Trang chủ Vấn đề hôm nay Khoa học và Phật giáo

Khoa học và Phật giáo

227
0

Phật giáo đã có hơn 2.500 năm tuổi; Đức Phật chưa bao giờ viết ra giáo lý của Ngài và, trải qua năm tháng, giáo lý ấy đã chịu đựng vô số biến động và sự phân phái, chẳng hạn việc phân chia giữa Nguyên thủy và Đại thừa. tuy nhiên, giáo lý ban đầu của Đức Phật vẫn có địa vị ưu thắng ngay trong thời hiện đại va thường được nhắc đến như là Phật pháp. Vậy, phải chăng việc so sánh khoa học với Phật giáo là việc đúng đắn hoặc là việc có thể thực hiện được?

Ngày nay, Phật giáo là một tôn giáo có hàng triệu người tin theo trên toàn thế giới. Điều mà Đức Phật đã dạy vẫn là Phật pháp và, đối với tất cả mọi người, những điều ấy chẳng giống bất cứ một ngành khoa học nào. Người ta không thể làm cho tất cả mọi người đều trở thành bác sĩ, kỹ sư hay bất kỳ một loại nhà chuyên môn khác. Người nghiên cứu một ngành học chuyên biệt nào cũng sẽ chỉ hiểu biết nội dung của riêng ngành mình mà mình theo đuổi. Cũng vậy, Đức Phật đã tuyên bố rằng giáo lý của Ngài chỉ dành cho những ai thực hành nghệ thuật khai mở tuệ giác chứ không dành cho những người không thực hành nghệ thuật ấy. Con đường độc đáo để thành tựu mục tiêu khai mở tuệ giác ấy đã được chính Đức Phật phát hiện và đặt tên là Bát chánh đạo, chính là Đạo vô thượng hoặc có thể coi là Con đường tối thượng ngược với thế đạo.

Bát chánh đạo được sử dụng để tách rời tâm (danh) khỏi thân (sắc). Sự tách rời này được gọi là sự phân biệt danh sắc. Thân thể mang tính cách thế tục và được tạo thành bởi các yếu tố vật lý luôn luôn thay đổi nên có tính cách vô thường, phải già, phải bệnh và phải chết. trong khi đó, tâm mang tính cách siêu thể, không được tạo lập bởi vật chất, luôn luôn tươi mới không trở nên già cỗi và sẽ chuyển qua một thân khác vào thời điểm chết. Vì thế, thật là vô ích khi quan tâm đến thân xác vốn không thể được làm cho thanh tịnh mãi mãi và không được bảo vệ trước bệnh tật. Đức Phật đã phát hiện rằng tâm có thể được làm cho thanh tịnh mãi mãi và làm cho tồn tại mãi mãi nếu được tách rời khỏi thân xác.

Mục tiêu tối thượng của Phật pháp vì thế chính là làm tăng trưởng và thành tựu tuệ giác để cuối cùng sống trong tuệ giác hay Niết bàn mà không cần đến thân xác. Đức Phật phát biểu thêm rằng điều quan trọng nhất cho cuộc sống đời đời trong cõi Niết-bàn chính là tuệ giác.

Trước hết, khoa học không thể tự nó chứng minh nó có tính cách khoa học. Với tất cả những công nghệ siêu hiện đại và các công cụ đo đạc có tính cách khoa học, việc lấy quyết định cuối cùng vẫn phải được thực hiện thông qua năm cơ quan cảm giác của thân xác, nghĩa là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân.

Trong khi đó, Đức Phật gọi năm cơ quan cảm giác ấy là “điên đảo”và nói rằng việc kết hợp với chúng chỉ đem lại cái ảo giác về tự ngã gọi là “Tôi”. Điều mà Ngài dạy là hãy từ bỏ việc sử dụng năm cơ quan cảm giác ấy và thay vào đấy hãy sử dụng trực tiếp tâm hay tuệ giác để đưa ra quyết định hoặc để thấy sự chân thực.

Vậy thì,theo Đức Phật, điều mà người ta gọi là khoa học lại là phi khoa-học, chính là vô minh. Việc trực tiếp sử dụng tâm và tránh dùng năm cơ quan cảm giác được Đức Phật gọi là Minh hay ta có thể hiểu là khoa học. Người không bị ràng buộc bởi năm giác quan được gọi là người an trú trong mình, hay ta có thế nói, an trú trong khoa học. Đi xa hơn nữa, Đức Phật đã nói rõ rằng không có một khoa học nào có thể sánh được với Định. Định là sự kết hợp của Chánh niệm, Chánh tinh tấn và Chánh định, còn Tuệ chính là kết quả của Giới và Định trong việc thực hành Bát chánh đạo.

Phật pháp chính là giáo pháp của tâm. Nói một cách chính xác thì Đức Phật là bậc đã phát hiện tâm. Trước Đức Phật, mọi người đều nghĩ rằng thức (vinnana) chính là tâm. Thực ra, thức chỉ là kho chứa ký ức, kiến thức và kinh nghiệm của tâm.

Tâm được thấy trong tiến trình từng bước khi thực hành Bát chánh đạo. Lần đầu tiên một người thấy hay có kinh nghiệm về tâm, người ấy trở thành bậc thánh sơ cấp, hay được gọi là người nhập lưu, người bắt đầu bước vào dòng thánh. Lần thứ hai người ấy thấy được tâm hay có kinh nghiệm chắc chắn về tâm, người ấy trở thành vị thánh bậc cao hơn, được gọi là người bất lai hay là người không trở lại với cái nhìn thế tục nữa. Tâm chỉ được nhận thức và được hiểu biết trọn vẹn bởi một vị thánh bậc bốn hay là vị A-la-hán. Tiến trình nhận biết tâm ấy được gọi là sự thực hiện Tứ Thánh đế. Tứ Thánh đế thực sự là mặt cắt của tâm.

Bất kỳ hành động nào, cho dù đó là hành động của thân, của khẩu hay của ý, đều được thực hiện bởi việc làm cho tâm xuất hiện hay luân chuyển qua sắc, thọ, tưởng, hành, và thức, được gọi là ngũ uẩn. Điều đó có thể được nhận thức bằng cách nhìn thẳng vào một vật gì đó trước mặt rồi nhắm mắt lại và thấy điều được tự động ghi nhớ. Chúng ta cảm thấy thế giới bằng cách luân chuyển tâm một cách tách biệt nhau giữa năm giác quan. Chính vì vậy mà Đức Phật gọi thân xác, từ đầu tới chân có chứa cả tâm lẫn thức, là “thế giới này”.

Khi một người thực hành Bát chánh đạo, điều có thể thấy là tâm không thể rời khỏi thân dù chỉ một phần nhỏ của một mili mét và tâm bị ràng buộc bởi mười mối ràng buộc gọi là thập phần kiết sử. Không ai có thể tưởng tượng được bất kỳ một điều gì vốn chưa được thấy hay chưa được trải nghiệm trước đó. Tất cả những gì chúng ta nghĩ chỉ đơn giản là tiếp cận kho chứa ký ức được gọi là thức.

Mọi việc chúng ta làm đều được định trước bởi việc nghĩ về cách làm (tiếp cận với thức). Cho nên, cái tiến trình trôi lăn của tâm từ thức tới sắc,thọ, tưởng, hành rồi trở lại với thức được gọi là vòng luân hồi.

Tâm thế tục không thể thoát khỏi chu kỳ luân hồi này vì mỗi hành động, cho dù đó là thiện hạnh hay ác hạnh, đều chấm dứt bằng sự tích tụ liên tục của thức và việc mở rộng hơn nữa vòng luân hồi.

Tiến trình liên tục của sự xuất hiện hay trôi lăn trong vòng luân hồi này luôn luôn diễn ra trong sự dính mắc với thân (sắc). Cho nên tâm thế tục luôn luôn bị dính mắc vào một sắc và thực tế không thể thoát khỏi sắc này.

Tâm xuất hiện lần đầu tiên trong một sắc có thể được coi như đó là một môi trường của tâm hành và được gọi là sắc giới chỉ liên hệ tới năm giác quan. Tâm xuất hiện trong sắc giới để tiếp nhận những gì đến từ ngoại cảnh, nghĩa là sắc, thanh, hương, vị và xúc. Các tác nhân bên ngoài này được gọi là nghiệp giới hay môi trường thứ hai của tâm hành. Điều này diễn ra trong suốt cuộc sống hay trong khoảnh khắc hiện hữu.

Sau cùng tâm rời bỏ một sắc nhất định bằng cách lưu trữ tất cả những gì đã được trải nghiệm như là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Đó chính là bình diện thứ ba của tâm hành được gọi là thức. Bình diện này cũng được gọi là vô sắc giới vì mọi sắc chất đều được lưu trữ dưới dạng hình ảnh (vô sắc). tâm thế tục chỉ có thể trôi lăn trong tam giới, như vậy mãi mãi và điều đó được gọi là nghiệp vô minh của tâm. Cho nên, vòng luân hồi có thể được biểu thị như một vòng tròn mà cũng có thể được biểu thị như một hình ba góc.

Nếu cả ba bình diện tâm hành này có từ tính, tâm được coi như một quả cầu thép di chuyển từ mặt này tới mặt kia luôn luôn bắt đầu từ vô sắc giới và cũng kết thúc ở vô sắc giới. Sự phát hiện của Đức Phật, con đường Bát chánh đạo, có mục đích huấn luyện tâm rời bỏ cả ba bình diện sắc giới, nghiệp giới, và vô sắc giới để nắm lấy trọng điểm trọng tâm của hình ba góc, được gọi là Trung đạo.

Chính tâm có mong muốn thấy, nghe, nếm,v…. Nhưng tâm không thể trực tiếp làm những công việc đó. Vì thế, tâm phải sử dụng những cơ quan cảm giác vật lý thiếu tinh tế vào mục đích thấy, nghe , nếm… ấy. Tâm luôn luôn có bốn ham muốn hoặc bốn yêu cầu, đó là thấy, nghe, sở mó và hiểu biết. Tất cả những điều đó được thực hiện bởi sự trôi lăn lần lượt qua năm giác quan.

Khoa học sử dụng cái tiến trình tâm của việc trôi lăn qua năm giác quan đó trong mọi hoạt động của nó. Việc trôi lăn qua năm giác quan chỉ tạo ra những thông tin giả lập cũng được gọi là thức. Cho nên, theo giáo lý của nhà Phật, khoa học chỉ là một trạng thái vô minh, hay có thể nói rằng, nền khoa học dựa vào các giác quan chính là phi khoa học.

Mặt khác, Đức Phật nhắc tới một cách rõ rệt rằng để thấy được thực tại, cần phải tránh việc sử dụng năm giác quan. Để làm được điều đó, tâm phải chấm dứt việc trôi lăn qua năm giác quan hoặc chấm dứt vòng luân hồi, và tâm cần được huấn luyện để có thể thấy, nghe, cảm giác và hiểu biết một cách trực tiếp mà không cần trôi lăn. Con đường duy nhất để dừng việc trôi lăn hay chấm dứt vòng luân hồi là việc áp dụng bánh xe Pháp luân hay Bát chánh đạo, hay Trung đạo. Kết quả của việc thực hành Bát chánh đạo là việc đạt tới tuệ giác hay Niết-bàn; với các phẩm chất ấy, tâm có thể trực tiếp thấy, nghe, sờ mó và tuyên bố điều gì đúng, điều gì sai.

Không có Bát chánh đạo hay Trung đạo, mọi con người thế tục đều trong tình trạng nữa tin nửa ngờ. Chỉ có bậc thánh, người đã phát triển tuệ giác, mới có thể sống trong sự thực và trong thực tại.

Việc dừng sự trôi lăn của tâm qua năm giác quan hay việc chấm dứt vòng luân hồi được gọi là sự thấy biết chân thật. Chỉ có một tâm dừng bặt mới có thể thấy được thực tại và sự thật mà mọi biện pháp thế tục đều không thể đạt tới được. Cho nên, vì khoa học luôn luôn sử dụng một tâm trôi lăn như thế, khoa học chưa thể đạt tới sự chân thực . Khoa học phải chịu đựng một sự thay đổi toàn diện để có thể đạt tới chân lý.

Cho nên, khoa học như chúng ta đang biết chính là vô minh và chỉ có một nền khoa học chân chính là giáo pháp của Đức Phật.■

Trần Khiết Bách dịch/Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 97

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here