Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Kinh đô Phật giáo Việt Nam ở đâu?

Kinh đô Phật giáo Việt Nam ở đâu?

148
0

và ngày nay, Yên Tử là nơi hành hương của những người con Phật, nơi thắng cảnh non thiêng hùng vĩ, thác đổ suối reo, nơi tìm về của những tâm hồn muốn xa lánh phiền não. Bạn có thể đồng ý đáp án là Yên Tử như các trang web đó?   Không đơn giản thế, vì nhiều người chọn câu trả lời khác nhưng không có bài trên mạng, hoặc Google không biết đến các bài có ý kiến khác; ngoài ra chủ đề này chưa bao giờ được bàn luận trên diễn đàn để có thông tin trên mạng.

Kinh đô là nơi đóng đô của một vương triều, nơi tập trung quyền lực chính trị, nơi đầu não của hệ thống cai trị; kinh đô (hay thủ đô) còn có nghĩa thứ hai là thành phố vượt trội những nơi khác về hoạt động nào đó (theo tự điển Larousse), ví dụ: Hollywood là kinh đô điện ảnh của Mỹ và phương Tây, Paris là kinh đô thời trang của Pháp và Châu Âu. Kinh đô Phật giáo hiểu theo nghĩa thứ hai, cũng không hẳn gắn liền với kinh đô hoặc cố đô, nhưng kinh đô một thời vẫn là điều kiện thuận lợi để Phật giáo phát huy vai trò trung tâm. Kinh đô Phật giáo có thể xem như là nơi Phật giáo có bề dày lịch sử, là nơi mà người Phật tử chiếm thành phần đông đảo dân cư, nơi mà Phật giáo có ảnh hưởng sâu đậm trong vùng, có sức lan tỏa rộng lớn, có nền nếp tu tập, hành trì, giữ gìn được truyền thống tốt đẹp, nơi mà văn hóa Phật giáo hòa quyện với văn hóa dân tộc và địa phương. Trong các tỉnh thành của cả nước, nơi nào là kinh đô Phật giáo? Hà Nội? Thành Phố HCM? Yên Tử? Đã có nhiều tiếng nói cho rằng Huế là kinh đô Phật giáo Việt Nam. Tất nhiên, không ai có ý tranh chấp một danh xưng, mà chỉ mong giá trị vùng đất này được ghi nhớ, được tôn trọng và được phát huy để làm giàu cho văn hóa và đạo Phật ở Việt Nam.

Nếu trở về khá xa trong lịch sử, thì chắc chắn thời đại Lý Trần là thời đại hoàng kim của lịch sử dân tộc, đồng thời cũng là thời đại mà Phật giáo có vai trò nổi bật, không những chỉ thuần về tôn giáo, mà còn là nhân tố xây dựng văn hóa, xã hội lành mạnh, khoan hòa, có thế chính trị đương đầu với phương Bắc, có sức thu hút nhân tâm đối với lãnh thổ phương Nam. Vì vậy, Thăng Long hiển nhiên là kinh đô Phật giáo của Đại Việt.

Đến thời Nhà Hậu Lê suy vi, nhà Mạc lên ngôi ngắn ngủi, rồi Trịnh Nguyễn phân tranh; tuy đất nước phân hóa về quyền lực nhưng lãnh thổ được mở rộng về phương Nam. Một biến cố có tính bước ngoặt của lịch sử là Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng là nhân vật vĩ đại vì có hai toan tính vĩ đại:
• Củng cố, xây dựng đất Thuận Hóa, và tiến đến mở rộng ảnh hưởng và lãnh thổ về Nam.

• Xây dựng nền tảng tâm linh và văn hóa cho tầng lớp thống trị và cư dân mới bằng cách đặt nền móng cho Phật giáo Đàng Trong, mà cụ thể đầu tiên là trùng tu lớn ngôi chùa Thiên Mụ (1601) trên đồi Hà Khê, phía tả ngạn sông Hương, ngôi chùa mà truyền thuyết báo tin ra đời một vương triều.

Sau Nguyễn Hoàng, các chúa Nguyễn liên tiếp nhau đã có công xây dựng Phật giáo vững mạnh ở Đàng Trong, trước hết là tại Phú Xuân. Thời đại nhà Tây Sơn quá ngắn ngủi, không để lại dấu ấn tôn giáo rõ rệt. Đến thời đại các vua Nguyễn, vương triều đã mở rộng, thống nhất từ Bắc chí Nam, chưa bao giờ rộng lớn như thế; tuy nhiên kể từ cuối thời vua Tự Đức, Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn tang thương, mất nước từng phần, rồi bị thực dân đô hộ, rồi chiến tranh giải phóng, trải qua bao nhiêu biến cố, Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế là thủ phủ Đàng Trong, rồi kinh đô của nước Việt Nam thống nhất đồng thời cũng là kinh đô của Phật giáo Việt Nam. Năm 1932, tại Huế, hội An Nam Phật học khai sinh, cùng với Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học (1930), Hội Phật học Bắc Kỳ (1934) làm nòng cốt sau này hình thành tổ chức Phật giáo Việt Nam. Cũng thời gian đó, tại Huế, Gia đình Phật Hóa Phổ ra đời, tiền thân của Gia đình Phật tử hiện nay. Lần đầu tiên trong lịch sử, các ngôi chùa ni xuất hiện ở Huế, từ đó Ni giới và các ngôi chùa Ni phát triển mạnh ở Huế cũng như các tỉnh thành phía Nam.

Khi đất nước bị chia cắt, miền Nam có thủ đô là Sài Gòn; các tổ chức tôn giáo phải tập trung đầu não về thủ đô, nhưng Phật giáo Huế, vốn cắm rễ sâu vào lòng dân tộc, với quá khứ lan tỏa khắp miền Nam, vẫn có ảnh hưởng sâu đậm trong lòng dân chúng và là một trung tâm đối với miền Trung và có ảnh hưởng ở miền Nam. Đặc biệt, Phật giáo Huế đã là nơi phát động và đứng đầu sóng ngọn gió cuộc đấu tranh vô úy, bất bạo động chống lại cường quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị và đàn áp Phật giáo, gây tiếng vang khắp năm châu.

Từ ngày 30/4/1975, cần nhìn nhận vai trò của Phật giáo Huế như thế nào trong đất nước thống nhất?

1. Huế không còn là một trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học lớn của cả nước. Ngoài thủ đô Hà Nội, TP HCM là trung tâm lớn với đầy đủ mọi mặt của đời sống xã hội; sau đó là các thành phố trực thuộc trung ương: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, với lợi thế kinh tế và địa lý mà các nơi khác khó so sánh. Tuy nhiên, Huế có vị trí riêng, do mang trong mình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, được UNESCO công nhận là di sản nhân loại. Thành quả đó là kết tinh những gì tinh hoa mà lịch sử dành tặng cho Huế, trong đó Phật giáo đóng góp đáng kể cho những giá trị tâm linh và văn hóa sâu đậm.

2. Văn hóa Phật giáo Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế hòa vào dòng chảy của văn hóa dân tộc, tạo bản sắc cho văn hóa địa phương, từ ngôn ngữ, phong tục, âm nhạc, kiến trúc, mỹ thuật, ẩm thực, lối sống, tâm linh. Hằng mấy trăm chùa Huế, trải rộng trên cả địa bàn rộng lớn từ đồng bằng đến miền núi, miền biển, là đề tài nghiên cứu phong phú về di tích, thắng cảnh, đến nếp sống thiền môn cho những nhà nghiên cứu văn hóa.

3. Phật giáo Huế vẫn kế thừa truyền thống tu tập và hoằng pháp, cũng như tiếp tục các hoạt động xã hội, từ thiện một cách hiệu quả, việc đào tạo Tăng tài được mở rộng và nâng cao, hệ thống chùa, tịnh thất, niệm Phật đường, cơ sở từ thiện, văn hóa được củng cố và phát triển. Hệ thống giáo dục Tăng Ni từ thấp đến cao, khẳng định giá trị của mình với phương châm: Văn – Tư – Tu, đã đào tạo cho thế hệ trẻ kế thừa mạng mạch Phật pháp không chỉ cho địa phương mà cho cả nước, đặc biệt là miền Trung. Phật giáo Huế không chỉ đóng khung trong truyền thống, mà đã tiếp nhận nhiều hình thức tu tập, nhiều pháp môn. Không đâu có nhiều sắc thái Phật giáo như ở Huế: chùa nguyên thủy bên cạnh chùa đại thừa; thiền tông Bạch Mã thu hút Phật tử cũng như chùa Tịnh Độ Túy Vân; khuôn hội, chùa làng bên cạnh ngôi đại tự. Gia đình Phật tử Huế được khôi phục, kéo theo Gia đình Phật tử các nơi khác, hiện đang thích nghi với thời đại mới và yêu cầu của tuổi trẻ.

4. Phật giáo Huế vẫn có sức thu hút người bốn phương: từ khách du lịch muốn đến thăm chùa Huế và sinh hoạt Phật giáo Huế, đến các Phật tử trong và ngoài nước hành hương về một miền thánh địa. Chùa Thiên Mụ bên giòng sông Hương là một hình ảnh du lịch rất nổi tiếng, trong nước cũng như quốc tế, là bộ mặt của Phật giáo xứ Huế đối với khách thập phương.

5. Huế là nơi thuận duyên cho sống đạo và tu hành, với đời sống Huế còn giữ nét trầm lắng suy tư, với đời sống đô thị không xô bồ, với khung cảnh tâm linh của núi, sông, chùa hòa quyện vào nhau, với truyền thống tu tập đạo hạnh ẩn sâu. Huế là nơi mà quần chúng Phật tử đông đảo, có truyền thống theo Phật lâu đời, tin vào nhân quả, biết sống từ bi hỷ xả, và ít nhiều giữ giới, trong nhà thiết lập bàn thờ: thờ Phật và thờ ông bà, cha mẹ. Phật tử Huế không sa vào tín ngưỡng dân gian như nơi khác: đốt hương từng bó, sì sụp lễ cầu xin (mua may bán đắt, thăng quan tiến chức, đem lộc vào nhà,…), cúng mâm cao cỗ đầy,…

Huế đã nổi tiếng là một cố đô, với sông Hương núi Ngự đã đi vào thi ca muôn thuở, với cung điện và lăng tẩm triều Nguyễn trầm mặc, với kiến trúc nhà vườn độc đáo, với văn hóa đặc trưng của mình trong lòng văn hóa dân tộc, hơn thế nữa, Huế cần được nhìn nhận là kinh đô Phật giáo Việt Nam. Việc nhìn nhận này cũng như nhìn nhận Yên Tử là thánh địa, là cội nguồn của Thiền tông Việt Nam, là nơi hành hương của mọi người con Việt; cũng như nhìn nhận Hà Nội, TP HCM là những trung tâm của Phật giáo Việt Nam, …

Huế vẫn tiếp tục là kinh đô Phật giáo trong tương lai? Sức mạnh của Phật giáo Huế trước hết là ở chùa Huế. Không chỉ là chốn thiền môn danh tiếng qua nhiều thế hệ, với các bậc chân tu đạo hạnh mà Phật tử quy ngưỡng, chùa Huế còn phát triển trên nhiều địa bàn, kể cả miền núi. Quần chúng Phật tử ngưỡng mong chùa Huế giữ gìn giới luật nghiêm minh, thiền môn thanh tịnh, đồng thời cửa chùa rộng mở cho mọi người tìm nơi an lạc và tạo thuận duyên cho người theo Phật. Quý vị Tăng Ni có điều kiện thuận lợi hơn trong học tập, tu dưỡng để hoằng dương chánh pháp, phụng sự trong các tổ chức và cơ sở Giáo hội, giúp đời trong các công tác văn hóa, giáo dục, nhân đạo, nhất là ngày nay, quý thầy cô là nơi nương tựa để thanh niên tìm hiểu Phật và theo Phật.

Tổ chức Phật giáo Huế là nơi nhân lên sức mạnh của chùa Huế, để giữ gìn và phát huy mạng mạch Phật pháp ở vùng đất danh tiếng này, mở rộng đến mọi vùng dân cư trong tỉnh, và có trách nhiệm cao cả đối với tiền đồ của đạo Phật trên đất nước này, trước hết là trên địa bàn miền Trung, những nơi mà người dân khao khát có chùa, có Tăng Ni, có đời sống tu tập. Ngày nay, thế giới rộng mở, Phật giáo cũng đi vào cuộc sống hội nhập toàn cầu, Huế phải là nơi tổ chức được các sự kiện lớn về Phật giáo, các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế. Tất nhiên, giáo hội trung ương và các cấp chính quyền cần ưu ái và tạo mọi điều kiện để Phật giáo Huế đảm trách công việc lớn hơn cho Giáo hội, tất cả cũng chỉ vì dân tộc và đạo pháp.

Trong cuộc sống hối hả hiện nay, còn gì quý hơn một vùng tâm linh như Huế? Một xứ Huế ngày nay không thể là trầm buồn, là ngưng đọng, mà tham gia tích cực vào thị trường sôi động, mà vẫn hòa nhịp sống với trào lưu kinh tế, văn hóa chung ở hai đầu đất nước, trong khi vẫn để dành không gian thanh tịnh cho mọi người, một cõi tĩnh tâm để trở về chính mình. Đó là kinh đô Phật giáo Việt Nam.

C.H.H
Tháng 7/2009

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here