Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Không gian biểu tượng triết lý Thiền tông trong thơ Tuệ Trung...

Không gian biểu tượng triết lý Thiền tông trong thơ Tuệ Trung Thượng Sĩ

200
0

Triết lý Thiền tông thì nhiều, trong khi mỗi tác giả lại có nhiều cách kiến  giải khác nhau. Do đó, không gian tượng trưng cho triết lý thiền phải là một thế giới không gian với một hệ thống sự vật và hiện tượng phong phú.

Trong thơ Tuệ Trung, không gian đó có khi là khung cảnh mùa Xuân trăm hoa đua nở, là ngọn núi cô tịch vắng lặng làm nền cho một làn khói mỏng bay lên, là vầng trăng cô đơn giữa bầu trời trong suốt; là mùa Hạ sen đâm bông, là mùa Xuân mai nở rộ; có khi là đàn chim én bay xuống đỗ trước sân nhà, là cơn gió thổi lồng lộng, là ánh sáng mùa Thu lúc đen lúc trắng, là nhụy sen thơm đỏ, là ngọn đuốc trước gió, là con kiến nhỏ bé bò trên miệng cối xay bột; cũng có khi là thiên đường địa ngục, vạc dầu lò lửa, rừng gươm núi đao đầy hiểm nguy chết chóc…


Tất cả tạo nên một không gian đầy hình ảnh, âm thanh và màu sắc.


Thiên nhiên trong thơ thiền Tuệ Trung phần lớn là thiên nhiên luôn vận hành theo quy luật vô thường:


Xuân lai bách thảo sinh
(Mùa xuân đến thì trăm cây cỏ sinh sôi).


Trì giới kiêm nhẫn nhục
(Trì giới và nhẫn nhục)


Xuân lai tự thị xuân hoa tiếu
Thu đáo vô phi thu thủy thâm
(Mùa xuân đến thì hoa xuân cười
Mùa thu đến thì không nơi nào không phải là nước thu sâu).
(Phật tâm ca – Bài ca tâm và Phật)


Biểu hiện trực cảm nhất cho quan niệm đó là không gian thời tiết mùa màng với một trường các sự vật liên quan. Bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông cùng với hoa lá cỏ cây đi kèm nó luôn biến chuyển xoay vần theo quy luật khách quan, thấy đó rồi mất đó, đẹp đó rồi xấu đó, nở đó rồi tàn đó, tươi đó rồi héo đó…


Không có sự vật nào là trường tồn bất biến, kể cả thân mạng con người; phàm thánh, công danh, phú quý, tháng năm…cũng không thoát khỏi vòng quay vô tình nghiệt ngã đó. “Lộ”, “sương”, “lôi”, “điện”, “phù vân”, “phi tiễn”, “huyễn kính”, “ảnh”, “thanh phong”, “cỏ bồng” là những hình ảnh của thế giới “sắc tướng” mà tác giả thường sử dụng để thể hiện quan niệm về cuộc đời ngắn ngủi, hư ảo, giả tạm.


Nó hoàn toàn trái ngược với không gian thường hằng bất sinh bất diệt của bản thể, mà con người chẳng cần dụng công gì cả, chỉ một khoảnh khắc đốn ngộ ngắn ngủi thôi là có thể tìm được cái quý giá nhất của chính mình.


Tác giả khuyên không nên “dựa ngõ nhà người khác” vì như thế là si mê lầm lạc, chỉ cần “một điểm sáng mùa xuân” thôi là “khắp nơi hoa nở”, cái khoảnh khắc giác ngộ quý giá sẽ đến với mỗi con người.


Cũng có khi trong một bài thơ, tác giả xây dựng cùng lúc hai loại không gian đối lập nhau. Đặc biệt hơn, không gian thể hiện qui luật vô thường của vạn vật qua một cách nói khác đi đã trở thành không gian mang ý nghĩa hoàn toàn trái ngược:


Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt
Tân niên hoa phát cố niên hoa
Tam sinh thúc hốt chân phong chúc
Cửu giới tuần hoàn thị nghĩ ma


(Trăng sáng đêm qua vẫn là trăng đêm nay
Hoa nở năm mới cũng là hoa năm cũ
Ba sinh thấm thoắt thực như ngọn đuốc trước gió
Chín cõi tuần hoàn giống như con kiến bò trên miệng cối xay bột).
(ĐỐN TỈNH- CHỢT TỈNH)


“Hoa” và “trăng” lúc này là đại diện cho cái Phật tánh thường hằng bất biến vốn có ở mỗi con người, mà bằng nhận thức này hay khác, phân biệt xưa hay nay, con người lại nhận ra “trăng đêm qua”- “trăng đêm nay”, “hoa năm mới”- “hoa năm cũ”, để rồi mải mê rượt đuổi theo một cái gì hư ảo giống như “con hươu khát chạy đuổi theo bóng nắng”, tưởng rằng bớt khát chẳng dè lại càng khát thêm.


Qua đó, nhà sư khuyên tất cả nhận thức rõ sự tương đối của cuộc đời, buông bỏ những câu chấp để đi đến giác ngộ tự tính.


Như vậy thì, theo Tuệ Trung, con người hãy sống cuộc sống bình thường như nó vốn có, không cần phải suy nghĩ, phân vân hay chọn lựa, tự nhiên vô niệm giống như “bóng trăng xưa” và “ngọn gió trời” (Thị chúng- Bảo mọi người).


Một cách tế nhị, nhẹ nhàng, nhà sư trách con người chỉ trông thấy “nghìn non sáng sủa” mà chẳng chú ý đến “tiếng vượn cô đơn kêu ở nơi sâu thẳm”, cái bản thể ngọn nguồn của vạn vật, nó vốn trong lắng, nguyên thủy như bản tánh con người chưa hề vấy bẩn, pha tạp.


Khi thấu rõ tất cả là không chân thật, là giả tạo rồi thì chẳng cần lo lắng gì nữa. Không gian siêu nhiên mở ra để xua đuổi con người thoát khỏi những mối bận tâm chẳng đâu ra đâu ấy, mở ra con đường đi đến “bỉ ngạn” (bờ bên kia), nơi sáng trong tươi đẹp không còn bụi bặm nữa:


Phiền não bồ đề ám tiêu ma
Địa ngục thiên đường tự khô kiệt
Hoạch than lô thán đốn thanh lương
Kiếm thụ đao sơn lập tồi chiết
(Phiền não và bồ đề ngầm tiêu ma hết
Địa ngục và thiên đường tự nó khô kiệt
Vạc dầu, lò lửa bỗng trở nên mát mẻ
Rừng gươm, núi đao lập tức đổ gãy).


Sinh tử nhàn nhi dĩ
(Sống chết là lẽ thường mà thôi).


Viết về không gian gì, viết như thế nào và với cảm hứng gì, cuối cùng nhà thơ cũng thể hiện một niềm tin lạc quan, một cái nhìn đầy tin tưởng vào bản tánh chân thật của mỗi người, đó là tâm niệm “Ta là hiện tại Phật và chúng sinh sẽ là tương lai Phật” (Đức Phật Thích Ca Mâu Ni).


Đằng sau mỗi bài thơ, tác giả gợi nên một khoảng lặng, để lại cái dư vị sâu lắng trong tâm thức người đọc.


Để phát biểu cho triết lý thiền, nhà thơ xây dựng những không gian mang đặc trưng phù hợp thể hiện triết lý thiền đó. Đó có khi là không gian diễn biến theo vòng tuần hoàn sinh diệt, tốt xấu, đổi thay; có khi là không gian tĩnh tại, thường hằng, bất biến; có khi là không gian thực tại trước mắt, cũng có khi chỉ là không gian trong thế giới tâm tưởng.


Cuộc đời vô thường giả hiệp thì không gian thiên nhiên thời tiết bốn mùa vần xoay, hóa sinh – sinh hóa; cuộc sống con người ngắn ngủi trong gang tấc thì không gian được xây dựng với một loạt những sự vật nhỏ bé, mỏng manh, dễ tan, dễ mất, không gì có thể níu kéo lại được; kêu gọi sống an nhiên tự tại không câu chấp nhị nguyên thì không gian là không gian hằng thường bất biến, sự vật tồn tại như nó vốn có không cần dụng tâm đo lường suy tính…


Đọc thơ thiền Tuệ Trung giống như tiếp thu những lời giáo huấn, những chia sẻ chân thành nhất kinh nghiệm giác ngộ tự tánh. Tất cả tác phẩm của ông toát lên ý chỉ của một đạo thiền Việt Nam phóng khoáng cởi mở, đầy sức sống và đậm đà hào khí của thời đại, thật tiêu biểu cho tinh thần thiền học Việt Nam.




  • Thanh Phong

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here