Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Kiết giới, an cư, tự tứ, các pháp yết ma: Kỳ II,...

Kiết giới, an cư, tự tứ, các pháp yết ma: Kỳ II, Cương giới, ý nghĩa và tầm quan trọng của cương giới

260
0

I. Ý Nghĩa của Cương Giới
Tiếng phạn gọi là Sima, có nghĩa là biên giới, biên thùy hay là đường ranh phân chia hai khu vực khác nhau, như đường ranh phân chia giới hạn lãnh thổ của hai nước ở sát nhau chẳng hạn. Trong Hán văn, nó thường được nói gọn là Giới. Ở đây chúng ta dùng từ cương giới, trong ý nghĩa thường dùng là giới hạn của lãnh thổ, hay biên cương, để chỉ khu vực hay môi trường sống chung hòa hiệp và các sinh hoạt tập thể của Tăng già, được quy định bởi các đường ranh bao quanh theo sự chấp thuận tuyệt đối của Tăng đoàn qua những thủ tục Yết ma.
Những Tỳ kheo được sống trong khu vực giới hạn bởi các đường ranh tạo thành một cộng đồng Tăng lữ riêng biệt. Họ phải chấp hành các nghĩa vụ và thọ hưởng các quyền lợi liên hệ đến cộng đồng mà mình đang sống. Tỳ kheo nào không tuân theo các quy tắc sống chung hòa hiệp và sinh hoạt tập thể trong cương giới ấy được gọi là người biệt chúng, phải được xử lý theo những điều khoản mà luật đã ấn định. Các Tỳ kheo sống ngoài cương giới này, không thuộc thẩm quyền xử lý của những Tỳ kheo sống trong cương giới. Họ cũng không có thẩm quyền can thiệp trực tiếp vào công việc nội bộ của cộng đồng sống trong cương giới này.
Trong thời kỳ đầu tiên của Tăng đoàn, đức Thích tôn không quy định cương giới của cộng đồng Tăng lữ. Tất cả các Tỳ kheo đệ tử của đức Thích tôn dù sống rãi rác hay sống từng nhóm nhỏ trên nhiều lãnh địa khác nhau cũng đều thuộc về cộng đồng duy nhất mà đức Thích tôn là trung tâm. Do đó, mọi vấn đề xảy ra, liên hệ đến một cá nhân Tỳ kheo hay một tập thể Tỳ kheo đều được chính ngài trực tiếp giải quyết và xử trị. Về sau, do sự gia tăng số lượng Tỳ kheo, cộng đồng tăng lữ trở thành rộng lớn, việc trực tiếp giải quyết như thế trở thành khó khăn do vấn đề di chuyển, nên đức Thích tôn cho phép Tỳ kheo ở địa phương nào thì tùy hoàn cảnh thích hợp mà thuộc về cộng đồng của địa phương đó với một cương giới được đồng ý ấn định rõ ràng bởi các đường ranh.
Như thế, từ một cộng đồng Tăng lữ có tính cách tập trung rộng lớn được chia nhỏ thành nhiều cộng đồng địa phương khác nhau. Hệ thống tổ chức Tăng đoàn của đức Phật dựa trên nguyên tắc dân chủ không tập quyền, do đó các Tăng đoàn địa phương sống và sinh hoạt như những cộng đồng tự trị, không bị chi phối bởi một cộng đồng trung ương tối cao nào cả. Tuy nhiên, đời sống của một Tỳ kheo là một đời sống không gia đình, đi hay ở đâu tùy sở thích, tùy nhu cầu hành đạo và hóa đạo riêng biệt của mình, chứ không bị buộc chặt vào bất cứ một cộng đồng nào. Vì vậy, một Tỳ kheo trong giờ trước đang ở tại cương giới này, thì thuộc về cộng đồng tăng lữ này, nhưng trong giờ sau vị ấy bước qua cương giới khác thì đã là thành viên của cộng đồng Tăng lữ đó và phải chấp hành các nghĩa vụ cũng như hưởng thọ các quyền lợi ở cộng đồng đó. Do tính cách di động này mà mặc dù Tăng đoàn được chia nhỏ thành nhiều cộng đồng địa phương khác nhau với những sinh hoạt tự trị khác nhau không có trung ương chi phối, nhưng tất cả đều sinh hoạt nhịp nhàng theo những quy tắt chung, khiến một Tỳ kheo từ nơi này sang nơi kia không bị bối rối và sinh hoạt thường nhật của một người xuất gia không hề bị gián đoạn. Tất cả các cộng đồng địa phương như vậy trong mô hình tạo thành một cộng đồng thống nhất. Đó là cộng đồng đệ tử xuất gia của Phật.
II. Hiệu Lực Chi Phối của Cương Giới
Theo sự ấn định của Phật, bất cứ trong trường hợp nào, bất cứ trong khoản thời gian nào dù chỉ trong chốc lát, hễ nơi nào có bốn Tỳ kheo đang hội đủ tư cách Tỳ kheo tụ tập lại đều có thể thành Tăng, tức một tập thể nhỏ nhất. Nếu có việc gì xảy ra chung cho cả bốn vị ấy, cần được giải quyết chung, thì ngay tại chổ ấy các đường ranh cần phải được ấn định, nghĩa là phải tác pháp kiết giới. Sau khi các đường ranh đã được ấn định, bên trong phạm vi của các đường ranh đó, họ trở thành một cộng đồng tạm thời, có tính cách tự trị riêng biệt. Giả sử lúc bấy giờ có một Tỳ kheo thứ năm đang đứng gần đó, nhưng toàn thân của vị này hoàn toàn ở ngoài các đường ranh đã được ấn định, thì vị này không được kể là một thành viên của cộng đồng ở bên trong cương giới và không có thẩm quyền can thiệp vào các công việc đang tiến hành của bốn Tỳ kheo kia.
Sự ấn định cương giới bởi các đường ranh như vậy là một hành vi tiên quyết, cần phải được tiến hành trước nhất trong tất cả mọi sinh hoạt tập thể của Tăng. Nó là cơ sở hiện thực để phán đoán có hay không có sự chia rẽ xảy ra giữa Tăng. Khi một sinh hoạt tập thể của Tăng, như thuyết giới chẳng hạn, được tham dự đầy đủ với tất cả các Tỳ kheo đang sống chung trong một cương giới, thì sinh hoạt ấy được coi là hòa hiệp. Trái lại, nếu có một Tỳ kheo đang có đủ tư cách tham dự mà không tham dự cũng không gởi dục, sinh hoạt của Tăng bấy giờ được coi là đang bị chia rẽ, hay ít nhất đang có dấu hiệu chia rẽ mà công việc làm kia bất thành và nếu làm là có lỗi. Do vậy, sự ấn định cương giới có mục đích bảo đảm sự đoàn kết của Tăng trong từng cộng đồng địa phương, nó buộc ràng đời sống của một Tỳ kheo vào cộng đồng mà mình đang sống chung, dù chỉ trong khoản thời gian ngắn.
Sự tồn tại của Tăng đoàn chỉ có ý nghĩa chừng nào các thành viên của nó đều sống và sinh hoạt trong một tinh thần hòa hiệp nhất trí, đúng theo luật pháp, cho nên, việc ấn định cương giới để bảo đảm sự hòa hiệp nhất trí ấy phải được coi là công việc quan trọng hàng đầu của Tăng. Không thể có bất cứ sinh hoạt tập thể nào của Tăng được phép tiến hành ở những nơi nào mà cương giới không được ấn định. Nói cách khác, theo ngôn ngữ của Luật tạng Hán văn, tất cả mọi pháp Yết ma của Tăng không được phép cử hành ở những nơi chưa được kiết giới.
III. Bản Chất của Cương Giới
Cương giới là một khoản đất lớn hay nhỏ tùy trường hợp, được bao quanh bởi các đường ranh mà tiếng phạn gọi là Sima. Theo quy định ấy thì bản chất của cương giới là vùng đất mà con người có thể sống, sinh hoạt trên đó.
Cương giới được phân biệt thành hai loại khác nhau, là Cương giới tự nhiên (Tự nhiên giới) và Cương giới ấn định (Tác pháp giới). Tất cả mọi Tăng sự, nghĩa là tất cả mọi thứ Yết ma, đều được cử hành trong phạm vi của hai cương giới đó. Nếu tại trú xứ, tức tại các chùa, các Tăng già lam, thì Tăng sự phải được thực hiện trong phạm vi của cương giới ấn định, tức tác pháp giới. Trong trường hợp xuất hành, nghiã là một nhóm Tỳ kheo với số lượng tối thiểu từ bốn người trở lên đang đi chung với nhau, giữa đường có sự việc xảy ra, cần phải được giải quyết tập thể, thì Tăng sự có thể được thực hiện trong phạm vi của cương giới tự nhiên.
A. Cương Giới Tự Nhiên (Tự nhiên giới)
Cương giới tự nhiên hay tự nhiên giới, là những vùng đất có đường ranh tự nhiên không do sự ấn định qua thủ tục nghị quyết hay Yết ma. Có bốn loại cương giới tự nhiên.
1. Tụ lạc: chỉ tất cả các nơi có nhà cữa dân chúng ở, gồm xóm, làng, thị trấn, …cương giới tụ lạc có hai hình thái khác nhau. Thứ nhất, cương giới có đường ranh rõ ràng, khiến có thể phân biệt được phạm vi bên trong và bên ngoài của tụ lạc. Thứ hai, tụ lạc không có đường ranh rõ ràng, tức những nơi mà nhà cữa của dân cư liên tiếp nhau, khiến không thể phân biệt được phạm vi của tụ lạc này chạy dài đến đâu và từ đâu trở đi thì thuộc về phạm vi của tụ lạc khác. Trường hợp này, phạm vi được quy định là rộng 21,5 khủy tay (800m2).
2. A Lan Nhã: tiếng phạn là Aranya, hán dịch là Vô sự xứ hay Không nhàn, chỉ các khu rừng vắng hay những nơi không có dân cư. Cương giới A Lan Nhã cũng có hai, là nơi nguy hiểm vì có các loại thú dữ và nơi không nguy hiểm, tức không có các loài thú dữ. Tại những nơi A Lan Nhã không nguy hiểm thì cương giới được quy định là rộng một Câu Lô Xá (1.800m2), ước tính theo khoảng cách mà tiếng kêu có thể nghe được. Trong vòng cương giới tự nhiên được quy định một Câu Lô Xá. Cương giới A Lan Nhã có sự nguy hiểm được quy định trong vòng 7 Bàn đà (khoảng 85m2).
3. Hành đạo: tức là cương giới tự nhiên trong lúc đi đường. trên con đường dọc ngang 600 bộ, có thể làm các Yết ma.
4. Thủy giới: tức cương giới đường thủy, khi đang đi trên thuyền, tàu. Phạm vi được ước định bằng cách cho một người có sức mạnh nhất trong nhóm, vốc nước hay cát tung ra bốn phía. Nước, cát tới chỗ nào thì chỗ đó được coi là đường ranh.
Trong các cương giới tự nhiên kể trên, khi hành Tăng sự để giải quyết một vấn đề gì, các Tỳ kheo đồng hành ngồi đối diện nhau. Trong phạm vi cương giới đang hành sự, không được có Tỳ kheo nào khác ở ngoài nhóm tham gia, để khỏi bị coi là có hai nhóm Tăng trong cùng một phạm vi cương giới, thì hành sự của Tăng mới hợp pháp.
Các cương giới tự nhiên như trên được coi là như pháp, có các hành sự của Tăng mà không cần phải kiết tiểu giới. Nếu toàn thể Tỳ kheo trong nhóm không có sự chia rẽ, nếu có sự chia rẽ phải kiết tiểu giới để hành Tăng sự, phòng sự cản trở của Tỳ kheo khác.
B. Cương Giới Ấn Định (Tác pháp giới)
Cương giới ấn định hay nói là tác pháp giới, là cương giới được ấn định bằng thủ tục họp Tăng và các công bố đường ranh với sự chấp thuận tuyệt đối của Tăng. Loại cương giới này thông dụng có hai. Là Đại giới, tức cương giới lớn như các tự viện, già lam, trú xứ của Tăng và Giới trường, tức cương giới nằm trong phạm vi của đại giới, coi như là hội trường để Tăng tập họp biểu quyết những sự việc tập thể, như truyền giới, thuyết giới, Tự tứ. Trong trường hợp bất thường nếu không thể tập hợp trong trú xứ, vì có thể bị cản trở bởi các Tỳ kheo khác, Tăng có thể kết tiểu giới ở ngoài địa phận đại giới hay trong phạm vi các tự nhiên giới, mà phạm vi nhỏ nhất có thể tập họp tối thiểu bốn Tỳ kheo để giải quyết những vấn đề không liên hệ số đông các Tỳ kheo khác. Sau khi sự việc xong, tiểu giới này phải được tuyên bố giải giới, không được không giải giới mà đi.
1. Đại giới
Bất cứ tới nơi nào có sự hiện diện của Tăng, nghĩa là có sự sống chung của tối thiểu bốn vị Tỳ kheo, nơi đó phải ấn định cương giới được bao quanh bằng những đường ranh mà toàn thể Tăng đều tuyệt đối chấp thuận để tất cả cùng sống chung hòa hiệp, cùng chấp hành các nghĩa vụ, cùng thọ hưởng các quyền lợi theo nguyên tắc dân chủ và bình đẳng. Nói đơn giản thì đây là cương giới để các Tỳ kheo cùng sống chung (đồng nhất trú xứ) và cùng thuyết giới chung (đồng nhất thuyết giới).
Phạm vi của đại giới được quy định tối đa là 10 Câu Lô Xá, tức khoảng 18.000m2 theo cả hai chiều dọc và ngang. Trong phạm vi đó, nó bao trùm luôn cả nhà cửa của dân cư. Đó là phạm vi cương giới của Tăng. Về Ni, được quy định chỉ trong vòng 1 Câu Lô Xá, tức khoảng 1,8 km (1800m2).
Hiệu lực của sự ấn định cương giới không áp dụng chung cho cả Tăng lẫn Ni. Nghĩa là Tăng muốn thiết lập cương giới của mình thì phải tác pháp riêng để ấn định đường ranh. Ni cũng vậy, tác pháp riêng để tự ấn định đường ranh cho mình, nhưng cương giới của Tăng và Ni có thể ấn định chồng lên nhau mà cương giới mỗi bên vẫn không mất.
Như đã nói vấn đề ấn định cương giới có mục đích tập hợp tất cả các Tỳ kheo thành một cộng đồng địa phương, cùng sống chung hòa hiệp và cùng thuyết giới, do đó việc ấn định đường ranh là công việc chủ yếu quan trọng. Các đường ranh phải được cụ thể bằng những mốc giới gọi là tiêu tướng. Vì đại giới là các trú xứ mà các Tỳ kheo có thể sống chung trong một thời gian dài, do đó các vật được dùng làm tiêu tướng ấn định đường ranh phải có giá trị lâu bền. Những vật không tồn tại lâu như cây chuối hay những thứ rỗng ruột như tre, lồ ồ, không được phép dùng làm tiêu tướng, vì những thứ đó không thể quy định lằn mức đường ranh một cách bền chắc lâu dài. Sông hay rạch cũng có thể dùng làm tiêu tướng, nhưng phải là sông hay rạch thường xuyên có nước. Nguyên tắc ấn định đường ranh là lằn mức phải cụ thể và chính xác để bất cứ ai và trong bất cứ thời gian nào cũng có thể nhận ra một cách dễ dàng, không tranh cãi nữa. Những gì thỏa mãn nguyên tắc này đều có thể dùng làm tiêu tướng. Đó là nguyên tắc để bảo đảm tính hòa hiệp nhất trí của Tăng, không thể bất cứ yếu tố dù nhỏ nhặt đến đâu có thể gây ra tranh luận và dẫn đến tranh chấp bất hòa giữa Tăng.
Đại giới được chia làm hai loại chính. Đại giới không có giới trường và đại giới có giới trường. Đại giới không có giới trường là trú xứ mà các Tỳ kheo sống nhưng không có các sinh hoạt tập thể định kỳ như thuyết giới, Tự tứ. Trong trường hợp hai trú xứ Tăng ở gần nhau, mặc dù cương giới riêng biệt, nhưng cả hai bên đều muốn sinh hoạt chung, như thuyết giới chung chẳng hạn, thì chỉ cần một giới trường chung cho cả hai bên là đủ. Ngoài trường hợp ấy ra, bất cứ đại giới nào cũng phải có giới trường bên trong, đây gọi là đại giới có giới trường.
Theo nguyên tắc, hai cương giới không được phép có chung đường ranh, cho nên trong trường hợp đại giới có giới trường, mặc dù là giới trường được đặc trong phạm vi của đại giới nhưng đường ranh của cả hai phải cách nhau tối thiểu hai khủy tay, tức khoảng một mét. Như vậy, đại giới không có giới trường chỉ có một lớp đường ranh duy nhất, tức các đường ranh bao quanh bên ngoài (đại giới ngoại tướng). Còn lại, giới có giới trường thì có ba lớp đường ranh. Một là đường ranh bao quanh bên ngoài vẫn đồng nhất với đại giới không giới trường nêu trên. Hai là đường ranh bên trong của đại giới (đại giới nội tướng), nó cách các ranh của giới trường bằng hai khủy tay. Đây là giới tướng bên trong của đại giới. Ba là đường ranh bao quanh giới trường có khi giọi là tiểu giới. Như vậy, trong một đại giới có giới trường gồm có ba địa phận riêng biệt. Địa phận đại giới là trú xứ của Tăng. Địa phận trống ở giữa phân cách các đường ranh bên trong của đại giới với các đường ranh bao quanh giới trường, được coi là cương giới tự nhiên và trong cùng là địa phận của giới trường.
Khi ấn định cương giới của đại giới có giới trường, các đường ranh của giới trường được công bố trước, kế đó là công bố các đường ranh bên trong của đại giới và sau hết là công bố các đường ranh ngoài bìa đại giới. Thủ tục tiến hành việc ấn định các đường ranh này sẽ được nói ở đoạn sau.
Sau khi ấn định đại giới và sống ở đó một thời gian, nếu Tăng thấy ở đây không thuận tiện, cần di chuyển toàn bộ đi nơi khác, thì đại giới và giới trường phải được tuyên bố , đại giới coi như tự động được giải tỏa. Các tịnh nhân, Sadi đều có thể sống chung trong đại giới với Tỷ kheo, tuy nghĩa vụ và quyền lợi không đồng và cũng không được kể là thành viên của cộng đồng sống chung trong trú xứ.
2. Giới trường
Giới trường là một khu đất nằm trong phạm vi của đại giới, được dùng làm hội trường của Tăng. Nó có thể là khu đất trống, hay bên trên khu đất này có cất nhà. Cách đường ranh của giới trường, cách quảng các đường ranh bên trong của đại giới độ một mét (như đã nói). Nguyên do, đến ngày thuyết giới định kỳ, tất cả Tỳ kheo trong cùng trú xứ phải tập họp lại một chổ để thuyết giới, nhưng vì nơi thuyết giới không được ấn định cố định, sự tập hợp trở thành khó khăn. Do đó, Phật dạy các Tỳ kheo kết giới trường làm chổ cố định để tất cả Tỳ kheo đều biết chỗ để tập hợp. Mặt khác, ngoài những trường hợp thuyết giới và Tự tứ thì toàn thể Tỳ kheo trong cùng trú xứ phải tập hợp một chỗ, song còn có nhiều trường hợp mà sự việc chỉ quan hệ một số Tỳ kheo, như trường hợp truyền giới Cụ túc, chỉ cần tập hợp 10 Tỳ kheo, hay xuất tội Tăng tàn, chỉ cần nhóm 20 Tỳ kheo là đủ túc số. Những công việc không định kỳ như vậy lại là việc xảy ra thường xuyên, mà cứ mỗi lần xảy ra đều phải kết giới và giải giới thì rất phiền phức.
Giới trường khi đã được thiết lập dùng làm phòng họp thường xuyên thì Tăng có thể họp bất cứ lúc nào là để tránh những phiền phức kết và giải nhiều lần như vậy.
Phạm vi của giới trường nhỏ nhất phải dung chứa đủ 21 người, mà khoảng cách sao cho khi người này duỗi cánh tay ra thì đầu ngón giữa chạm vào thân người ngồi kế. Con số 21 là số Tỷ kheo khi làm Yết ma xuất tội Tăng tàn, trong đó gồm 20 Tỳ kheo mà giới thể còn thanh tịnh và một Tỳ kheo phạm giới được Tăng xuất tội.
Trong một đại giới chỉ được phép thiết lập một giới trường mà thôi, nếu hai trú xứ Tăng với hai đại giới khác nhau nhưng muốn cùng thuyết giới chung thì có thể có chung một giới trường, đặc ở trú xứ bên nào cũng được. Giới trường có thể thay đổi địa điểm trong phạm vi của đại giới, nhưng nếu hủy bỏ giới trường cũ để sang giới trường mới, Tăng phải làm pháp Yết ma để giải tỏa giới trường cũ và ấn định lại đường ranh của giới trường mới. Nếu đại giới và giới trường được làm Yết ma ấn định của các đường ranh chung một lần, thì các đường ranh của giới trường phải được ấn định trước và khi ấn định tăng phải ở ngay trong phạm vi của giới trường. Sau đó mới ấn định các đường ranh trong và ngoài bìa của đại giới và khi Yết ma ấn định này thì Tăng phải ở trên đất của đại giới, tức ra ngoài giới trường và ngoài cả phần đất trung gian phân cách đại giới và giới trường (Tăng phải đầy đủ, không được dự dục).
3. Tiểu giới
Tiểu giới là cương giới nhỏ hẹp và bất thường để Tăng làm các Yết ma bất thường trong trường hợp không thể họp tại giới trường.
Khi có sự việc bất thường xảy ra cho một nhóm Tỳ kheo, không liên hệ đến toàn thể Tỳ kheo trong trú xứ, và nhóm Tỳ kheo này cũng không thể tập hợp vào giới trường, vì có thể có sự cản trở của Tỳ kheo khác khi họ đang làm Yết ma, nên họ có thể dẫn nhau ra khỏi đại giới và kết tiểu giới để làm Yết ma. Tiểu giới như vậy là một hình thức giới trường di động và lâm thời. Sau khi xong việc, phải tuyên bố giải tỏa mới được đi. Phạm vi của tiểu giới nhỏ nhất là 4 người, ngồi thành một đường thẳng và nếu 5 người trở lên thì ngồi thành vòng tròn mà phần lưng của họ được coi là đường ranh của cương giới. Sau khi làm Yết ma kết tiểu giới, thì các Tỳ kheo này tạo thành một cộng đồng lâm thời riêng biệt mà những Tỳ kheo nào ở ngoài phạm vi ấy không được phép can thiệp vào công việc của họ.
Hoặc trong trường hợp xuất hành mà có sự việc xảy ra như gặp ngày Bố tát thuyết giới, Tự tứ hay các trường hợp xử trị khác. Vì để tránh sự cản trở của các Tỳ kheo khác ngoài nhóm, nên Tỳ kheo tối thiểu 4 người trở lên có thể làm Yết ma kết tiểu giới trong cương giới tự nhiên. Sau khi xong công việc, trước khi tiếp tục lộ trình, các Tỳ kheo này phải làm Yết ma giải tỏa tiểu giới.
4. Các cương giới biệt xuất
Các cương giới biệt xuất là những cương giới có thể có chung đường ranh với đại giới hay ở trong phạm vi của đại giới nhưng hiệu lực không đồng với các đường ranh này, do đó cần làm Yết ma riêng để ấn định.
Các cương giới biệt xuất này gồm: pháp lợi nhị đồng, pháp đồng lợi biệt, pháp biệt lợi đồng, giới không lìa y, giới tịnh trù, tịnh khố và khố tàng
a. Giới pháp lợi nhị đồng: trong trường hợp có hai trú xứ của Tăng ở gần nhau, với hai cương giới biệt lập, nhưng cả hai bên đều muốn thống nhất sinh hoạt với nhau tức cùng thuyết giới chung, và cùng thọ hưởng chung các quyền lợi vật chất, nếu bên nào nhận được những lợi dưỡng thì đem chia đều cho cả hai.
Để tránh sự giao thông khó khăn cho cả hai, để cho sự tập hợp chung các Tỳ kheo của cả hai trú xứ vào mỗi khi thuyết giới không gặp các trở ngại, khoảng cách giữa hai trú xứ không được quá xa và không được cách nhau bởi những chướng ngại như sông ngòi. Nếu trên các sông ngòi này có cầu hay có thuyền bè qua lại thuận tiện thì được. Phạm vi của cả hai trú xứ được kể là phạm vi của cương giới Bố tát. Cương giới này rộng tối đa là ba Do tuần, tức khoảng 20 km, là khoảng cách để một người đi từ đầu này đến đầu kia chỉ trong một ngày. Dụng ý của sự ấn định này là để cho một người ở cách giới trường thuyết giới quá xa có thể lên đường đi bộ về địa điểm thuyết giới trước một ngày cho kịp giờ Bố tát.
Hai trú xứ với hai đại giới riêng biệt, nếu muốn thống nhất thành giới, pháp lợi nhị đồng, thì trước hết phải tự làm Yết ma giải đại giới của hai bên. Sau đó, toàn thể Tăng của đại giới hai bên tập họp về một chổ để làm Yết ma kết đại giới lại để cho Tăng cả hai bên đều biết. Vì cả hai trú xứ bây giờ có chung một thuyết giới, cho nên trong hai đại giới của hai trú xứ chỉ cần có một giới trường mà thôi, đặc ở bên nào cũng được, tùy theo sự thuận tiện. Bên nào được đặc giới trường thì được xướng giới trước. Xướng các tiêu tướng và làm Yết ma kiết giới trường xong rồi, toàn thể Tăng ra khỏi giới trường, đến địa phận của đại giới có giới trường, xướng các tiêu tướng trong của đại giới bên này, kế đó xướng các tiêu tướng ấn định các đường ranh của đại giới bên kia. Trong khi xướng các tiêu tướng của cả hai đại giới, Tăng khỏi phải đi thị sát hiện trường, vì các đường ranh không thay đổi nên tất cả đã rõ rồi.
Nói tóm lại, trong giới pháp lợi nhị đồng, Tăng của hai trú xứ vẫn sống trong hai phạm vị đại giới khác nhau, chỉ thống nhất trên mặt sinh hoạt tức thuyết giới và lợi dưỡng mà thôi. Khi nào sự thống nhất sinh hoạt này không thể duy trì được nữa, thì hai bên tập họp lại và tuyên bố giải tán, bên nào trở về vị trí sinh hoạt riêng biệt của bên đó để kiết giới.
b. Pháp đồng lợi biệt: khác với giới pháp lợi nhị đồng, ở đây chỉ thống nhất hai trú xứ khác nhau về sự thuyết giới chung, còn phần lợi dưỡng thì bên nào thọ hưởng riêng bên đó. Thủ tục hành sự kiết giới đại thể giống như thủ tục kết giới pháp lợi nhị đồng, chỉ đổi khác nội dung trong lời xướng và bạch Yết ma mà thôi.
c. Pháp biệt lợi đồng: hai trú xứ Tăng ở gần nhau, có thể phân chia đồng đều các quyền lợi vật chất cho nhau, nhưng có thể vì lý do bảo trì trú xứ của mình mà không thể tập hợp về một chỗ để thuyết giới, thì hai bên có thể họp lại để tuyên bố giới pháp biệt lợi đồng. Thủ tục tiến hành không giống như hai trường hợp trên. Nghĩa là, nếu trước đó hai trú xứ có đại giới riêng và giới trường riêng, thì nay tập họp toàn bộ Tăng cả hai bên lại một chỗ làm Yết ma giải giới, chỉ giải đại giới chứ không giải giới trường. Sau đó kết lại mà không phải xướng giới tướng vì các đường ranh của hai trú xứ vẫn giữ nguyên. Nếu trước đó cả hai trú xứ khác đại giới nhưng đồng thuyết giới và đồng lợi dưỡng, thì cũng họp toàn thể Tăng của hai bên làm Yết ma giải đại giới, rồi kết lại mà cũng không phải kết tiêu tướng nữa. Sau đó, bên nào chưa có giới trường thì Tăng bên đó về họp lại mà làm Yết ma kiết giới trường để thuyết giới.
d. Giới không lìa Y: theo tất cả các luật bộ, nếu Tỳ kheo lìa Y một đêm, phạm Xả Đọa, Y ấy phải được xả trước Tăng. Tỳ kheo đi đến đâu, ba Y phải được mang theo như chim đủ cả hai cánh, nhưng vì nhiều trường hợp không thể mang theo luôn bên mình do đó cần phải ấn định cương giới của Y. Nếu Tỳ kheo ở ngoài cương giới của Y qua một đêm, từ khi ánh sáng ban mai bắt đầu xuất hiện, Y ấy được coi là mất, phải xả trước Tăng. Phạm vi cương giới của Y đồng nhất với phạm vi của đại giới, nhưng khác với đại giới là trừ xóm, tức nhà của cư dân và khu quanh xóm. Khu quanh xóm là vùng đất trống kể từ ranh của nhà dân ở ngoài bìa xóm trải rộng đến lằn mức của hòn đá mà một người trung bình đứng từ ranh của nhà này liện ra. Mặt dù kể cả xóm và vùng quanh xóm đều có thể nằm trong phạm vi của đại giới nhưng vì cương giới của Y đã trừ chúng ra. Cho nên, khi Tỳ kheo ở lại một đêm trong nhà dân mà Y được để lại nhà khác hay bất cứ chổ nào khác trong vùng quanh xóm, lúc ánh sáng ban mai xuất hiện thì Y ấy được bị coi là  mất. Trường hợp trái lại cũng vậy.
Sau khi cương giới của Y đã được ấn định, nếu có nhà dân nào nằm trong phạm vi trú xứ được dỡ đi, thì chỗ đất trống mới này, được coi là thuộc cương giới của Y nhưng sau đó được dân cất nhà, cất chòi hay che rạp, thì chỗ ấy hay khu đất quanh chỗ ấy không được kể là giới của Y nữa. Vì khi làm Yết ma kiết giới của Y đã ấn định rõ ràng trừ xóm và vùng quanh xóm ra rồi. Phạm vi cương giới của Y cũng có thể trùm cả hai trú xứ của Tăng, tức hai đại giới khác nhau, nhưng trong đó vẫn phải trừ xóm và khu quanh xóm ra. Nếu giữ hai đại giới có xóm hay nhà dân thì cũng phải trừ ra vậy. Nếu hai đại giới cách nhau bằng sông hay suối có dòng nước chảy xiết thì không được kết thông làm cương giới của Y, vì để tránh trường hợp khi lội qua bị nước cương giới cuống mất Y. Nếu ở đây sông hay suối này mà có cầu hay đò qua lại thường xuyên dễ dàng thì có thể kết thông hai đại giới lại làm cương giới của Y. Cương giới của Y phải được kết sau đại giới, vì nó tùy vào phạm vi của đại giới, khi muốn giải tỏa, thì phải giải cương giới của Y trước rồi mới giải đại giới. Nhưng nếu đã giải đại giới trước thì khỏi phải giải tỏa cương giới của Y, vì đại giới đã mất thì giới của Y cũng tùy theo đó mà cũng mất luôn.
e. Tịnh trù và tịnh khố: theo quy chế của Phật, trong địa phận Tăng già lam không được phép đun nấu. Song do trường hợp một Tỳ kheo bị bệnh tiêu chảy, nhờ người trong thành nấu cháo. Nhưng tối hôm đó có duyên sự, cổng thành đóng sớm, không ai vào lấy cháo được nên đêm đó Tỳ kheo ấy mệnh chung. Nhân cớ này Phật cho kết tịnh địa trong địa phận Tăng già lam để tạm thời được đun nấu. Có thể chọn bất cứ khu đất trống nào hay bất cứ phòng nào kết làm tịnh trù.
Mặt khác, khi các Tỳ kheo có đồ ăn hay đồ dùng dư, không có chỗ cất nên để ngoài trời, do đó thường bị người chăn dê hay trộm lấy mất. Phật cho phép chọn một căn phòng kết làm tịnh khố để cất chứa.
Lại nữa, trong nhiều trường hợp tín thí cúng dường Y, Bát mà chưa phân chia cho Tăng kịp, Phật cũng cho phép chọn một căn phòng kết làm tịnh khố để chứa. Mục đích của các sự kết giới này là để ấn định khu đất hay căn phòng nào dùng làm tịnh địa, tịnh trù hay tịnh khố được coi là nằm trong đại giới sống chung của tăng mặc dù trên thực tế chúng ở trong đại giới. Nhưng nếu không ấn định như vậy, các Tỳ kheo mang tội đun nấu trong địa giới, chứa đựng đồ ăn cách đêm. Đây là những điều khoản thuộc Ba Dật Đề và Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề trong Giới bổn của Tỳ kheo.
Có bốn trường hợp coi là tịnh địa. Thứ nhất, được coi là thuộc về đàn việt, tức Tăng già lam mà tín thí thiết lập để cúng cho Tăng nhưng Tăng chưa chính thức nhận thì nó vẫn được coi là còn thuộc về của tín thí chứ không phải là cương giới của Tăng, do đó dù có đun nấu trong đó vẫn không phạm. Thứ hai, hàng rào Tăng già lam không trọn, nghĩa là tường hay rào của già lam hoặc quá thấp hoặc chỗ thấp chỗ cao, hoặc hoàn toàn không có, khiến sự ra vào dễ dàng, thì cũng không cần phải kết tịnh địa. Thứ ba, nơi đã quy định trước, tức là đàn việt, trong khi thiết lập Tăng già lam, đã quy định một nơi nào đó làm nhà kho hay nhà bếp, thì những chỗ đó cũng không cần phải kiết giới. Thứ tư, tịnh địa do làm Yết ma, tức trừ ba trường hợp trên, nơi nào Tăng muốn chọn làm tình trù, tịnh khố và tịnh địa thì phải Yết ma để kiết giới.
Theo quy chế của Phật thì nếu là không phải trường hợp có Tỳ kheo bệnh hay không phải là những năm đói kém khiến các Tỳ kheo không thể khất thực đầy đủ mà phải tự mình đun nấu thì tuyệt đối không được kết tịnh địa để đun nấu trong một giới Già lam. Như vậy, tịnh địa chỉ là vùng đất tạm thời được kể, không thuộc về địa phận Già lam chứ không phải là thường trực. Nhưng do phong tục tập quán của nước ta, tăng gần như hoàn toàn phải tự lo liệu sự ăn uống của mình chứ không thường xuyên nhờ vào khất thực, do đó tịnh địa và tịnh trù gọi chung là nhà bếp, vừa để đun nấu vừa được cất chứa thức ăn, không thể không có. Như vậy, khi một Tăng già lam hay tu viện được thiết lập làm trú xứ cho Tăng, công việc đầu tiên của Tăng đương nhiên là phải kết địa giới và ấn định cương giới sống chung, nhưng đồng thời cũng cần phải kết cả tịnh địa, tình trù và tịnh khố nữa. Vì các khu vực này được đặt ra ngoài phạm vi đại giới cho nên cũng được đặt ra ngoài cương giới của Y, nghĩa là, nếu có Tỳ kheo nào ngủ trong địa phận của đại giới, nhưng Y được để tại khu kể trên, khi ánh sáng ban mai xuất hiện mà Tỳ kheo ấy còn cách xa Y của mình 15 khủy tay tức là 7m, thì Y này bị coi là mất, và Tỳ kheo phạm Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề, phải xã trước Tăng. Thêm nữa, khi kiết giới cấm túc An cư, cương giới này bao trùm trọn cả địa phận đại giới nhưng vẫn trừ nhà bếp và nhà kho ra, nếu Tỳ kheo nào không phải là Tăng sai hay cho phép mà tự ý bước vào các chỗ đó, Tỳ kheo ấy được coi là tự ý xuất giới và sự kiết hạ bị phá. Khi làm Yết ma kiết giới nhà bếp và nhà kho, Tăng không được ở trong các chỗ ấy, cũng không được đứng bất cứ chỗ nào trong địa phận đại giới, mà phải ra ngoài đại giới, rồi làm Yết ma vọng đến. Nếu không thể ra khỏi đại giới, thì trước phải làm Yết ma giải đại giới, rồi kết giới nhà bếp và nhà kho, sau đó kết lại đại giới.
C. Thủ Tục Tiến Hành Yết Ma Kiết Giới
Dẫn: dưới đây chỉ nêu một số nghi thức Yết ma và giải giới thông dụng. Nội dung căn bản của các thủ tục tiến hành kết và giải giới đều giống nhau, gồm có việc xướng giới tướng, tức ấn định đường ranh và bạch nhị Yết ma. Do đó, những nghi thức nào không được nêu ra đây, khi hành sự có thể phỏng theo các nghi thức được nêu mà làm cũng được.
Nếu muốn cho nghi thức được long trọng với các chi tiết như niệm hương, lễ Tam bảo, tán, tụng và hồi hướng thì tùy theo mà châm chước. Vì đấy là những việc không phải chủ yếu, và cũng không phải là quan trọng, do đó không trình bày ở đây.
Thủ tục tiến hành chung cho tất cả các loại kiết giới trên đại thể giống nhau. Nó có thể được chia làm hai giai đoạn: chuẩn bị tác pháp và chính thức tác pháp.
1. Chuẩn bị tác pháp
Trước hết chỉ định một Tỳ kheo cố cựu, người hiểu biết rành nhất về địa hình của trú xứ, làm người xướng giới tướng. Vị Tỳ kheo này có bổn phận kiểm tra lại các tiêu tướng, sao cho sự ấn định tuyệt đối cụ thể và phân minh để không ai có thể mơ hồ về các lằn mức, các đường ranh. Sự lựa chọn các vật làm tiêu tướng phải y theo luật định như đã nói trên. Khi đến giờ hành sự, đánh kiền chùy tập hợp tất cả các Tỳ kheo trong trú xứ, không ai được phép vắng mặt bất cứ lý do gì và không được gởi dục. Thầy Tỳ kheo cố cựu được chỉ định, có bổn phận hướng dẫn toàn thể Tăng đi thi sát hiện trường các tiêu tướng và đường ranh. Vị này sau khi Tăng tập hợp đông đủ, bước ra đảnh lễ Hòa thượng một lễ và bạch: “xin Tăng lắng nghe, ngày hôm nay kiết giới, kính thỉnh đại Tăng thân hành đi thị sát hiện trường để biết rõ các tiêu tướng và các đường ranh bao quanh tiêu tướng để tiện tác pháp.”
Sau khi thị sát hiện trường, nghe Tỳ kheo cố cựu giới thiệu chi tiết các tiêu tướng và các đường ranh bao quanh tiêu tướng xong, tất cả tập hợp trở lại địa điểm làm Yết ma để chính thức tác pháp. Đây là nói trong trường hợp phạm vi đại giới quá rộng lớn. Nếu phạm vi cương giới nhỏ hơn, Tăng có thể ở tại chỗ của địa điểm Yết ma, mà vẫn có thể theo giỏi rõ ràng sự giới thiệu các tiêu tướng của Tỳ kheo cố cựu, thì khỏi phải đi thị sát hiện trường và chính thức cử hành tác pháp.
2. Chính thức tác pháp
Phần này được tiến hành thứ tự theo ba giai đoạn: tiền phương tiện, xướng giới tướng và bạch nhị Yết ma.
a. Tiền phương tiện: tất cả các pháp Yết ma được chính thức tác pháp với tiền phương tiện giống nhau, ngoại trừ điểm gởi dục. Tất cả các pháp Yết ma kiết giới, đều không được phép gởi dục, vì bản thân mỗi vị Tỳ kheo phải tự chứng kiến các tiêu tướng để hiểu rõ và sau này khỏi tranh cải. Tiền phương tiện được tiến hành như sau:
– Yết ma sư hỏi: Tăng đã họp chưa?
– Duy Na đáp: Tăng đã họp.
– Hỏi: hòa hiệp không?
– Đáp: hòa hiệp.
– Hỏi: người chưa thọ giới Cụ túc đã ra chưa?
– Đáp: đã ra (trong đây không có ai chưa thọ Cụ túc giới)
– Hỏi: Tăng nay hòa hiệp để làm gì?
– Đáp: Yết ma kiết …….. (tên đối tượng tác pháp).
b. Xướng giới tướng: trong phần chuẩn bị tác pháp trên đã có nói, nếu cương giới rộng lớn, Tăng phải thân hành thị sát. Nếu cương giới nhỏ hơn, thì không cần thị sát mà có thể tiến hành ngay tiền phương tiện của phần chính thức tác pháp, sau đó nghe xướng giới tướng. Khác với trường hợp trước, vì đã đi thị sát hiện trường, nên khi xướng giới tướng, thì Tỳ kheo cố cựu đứng một chỗ trước tăng mà xướng. Trái lại, trong trường hợp sau, Tăng khỏi đi thị sát, thì Tỳ kheo xướng giới tướng tự thân hành đi đến cạnh các tiêu tướng, đi đến đâu thì giới thiệu đến đó cho Tăng rõ.
Khi xướng tiêu tướng phải bắt đầu từ góc Đông Nam của cương giới, nếu chính diện của Già lam từ trong nhìn ra. Theo thứ tự, đi từ góc Đông Nam sang Tây Nam, trên đường ranh này có những đặc điểm gì, như trồi ra hay lõm vào, đều phải nêu rõ, không được nói mập mờ hay đại khái. Lần lượt thứ tự như vậy là xong một vòng xướng giới tướng.
c. Bạch nhị Yết ma: các tác pháp kiết giới gồm có một lần tác bạch và một lần Yết ma. Phần này do chính Hòa thượng làm hay do một Tỳ kheo tinh thông luật làm Yết ma cũng được. Trong các tác pháp Yết ma kiết giới được nêu dưới đây, phần chuẩn bị tác pháp sẽ không cần phải nhắc lại, vì trên đại thể đều giống nhau, khi hành sự có thể tùy theo loại mà châm chước (linh động) thêm bớt cho phù hợp. Chỉ khi nào cần thiết mới sẽ nhắc lại. Trong phần chính thức tác pháp cũng sẽ không nhắc lại tiền phương tiện nữa, vì sự vấn đáp hoàn toàn giống nhau.

Xem tiếp phần: Các pháp yết ma, kiết giới và giải giới

HT.T.C.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here