nguyện của mình ), Thích-ca Mâu-ni ( bậc thánh của dòng họ Thích-ca ), đức Thế Tôn ( bậc tôn quý trong cuộc đời )… tất cả những danh xưng cao cả, những thánh hạnh cao đẹp, những phẩm tính siêu phàm nhất của đức Phật đã được thành tựu và hiển lộ trọn vẹn ngay trong giây phút huy hoàng ấy. Các bậc Bồ-tát, chư thiên các cõi trời, phi nhân trong các cõi từ hằng hà sa số thế giới đã vân tập về để đón mừng giây phút thiêng liêng, hy hữu nhất, để lắng nghe những pháp thoại vô ngôn của đức Phật. Thời gian và không gian, tư duy và ngôn ngữ dường như đã hòa quyện vào nhau trong ánh sáng giác ngộ thuần khiết của đức Phật. Trong trái tim của mỗi người con Phật, ánh sáng giác ngộ từ hàng nghìn năm trước vẫn còn đó, vẫn ngời sáng mãi để xua tan mọi vọng tưởng đảo điên, để sưởi ấm những con tim giá lạnh đang chìm sâu trong băng tuyết của vô minh, mang đến cho họ một niềm tin tươi sáng, một nguồn động lực vô biên, thôi thúc họ tìm về một nếp sống cao thượng và tươi sáng trong cuộc đời.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here