Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Khởi phát nguồn tâm

Khởi phát nguồn tâm

177
0

I. BỒ-ĐỀ-TÂM:

“Tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác các pháp, nếu nói hay làm với tâm ô nhiễm thì sự khổ sẽ kéo theo nghiệp như bánh xe lăn theo con vật kéo xe”. “Tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, … nếu nói hay làm với tâm thanh tịnh thì sự vui sẽ kéo theo  nghiệp như bóng theo hình”. “Chế ngự tâm vào một chỗ, không việc gì chẳng nên”.

Đức Phật dạy những lời này để khuyên chúng ta phải luôn luôn tu tâm, nhận rõ tâm, phát huy hết khả năng tốt đẹp của tâm.

Kinh Tịnh Danh có dạy: “Bồ-đề tâm là cõi Tịnh Độ của Bồ-tát”. Tịnh Độ của Bồ-tát xây dựng bởi Bồ-đề-tâm, nếu không có Bồ-đề tâm thì không xây dựng được Tịnh Độ. Lại nữa, kinh Hoa Nghiêm viết: “Bỏ mất Bồ-đề tâm mà làm các thiện pháp thì đều thành ma nghiệp”. Tại sao vậy? Vì làm các thiện pháp tuy là việc tốt, nhưng nếu hành giả làm việc thiện đó xuất phát từ Bồ-đề tâm thì nó dẫn đưa hành giả đến quả vị giải thoát ngoài vòng chấp ngã, chấp nhơn, chấp chúng sanh, chấp thọ giả, tức ngoài vòng hữu vi sanh tử. Ngược lại, hành giả làm việc thiện mà không xuất phát từ Bồ-đề tâm thì không khỏi vướng vào tâm vi ngã, vì danh lợi, vì vị kỷ, và kết quả chỉ đưa đến quả báo là thọ sự an lạc trong cõi trời, cõi người, chứ không đưa đến giải thoát an lạc hoàn toàn. Khi việc thiện đó hết năng lực rồi thì quả báo an lạc trong cõi trời cũng hết và quay trở lại làm các loài thấp hơn để chịu cảnh trầm luân đau khổ. Đấy gọi là ma nghiệp. (Chữ ma ở đây nên hiểu theo nghĩa rộng là ở trong vòng lục đạo tam giới).

Vậy Bồ-đề tâm là gì? Bồ-đề tâm phiên âm từ chữ Bodhicitta có nghĩa là tâm giác ngộ, Chánh giác hay là Giác tức không còn vô minh. Ngôn ngữ  học Ấn Độ thường có phức âm, tiếp vĩ ngữ, ý nghĩa của nó cũng thay đổi theo. Ví dụ, Bodhi gọi là Bồ-đề nhưng Budha là Đấng Giác Ngộ, Chữ Budha, Bodhi đều có nghĩa giác, nhưng khi biến thành Bodhisattva  thì đọc là Bồ-đề-tát-đoả, là giác hữu tình hay hữu tình giác, tức là loài hữu tình đã có sự giác ngộ, có sự phát tâm Bồ-đề và muốn dẫn dắt kẻ khác giác ngộ nên gọi là Bồ-đề-tát-đoả, gọi tắt là Bồ-tát.

Khi nói đến Bồ-tát, trong kinh thường chỉ cho người có hạnh tự độ và độ tha, hạnh này bắt nguồn từ Bồ-đê tâm, cho nên nói không có Bồ-đề tâm thì không có Bồ-tát và Bồ-tát là sự nghiệp tạo thành đưa đến quả Chánh Đẳng Giác và độ thoát chúng sanh.

Hữu tình nào có phát Bồ-đề tâm thì gọi là Bồ-tát. Do đó, người muốn thọ giới Bồ-tát, điều quan trọng trước tiên là phát Bồ-đề tâm. Trong giới Bồ-tát, người nào bỏ mất Bồ-đề tâm thì mất giới, nếu không bỏ mất Bồ-đề tâm, thì dù có phạm giới còn có thể theo luật phát lộ sám hối được.

Người phát Bồ-đề tâm là người thế nào? Trong kinh Phật dạy: “Người phát Bồ-đề tâm là người phát tâm tĩnh giác, nguyện trên cầu thành Phật đạo, dưới hoá độ chúng sinh. (Cầu thành Phật đạo là tự lợi, hoá độ chúng sinh là lợi tha).

Chư Phật ra đời cốt chỉ cho chúng sanh con đường thoát vòng luân hồi sanh tử, dứt hết nghiệp hữu lậu và tâm hữu lậu, tức tâm chấp ngã, chấp nhơn, chấp chúng sanh, chấp thọ giả. Người chấp như vậy, dù có tu và làm việc thiện nhưng tâm còn vướng ngã thì việc thiện ấy chỉ là việc thiện hữu lậu, kết quả chỉ hưởng được phước báo ở cõi người, cõi trời. Vậy nên, muốn hưởng quả vô lậu giải thoát thì phải tu và hành thiện theo tâm vô lậu, tâm vô lậu tức tâm bồ-đề, là không chấp ngã, chấp nhơn, chấp chúng sanh, chấp thọ giả.

Người chấp ngã là chấp thân thể và tâm niệm vô thường là ta. Khi đã chấp ngã thì thấy ngã của mình là ngã của một con người, có nhân cách, chứ không phải là súc sanh hay loài địa ngục, ngạ quỷ, thế là chấp nhơn tướng. Lại tự mình thấy mình là một con người, là loài chúng sanh, chứ không phải là loài vô tri vô giác. Đó là chấp chúng sanh tướng. Khi đã chấp mình là một chúng sanh, thì thấy chúng sanh này đang sống trên cõi đời trong khoảng thời gian mấy chục năm gọi là một đời người, chấp như thế gọi là chấp thọ giả tướng. Khi tâm còn vướng các vọng tưởng chấp tướng thì ấy là tâm hữu lậu, cấu uế, hẹp hòi, chỉ phát sanh những phiền não và đoạ lạc trong tam giới. Chỉ khi nào hành thiện, như kinh Kim Cang nói: “Với cái tâm không chấp ngã, không chấp nhơn, không chấp chúng sanh, không chấp thọ giả mà làm tất cả việc thiện thì sẽ được kết quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác” mới là sự hành thiện đáo bỉ ngạn.

II. BỐN HOẰNG THỆ NGUYỆN:

Căn cứ Bồ-đề tâm mới có bồ-tát hạnh, không có Bồ-đề tâm thì không có Bồ-tát hạnh. Bồ-đề tâm có khi còn gọi là Bồ-đề nguyện, cả hai đều cùng một nghĩa, phát Bồ-đề tâm hay phát Bồ-đề nguyện cũng đều là tâm thượng cầu hạ hoá. Vậy hành tướng của Bồ-đề tâm như thế nào? Đó là bốn hoằng thệ nguyện:

Chúng sanh vô biện thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Bốn lời nguyện trên cũng bắt nguồn nơi giáo lý cơ bản của đức Phật mà khai triển ra.

Đức Phật sau khi thành đạo, trước tiên chuyển Pháp luân tại vườn Lộc Uyển, Ngài dạy về pháp Tứ Đế cho năm thầy Kiều Trần Như… gọi là Sơ chuyển Pháp luân, đó là Khổ, Tập, Diệt, Đạo đế.

Hành giả Thanh Văn tu tập Tứ Đế thì đạt được quả vị A-la-hán, dứt trừ ái thủ, ái thủ được dứt là Diệt đế, chứng Hữu dư y Niết Bàn, Vô dư y Niết Bàn. Các vị Bồ-tát thì đi xa hơn một bước, cũng từ nơi Tứ Đế, nhưng hiểu rõ mục đích siêu việt của Đức Phật trong lời dạy đó mà phát Bốn thệ nguyện rộng lớn:

Duyên Khổ đế phát ra lời nguyện:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.
– Duyên Tập đế phát ra lời nguyện:
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
– Duyên Diệt đế phát ra lời nguyện:
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
– Duyên Đạo đế phát ra lời nguyện:
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.

Bốn lời thệ nguyện này rất quan trọng, cần xét đến tác dụng và kết quả của nó để hiểu rõ và áp dụng trong bước đường tu tập.

1. Chúng sanh vô biện thệ nguyện độ:

Trong câu này có chữ “chúng sanh” cần cắt nghĩa. Trong kinh Kim Cang nêu ra các loại noản sanh, thai sanh, thấp sanh và hoá sanh, hữu tưởng, vô tưởng, phi hữu tưởng, phi vô tưởng, hữu sắc, vô sắc. Kinh Từ Bi còn nêu chúng sanh 2 chân, 4 chân, nhiều chân, đã sanh, sắp sanh, hay hiện có, hoặc lớn hoặc nhỏ. Chúng sanh giữa thế giới này vô cùng vô tận không sao kể xiết, nếu phân thành sáu nẻo thì gồm có chúng sanh cõi trời, người, A-ta-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nếu chia theo loại sanh thì gồm có 4 loại: Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hoá sanh. Vậy mà người tu hành phát nguyện độ tất cả là nhờ hiểu biết giáo lý và lòng từ bi của Phật, thấy chúng sanh tuy vô lượng nhưng đều là như huyễn, nên mới phát nguyện được như vậy.

“Độ chúng sanh” là danh từ đặc biệt của Phật giáo. “Chúng đa sanh tử” là loài hữu tình đang còn ở trong vòng luân hồi, nhiều lần sanh tử  vì mắc nhiều nghiệp hữu lậu. Khi còn nghiệp hữu lậu thì phải thọ sanh thân hữu lậu trong tam giới và gọi là chúng sanh. Như vậy, hễ còn một chút vô minh, một niệm tham ái, một chút hữu lậu thì còn là một chúng sanh. Chúng sanh có tướng chúng sanh và tánh chúng sanh. Tướng chúng sanh là chúng sanh mang thân hình của tứ đại vô thường. Tánh chúng sanh là những tánh chấp ngã, chấp nhơn, phân biệt mình, người. Nếu còn mắc hình tướng chúng sanh, nhưng không còn tánh chúng sanh là vô minh nữa, thì giờ phút đó không còn là chúng sanh nữa.

Tự bản tánh không là chúng sanh, nhưng nếu còn móng niệm vọng tưởng là còn chúng sanh. Móng niệm tham thì thành chúng sanh của niệm tham, cho đến móng niệm sân, si, chấp ngã, thì thành chúng sanh của cái niệm ấy. Nhưng nếu ngộ nhập lý vô ngã, tức là vô lậu, thì không còn luân hồi và bấy giờ không còn là chúng sanh nữa.

Đức Phật, mặc dầu Ngài hiện diện trên thế giới chúng ta, Ngài có sanh có tử như chúng ta, nhưng không thể gọi Ngài là chúng sanh được, mà gọi Ngài là một vị Phật. Vì sao? Vì Ngài đã hết vô minh, hết chấp ngã, cái tướng chúng sanh vẫn còn nhưng cái tính chúng sanh nơi Ngài không còn nữa. Khi nhìn một chúng sanh, ta thấy người ấy vừa là tính vừa là tướng. Cho nên khi nào ta độ cho ta và cho người thoát khỏi sự ràng buộc của tham, sân, si, thì đó là độ sanh.

Như vậy, việc độ sanh rất đa dạng và tế nhị, nếu có Bồ-đề tâm thì lúc nào cũng có thể độ sanh.

Người Phật tử phải học theo hạnh từ bi của Phật, phát nguyện độ vô biên chúng sanh. Lời nguyện đó như trên đã nói không phải là lời nguyện suông không thể thực hành được trong hằng ngày.

Phật dạy có nhiều cách độ sanh: không phá hoại sự sống của muôn loài đó là độ sanh. Bảo vệ sự sống, phóng thích sự sống cho muôn loài, đó là độ sanh. Làm cho chúng sanh được giác ngộ giải thoát khỏi vô minh ái thủ, đó lại là cách độ sanh cao thượng nhất. Ta có thể thực hành hạnh bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự hoặc thực hành Lục-độ Ba-la-mật để độ sanh.

Hiểu như vậy, mới thấy lời dạy của Phật vô cùng thấm thía. Khi nào biết nghĩ tới tự độ và độ tha, khi đó là Bồ-tát, là ý nghĩa của câu chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.

2. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn:

Kinh nói phiền não có 88 thứ hoặc vô lượng vô biên phiền não, nhưng tóm lại không ngoài vô minh, ái và thủ.

Vô minh là sự chấp ngã, chấp mình có một cái ta riêng khác với mọi người, mọi vât. Nhưng ngã không phải là một cái gì riêng rẽ với cái khác mà chỉ là sự tương quan tương duyên với cái khác mà có.

Tôi hiện hữu nhờ có anh, anh hiện hữu nhờ có tôi. Tôi hiện hữu được nhờ những yếu tố khác như cha mẹ, cơm áo, ánh sáng, không khí, đất, nước, gió, lửa và nhiều sự vật xung quanh, chứ không phải tách ngoài những cái đó mà có sự hiện hữu của tôi. Người khác cũng thế, không phải tách ngoài mọi người, mọi vật mà có sự hiện hữu tồn tại ngoài cái khác để bảo đó là ta. Ai còn thấy mình khác với người khác thì người đó còn vô minh, chính vì sự thấy ấy không đúng với thực tại. Như vậy, ta chỉ nói ngã trên những cái phi ngã, nên ngã chỉ là giả danh. Thực tại, là đạo lý duyên khởi mà nếu nghĩ khác đi thì đó là vô minh, vì vô minh mới sinh ra ái thủ. Chúng ta lấy ví dụ, có hai người lúc đi ngang một cánh đồng, cả hai người cùng thấy hoa, một trong hai người thấy hoa, tự nhiên không để ý đến nó và cứ tiếp tục đi, còn người kia thấy hoa lại cho là đẹp mà  không biết bản chất của hoa là không đẹp không xấu, bởi nó nở là nở tự nhiên. Nhưng anh ta vọng tưởng cho hoa là đẹp và ưa hoa đó, muốn hái hoa đó, muốn sở hữu hoa đó cho bằng được. Khi ái nó thì ban ngày hái không được sẽ chờ hái ban đêm, đêm không hái được thì ăn cắp cho được. Như vậy, là vì anh ta vô minh cho nên mới có ái, có ái cho nên có thủ, dẫn đến hành động tạo nghiệp.  Chúng sanh vì ái thủ mà tạo nghiệp nên có luân hồi.

Đức Phật dạy chúng sanh muốn không bị luân hồi thì phải đoạn ái thủ. Ai ngộ được chân lý thì bớt đau khổ, ai không ngộ được thì đau khổ lâu dài. Song muốn đoạn tận gốc ái thủ thì phải đoạn vô minh, muốn đoạn vô minh thì phải hiểu rõ thực tướng của vạn pháp là duyên sanh vô tướng, duyên sanh vô tác… đạo lý Thập nhị nhân duyên đức Phật dạy rõ rằng như vậy. Muốn đoạn phiền não thì phải có một tâm tĩnh giác. Cho nên, trong phép tu Thiền luôn luôn dùng hai chữ tĩnh giác, tĩnh giác trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, khi ăn, khi mặc, khi ngủ, khi thức… cho đến khi không tham không sân, không si, cũng biết mình không có ba thứ ấy xâm chiếm. Cách đối trị các phiền não thì nhiều nhưng cách tĩnh giác vẫn là phương pháp hữu hiệu nhất. Ví dụ, khi mình móng tâm tham liền biết và dặn lòng đừng tham, ngay khi ấy lòng tham sẽ lắng xuống. Phép tĩnh giác trong Thiền định giúp ta tĩnh tâm trong những công việc và cử động hằng ngày. Nếu luôn luôn tĩnh giác thì vô minh, ái thủ không làm sao xâm nhập được, tợ như cây bị đốn trụi cành lá, không phát triển được tất sẽ chết.

Tóm lại, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, chủ yếu là đoạn vô minh, ái và thủ, vì nó là một mắc xích rất kiên cố, đoạn nó thì phải dùng đến tâm tỉnh giác.

3. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học:

Trong suốt 45 năm giảng dạy cho chúng sanh, đức Phật không đưa ra một pháp môn nhất định nào hết, nhưng chúng sanh thấy lời Ngài dạy thì thật vô lượng, nó như là một phương thuốc trị bệnh. Chúng sanh bệnh khổ thì Ngài tìm cách cứu chúng sanh hết khổ. Nguyên nhân khổ của chúng sanh là vô minh, ái và thủ gây ra. Ba thứ giặc phiền não này biến ra muôn hình vạn trạng, nên pháp của Phật cũng có nhiều cách để đối trị. Ví dụ, người có tâm tham dục nhiều thì Phật dạy tu pháp quán bất tịnh, người sân hận nhiều thì Phật dạy tu phép quán từ bi, người có tâm trì độn nhiều thì Phật dạy tu phép quán giới phân biệt, quán nhân duyên. Tóm lại, pháp môn của Phật tuỳ theo căn bệnh của chúng sanh mà biến chế ra, chứ không có một phương thức gì nhất định. Trong kinh Phật có nêu 37 Pháp trợ đạo, Tứ Nhiếp, Lục độ… cũng y như những phương thuốc trị bệnh cho chúng sanh mà thôi.

Trong thời Đức Phật tại thế, có một lần, các tỷ-kheo trong khi đi hoá đạo, có dạy cho hai đệ tử cư sĩ thợ rèn và thợ giặt, tu hai pháp môn quán bất tịnh và quá sổ tức, cả hai đều tu mà không có kết quả. Họ đi đến hầu Phật trình bày việc trên. Phật hỏi: “Ông ở nhà sống về nghề gì?”. Cư sĩ thợ rèn thưa: “Con sống về nghề thợ rèn”. Phật hỏi tiếp: “Các Tỷ-kheo dạy ông tu pháp gì?”. “Dạ! các thầy dạy con tu phép quán bất tịnh”. Phật hỏi ông cư sĩ thợ giặt sống nghề gì? Ông ta thưa: “làm nghề thợ giặt!”. Phật hỏi: “Các tỷ-kheo dạy ông tu pháp gì?”. Ông đáp: “Dạ! Dạy con tu phép quán sổ tức”. Đức Phật dạy: “thôi được, bây giờ ta chỉ thay đổi phương pháp tu quán một chút để cho hợp căn cơ hai ông”. Ngài liền dạy: “ông thợ rèn nên tu phép quán sổ tức, vì hằng ngày thợ rèn phải thụt ống lò hợp với hơi thở vô hơi thở ra của phép quán sổ tức, còn ông thợ giặt thì nên tu phép quán bất tịnh, vì hằng ngày thợ giặt phải giặt đồ nhơ thì quán bất tịnh dễ thành. Phật đổi cho họ phương pháp tu như vậy, họ tu một thời gian sau đó có kết quả. Như vậy, Pháp môn của Phật chỉ là phương thuốc để cứu chúng sanh thoát khổ theo đúng căn cơ. Do vậy, người học đạo phải tìm minh sư, nếu không gặp minh sư thì cố gắng chọn cho được pháp môn thích hợp mà tu thì mơi dễ có kết quả. Tóm lại, dù Phật có vô lượng pháp môn nhưng không ngoài ba pháp môn căn bản nhất đó là Giới, Định, Tuệ.

Giới là gì? Là điều để ngăn chăn tại hại xảy ra. Có giới để giúp ta nhận thức rõ hành động của mình như thế nào là đúng, như thê nào là sai, để ngăn chặn sự sai quấy của ba nghiệp, bởi vì tâm và ba nghiệp của ta như ngựa không cương, khi buông ra sẽ chạy rọng khắp chốn, tức nhiên là tai hoạ. Giới như dây cương, ngựa như người hành giả, ngựa có cương đó là ngựa tốt, có lợi ích, người tu hành có giới cũng vậy, sẽ có lợ ích lớn.

Định là gì? Là tập trung tư tưởng. Tư tưởng có ổn định thì việc làm mới có hiệu quả. Pháp môn Thiền định là pháp môn tu rất quý đã có từ rất xưa tại Ấn Độ, được Đức Phật sửa đổi bổ sung tạo thành một pháp môn ưu việt, đưa thẳng đến giác ngộ cứu cánh, đồng thời cũng từng bước đem lại lợi lạc, hạnh phúc cho hành giả.
Tuệ là gì? Là trí tuệ. Tuệ có ba thứ là văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Văn tuệ là nhờ chú tâm nghe đọc mà hiểu rõ được ý nghĩa của câu văn, lời nói. Tư tuệ là nhờ suy nghĩ hiểu rõ vấn đề trong thực tế. Tu tuệ là thực hành ngay cái tư tuệ, tức những gì mình đã suy nghĩ đúng đắn, liền thực hành ngay sự suy nghĩ đó, như người quá nghèo không bố thí được nhiều nhưng với một hạt cơm đem bố thí cho kiến cũng là một cách tu tuệ.

Tóm lại, pháp môn nào của Phật nếu cố gắng suy tư cho thật kỹ và sau đó áp dụng từng bước hay từng hoàn cảnh cụ thể, tự nhiên thấy khai tâm mở trí và ngay khi đó hưởng được sự an lạc.

4. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành:

Lời nguyện này có hai chừng mực áp dụng. Thành  Phật đạo một cách viên mãn như Đức Phật và thành Phật đạo từng phần như những người đang tu. Nếu mỗi ngày mình có độ sanh, có đoạn phiền não, có hành thiện pháp thì cũng là mỗi ngày mình có thành Phật đạo, chớ không hẳn phải chờ một ngày nào đó ngồi dưới cội Bồ-đề mới gọi là thành Phật đạo. Đây là ý nghĩa câu: “Chư Phật là Phật đã thành, mà chúng sanh là Phật sẽ thành”. Vậy trong việc tu tập, giờ phút nào mình không còn tham ái, không còn sân, si, không còn vô mình thì giờ phút đó mình cũng thành Phật đạo, tức thành tựu lời dạy của Phật, thành tựu sự giải thoát giác ngộ từng phần.

Tóm lại, bốn lời nguyện trên là hành tướng của Bô-đề tâm, ai thành tựu bốn lời nguyện đó là thành tựu Bồ-đề tâm.

Bốn lời nguyện này có thể nói là thâu tóm tất cả các nguyện lực khác. Phật tử tụng kinh hằng ngày với bao nhiêu lời nguyện cũng đều là thực hiện Bồ-đề tâm. Thí dụ như tụng:

Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não,
Nguyện đắc trí tuệ chơn minh liễu,
Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ,
Thế thế thưuờng hành bồ-tát đạo.

Hoặc:

Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sanh,
Đều trọn thành Phât đạo.

Đây là những thể hiện Bồ-đề tâm qua bốn lời  thệ nguyện.

HT.T.T.S

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here