Kỳ III, Các pháp yết ma, kiết giới và giải giới http://www.lieuquanhue.vn/index.php/14/68/5553.html
Kỳ II, Cương giới, ý nghĩa và tầm quan trọng của cương giới http://www.lieuquanhue.vn/index.php/14/68/5552.html
Kỳ I: Bố tát,thuyết giới, an cưhttp://www.lieuquanhue.vn/index.php/14/68/5550.html
Tự Tứ: cũng có nghĩa là Thỉnh thỉnh hay Tùy hỷ. Thỉnh thỉnh, nghĩa là tự mình nói lên lời cầu thỉnh người khác chỉ lỗi cho mình. Tùy hỷ, nghĩa là hoan hỷ, tùy thuận để cho người khác chỉ lỗi cho mình theo kiến, văn, nghi của họ, nếu mình có lỗi đúng như kiến, văn, nghi của họ, thì mình phải tha thiết chân thành sám hối cho được thanh tịnh, lợi ích, an lạc.
Tự Tứ và Bố Tát mục đích thì giống, mà hành sự thì có khác đôi phần. Mục đích Tự tứ hay Bố tát là làm cho tăng được thanh tịnh, hòa hiệp, an lạc, lợi ích. Nhưng khác ở chỗ, định kỳ Bố tát thì trong mỗi nữa tháng, có đọc tụng Giới điều, khi nghe thì tự mình kiểm điểm, coi mình đã phạm điều gì (nào) trong đó, khi vị thuyết giới hỏi “trong các Đại đức có thanh tịnh không?” thì mình mới trả lời (nếu thấy mất thì giờ của đại chúng thì ghi nhận đợi Bố tát xong, thì ra giữa đại chúng tha thiết cầu xin sám hối)
Còn định kỳ tự tứ thì một năm, sau ba tháng kiết hạ An cư mãn, mới có một lần. Nhưng Tự tứ thì chỉ tiền phương tiện, Yết ma thọ Tự tứ, chứ không tụng giới điều và không hỏi. Mà tự mình nói lên lời cầu thỉnh người khác hoan hỷ chỉ lỗi cho mình, và nếu mình thấy có lỗi đúng như sự thấy, nghe, nghi của họ đã chỉ, thì phải tha thiết chân thành như pháp sám hối, để cho được thanh tịnh, an lạc, lợi ích.
Lúc đầu đức Phật chế pháp An cư cho các Tỳ kheo thì có một số Tỳ kheo nói với nhau, thôi cả năm mình đã nói với nhau nhiều rồi, nay An cư chỉ làm thinh trong suốt mùa An cư đó, chỉ lấy tay ra dấu, họ đồng ý với nhau như vậy. Tất cả đều im lặng suốt cả mùa An cư như vậy. An cư xong họ trở về hầu Phật.
Phật dạy: mùa kết hạ an cư năm nay, các thầy có được sức khỏe vui vẽ, thanh tịnh, hòa hiệp an lạc không? họ bạch lên đức Phật. Trong mùa An cư này họ chỉ im lặng không ai nói gì với ai cả, chỉ cần thì ra dấu hiệu mà thôi.
Phật dạy: Tăng ở chung với nhau để tu học, cần phải tương giáo, tương giới và tương sám mới có thanh tịnh, hòa hiệp, an lạc lợi ích, chứ làm thinh như vậy thì cũng không khác gì Dê câm cùng ở. Nghe Phật dạy như vậy thì nhóm lục quần Tỳ kheo cứ tha hồ đi chỉ lỗi của người này sang người khác, làm xáo trộn lên cả. Phật quở.
Phật dạy: nếu muốn chỉ lỗi người khác thì mình phải có đủ năm đức.
1. Bất ái: nghĩa là không thương yêu thiên vị ai cả.
2. Bất nhuế: nghĩa là không hiềm khích oán hận ai cả.
3. Bất bố: nghĩa là nếu thấy có lỗi, vì sự xây dựng, lợi ích thì sẵn sàng chỉ mà không sợ sự oán thù gì cả.
4. Bất si: nghĩa là biết chính xác phạm hay không phạm, nhẹ hay nặng, theo kiến, văn, nghi rõ ràng chứ không phải mù mờ.
5. Tri thời: nghĩa là biết đúng lúc, đúng pháp, ai đã tự tứ rồi và ai chưa tự tứ.
Phật dạy: trước khi chỉ lỗi cho ai, thì phải cầu thính, tức là báo trước cho họ biết mình sẽ chỉ điểm, lỗi của họ ra giữa Tăng. Nghe vậy, nhóm lục quần Tỳ kheo cứ đi cầu thính lung tung, gặp ai họ cũng cầu thính, đến khi người khác đến cầu thính để chỉ lỗi các ông thì họ lờ đi, tránh không cho cầu thính, khi lờ tránh không được thì cũng nhận lời, nhưng đến lúc Tự tứ thì họ không đến. Chư tăng cũng chịu, không biết làm thế nào (do đó có thọ An cư thì phải hiện diện để thọ Tự tứ, hơn nữa tự mình phải tôn kính, trân trọng pháp Tự tứ. Nếu mình không dự Tự tứ thì không khác gì là lẫn tránh), trừ Phật sự quan trọng mà có dự dục Tự tứ.
Phật dạy: ba tháng An cư kết hạ đã mãn, trong ngày Tự tứ không có cầu thính, mà phải mỗi người tự mình nói lên lời cầu thính, người khác hoan hỷ chỉ lỗi cho mình để mình biết mà sám hối cho thanh tịnh, hòa hiệp, an lạc, lợi ích.
Có bốn trường hợp Tự tứ: định kỳ Tự tứ, tăng ích Tự tứ, giảm nhật Tự tứ, tăng thượng Tự tứ.
1. Định kỳ Tự tứ: nghĩa là sau khi đủ ba tháng An cư xong, thì Tăng tự tứ hay còn gọi là Chánh kỳ tự tứ (vì tự tứ đúng kỳ hạn)
2. Tăng ích Tự tứ: nghĩa là chúng Tăng tu tập trong ba tháng, thấy có lợi ích trong đạo nghiệp, muốn tăng thêm một tháng nữa rồi mới Tự tứ.
3. Giảm nhật Tự tứ: nghĩa là nếu có trường hợp Tăng ở trú xứ khác sắp đến quấy rầy, thì giảm lui một ngày mà Tự tứ trước đi. Thay vì Tự tứ ngày 14 thì bây giờ trụt lui ngày 13. Nếu không kịp mà họ đã vào nội giới rồi, thì tìm cách ra dấu hiệu cho nhau ra ngoài giới, kiết mà Tự tứ.
4. Tăng thượng Tự tứ: nghĩa là trường hợp đã ra ngoài giới, kiết ma Tự tứ cũng không được, thì lui ngày 29 hoặc 30 mà vẫn không Tự tứ được nữa, thì phải thụt lui một kỳ nữa tức ngày 15 tháng sau, nếu vẫn không được nũa, thì bắt buộc phải cưỡng bức hòa hiệp Tự tứ.
Vài điều cần biết thêm:
Kết và giải các giới đây có rất nhiều thứ không đồng. Đều là Như Lai phương tiện tùy thuận, vì ích lợi cho đệ tử.
Một là kiết giới, vì thu nhiếp tăng cùng ở một chỗ để cho khỏi tội biệt chúng.
Hai là kết giới y, vì nhiếp y thuộc về người, để cho khỏi tội rời y mà ngủ.
Ba là định liệu trù, khố, vì thu xếp thức ăn, ngăn Tăng để cho khỏi tội vật dụng, ăn ngủ lẫn lộn.
Bốn là kết giới trường, để cho chúng biết chỗ tập hợp, khỏi tìm kiếm mệt nhọc.
– Yết Ma: Yết ma là âm phạn, hán dịch là “tác pháp biện sự”, và thường được các Luật sư Trung Hoa giải thích rằng “vạn sự do tư thành biện cố”. Nghĩa là tất cả công việc của Tăng đều do nó mà được thành tựu mỹ mãn. Yết ma hay nói đủ là Tăng già yết ma, là hành sự của Tăng, căn cứ trên nền tảng là sự thanh tịnh và hòa hiệp của Tăng, gồm những nguyên tắc đòi hỏi phải tuyệt đối tuân theo, được áp dụng tùy theo đối tượng của hành sự.
Theo thống kê tổng quát của Yết ma chỉ nam, có tất cả 44 pháp thuộc đơn bạch Yết ma. Tăng sự trong các trường hợp này vốn đơn giản, chỉ cần tác bạch một lần cho Tăng biết là đủ.
Về bạch Nhị yết ma, tổng quát tất cả 78 pháp, Tăng sự trong các trường hợp này có phần quan trọng hơn, cho nên một lần tác bạch và một lần Yết ma (biểu quyết) mới được.
Về bạch Tứ yết ma, tổng quát có 39 pháp, Tăng pháp trong các trường hợp này rất quan trọng nên một lần bạch, ba lần Yết ma (hay là biểu quyết) mới được.
Căn bản của các pháp Yết ma qua ba giai đoạn: Gia hành yết ma (cũng gọi là tiền phương tiện), Căn bản yết ma (tức là giai đoạn yết ma thành tựu), Hậu khởi yết ma (tức là cho đến kết thúc công việc)
Ba pháp trên gọi là Tăng pháp yết ma, nghĩa là Tăng yết ma như pháp. Ngoài ra còn có Đối thú yết ma, Tâm niệm yết ma, Cầu thỉnh yết ma. Tuy các pháp sau này không thuộc Tăng pháp yết ma, tuy nhiên, những gì mà đã được trình Tăng thì cũng thành Yết ma.
Bản chất của tỳ kheo là thanh tịnh hòa hiệp. Yết ma như pháp:
1. Nhân: tức là nhân cách hay cá nhân, Tăng tác pháp Yết ma với đối tượng là một cá nhân nào đó, như các loại Yết ma, truyền giới cụ túc, Yết ma trị phạt,…., người đầy đủ điều kiện, người đã thọ cụ túc đúng như pháp.
2. Pháp: hay bỉnh pháp, chỉ cho các sinh hoạt tập thể của Tăng mà Phật đã quy định, như việc thuyết giới mỗi nữa tháng, hay An cư, Tự tứ,…, mục đích thuyết giới là cũng cố và phát triển sự thanh tịnh và hòa hiệp của Tăng.
3. Sự: tức là sự thể hay sự vật. Nói rõ hơn y cứ của Yết ma trong các trường hợp này là những vật thể hữu hình, như việc kết đại giới, tiểu giới, việc phận chia Tăng phòng, Tăng vật,…
– Các yếu tố để thành tựu Yết ma
Tùy theo mỗi loại Yết ma cần hội đủ một số yếu tố nhất định mới thành tựu. Thí dụ: Yết ma truyền giới cụ túc, gồm bốn yếu tố thành tựu.
1. Nhân thành tựu: tư cách giới tử đầy đủ
2. Tăng thành tựu: Tăng đủ số, gồm 5 hay 10 hay 20 tùy theo công việc, tùy theo địa phương
3. Giới thành tựu: giới trường hay tiểu giới đã được tác pháp ấn định như pháp.
4. Yết ma thành tựu: các giai đoạn Yết ma, gia hành, căn bản và hậu khởi được thực hiện đầy đủ như pháp
– Tổng quát có bốn yếu tố căn bản để Yết ma được thành tựu:
1. Y xứ: hay là đối tượng của Yết ma, như đã nói
2. Giới: hay là cương giới
3. Túc số: mỗi loại Yết ma được thực hiện với một túc số tối thiểu. Có bốn trường hợp túc số Tăng, tức là bốn phân loại Tăng theo túc số, nhưng túc số ở đây không những chỉ kể theo đầu người, mà còn phải kể theo phẩm tính, tức là người đã thọ giới Cụ túc, hoàn toàn thanh tịnh, và cùng hiện diện trong một cương giới. nếu đứng ngoài đường ranh của cương giới, hay dù ở trong cương giới mà bay lên khỏi mặt đất, hoặc nhập định hay ngủ mê, đều không được kể trong túc số. Nếu có phạm tội thì đã sám hối như pháp.
Trường hợp Tăng bốn vị thì chỉ Yết ma thuyết giới, còn Yết ma có sai người thì phải năm người trở lên. Có trường hợp Yết ma cọng và bất cọng như Tỳ kheo tăng và Tỳ kheo ni không thể cùng chung Yết ma được.
4. Pháp thức: pháp thức thành tựu hay Yết ma thành tựu là các quá trình diễn tiến của Yết ma được thực hiện như pháp, theo mạch lạc và chi tiết tuần tự. Không sai phạm đảo lộn.
– Gởi dục và thyết dục
1. Gởi dục: nghĩa là gởi ý muốn của mình đến tăng. Ý muốn ở đây là sự nhất trí của mình về việc Tăng yết ma thuyết giới
2. Thuyết tịnh: nghĩa là nhờ người trình lên Tăng rằng mình thanh tịnh, không phạm học xứ nào. Khi gởi dục gồm luôn cả thuyết tịnh.
Văn gởi dục nói như sau: “Đại đức nhất tâm niệm, tôi Tỳ kheo….. vì duyên sự….. Tăng sự như pháp, tôi xin gởi dục và thanh tịnh. (nói một lần rõ ràng)”
Người nhận dục đáp: thiện
Người gởi dục nói: nhĩ
Người nhận dục sau khi đã nhận dục của các tỳ kheo (1,2,3…) khác, hoặc bị đau, hoặc có công việc bất ngờ xảy đến cần phải ra khỏi trú xứ, trước khi đi, phải chuyển việc thuyết dục đến một Tỳ kheo khác.
Văn chuyển việc gởi dục như sau: “Đại đức nhất tâm niệm, tôi Tỳ kheo…. Đã nhận sự gởi dục của các Tỳ kheo…..kia, các Tỳ kheo kia và bản thân tôi, vì duyên sự….Tăng sự như pháp, xin gởi dục và thanh tịnh”. (nói một lần rõ ràng)
Y đệ ngũ luật sư trì luật
1. Tỳ kheo nào tụng thuộc giới bổn từ đầu đến 30 xả đọa, thì gọi là Đệ nhất luật sư.
2. Tỳ kheo nào tụng thuộc giới bổn từ đầu đến Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề, gọi là Đệ nhị luật sư.
3. Tỳ kheo nào tụng thuộc toàn cả giới bổn, thì gọi là Đệ tam luật sư
4. Tỳ kheo nào tụng thuộc cả nhị bộ luật (cả bên Tăng, bên Ni), gọi là Đệ tứ luật sư.
5. Tỳ kheo nào tụng thuộc cả nhị bộ luật và thông hiểu rộng rãi, thì người An cư y theo vị Đệ ngũ luật sư này, để hành trì luật, gọi là Đệ ngũ luật sư.
(Hết)
HT.T.C.H