Câu trả lời dĩ nhiên là “Có”. Khi được bạch rằng giáo pháp được mô tả như thế nào, Đức Phật đã dạy các đệ tử về câu chuyện có một người bình thường tên là Tất Đạt Đa được sinh ra trong cõi đời này. Người ấy đã đạt đến giác ngộ, sau đó đã chỉ dạy cho những người khác cách mình đạt được sự giác ngộ ra sao, và cuối cùng người ấy đã nhập vào Đại Bát Niết Bàn …
Đây là một trong những lời dạy có tầm quan trọng lớn lao nhất. Chúng chỉ ra cho thấy những người bình thường như chúng ta đều có thể thức tỉnh trước hiện thực cuộc sống này. Điều này hoàn toàn có thể bởi tất cả chúng ta đều có những hạt giống thương yêu trong mình. Về điểm này, không có sự khác nhau giữa ta và Đức Phật.
Rõ ràng là, sẽ có nhiều thuận duyên hơn nếu chúng ta tu tập như một ẩn sĩ hay như một thầy tu. Có ai không cảm thấy rung động khi nghe những câu chuyện huyền thoại về đạo sư Milarepa sống trong những động núi trên dãy Hy Mã Lạp Sơn hoang vu hay hình ảnh những vị sư áo vàng chân đất bước dưới những tòa nhà chọc trời lộng lẫy ở Bangkok? Những nhân vật trên đã điểm tô thêm màu sắc, sự chân xác và nguồn cảm hứng vào những truyền thống sẵn có. Tuy nhiên, cũng có những Phật tử bình thường đạt đến trạng thái giác ngộ cao.
Lấy câu chuyện vua Asoka làm một ví dụ. Nếu không có sự nỗ lực kiên trì của ông, Chánh pháp có thể sẽ không bao giờ được mở rộng và truyền bá đi khắp nơi trên trái đất này. Tương tự như vậy, có những gia chủ bình thường đã đạt được sự giác ngộ như Marpa là một vị Thánh sư rất nổi tiếng. Giáo pháp có mối quan hệ trong việc chuyển hóa tâm thức và làm ta thức tỉnh trong hiện tại. Cho dù chúng ta mong muốn có một địa vị xã hội thật cao hay không màng đến điều đó, chúng ta cạo trọc đầu hay để những kiểu tóc thời trang đều không phù hợp
Bằng cách nào chúng ta chuyển hóa cuộc sống vô vị của mình thành một cuộc hành trình tâm linh? Đức Phật đã từng dạy 84 ngàn pháp môn dẫn dắt chúng sanh khai mở phật tánh của mình. Dù cho những pháp môn có khác nhau, nhưng tất cả đều chứa đựng ba yếu tố căn bản, đó là Văn, Tư và Tu.
Để phát triển được chánh kiến, chúng ta cần học về Tứ Pháp Ấn của Đạo Phật bao gồm tất cả vạn pháp đều là Vô thường, mọi cảm xúc đều là khổ đau, không có vật gì tồn tại cố hữu và Niết Bàn. Để có được sự tin tưởng về những lời dạy này, điều quan trọng là không nên chỉ tìm hiểu qua loa mà phải thực sự sống với chúng như người thợ kim hoàn thử vàng vậy. Một khi chúng ta chấp nhận Tứ Pháp Ấn phơi bày sự thật cuộc đời này, chúng ta sẽ xem chúng như một nền tảng liên hệ đến thế giới của mình.
Thông thường, cuộc sống của ta bị chi phối bởi những cảm xúc, và thậm chí một vấn đề không đâu vào đâu, theo bản năng cũng làm cho ta sợ hãi. Thay vào đó, ta có thể vận dụng hoàn cảnh để phát huy trí tuệ của mình.
Ví dụ, bạn sắp sửa có cuộc diễn thuyết trước một ngàn người. Đột nhiên bạn nhận ra mình đã trình bày sai lạc vấn đề. Thay vì ra sức biện hộ, tranh luận để “gỡ gạc”, bạn chấp nhận việc mọi người thay đổi thái độ, không còn tôn trọng và ủng hộ. Bạn hãy đơn giản xin lỗi họ vì sự thiếu sót của mình và quán sát sự “mất mặt” đó. Điều này thể hiện tính khiêm hạ và danh dự rất nhiều.
Tứ Pháp Ấn dạy cho chúng ta vạn pháp đều không vĩnh cửu và không có một sự tồn tại cố hữu nào. Sự xấu hổ, giận dữ và thất vọng cho ta cơ hội vàng ngọc để chiêm nghiệm những sự thật trên bằng tất cả trái tim. Khi chúng ta tuyệt vọng, đơn giản hãy dùng những kinh nghiệm đó để vượt qua. Trong suốt cuộc đời, ta đã tập hợp những thứ rời rạc để tái tạo nên ảo tưởng về một điều gì đó vững chắc và thường còn. Làm vậy không có tác dụng gì cả. Thiền định cho phép chúng ta quan sát nhưng không phán xét. Cho dù bất kỳ tư tưởng nào phát sinh, hãy để chúng tự đi. Ta hãy đem sự thực tập này vào đời sống hàng ngày của mình.
Những tình huống khó khăn hiếm khi được sử dụng để thực tập. Chúng ta thường tránh né hoặc vứt bỏ chúng. Giống như một người đóng những cửa sổ và cửa lớn lại để giữ cho căn phòng sạch sẽ, chúng ta cũng cố gắng giữ lại cuộc sống của mình bằng việc tránh né thực tế. Ta muốn có sự an toàn, nhưng thay vào đó lại tạo nên sự hy vọng và sợ hãi. Đối mặt với khó khăn và quán sát tâm thức cũng như việc mở những cánh cửa trong nhà. Có thể có sự lộn xộn, nhưng bù lại có sự sống và sinh động. Chúng ta đón nhận thử thách và sử dụng chúng như những phương tiện để đạt được trí tuệ. Về cơ bản, chúng ta hãy ngưng đấu tranh và để cho mọi thứ diễn ra như nó vốn vậy.
Trở lại với câu hỏi, Phật giáo không quá quan tâm đến việc từ bỏ thế giới vật chất, nhưng hướng đến việc làm cho ta có ý thức về thói quen chấp thủ vào hiện tượng và bản ngã của mình, giúp chúng ta có khả năng phá chấp. Khi chúng ta đồng hóa bản thân mình với Tứ Pháp Ấn, ta không cần thiết phải vứt bỏ mọi thứ, thay vào đó chỉ cần thay đổi thái độ đối với chúng. Thiền định cho phép chúng ta có một khoảng lặng để quan sát mà không đưa ra phán đoán. Chúng ta hãy hành xử mọi chuyện tùy duyên.
Thuần Chơn dịch từ kuenselonline.com