Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Kiết giới, an cư, tự tứ, các pháp yết ma, kỳ I:...

Kiết giới, an cư, tự tứ, các pháp yết ma, kỳ I: Bố tát,thuyết giới, an cư

283
0

BỐ TÁT VÀ THUYẾT GIỚI

I. Duyên khởi và ý nghĩa:
Duyên khởi: vua Tần Bà Sa La thấy ngoại đạo họ có những ngày: 8, 14, 15, 23, 29, 30. Họ cùng tập hợp về một chổ để cùng giảng đạo, sinh hoạt và thọ dụng các sự cúng dường của các đệ tử tại gia. Không khí của họ vào những ngày đó rất là thân mật đạo vị.
Một hôm vua ngự đến đảnh lễ Phật và bạch rằng: “trong thành này, những người Phạm chí cứ mỗi tháng họ tụ tập họp sáu ngày, trong không khí thân mật như thế. Nếu chúng Tỷ kheo đệ tử Phật cùng tụ họp như vậy thì phước lạc cho những người đệ tử tại gia biết bao”. Sau khi trình bày ý nghĩ của mình lên đức Phật xong, đức Thế tôn chấp nhận sự đề nghị của vua bằng cách im lặng. Sau khi vua hồi cung, đức Phật cho gọi các Tỳ kheo đến, ngài kể lại câu chuyện và đức Phật tuyên bố từ nay các Tỳ kheo mỗi nữa tháng tập họp để Bố tát.
Ý nghĩa: như vậy đức Phật đã chấp nhận ngày trai giới trong tập tục của truyền thống Vệ Đà, nhưng hướng đến mục đích khác hơn. Ngày đó các Tỳ kheo cùng sống trong một cương giới đều phải tập họp lại một chổ để thuyết giới, tức đọc Giới Bổn Ba La Đề Mộc Xoa. Từ đó, Bố tát và thuyết giới trở thành phận sự thường xuyên và định kỳ mà một Tỳ kheo không thể thiếu sót. Nếu thiếu sót, Tỳ kheo ấy phạm tội Ba Dật Đề và phải xử trị như pháp.
Bố tát là một sinh hoạt của Tăng, ngày định kỳ thuyết giới, để duy trì và phát triển sinh mạng của Tăng trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh.
Luật tạng có kể rằng, vào một lúc nọ tôn giả Đại Kiếp Tân Na đang trú ở một nơi thanh vắng, đến kỳ Tăng thuyết giới, tôn giả tự nghĩ rằng mình vốn là người trì giới thanh tịnh thì sự nghe thuyết giới xét ra không cần thiết. Biết được ý nghĩ này của tôn giả Phật đã đích thân đến bảo tôn giả rằng: “này Kiếp Tân Na, quả thật điều ngươi nghĩ dù ngươi có đến nghe thuyết giới hay không nghe thuyết giới thì ngươi vẫn là ngươi thanh tịnh bậc nhất, nhưng này Kiếp Tân Na, đối với việc thuyết giới, ngươi phải cung kính, tôn trọng và chấp hành. Nếu ngươi không cung kính, tôn trọng và chấp hành thì còn ai sẽ là người cung kính, tôn trọng và chấp hành sự thuyết giới”.
Như thế thì chúng ta biết quan trọng thế nào? Nhưng thuyết giới là thuyết những gì? Luật tạng cho biết đây cũng là câu hỏi mà các Tỳ kheo đã từng hỏi Phật, khi ngài thiết lập sự thuyết giới định kỳ mỗi nữa tháng. Khi được các Tỳ kheo hỏi như vậy, ngài chỉ dạy, đó là ngày chúng Tỳ kheo hòa hiệp tụng đọc Ba La Đề Mộc Xoa, và nội dung của Ba La Đề Mộc Xoa ấy được rút gọn trong bài kệ:
“Không làm các điều ác,
thực hành các điều thiện,
giữ tâm ý trong sạch,
chư Phật dạy như vậy.”
Ba La Đề Mộc Xoa được lưu truyền giữa các bộ phái khác nhau không chỉ đơn giản có như thế. Nó là một hệ thống những điều cấm kỵ, quy định những trường hợp vi phạm, cùng các hình thức xử trị và sám hối cho những Tỳ kheo vi phạm. Nói cách khác đây là bộ Luật của Tăng. Khi bộ Luật này được hoàn chỉnh thành hệ thống gồm năm thiên và bảy tụ, thì việc thuyết giới không còn đơn giản là đọc bài kệ bốn câu như đã nói. Thuyết giới kể từ bây giờ là đọc lại toàn bộ Ba La Đề Mộc Xoa ấy. Tỳ kheo nào trong nữa tháng có vi phạm điều nào trong đó, phải sám hối và tùy theo tội nặng nhẹ đã được quy định mà sám hối cho đúng pháp.
Tuy vậy định kỳ thuyết giới không có nghĩa là định kỳ sám hối. Bởi vậy, theo nguyên tắc cơ bản của việc chấp hành các học xứ, thì khi nào một Tỳ kheo tự thấy mình có tội, hay được người khác chỉ cho biết, thì phải sám hối ngay. Nếu trong ngày hôm đó mà không sám hối kịp, tội căn bản sẽ kéo theo một số tội tòng sanh khác hoặc phú tàng hay cố ý vọng ngữ nặng hay nhẹ tùy theo trường hợp.
Vậy thì, định kỳ thuyết giới có mục đích gì? Chúng ta biết rằng. Tăng đoàn đệ tử của Phật được thiết lập trên nguyên tắc hòa hiệp và dân chủ. Ba La Đề Mộc Xoa là sợi dây ràng buộc các thành viên của cộng đồng Tăng lữ bằng kỷ luật tu đạo vào đời sống hòa hiệp tập thể. Việc thuyết giới định kỳ là biểu hiện của đời sống ấy. Nơi trú xứ mà các Tỳ kheo không hòa hiệp thuyết giới theo định kỳ nữa tháng, nơi ấy Tăng đoàn được coi là bị chia rẽ. Do vậy, việc thuyết giới định kỳ có mục đích chủ yếu là duy trì sinh mạng tồn tại của Tăng đoàn theo tinh thần hòa hiệp và thanh tịnh. Duy trì sự hòa hiệp và thanh tịnh này là bổn phận tất yếu, không thể thiếu sót của bất cứ Tỳ kheo nào.
II. Các giai đoạn tiến hành:
1. Dự kỳ sám hối:
Mục đích của việc dự kỳ sám hối này là để kiểm điểm việc trì giới của các Tỳ kheo trong nữa tháng qua. Tỳ kheo nào có tội mà chưa kịp sám hối thì phải như pháp mà sám hối. Tỳ kheo có tội nhưng không biết hay không nhớ do cố ý phú tàng, hay vì không thông suốt các học xứ, sẽ được các thầy Tỳ kheo chỉ điểm cho để sám hối cho thanh tịnh.
Các hình thái vi phạm, các biện pháp xử trị, và các phương pháp sám hối đều được quy định trong giới bổn Tỳ kheo, ở đây xin khỏi dẫn.
2. Nhật kỳ sám hối:
Mỗi tháng chỉ có hai ngày Bố tát, đó là những ngày định kỳ thuyết giới, đây là định kỳ bắt buộc. Nếu có những trường hợp nạn duyên, tức là những tai nạn bất ngờ xảy đến cho Tăng, không thể giữ đúng hạn kỳ thuyết giới, thì ngày thuyết giới có thế triển hạn, dời sang ngày khác. Những tai hại được kể là do vua chúa đưa đến, do đạo tặc, do nước, do lữa, do bịnh, do người, do ma quỷ hay do ác thú. Việc thuyết giới không tác pháp được trong hai ngày theo định kỳ chính thức, mà thực hiện trong khoảng giữa hạn kỳ này với hạn kỳ sau, được gọi là trung gian Bố tát. Trừ hai ngày chính thức trong tháng và một ngày trước đó, những ngày còn lại đều được gọi là trung gian.
Như vậy, nếu hạn kỳ chót của ngày trung gian Bố tát mà Tăng vẫn chưa thuyết giới được, thì sự thuyết giới định kỳ trước sẽ được hợp làm một với định kỳ sau. Trong một định kỳ, tại một trú xứ, không được thuyết giới hai lần. Sự thuyết giới hai lần trong một định kỳ là dấu hiệu sự chia rẽ trong Tăng, do đó tuyệt đối không được phép làm.
Việc triển hạn ngày thuyết giới, ngoài lý do tám tai nạn bất ngờ như đã kể, còn có một lý do trọng yếu khác. Đó là sự tranh chấp giữa Tăng chưa được giải quyết. Sự tranh chấp này phần nhiều do tranh luận để kết tội một Tỳ kheo vi phạm một học xứ nào đó, nếu sự tranh chấp này được giải quyết êm đẹp thì tốt, nếu không, để khiến cho Tăng hòa hiệp như cũ trước khi thuyết giới, thì bấy giờ Tăng cần phải tác pháp Yết ma đình chỉ tranh chấp để cùng thuyết giới chung.
Văn Yết ma như sau: “Đại đức Tăng, xin lắng nghe, chúng Tăng do bởi tránh sự khiến xảy ra tranh chấp, làm cho Tăng không hòa hiệp. Tăng bị tan vỡ, Tăng bị hoen ố, Tăng bị chia rẽ thành hai nhóm. Nay người phạm tội đã nhận biết mình phạm tội, và đã sám hối, sự hoen ố của Tăng đã được diệt trừ. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay chấp thuận hòa hiệp thuyết giới. Đây là lời tác bạch”. Bạch Yết ma được thành tựu như vậy rồi. Tăng mới cùng hòa hiệp thuyết giới như thường lệ, hoặc tại trú xứ đây, các Tỳ kheo ở đây đang hòa hiệp và không có dấu hiệu gì để phải triển hạn ngày thuyết giới. Nhưng bất ngờ các Tỳ kheo ở đây biết rằng sẽ có một số Tỳ kheo ở các trú xứ khác ưa tranh chấp hay đang tranh chấp và đang đến trú xứ này để thuyết giới. Muốn tránh sự tranh chấp có thế xảy ra khiến Tăng không thể hòa hiệp thuyết giới, thì các Tỳ kheo ở trú xứ này nên thuyết giới trước một ngày, trước khi các Tỳ kheo các trú xứ khác đến. (cần thì tham khảo thêm).
3. Tập Tăng hòa hiệp:
Theo nguyên tắc chung, mỗi loại Yết ma đều có bốn trường hợp cần nghiệm xét để biết thành tựu hay không thành tựu. Bốn trường hợp tổng quát này là:
1. Biệt chúng phi pháp
2. Biệt chúng như pháp
3. Hòa hiệp phi pháp
4. Hòa hiệp như pháp
Trong đó trường hợp thứ tư được nói là Yết ma thành tựu, tổng quát tất cả các pháp Yết ma cũng không ngoài bốn nguyên tắc căn bản này.

AN CƯ

I. Duyên khởi và ý nghĩa
Theo luật Tứ phần, đức Phật quy định mùa An cư của chúng Tỳ kheo xảy ra khi ngài đang trú tại Xá Vệ, trong vườn ông Cấp Cô Độc. Nguyên do của việc chế định này là bởi sự than phiền của các cư sĩ đối với nhóm lục quần Tỳ kheo. Nhóm sáu Tỳ kheo này thường du hành trong dân gian bất cứ lúc nào và mùa nào. Khi mùa mưa đến, họ dẫm đạp chết vô số côn trùng. Các cư sĩ than phiền rằng, những tu sĩ ngoại đạo hằng năm họ vẫn có ba tháng cố định tại một trú xứ, ngay cho đến các loài cầm thú vẫn có mùa trú ẩn của chúng, huống chi những người Sa môn Thích tử lại không biết nghĩ chân vào mùa mưa, trái lại rong ruỗi bất cứ lúc nào, mùa nào như thế! Đức Phật hay biết sự này và ngài đã khiển trách nhóm lục quần Tỳ kheo ấy.
Chúng ta có thể rút ra hai nhận xét. Thứ nhất, sự than phiền của các cư sĩ chứng tỏ rằng An cư mùa mưa đã trở thành tục lệ chung cho mọi tu sĩ của các giáo phái tôn giáo thời bấy giờ. Các Tỳ kheo do bởi không chấp hành tục lệ này cho nên bị cư sĩ chỉ trích. Thứ hai, sự khiển trách của đức Phật chứng tỏ rằng mặc dù trước đó ngài chưa quy định việc An cư mùa mưa, nhưng các thánh Tăng hay các Tỳ kheo sống tri túc và hành trì giới luật nghiêm chỉnh đều không đi lang thang trong các mùa mưa như thế.
Như vậy, ấn định ba tháng An cư mùa mưa của Phật là hợp pháp hóa một thông lệ hay một tập tục đã được chấp hành tự nhiên giữa các Tỳ kheo nói riêng, và cũng chung cho mọi tu sĩ của các giáo phái ngoài đạo Phật lúc bấy giờ. Tuy nhiên, xét theo thực tế hành trì của giáo đoàn Tăng lữ về việc An cư mùa mưa, thì sự An cư này không phải chỉ giới hạn bởi sự việc đi lại gây tổn hại cho các côn trùng sâu bọ và cỏ cây, các thứ sinh trưởng nhiều trong mùa mưa. Tham khảo trong các kinh điển, chúng ta sẽ thấy việc An cư còn có nhiều mục đích khác hơn thế nữa.
Vậy chứng tỏ việc An cư cố định tại một chổ để tu tập vào mùa mưa là thời gian thích hợp nhất cho sự tu tập để có những tiến bộ tâm linh đáng kể. Chính do điều này mà kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói rằng, vào thời kỳ An cư mùa mưa, các Tỳ kheo nên hạn chế đi lại tối đa để hành trì giới luật, tu tập thiền định, khai mở trí tuệ. Ở đây, còn có một ý nghĩa quan trọng nữa. Đó là biểu hiện tinh thần sống chung hòa hiệp của cộng đồng Tăng lữ tại một trú xứ. điều này được thấy rõ trong luật Tứ Phần.
Căn cứ Tỳ Ni Luật Tạng, Phật chế mỗi năm phải có ba tháng cấm túc An cư, kể từ 16 tháng 4 đến 16 tháng 7 âm lịch, thì tất cả Tăng ni kiết túc An cư, nay đã trở thành truyền thống của hàng xuất gia đệ tử Phật. Nếu Tăng sĩ xuất gia đệ tử Phật mà không kiết hạ An cư là có lỗi, đáng quở trách.
1. An cư
An nghĩa là an tịnh nội tâm. Cư nghĩa là cư trú nhất định vào một chổ hay ở yên trong một phạm vi và thời gian nhất định. Như trường hợp ba tháng kiết túc An cư thì phải ở yên trong nội giới trú xứ.
Có hai kỳ hạn An cư, gọi là tiền An cư và hậu An cư. Tiền An cư thì kể từ ngày 16 tháng 4 âm lịch. Còn từ 17 tháng 4 âm lịch đến 16 tháng 5 là hậu An cư. Trong thời kỳ hậu An cư, luật cũng chia làm hai phần là trung An cư và hậu An cư. Trung An cư bắt đầu từ ngày 17 tháng 4 đến hết ngày 15 tháng 5, hậu An cư là ngày 16 tháng 5. Dù có hai cách chia các thời kỳ An cư như vậy, nhưng trong tác pháp thường chỉ đề cập đến hai trường hợp là tiền và hậu An cư mà thôi.
Mặc dù tiền, trung, hậu gì thì cũng phải đủ 90 ngày, nhưng tất cả đều thọ Tự tứ, được lợi dưỡng cúng dường như nhau, nhưng trung và hậu thì phải lưu lại thêm cho đủ 90 ngày mới xuất giới. (còn ngày tháng thời gian giữa lịch Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như phương pháp giữa Nam và Bắc tông thì để lại phần nghiên cứu). Còn phương pháp tính ngày tức là cả ngày đêm. Ví dụ, bắt đầu tiền An cư là ngày 15 tháng 4, thì bắt đầu phải sáng 15 cho đến hết đêm 15. Nếu sáng 16 mới mờ sáng thấy chỉ bàn tay là đã qua ngày 16, nếu ánh sáng mặt trời của ngày 16 sáng rõ các vật tức qua phần ngày khác, cho nên chúng ta phải làm cho đúng thời giờ đừng để vượt trái vi phạm (bất thành).
2. Thọ an cư
Tăng có ba việc phải làm để tác pháp thọ An cư. Đó là phân phòng xá, hành trù (kiểm Tăng) và bạch An cư.
2.1. Phân phòng xá: Tăng đoàn Nguyên thủy hoàn toàn y chỉ trên bốn Thánh chủng. Do đó, các Tỳ kheo không sống cố định tại một trú xứ nào. Gặp sự thuận tiện nơi nào trên đường hành đạo và hóa đạo của mình, thì An cư tại đó. Vì vậy, trước khi thọ Pháp An cư, Tăng già tại mọi trú xứ thường phải phân chia lại phòng xá cho các Tỳ kheo. Để cho việc phân chia phòng xá được công bình và hợp lý, Tăng già của mọi trú xứ thường phải tác pháp Yết ma cử người phụ trách công việc này. Ngày nay, nhất là tại nước ta, mỗi trú xứ già lam, luôn luôn có các Tỳ kheo thường trú và đã là số đông hơn Tỳ kheo khách đến An cư. Do đó, công việc phân chia phòng xá này thường được phụ trách bởi Tỳ kheo thường trú có trách nhiệm. Như vậy, mục đích Yết ma của người phân chia phòng xá ít khi được thực hiện, nhưng để tiện tham khảo. dưới đây là văn bạch Yết ma này.
Sau khi họp Tăng tại giới trường, vấn đáp tiền phương tiện theo thông lệ, Tỳ kheo Yết ma bạch rằng: “Đại đức tăng, xin lắng nghe, nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay chấp thuận để cử Tỳ kheo, …….., chia phòng xá và ngọa cụ. Đây là lời tác bạch. Tác bạch thành không?
Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Tăng sai Tỳ kheo ………., phân chia phòng xá và ngọa cụ. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng sai Tỳ kheo ………, phân chia phòng xá và ngọa cụ, thì im lặng. Ai không chấp thuận thì hảy nói. Yết ma thành không?
Tăng đã chấp thuận. Tăng sai Tỳ kheo ……….., phân chia phòng xá và ngọa cụ,thì im lặng, vì đã im lặng. Tôi xin ghi nhận như vậy”.
2.2. Hành trù: quy tắc hành trù đại khái cũng như trường hợp thuyết giới. Sau phận sự chia phòng xá và ngọa cụ là đến việc phát và nhận thẻ để kiểm điểm số người An cư, gồm có bao nhiêu Tỳ kheo và Sa di tập sự. Các công việc này đều được thực hiện trước ngày chính thức thọ An cư một ngày. Tức là chính thức thọ An cư vào ngày 15 tháng 4 thì tác pháp hành trù cần được thực hiện vào ngày 14 tháng 4. Pháp hành trù này gồm có Yết ma đơn bạch để bố cáo cho Tăng biết việc nhận thẻ. Yết ma bạch nhị sai người phát thể và Yết ma đơn bạch chính thức phát thẻ, cuối cùng là đơn bạch để bố cáo cho Tăng biết đã phát và thu thẻ, kiểm điểm Tăng số Tỳ kheo thọ An cư và Sa di tập sự. Dưới đây là Yết ma.
a. Đơn bạch nhận thẻ:
Sau khi tập họp Tăng, vấn đáp tiền phương tiện xong, vị Hòa thượng Pháp chủ bạch Tăng: “Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Tăng nay chuẩn bị tác pháp hạ An cư. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận ngày hôm nay Tăng nhận thẻ, ngày mai kiết hạ An cư. Đây là lời tác bạch. Tác bạch thành không?”
b. Sai người phát thẻ:
Tăng đề cử một hay hai, ba người phát thẻ và thu thẻ nếu chúng đông (không được bốn người). Văn tác bạch: “Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay sai Tỳ kheo ………., vì Tăng hành Xá la. Đây là lời tác bạch. Tác bạch thành không?
Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Tăng sai Tỳ kheo ……….., vì Tăng hành Xá la. Các trưởng lão nào chấp thuận Tăng sai Tỳ kheo ……….,  vì Tăng hành Xá la, thì im lặng. Ai không chấp thuận, thì hảy nói. Yết ma thành không?
Tăng đã chấp thuận. Tăng sai Tỳ kheo………….., vì Tăng hành Xá la, thì im lặng, vì đã im lặng. Tôi xin ghi nhận như vậy”.
c. Đơn bạch Yết ma (phát thẻ):
Người thọ sai, sau khi đã được Tăng sai, bạch Tăng trước khi phát và thu thẻ. Văn bạch như sau: “Đại đức tăng, xin lắng nghe. Tôi Tỳ kheo ………., vì Tăng hành Xá la. Đây là lời tác bạch. Tác bạch thành không?”
Bạch Tăng xong, các Tỳ kheo thọ sai bưng mâm thẻ đi phát. Theo thứ tự, từ vị Hòa thượng lớn nhất trở xuống. Sa di không dự tác pháp Yết ma trong giới trường, do đó tập hợp bên ngoài để nhận thẻ. Người nhận thẻ rời khỏi chổ ngồi, quỳ nhận. Tiếp theo, người thọ sai thu thẻ để vào cái mâm khác. Phát và thu xong, bưng mâm thẻ ra ngoài đếm.
Các luật sư Trung Hoa còn thêm rằng, thẻ thứ nhất dâng lên đức Thế tôn, kế là Hòa thượng Pháp chủ. Người phát thẻ bưng mâm thẻ đến trước bàn Phật, lễ một lạy rồi đứng dậy dâng thẻ và xướng: “Nam mô Trung thiên giáo chủ Thích Ca Mâu Ni Phật chứng minh nhận thẻ thứ nhất”. Người nhận thẻ bưng cái mâm không đi theo, lễ Phật một lạy rồi thu thẻ lại đặc vào mâm không, đi theo, thẻ cuối cùng được phát cho Hộ pháp. Người phát thẻ xướng: “Nam mô An cư Hội thượng Vi Đà Bồ Tát nhận thẻ cuối cùng”. Người thu thẻ đi theo thu lại rồi đặc vào cái mâm.
Việc phát thẻ đến đức Bổn sư và Hộ pháp không thấy nói trong Luật bản, mà chỉ thấy nói trong Yết ma chỉ nam. Ở đây xin ghi lại để tiện việc tham khảo mà thôi.
Phát thẻ, thu thẻ và đếm thẻ xong, người thọ sai trở lại trước Tăng và bạch: “xin Tăng lắng nghe, nay là năm …….., kết An cư ba tháng phần đầu của mùa hạ. Gồm (số) Tỳ kheo An cư và (số) Sa di tập sự. Tăng hành Xá la đã xong”.
2.3. Bạch An cư: Tác pháp bạch An cư được chia thành hai trường hợp, có khác nhau chút ít. Tức tác pháp của hàng Hòa thượng, Thượng tọa, và tác pháp của hàng đại chúng. Đây là sự ấn định của các Luật sư Trung Hoa, còn trong các Luật bản thì không có sự phân biệt này.
a. Tác pháp của hàng Hòa thượng, Thượng tọa
Trong đây gồm cả vị Pháp chủ, cũng gọi là Thiền chủ, là vị Luật sư y chỉ cho đại chúng. Sự khác nhau được phân biệt giữa hàng Hòa thượng, Thượng tọa và đại chúng là do các vị Thượng tọa nương trên vị Luật sư y chỉ, do đó văn tác bạch An cư có khác.
Theo thứ tự, vị Hòa thượng hay Thượng tọa lớn nhất tác pháp đối thủ thọ An cư với một vị Hòa thượng hay Thượng tọa lớn gần ngang hàng. Cả hai vị hoặc cùng đứng hoặc cùng quỳ cả. Văn tác bạch nói như sau: “Đại đức nhất tâm niệm. Tôi Tỳ kheo ………, nay y nơi (nơi trú xứ) Tăng già lam là An cư ba tháng đầu của mùa Hạ. Nếu phòng xá có hư hại sẽ tu sữa (nói ba lần)”.
Văn tác bạch trên đây nói theo luật Tứ phần. Các luật khác đại khái giống nhau. Chỉ riêng luật Ma Ha Tăng Kỳ không có câu kết cuối. Tức câu: “nếu phòng xá có hư hại sẽ tu bổ”. Các luật dù có ghi câu này nhưng không thấy giải thích. Luật Ma Ha Tăng Kỳ được coi là gần luật bộ nguyên thủy hơn cả. Điều này cho thấy trong lịch sử chế độ Tăng già giữa các bộ phái, phận sự An cư càng về sau càng được giới hạn chặc chẽ. Như đoạn trên đó, nhắc đến kinh Chánh Pháp Niệm Xứ. Trong đó nói, Tỳ kheo An cư ngoài việc đại tiểu tiện ra, phải thường xuyên ngồi kiết già tọa thiền chứ không được làm các công việc linh tinh khác. Cũng vậy, giữa các bộ phái, dù các luật không giải thích, chúng ta cũng thấy có một sự ấn định gần như tương tự. Nhưng nhất định có trường hợp xảy ra là trong khi an cư mà có sự đột xuất phòng xá có hư hại, mà lúc đó lại không có các cư sĩ để làm thay hộ, mà các Tỳ kheo phải tự mình sửa sang lấy, cho nên quy chế An cư được nới rộng ra một chút bằng câu: “nếu phòng xá có hư hại, sẽ tu bổ” nêu trên.
Sau khi vị Hòa thượng lớn nhất, thường là vị Luật sư y chỉ của đại chúng, đã tác pháp thọ An cư xong, lần lược đến các Thượng tọa, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Mỗi vị đều tác pháp đối thủ với vị Hòa thượng hay Thượng tọa Luật sư y chỉ ấy mà thọ An cư.
b. Tác pháp của đại chúng
Theo Phật chế, tại mỗi trú xứ An cư phải có một vị Hòa thượng hay Thượng tọa làm Luật sư y chỉ cho đại chúng, để xử trị và nhắc nhở các Tỳ kheo chưa thông hiểu luật. Vì đại chúng An cư cần phải nương vào Luật sư y chỉ, do đó văn bạch có khác hàng Hòa thượng, Thượng tọa theo thứ tự lớn nhỏ, Tỳ kheo lớn nhất trong đại chúng bạch An cư trước. Vị này bước ra lễ Hòa thượng hay Thượng tọa y chỉ một lạy rồi quỳ bạch. Văn bạch như sau: “Đại đức nhất tâm niệm, con Tỳ kheo ………, nay y nơi (nói tên trú xứ) Tăng già lam An cư ba tháng đầu của mùa Hạ. Nếu phòng xá có hư hại, sẽ tu bổ.
– Hòa thượng y chỉ nói: vậy hảy cẩn thận chớ buông lung.
– Đáp: đảnh đới thọ trì (cúi đầu nhận lãnh)
– Hòa thượng y chỉ hỏi: y vị nào làm luật sư?
– Đáp: y Hòa thượng đạo hiệu ………, làm luật sư.
– Hòa thượng y chỉ hỏi: có điều gì nghi ngờ nên đến hỏi.
– Đáp: kính vâng, hay y giáo phụng hành”.
Trên đây là văn bạch tiền An cư, nếu là hậu An cư thì cũng vậy, nhưng đổi ba tháng đầu thành ba tháng cuối. Tỳ kheo ni, Thức Xoa Ma Na, Sa di và Sa di ni cũng tác pháp như trên, nhưng đổi các từ xưng hô cho thích hợp. Ngoài cách tác pháp đối thủ An cư trên, còn có cách tâm niệm An cư.
c. Tâm niệm an cư
Trong trường hợp không có người để y chỉ hoặc ở một mình tịnh tu nơi xa cách, Tỳ kheo được phép tác pháp tâm niệm An cư. Tỳ kheo ni không được phép sống cách biệt, do đó không có cách tác pháp tâm niệm An cư. Chỉnh trang y hậu, đến trước tượng Phật, khẩn thiết thành tâm, đảnh lễ, quỳ bạch thành tiếng (không được nói thầm) nói như sau: “con Tỳ kheo ………, nay y nơi (nói tên trú xứ), An cư ba tháng đầu (hay cuối) của mùa hạ (nói ba lần)”. Nếu không tác pháp như vậy thì không thành An cư. Nếu có sự cố quá ư quan trọng hay là quên mất, nhưng trước đó đã có chủ ý An cư, tâm vẫn ăn năng tha thiết thì cũng thành An cư.
2.4. Kiết giới: Tại các Tăng già lam thông thường, phạm vi cương giới của trú xứ đã được tác pháp ấn định. Nếu trú xứ quá nhỏ hẹp, mà khi An cư muốn nới rộng hay ngược lại, thì cần phải tác pháp giải cương giới cũ rồi kết lại. Tác pháp kiết giới, gồm xướng tiêu tướng, và bạch Yết ma (phần này như thường làm).
II. Xuất Giới và Phá Hạ
1. Xuất giới tác pháp thọ nhật
Trong thời gian An cư, không được ra khỏi phạm vi của trú xứ đã được tác pháp ấn định, trừ việc đi khất thực, thầy tổ bịnh chăm sóc, cha mẹ qua đời, quan đòi. Tuy nhiên, như đã nói, một trong những mục đích của sự An cư là có cơ hội tu tập tiến bộ về mặt tâm linh, đồng thời tạo cơ hội để những người Phật tử tại gia có thể gần gủi và phụng sự Tăng. Do đó, vì lợi ích của Phật tử tại gia nên mỗi khi họ có thỉnh cầu, Tỳ kheo có thể xuất giới, tức ra khỏi phạm vi của trú xứ An cư, không thể đi và về trong một ngày được, mà phải ở lại cách đêm. Trong những trường hợp vì duyên sự chính đáng như vậy, có hai thể thức cho phép xuất giới, xuất giới trong thời gian từ 1 ngày đến 7 ngày, và thời hạn từ 7 ngày đến 40 ngày (phải những lý do chính đáng quan trọng, nhưng dù lý do hay công việc gì đi nữa thì cũng phải ở trong nội giới nhiều hơn 2/3).
a. Xuất giới 7 ngày.
Tỳ kheo có duyên sự quan trọng, chính đáng cần xuất giới trong thời hạn 7 ngày trở lại, trước khi xuất giới phải tác pháp thọ nhật, chứ không thể tự tiện mà đi. Đây là tác pháp đối thủ, không phải bạch giữa Tăng, mà chỉ cần bạch với một Tỳ kheo lớn đang An cư trong cùng trú xứ là được. Văn tác bạch như sau: “Đại đức nhất tâm niệm. Tôi Tỳ kheo ………., nay có duyên sự ………, xin được xuất giới 7 ngày. Sau khi duyên sự xong, sẽ trở lại nội giới An cư. Kính mong Đại đức chứng tri (nói ba lần)”. Nếu tại trú xứ An cư của mình không có Tỳ kheo nào cả, thì cũng có thể nói với Sa di hoặc cư sĩ, hoặc nếu hoàn toàn không có ai cả, thì chỉ tâm niệm tác pháp. Tỳ kheo An cư xuất giới mà không tác pháp thì được coi là mất hạ. Sau khi xuất giới, duyên sự xong, trở lại trú xứ An cư, nhưng thời hạn 7 ngày đã hết mà việc chưa xong, nếu trở lại trú xứ, thì cần tác pháp tàn dạ rồi mới có thể tiếp tục đến chỗ có duyên sự trước đó. Tàn dạ có nghĩa là đêm còn dư, cũng tác pháp đối thủ như khi xuất giới. Văn tác bạch như sau: “Đại đức nhất tâm niệm. Tôi Tỳ kheo ……….., đã thọ pháp xuất giới 7 ngày, đã hết (số ngày) nhưng duyên sự chưa xong, nay còn lại ……… đêm. Kính mong Đại đức chứng tri (nói ba lần)”. (phép tàn dạ này không thấy trong yết ma bản của các bộ).
b. Yết ma thọ nhật
Thể thức xin xuất giới trên 7 ngày. Nếu thời hạn cần thiết đủ để hoàn tất duyên sự từ 7 ngày trở lên và tối đa là 40 ngày, thì cần phải bạch Tăng, sau khi Tăng đã tác pháp Yết ma thọ nhật mới được phép xuất giới. Nói là 40 ngày nhưng thực tế đêm cuối cùng phải có mặt tại trú xứ An cư, do đó thời hạn tối đa là 39 đêm. Thời hạn này không thể vượt qua, vì thời gian ở trong giới cần phải nhiều hơn thời gian ở ngoài. Nếu quá thời hạn này, được coi là phá hạ.
Tỳ kheo muốn xuất giới thỉnh tăng với túc số 4 Tỳ kheo trở lên, vào giới trường để tác pháp, sau khi vấn đáp tiền phương tiện cho Yết ma thọ nhật xong, thầy Tỳ kheo Yết ma bạch: “Đại đức tăng, xin lắng nghe. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng nay chấp thuận Tỳ kheo ………, thọ pháp quá 7 ngày để xuất giới trong thời hạn …….. ngày, vì duyên sự …….., sau đó sẽ trở về An cư. Đây là lời tác bạch. Tác bạch thành không?
Đại đức tăng, xin lắng nghe. Tỳ kheo ………, xin thọ pháp quá 7 ngày để xuất giới trong thời hạn ……… ngày, vì duyên sự ………., sau đó sẽ trở về An cư. Các trưởng lão nào chấp thuận Tỳ kheo ………., thọ pháp quá 7 ngày để xuất giới, thời hạn …….. ngày, vì duyên sự ……., sau đó trở về An cư, thì im lặng. Ai không chấp thuận hãy nói. Yết ma thành không?
Tăng đã chấp thuận Tỳ kheo ………., được thọ pháp quá 7 ngày để xuất giới, thời hạn ……ngày, vì duyên sự ………, sau đó trở về An cư, thì im lặng, vì im lặng, cho nên tôi ghi nhận như vậy”.
Tăng đã Yết ma thọ nhật xong, Tỳ kheo thọ nhật phải rời khỏi trú xứ nội trong một ngày, không được để cách đêm. Nếu đã bước chân ra khỏi cương giới của trú xứ, không được phép trở lại. Nếu lỡ có quên cái gì mà lỡ bước vào trú xứ, cần phải thỉnh cầu tăng tác pháp Yết ma thọ nhật lại, cho rồi mới được phép ra đi.
2. Phá hạ
Phá hạ nghĩa là vi phạm các điều thuộc quy chế An cư mà luật đã thiết định. Chủ yếu của sự phá hạ là rời khỏi trú xứ. Có hai trường hợp phá hạ: hợp pháp và không hợp pháp.
Phá hạ không hợp pháp là tự mình bước ra khỏi phạm vi của trú xứ An cư mà không có duyên sự, không có tác pháp đúng pháp. Trường hợp phá hạ không hợp pháp như vậy được coi là mất hạ, không được Tự tứ ở bất cứ nơi nào.
Trường hợp phá hạ hợp pháp là do có những tai nạn bất ngờ xảy đến. Hoặc khi tho nhật xuất giới đã hết hạn, nhưng do các tai nạn xảy đến, không thể trở về trú xứ An cư kịp thời gian, trường hợp này không được kể là phá hạ.
Như trường hợp nếu có tai nạn bắt buộc, phải rời khỏi trú xứ An cư, để di chuyển đến một trú xứ khác tiếp tục An cư. Trường hợp này cũng không được gọi là phá hạ. Nếu bị bắt buộc phải rời khỏi trú xứ An cư, nhưng không thể tiếp tục An cư ở bất cứ trú xứ nào khác nữa, đây mới thật sự mất hạ.
Có tám tai nạn mà Tỳ kheo phải rời khỏi trú xứ được coi là phá hạ hợp pháp.
1. Nguy hiểm phạm hạnh: tại trú xứ An cư, Tỳ kheo có thể bị những người quyền thế ép buộc phá giới, hoặc có những người nữ thường đến quyến rũ phá giới, hoặc cha mẹ, anh em, thân thích thuyết phục phá giới. Để bảo vệ đời sống tu tập tịnh hạnh, Tỳ kheo có thể rời bỏ trú xứ này.
2. Nguy hiểm vì kho tàng: sau khi đã kiết hạ An cư tại một trú xứ nào đó, các Tỳ kheo nếu biết rằng ở đây có kho tàng, nếu sống tại đây có thể có những điều nguy hiểm xảy ra.
3. Quỷ phá hoại: trú xứ An cư của Tỳ kheo thường bị ma quỷ quấy phá, đe dọa sinh mạng.
4. Các loài rắn độc, nguy hiểm.
5. Các loài thú dữ, nguy hiểm
6. Giặc cướp, đời sống bất ổn, nguy hiểm đến sinh mạng.
7. Thiếu thốn các nhu cầu như ăn uống, thuốc men, hay không có người giúp đỡ hộ trì.
8. Phá Tăng: Tăng tại trú xứ An cư đang bị chia rẽ, không hòa hiệp, Tỳ kheo không muốn bị lôi cuốn vào sự tranh chấp không thể hòa hiệp, có thể rời bỏ đi nơi khác.
Trong các trường hợp thọ nhật xuất giới và phá hạ được nói trên đây, thì Yết ma thọ nhật không áp dụng cho Ni, vì Tỳ kheo ni không được phép xuất giới quá 7 ngày. Các trường hợp khác cũng đồng như Tỳ kheo Tăng.
Một cộng đồng thanh tịnh và hòa hiệp, cùng học và cùng tu như sữa với nước vậy, quả là niềm tin và hy vọng đạt được đích cao về mặc tâm linh, đem lại cho con người sống giữa cảnh đời náo nhiệt. Và nó chứng tỏ rằng chánh pháp mà đức Thích tôn đã giảng thuyết, nếu được thực hành một cách trọn vẹn, sẽ là cơ sở cho một thế giới an lành. Đây là điều mà vua Ba Tư Nặc đã bày tỏ với đức Thế tôn về niềm tin của mình đối với chánh pháp được Thế tôn giảng dạy và chúng đệ tử thực hành trọn vẹn.
Nói tóm lại, duyên khởi của sự An cư kiết hạ của chúng Tỳ kheo dù đơn giản được nói là do đức Thế tôn tùy thuận theo ước muốn của các đệ tử tại gia, nhưng trong ý nghĩa sâu xa thì nó là sinh mạng tồn tại của chánh pháp được duy trì bằng đời sống thanh tịnh và hòa hiệp của cộng đồng Tăng lữ. Chừng nào chúng Tỳ kheo còn nhiệt thành trong phận sự An cư ba tháng thì bấy giờ chánh pháp vẫn còn sức sống phong phú để loài người làm nơi quy ngưỡng và xây dựng một thế giới an lành.

Xem tiếp phần: Cương giới ý nghĩa và tầm quan trọng của cương giới

HT. T.C.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here