Trang chủ Phật học Kiến thiết xã hội tiêu chuẩn trong kinh Dược Sư: Phần 2:...

Kiến thiết xã hội tiêu chuẩn trong kinh Dược Sư: Phần 2: Xã hội hoàn thiện về giáo dục, chuẩn về pháp luật-đạo đức và đầy đủ về phúc lợi xã hội

142
0

Giáo dục hoàn thiện.

Văn minh tinh thần của nhân loại được kế thừa và phát triển từ đời này sang đời khác cũng chính là nhờ vào phương thức hoạt động giáo dục. Giáo dục liên quan đến vấn đề đạo tạo nên một con người hoàn thiện và đạo đức cho một xã hội. Sở dĩ hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chú trọng đến vấn đề giáo dục chính là điểm này, chứ không phải phô trương giáo dục tiên tiến của đất nước mình mà thu hút kinh doanh. Nhưng mục tiêu của giáo dục là gì? Chúng ta làm thế nào để giáo dục và bồi dưỡng nhân tài cho đúng nghĩa? Hầu hết giới giáo dục những năm gần đây đều quan tâm vấn đề này. Nhiều trường đại học mọc lên thường chỉ chú trọng đạo tạo tri thức và công nghệ kĩ thuật. Thế rồi con người cũng thấy được nó còn khuyết điểm, giáo dục đại học phải nên chú trọng bồi dưỡng năng lực và tố chất của con người, trong đó không thể thiếu yếu tố nhân văn cho học sinh đại học, đây là những yêu cầu cần thiết để những người làm giáo dục suy ngẫm. Thế giới Tịnh độ mà đức Phật Dược Sư kiến lập cũng rất chú trọng giáo dục, hai đại nguyện tiếp theo của đức Phật Dược Sư nói về giáo dục. Kinh Dược Sư dạy:
“Đại nguyện thứ tư: Ta nguyện đời về sau lúc chứng đắc đạo quả Bồ đề, nếu có chúng sanh theo tà đạo, thì làm cho họ đều được an trú trong đạo Bồ đề; nếu có hàng Thanh văn và Độc giác thì làm cho họ an lập vào trong Đại thừa. ”

“Đại nguyện thứ chín: Ta nguyện đời về sau lúc chứng đắc đạo quả Bồ đề thì làm cho chúng sanh thoát khỏi lưới ma, giải thoát hết thảy ràng buộc của ngoại đạo. Nếu có chúng sanh rơi vào trong rừng ác kiến thì được dẫn nhiếp quay về chánh kiến, giúp cho họ dần dần tu tập hạnh Bồ tát, nhanh chứng Vô thượng Bồ đề.”

Hai đại nguyện trên của đức Phật Dược Sư đều mạng một giá trị về thông diệp giáo dục, đại nguyện ở trước thì chú trọng giáo dục đào tạo tư tưởng lành mạnh, còn đại nguyện ở sau thì đề cao bồi dưỡng tố chất đạo đức. Trong nguyện thứ tư nói rằng “nếu có chúng sanh theo tà đạo, thì làm cho họ đều được an trú trong đạo Bồ đề” và trong nguyện thứ chín nói rằng “làm cho chúng sanh thoát khỏi lưới ma, giải thoát hết thảy ràng buộc của ngoại đạo. Nếu có chúng sanh rơi vào trong rừng ác kiến thì được dẫn nhiếp quay về chánh kiến”. Ở đây chúng ta chú ý hai từ “tà đạo” và “ác kiến”, ý của đức Phật là tư tưởng không lành mạnh. Một tư tưởng sai lầm thì sẽ dẫn đến việc làm sai quấy và suy đồi đạo đức, thì sẽ là mối hiểm họa cho xã hội, và là căn nguyên tội lỗi. Cho nên một xã hội lí tưởng thì việc loại trừ tư tưởng bất lương không lành mạnh là cần thiết, mà chỉ có phương thức giáo dục mới thay đổi được và làm được. Vì vậy, đức Phật Dược Sư nhấn mạnh quan điểm giáo dục tư tưởng lành mạnh.

Một quan điểm giáo dục khác trong kinh Dược Sư là bồi dưỡng tố chất viên mãn của con người, tức làm Phật. Trong đại nguyện thứ chín nói rằng, “giúp cho họ dần dần tu tập hạnh Bồ tát, nhanh chứng Vô thượng Bồ đề” có nghĩa là đức Phật Dược Sư sẽ hướng dẫn cho những người công dân trong cõi Tinh độ tu tập cho đến khi thành tựu quả vị như đức Phật, tức thành Phật. Bồi dưỡng tố chất viên mãn của con người nghĩa là làm cho chúng sanh đó thành Phật, mà tố chất viên mãn của một vị Phật thì phải có đầy đủ nhất thiết trí huệ, đoạn trừ hết thảy phiền não, từ bi vô hạn, tâm nguyện rộng lớn cứu độ hết thảy chúng sanh không phân biệt. Như vậy đào tạo và bồi dưỡng tố chất một con người như thế thì thật là viên mãn, đây mới thực sự là tiêu chuẩn giáo dục tố chất hoàn hảo nhất.

Nội dung giáo dục trong đại nguyện của đức Phật Dược Sư là con đường của Bồ tát. Con đường Bồ tát là tu hành chứng đắc giác ngộ và giúp chúng sanh giác ngộ như mình. Cho nên trong đại nguyện thứ tư, “làm cho họ an lập vào trong Đại thừa” và trong đại nguyện thứ chín, “giúp cho họ dần dần tu tập hạnh Bồ tát, nhanh chứng Vô thượng Bồ đề” đều là nội dung giáo dục Đại thừa trong cõi Tịnh độ của đức Phật Dược Sư.

Phật giáo Đại thừa có ba chủ trương, đó là phát tâm Bồ đề, hành bồ tát hạnh, và kiến giải không tánh. Nghĩa là xã hội lí tưởng Tịnh độ không phải đứng yên hay tưởng tượng để thỏa mãn hưởng thụ, mà người dân ở đây phát có tâm Bồ đề, tức tâm cầu giác ngộ, tâm cầu lợi lạc cho mình và cho mọi người, đó là nội dung giáo dục thứ nhất; làm hạnh Bồ tát là việc làm luôn luôn vì lợi ích cho mọi người, cho số đông và cho xã hội, đó là nội dung giáo thư hai; kiến giải không tánh tức tâm hỷ xả, không thấy có chủ thể hay đối tượng của người làm, không dích mắc vào danh lợi, cho mình là đúng người khác là sai, mà luôn xả bỏ kiến chấp và pháp chấp, để đạt đến kiến giải tánh không, đó là nội dung giáo dục thứ ba. Ba nội dung giáo dục này là tư tưởng của Bồ tát, nếu thực hành đầy đủ sẽ tạo thành nên một tố chất viên mãn.

Nội dung giáo dục trong kinh Dược Sư chỉ cho chúng ta thấy được những khiếm khuyết và nỗi băn khoăn của giáo dục trong xã hội ngày nay. Xã hội ngày nay tồn tại nhiều vấn đề như thế, đương nhiên có liên quan đến giáo dục. Giáo dục hiện nay đang chạy theo xu hướng xã hội, phải chăng đã đạo tạo nên một con người hoàn toàn như một công cụ hay một linh kiện máy móc cao cấp, hay máy kiếm tiền, biết suy nghĩ và biết nói? Nguyên nhân vì giáo dục của chúng ta không coi trọng giáo dục nhân văn, mà đặc biệt là giá trị tri thức và nhân cách cuộc sống, để rồi xã hội công nghiệp hóa sẽ có con người cũng công nghiệp hóa. Vì thế ý niệm giáo dục trong kinh Dược Sư rất có ý nghĩa để cho giáo dục ngày nay mà chúng ta cần tham khảo.

Pháp luật và đạo đức hoàn thiện

Tư tưởng xã hội phương Đông coi trọng đức trị, còn tư tưởng xã hội phương tây coi trọng pháp trị. Đạo đức thì dựa vào sự tự giác ở bên trong, pháp luật thì thông qua sự ràng buộc bên ngoài. Giáo dục đạo đức là giáo dục lâu dài, tác dụng của pháp luật chỉ là cập thời. Giáo dục đạo đức cho con người thì tạo thành một xã hội có nếp sống vừa văn minh vừa lành mạnh tốt đẹp, sự thực thi của pháp luật thì gìn giữ trật tự xã hội, cả hai đều hỗ tương cho nhau, nhưng vẫn còn chỗ chưa đủ. Đại nguyện trong kinh Dược Sư rất coi trọng việc ứng dụng đầy đủ và dung hòa giữa đạo đức và pháp luật. Kinh Dược Sư dạy:

“Đại nguyện thứ 5:Ta nguyện đời về sau lúc chứng đắc đạo quả Bồ đề, nếu có vô lượng vô biên chúng sanh hữu tình ở trong pháp của Ta mà tu hành phạm hạnh, thì họ gìn giữ giới luật không thiếu, đủ cả Ba tụ tịnh giới. Giả như có chúng sanh hủy phạm thì khi nghe danh hiệu Ta xong liền được thanh tịnh, không đọa vào ác thú. ”

Đức Phật Dược Sư hy vọng trong xã hội lí tưởng mà mình kiến thiết, mỗi công dân đều có thể có được tư cách của một Bồ tát, thế rồi thực hành theo Tam tụ tịnh giới tu hành sinh hoạt.

Tam tụ tịnh giới: thứ nhất Nhiếp luật nghi giới, thứ hai Nhiếp thiện pháp giới, thứ ba là Nhiêu ích hữu tình giới. Nhiếp luật nghi giới tức là hiểu và thông đạt hết thảy các giới luật mà đức Phật đã chế ra, nhằm mục đích đoạn trừ hết thảy các ác hạnh và không ngừng làm các việc tốt. Nhiếp thiện pháp giới nghĩa là tu tập hết thảy các thiện pháp và không tu tập các pháp bất thiện. Nhiêu ích hữu tình giới nghĩa là việc làm của Bồ tát luôn luôn vì lợi ích cho hữu tình và cho hết thảy chúng sanh. Đây là ba tiêu chuẩn cũng là ba công việc mà mỗi người công dân trong cõi Tịnh độ của đức Phật Dược Sư phải làm. Cõi Tịnh độ này lấy Ba tụ tịnh giới làm pháp luật cũng là tiêu chuẩn đạo đức, đây đúng là một biểu hiện của sự dung hợp cao độ giữa đạo đức và pháp luật chúng ta cần tham khảo.

Xã hội ngày nay tuy cũng có một pháp chế cao độ nhưng hiện tượng vi phạm pháp luật và vi phạm hành vi đạo đức cũng rất nhiều, mà trong xã hội xuất hiện xu hướng suy thoái đạo đức, chính vì vậy mà các quốc gia và nhiều tổ chức triệu tập nhiều hội thảo, nhiều tôn giáo cấp tốc cảnh báo, nhằm mục đích kêu gọi mọi người tái lập đạo đức xã hội. Phải nói rằng, từ cổ chí kim, tôn giáo vẫn là nền tảng kiến lập đạo đức, tuy nhiên cũng có không ít tôn giáo hay tổ chức lợi dụng tôn giáo để che đậy hành vi đạo đức khả nghi của mình. So sánh với các tôn giáo khác thì đạo đức Phật giáo càng viên mãn, đồng thời cũng không có chút gì có tác dụng phản diện tiêu cực và bài xích chế độ hay truyền thống văn hóa của một quốc gia. Thật vậy, việc đề xướng đạo đức Phật giáo cho xã hội ngày nay là chính xác, có một ý nghĩa hiện thực vô cùng lớn cho việc gìn giữ đạo đức con người và cho xã hội ngày nay.

Phúc lợi xã hội dồi dào.

Công tác phúc lợi xã hội là một việc làm cần thiết cho một xã hội lí tưởng. Trong xã hội phát triển ở các nước phương Tây thì phúc lợi xã hội và bảo hiểm được thực thi rất hiệu quả, đồng thời phúc lợi và bảo hiểm là một biểu hiện tốt đẹp cho một xã hội văn minh tiến bộ. Trong kinh Dược Sư dạy:

“Đại nguyện thứ 6: Ta nguyện đời về sau lúc chứng đắc đạo quả Bồ đề, nếu có chúng hữu tình thân của họ thấp hèn, các căn không đủ, thô xấu mê muội, mù điếc câm ngọng, yếu đuối nhu nhược, phong bệnh điên cuồng, đủ các thứ bệnh, nhưng khi nghe được danh hiệu Ta rồi thì họ đều được đoan chánh thông minh, các căn đầy đủ, không còn các thứ bệnh khổ.”

“Đại nguyện thứ 7: Ta nguyện đời về sau lúc chứng đắc đạo quả Bồ đề, nếu có chúng hữu tình bệnh khổ đau đớn, không biết nhờ đâu cậy đâu, không thầy không thuốc, không có người thân và nhà cửa, kiếm ăn cực khổ, khi nghe được danh hiệu của Ta hay một câu kinh thì các thứ bệnh liền hết, thân tâm được an lạc, người thân và của cải đầy đủ, tất cả đều được sung sướng, cho đến được quả vô thượng Bồ đề.”

Nguyện thứ 6 liên quan đến vấn đề bảo hiểm bệnh tật, nguyện thứ 7 liên quan đến vấn đề bảo hiểm điều kiện sinh hoạt và hoàn cảnh của người bệnh. Đức Phật Dược Sư hi vọng ở trong cõi Tịnh độ do Ngài kiến lập thì mỗi công dân sinh sống ở đây đều được sống an lạc không bệnh tật, họ chỉ cần niệm danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai và nghe kinh Dược Sư thì cho dù đang ở trong hoàn cảnh khốn đốn cũng đều có thể cải thiện.

Trong thời đại sự phát triển của y học đã giúp con người thoát ra nhiều căn bệnh hiểm nghèo, nâng cao tuổi thọ, đáp ứng nhiều mặt bệnh tật và thẩm mỹ, thế nhưng nhiều căn bệnh nan y và bệnh dịch vẫn hoành hành, mà nguyên nhân chính cũng do con người đã lạm dụng quá nhiều hóa chất trong sản xuất và chế biến thực phẩm, môi trường ô nhiễm, ăn nhiều loại thịt động vật gây mầm bệnh. Trong một xã hội tiêu chuẩn thì công việc y tế, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một bộ phận hàng đầu. Thế giới Tịnh độ của đức Phật Dược Sư thanh tịnh tinh khiết thì không thể có một loại vi khuẩn hay mầm bệnh xuất hiện, đặc biệt là tâm thanh tịnh không nhiễm ô cấu uế. Cõi Tịnh độ lấy sự thanh tịnh và thanh lọc tâm làm hàng đầu, đảm bảo cho chất lượng sống và đời sống tâm linh đạo đức. Đây là một trong những loại hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm con người tiêu chuẩn nhất mà đức Phật Dược Sư đã cho mỗi người công dân ở đây.

Gần đây, nhiều hội thảo y tế và vệ sinh môi trường trong nhiều lãnh vực đã được xã hội quan tâm, nhiều nhà khoa học đã mạnh dạn đưa ra nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn bệnh tật và bảo vệ sức khỏe cho nhân loại sống trên hành tinh chúng ta, nhưng chỉ có một số ít có thể dùng quan điểm của Phật giáo để tìm hiểu vấn đề, đây là một thiếu sót cần phải bổ sung. Phật giáo là nguồn trí huệ vô tận, đã sống và cùng với nhân loại hơn hai mươi lăm thế kỉ, luôn đồng hành cùng với con người không kể biên giới, quốc gia hay dân tộc nào. Những lời dạy của đức Phật đã mở ra cho nhân loại một con đương bình đẳng, nhân bản và từ bi. Những gì mà Phật giáo để lại đã trở thành một truyền thống văn minh, ảnh hưởng trong nhân loại nhiều giá trị quý báu; tinh thần từ bi trí huệ, vì lợi ích của số đông của cả chư thiên và loài người là di sản vô giá, là bến bờ bình an giải thoát, không tìm đâu xa ngay ở trong tâm mình. Ngày nay chúng ta kế thừa truyền thống tốt đẹp đó, đặc biệt trong thời đại khoa học phát triển, chúng ta càng tích cực đem giáo lí của đức Phật áp dụng rộng rãi trong đời sống thiết thực, nhằm mục đích đem lại an lạc hạnh phúc cho mọi người, cho một kiến thiết xã hội hoàn thiện và cho thế giới hòa bình của chúng ta.

T.C 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here