Trang chủ Phật học Kiến thiết xã hội tiêu chuẩn trong kinh Dược Sư: Phần 1:...

Kiến thiết xã hội tiêu chuẩn trong kinh Dược Sư: Phần 1: Xã hội bình đẳng, tự do an lạc và đầy đủ vật chất

131
0

Ngày nay, văn minh trong một xã hội đã phát triển đến điểm gần như hoàn mỹ nhất trong trong lịch sử văn minh của loài người, thế nhưng xã hội vẫn còn tồn đọng không ít những vấn đề nan giải như chiến tranh, cạnh tranh, bệnh tật, suy thoái đạo đức, thậm chí cho dù một thể chế hay luật pháp của một quốc gia tiên tiến đến mức nào đi nữa cũng không thể toàn vẹn được. Vì vậy con người vẫn còn đang mò mẫm và tiếp tục tìm kiếm một giải pháp tốt hơn cho việc kiến thiết một xã hội hoàn thiện.

Phật giáo ra đời vì mục đích là cứu khổ, đem an lạc cho những ai có duyên để nghe và để thực hành và tìm cầu an lạc hạnh phúc đích thực cho cuộc đời mình. Phật giáo không như một bộ tự điển Bách khoa để trả lời hết những câu hỏi và những vấn đề phức tạp của xã hội, thậm chí đức Phật cũng đã từng im lặng với nhiều câu hỏi của ngoại đạo, vì nó viễn vông, không thực tế, mà không lợi ích cho thực tại của cuộc sống.

Ví như một người bị trúng một mũi tên, không chịu cứu chữa, mà cứ khăng khăng muốn biết mũi tên được làm bằng vật liệu gì, tẩm thuốc độc gì, ai là người bắn mũi tên này, thế nhưng tên độc đã nhanh chóng lan tỏa khắp cơ thể và bạn chết trong nuối tiếc muộn màng. Giáo lí của Phật giáo như người dẫn đường, như thuốc hay, nhưng vấn đề là ở chúng ta có muốn làm theo hướng đạo sư hay vị thầy thuốc giỏi đó hay không mà thôi. Mục đích của Phật giáo là phục vụ nhân sinh và phục vụ con người, những lời dạy của đức Phật giúp chúng ta quay về với chính mình, lắng nghe tâm mình phản hồi lên tiếng, thực hành và tiếp cận những gì bạn thấy là đúng, hướng tâm về bên trong, quay đầu là bờ.

Cõi Tịnh độ của Phật giáo là một xã hội lí tưởng, sự thành tựu của Tịnh độ là sự thành tựu của một kiến thiết xã hội hoàn mỹ rất khoa học, dựa trên y báo và chánh báo của một vị Phật phát nguyện. Nói đến Tịnh độ thông thường chúng ta nghĩ đến cõi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà. Hành giả tu theo pháp môn Tịnh độ là chuyên tâm niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, mục đích là cầu vãng sanh. Đây là một phương pháp tu rất thực tiễn mà lại dễ dàng áp dụng cho mọi lứa tuổi và mọi lúc mọi nơi, nhắm vào thời điểm thân thọ mạng chung, tức là đoạn trừ chi “tử” trong mười hai chi phần Nhân duyên.

Còn rất nhiều cõi Tịnh độ khác trong Phật giáo, trong đó cõi Tịnh độ Đông phương của đức Phật Dược Sư thì nhấn mạnh ở chi “sanh” trong mười hai chi phần Nhân duyên. Đặc biệt nguyện lực cũng như toàn bộ bản kinh Dược Sư còn thể hiện một sự kiện toàn về cơ cấu tổ chức của một xã hội lí tưởng. Đọc kinh Dược Sư là chúng ta thể nhập vào nguyện lực của đức Phật Dược Sư; thực hành pháp môn này là chúng ta tự xây dựng cho chính mình một tố chất đạo đức viên mãn tức làm Phật, xây dựng một thế giới kiện toàn, không chiến tranh, bình đẳng, tự do và sung mãn.

1. Xã hội bình đẳng.

Trong xã hội giữa con người với con người thì có rất nhiều điều không bình đẳng. Đặc trưng của xã hội dân chủ hiện nay thì luôn nhấn mạnh sự bình đẳng giữa người với người, đây là một quan điểm lí tưởng mà con người ước vọng thực hiện. Lời nguyện thứ nhất trong kinh Dược Sư đã nói đến tư tưởng bình đẳng, một đại nguyện đầy nhân bản. Kinh dạy:

“Đại nguyện thứ nhất: Ta nguyện đời về sau lúc chứng đắc quả vị vô thượng chánh đẳng, thì toàn thân tỏa ánh hào quang, chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới, thân trang nghiêm với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, làm cho hết thảy chúng sanh hữu tình cũng được như vậy.”

Đức Phật Dược Sư phát nguyện sau khi Ngài thành Phật thì toàn thân phát ta ánh sáng chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới, có đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, đồng thời cũng hi vọng tất cả chúng sanh khi sanh lên Tịnh độ Lưu Ly cũng được như vậy. Ở trong các tôn giáo nói chung thì người và thần thì không thể bình đẳng, mà thần hay chúa đều là đấng sáng thế, chi phối, điều khiển, trừng phạt, thậm chí còn sinh tạo ra con người, như có 4 loại đặc tính của con người hay có hai loại dân được thượng đế chọn và không chọn. Rồi trong thời quân chủ tập quyền thì vua cho mình là người có quyền uy nhất hay là thiên tử, để phân biệt mình cao quý hơn với dân chúng, để chăn dân, dạy dân, hay bắt họ phải phục vụ. Trong tôn giáo nếu có chỗ không bình đẳng cũng là căn nguyên tạo cho xã hội thiếu bình đẳng. Đọc kinh Dược Sư chúng ta thấy được nguyện lực đầu tiên của đức Phật Dược Sư là tư tưởng bình đẳng, dùng tư tưởng bình đẳng để trang nghiêm thế giới, vì một xã hội lí tưởng thì phải có sự bình đẳng giữa người với người.

Do lòng ích kỉ mà xã hội thiếu sự bình đẳng, do đó ở các nước phương Tây khoảng thế kỉ 18 đã phát khởi lên trào lưu tư tưởng bình đẳng giống với tư tưởng Phật giáo mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tuyên dạy từ hơn hai ngàn năm trước, “không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn.” Phật giáo chủ trương hết thảy chúng sanh đều có tánh làm Phật, mọi người đều có khả năng thành Phật, Phật và chúng sanh không khác, chỉ vì mê thì luân hồi, giác ngộ thì thành Phật. Thông điệp của Phật giáo đã thể hiện một ý nghĩa tối cao trên quan điểm bình đẳng giữa người với người.

2. Tự do an lạc.

Con người không chỉ truy cầu danh vọng và vật chất mà còn cả tự do. Tự do là yếu tố đặt sau vật chất, địa vị và tình cảm, thế nhưng sau khi con người có tất cả mà thiếu tự do thì mọi truy cầu của con người đều sụp đổ ngay ở trước chân mình. Vì vậy một xã hội lí tưởng thì trong đó quyền tự do sinh sống của người dân là một điều kiện không thể thiếu. Nguyện lực tiếp theo của đức Phật Dược Sư là vấn đề tự do của người dân trong cõi Tịnh độ của mình. Lời nguyện thứ hai trong kinh Dược Sư dạy:

“Ta nguyện đời về sau lúc chứng đạo Bồ đề, thì thân như lưu ly, trong ngoài tinh khiết, không chút xấu uế, quang minh rộng lớn, công đức tròn đầy, thân khéo an trú. Cảnh giới sáng đẹp hơn cả ánh sáng mặt trời mặt trăng, làm cho chúng sanh mê lầm đều được thấu rõ, tùy ý vui sống, làm các công việc.”

Đức Phật Dược Sư phát thệ nguyện sau khi thành chánh quả thì ngài mong muốn ánh sáng trí huệ của ngài chiếu sáng vô lượng vô biên thế giới để phá trừ ngu si và mê muội của chúng sanh trong thế gian. Đồng thời trong thế giới Tịnh độ mà Ngài đã thiết lập thì dân chúng có được một sự tự do tuyệt đối, có thể tùy ý vui sống, tùy ý làm công việc của mình.

Trong một xã hội nếu thiếu tính tự do thì con người không thể sống an lạc được. Đó là lí do tại sao các nhà tư tưởng phương Tây đề xuất ra khái niệm tự do hay nhân quyền. Để đảm bảo quyền sinh tồn của một con người thì mỗi người trước hết phải có ý nghĩ là không được làm thương hại đến người khác, nghĩ được như vậy thì con người sẽ làm những việc theo suy nghĩ của mình mà không tác hại đến người khác. Từ đây chúng ta cũng nhận rõ được rằng, tại sao đức Phật chế giới để cho người Phật tử thực hành, hoặc không phải là Phật tử chúng ta cũng có thể làm theo và giữ trong lòng một ý nghĩ là không được làm hại đến người khác, thì lúc bạn làm việc gì cũng mang lại lợi ích cho mình và cho mọi người.

Từ kinh Dược Sư, chúng ta có thể lập một xã hội lí tưởng, mỗi người công dân đều có thể tạo cho mình một cuộc sống tự do trong mọi hoàn cảnh và tìm thấy sự tự do trong những suy nghĩ đúng theo chánh pháp và theo tinh thần của kinh Dược Sư. Người công dân trong thế giới Tịnh độ của đức Phật Dược Sư tùy ý vui sống, tùy ý làm việc. Tại sao người công dân ở đó tùy ý vui sống và tùy ý làm việc mà không sợ sai phạm, bởi vì trong lòng họ luôn nghĩ không làm hại đến người khác, tâm của họ đã nghĩ như vậy thì việc họ làm chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc cho mình và cho cả mọi người.

Đương nhiên cái tự do của Phật giáo trên thực tế còn có một nội hàm sâu hơn. Thông thường cái tự do mà chúng ta đề cập chủ yếu là thể hiện ở trong hoạt động của con người, trong hoạt động của xã hội và trong cả phương thức sinh hoạt của con người. Trong giới hạn của một kiếp người thì phiền não nghiệp chướng quyết định và dẫn dắt cuộc đời họ, chính họ tự ràng buộc họ, chính họ tự đánh mất tự do của chính mình. Người phàm thì đều sống trong vô minh, không rõ đâu là đường tà đâu là nẽo chánh, thậm chí có thiện hữu tri thức chỉ bày mà vẫn không vượt qua được, đối với vũ trụ và nhân sinh họ đều mờ mịt, khiến cho họ không thể tự do và thông đạt về mặt nhận thức. Con người vốn lưu chuyển trong sanh tử, nghiệp lực phiền não và chấp trước trói buộc họ, làm cho tâm của họ không được tự do. Trong Phật giáo thì tự do không phải chỉ từ bên ngoài, mà phải giải thoát mê hoặc và phiền não từ bên trong của con người, từ đó mới có thể có được tự do.

So sánh với tư tưởng tự do ở phương Tây thì tự do trong Phật giáo sâu sắc và hoàn thiện hơn nhiều. Như trên đã nói thì Phật giáo đã chỉ cho chúng ta thấy rõ đâu là căn nguyên tại sao con người không tự do và bản chất không tự do là gì. Đây mới chính là con đường truy tìm tự do chân thật nhất và ý nghĩa đích thực của tự do mà nhân loại và xã hội đang cần.

3. Điều kiện vật chất đầy đủ.

Con người muốn tồn tại trong một xã hội thì điều trước tiên là họ phải đối diện với nhu cầu ăn mặc ở, đây cũng là điều kiện cơ bản để sinh tồn, điều kiện cơ bản đầy đủ rồi thì họ tiến đến sự mong cầu cải thiện đời sống. Xã hội ngày nay, khoa học công nghệ không ngừng phát triển, điều kiện kinh tế dồi dào, thế nhưng mục đích con người vẫn không ngừng tìm cách làm ra của cải vật chất càng nhiều càng tốt. Bình thường theo chúng ta nghĩ thì có càng nhiều của cải vật chất thì càng thoải mái và vật chất càng đa dạng thì được xem là điều kiện tất yếu của hạnh phúc. Nhưng để đạt được đến trạng thái sung mãn vật chất đã không phải là dễ, mà đã đạt đến trạng thái sung mãn vật chất cũng chưa hẳn là hạnh phúc. Kinh Dược Sư cũng đáp ứng đầy đủ những nguyện vọng của chúng sanh, có 3 đại nguyện nói về điều kiện vật chất sung mãn ở trong cõi Tinh độ. Kinh Dược Sư dạy:

“Đại nguyện thứ ba: Ta nguyện đời về sau lúc chứng đắc đạo quả Bồ đề, Ta dùng vô lượng vô biên phương tiện trí huệ làm cho chúng hữu tình đều có được vật dụng vô tận, không có một chúng sanh nào thiếu ít. ”

Đức Phật Dược Sư mong muốn sau khi thành Phật, nhờ sự thành tựu của trí huệ mà Ngài làm cho cõi Tịnh độ có đầy đủ điều kiện vật chất, dân chúng trong cõi Tịnh độ đều có đầy đủ vật dụng sinh hoạt vô tận, có nghĩa là những vật dụng nhu yếu trong đời sống sinh hoạt của người dân ở trong cõi đó đều có đủ và dùng không bao giờ hết được, họ không còn cảm thấy thiếu thốn và bất tiện.

Đại nguyện thứ 11 và 12 của đức Phật Dược Sư cũng nói đến điều kiện vật chất phong phú sung túc ở trong cõi Tịnh độ.

“Đại nguyện thứ 11: Ta nguyện đời về sau lúc chứng đắc đạo quả Bồ đề, nếu có chúng sanh nào vì đói khát mà khổ não, vì kiếm ăn mà tạo ác nghiệp, khi nghe được danh hiệu của Ta, chuyên tâm thọ trì, thì Ta trước hết lấy các đồ ăn uống có mùi vị ngon mà cho họ ăn no đủ, sau đó dùng Pháp vị cứu cánh an lạc mà dạy bảo họ. ”

“Đại nguyện thứ 12: Ta nguyện đời về sau lúc chứng đắc đạo quả Bồ đề, nếu có chúng sanh nào nghèo khó không đủ áo quần, vị ruồi muỗi đốt, nóng lạnh hành hạ, ngày đêm khổ sở, nếu nghe được danh hiệu Ta, chuyên tâm thọ trì, theo ý muốn củ họ liền được các loại áo quần tốt đẹp, và cũng được các loại đồ dùng quý,các loại vòng hoa phấn hương, các dụng cụ âm nhạc tùy ý vui dùng, đều có đầy đủ. ”

Một xã hội lí tưởng thì không chỉ giải quyết vấn đề ăn mặc của dân chúng, mà còn những tiện nghi vật dụng nhu yếu và dụng cụ giả trí cũng cần có đầy đủ; dân chúng không những có đầy đủ vật chất sinh hoạt, mà đồng thời những tiện nghi sinh hoạt giải trí tinh thần cũng cần có đầy đủ.

(Đón đọc phần 2: một xã hội hoàn thiện về giáo dục Pháp luật-đạo đức và phúc lợi xã hội)

T.C 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here