Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Khổ…

Khổ…

143
0

Phải, tôi đã từng bước qua những biến chuyển đó, sự biến chuyển như một vết dao muốn cắt lìa tôi ra khỏi phần đời còn lại. Nếu không đủ lý trí và nghị lực, có lẽ, giờ đây tôi đã trở thành kẻ thất bại. Là một  người học Phật, tôi có nhiều thời gian để suy ngẫm những lời dạy trong kinh điển, để rồi từ đó thấy được những pháp thế gian luôn luôn xoay vần trên dòng Nhân-Duyên-Quả, dù đó là pháp nghịch duyên hay lạc quả.

Tôi không muốn cho mình là một người bất hạnh hay đa đoan. Tôi chỉ muốn nói, tôi đang là một con người. Đã là con người thì phải đối diện với tất cả mọi chuyện thuận hay nghịch. Đó là điều tất nhiên. Điều quan trọng là khi đối diện với mọi chuyện chúng ta cần giải quyết ra sao. Con đường mà bằng phẳng quá thì khó có thể tạo sự chú tâm. Bởi vậy, có những cõi ở chư Thiên đức Phật cho rằng chướng đạo bởi quá đầy đủ. Cuộc đời là ngôi trường lớn nhất nhào nắn tâm thức khi chúng ta muốn tiến những bước xa hơn. Ở đây chúng ta dễ dàng nhận ra đâu là khổ, đâu là lạc, đâu là tà, đâu là chánh để đặt ra trước mắt mình con đường đưa đến chổ cần đến. Có phải chăng sau "những cuộc trả thù định mệnh" con người ta sẽ lớn hơn thêm?!

Sự thay đổi đến với tôi như những tiếng thở dài vô tận. Mười lăm tuổi, tôi hiểu rằng cuộc sống mình đã khác, tự thân tự lực xây dựng bến đổ cho thuyền đời neo đậu, bởi thầy tôi không còn. Đó chính là thay đổi lớn nhất đời tôi cho đến bây giờ. Tôi biết tôi vừa đánh mất đi một thuận duyên, nghĩa là khổ quả vừa xuất hiện. Một đứa trẻ mười lăm tuổi, ngây ngô đó, bình thường đó nhưng cũng phần nào cảm nhận nỗi đau khi vừa mất đi chổ nương tựa duy nhất, rồi sẽ về đâu?!

Tôi không muốn viết nhiều về nỗi đau này, bởi ngôn từ nhiều khi không đủ cho tôi truyền tải, hay chính tôi không đủ khả năng để truyền tải. Từ lúc thầy mất, đúng là một chồng khổ khổ nối tiếp xâu xé tôi, nhiều lúc tưởng mình không thể vượt qua được. Thật ra, thuyết nhân quả đã giải thích cho tôi rất rõ ràng về điều này. Thật sự giáo lý nhân quả hay bất kỳ giáo lý nào cũng dựa trên duyên khởi mà hình thành, không thể nào tách biệt. Vẫn là phàm phu cho nên chưa quán trí sâu sắc để hiểu một cách tường tận về điều này. Nhân quả chính là một dòng biến chuyển không ngừng. Trong nhân đã có quả, trong quả đã có nhân. Các pháp luôn làm nhân làm duyê cho nhau không hề gián đoạn. Pháp trước làm nhân cho pháp sau, pháp sau làm nhân cho pháp trước và làm nhân cho pháp sau nữa, cứ thế tạo thành một mắc xích tạo thành thế gian, không có pháp nào tồn tại độc lập.

Tôi không muốn dùng nhiều thuật ngữ về giáo lý nhân quả để soi dọi vào nghịch duyên trên. Tôi chỉ muốn trình bày khổ quả này trên dòng chảy của sự hiểu biết, mà hiểu biết của tôi thì cạn cợt thật.

Thầy tôi mất khiến cho mọi chuyện dường như đảo lộn lên. Tôi biết, từ đây mình phải tự làm lấy tất cả, chẳng còn người thầy bên cạnh khuyên nhắc tôi nhiều chuyện nữa. Tôi cảm thấy đau khổ, nỗi đau mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu được hết. Xưa Phật nhập Niết bàn, Ngài A-nan khóc thầy như một đứa con vừa mất đi người cha yêu quý nhất. Tôi khóc thầy như một đứa trẻ vừa mất đi tất cả những thương yêu mình có. Hai chữ gia đình không tồn tại nhiều trong ý thức tôi, cho nên người thầy đối với tôi vô cúng quan trọng. Vì thế, thầy mất đi là sự thay đổi lớn nhất, đau khổ nhất, nghịch duyên nhất trên bước đường tôi đang đi. Như thế, thầy mất chính là nguyên nhân đưa đến khổ quả trong tôi. Tình thương thầy cho tôi quá nhiều và tôi giành cho thầy quá nặng, đó là duyên tăng thượng khiến cho tôi cảm thấy vô cùng hụt hẫng, lần mò một mình vượt qua những đớn đau.

Những cơn bệnh khiến sức khỏe thầy ngày một giảm sút, cộng theo sự lo toan cho các học trò, đó chính là những nguyên nhân trong đời này khiến thầy tôi phải xả báo thân. Sanh nhân, lập nhân, y nhân, trì nhân, dưỡng nhân, để thân tứ đại hình thành và phát triển. Nhưng đã là pháp hữu vi thì có sanh ắt có diệt, có hình thành ắt có tan rã. Hiện báo, sanh báo và hậu báo tôi chỉ biết trên lý thuyết chứ không thể liễu tri được, nhưng đó là một tiến trình mà không pháp hữu vi nào có thể vượt qua. Thầy tôi có thể đã vượt qua ly hệ quả, nhập vào an lập hay gia hạnh quả. Chỉ có tôi là còn vướng mắc vào những trói buộc thường tình của thế gian, còn thương còn ghét, còn nhớ còn quên cho nên mới gọi sự kiện này là khổ quả.

Nhiều lúc tôi đã sống với quá khứ, tôi nhớ lại những ngày được sống bên thầy. Tôi không dám chấp nhận sự thật như bây giờ. Cũng tại vô minh duyên hành, hành duyên thức,… ái duyên thủ, thủ duyên hữu,… mà có sầu, bi, khổ, ưu, não. Một dòng chảy tận cùng của sanh tử mà nguyên nhân cũng do tham ái và chấp thủ. Nhân quả chính là duyên khởi, nhân quả không bao giờ được tách khỏi duyên khởi.

Trùng trùng duyên khởi giữa cuộc đời, nếu chưa chứng đắc được thì khó lòng mà hiểu hết chỗ nào là nhân, chỗ nào là duyên trong một vấn đề. Vì còn tâm đối đãi nên tôi còn thấy đây là nghịch duyên, là khổ quả. Vì còn tâm đối đãi nên chúng sanh ai cũng ưa thích những gì phải thuận lợi và êm ái. Có mấy ai biết rằng đó là nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Họ truy tìm dục lạc để thỏa mãn những gì tầm thường, có biết đâu đó lại là nguyên nhân chính của mọi đau khổ. Đức Phật đã từng dạy các Tỳ kheo rằng dục là vui ít khổ nhiều, mà nguy hiểm thì càng nhiều hơn.

Nếu dùng quán trí mà suy xét, thì thật ra điều tôi gọi là khổ quả được trình bày ở đây chẳng có gì gọi là khổ cả. Khổ hay lạc đều là những ảo ảnh được biến chiếu ua lăng kính của tâm thức. Tôi thấy khổ bởi vì tôi vốn yêu thương điều đó. Như tôi thương thầy mà đến khi thầy không còn nữa thì cảm thấy chao đảo thật sự, rồi thêm những tiếng xì xào xung quanh khiến tâm tư thêm nhức nhối. Có thể cái khổ của người này lại là cái lạc của người kia, có thể cái thuận của người kia lại là cái nghịch của người này. Vậy thì cái gì mới thật sự là cái khổ, cái lạc, cái thuận, cái nghịch?

Tôi thấy được cái khổ quả không phải là để tôi luôn đau khổ về điều này. Mọi sự đều là đẳng vô gián duyên, không gì là y y bất động cả. Tôi thấy được đây là khổ để tôi hóa giải cái khổ đó. Tôi cần nhiều duyên xung quanh để giúp tôi vượt qua và làm chủ mọi thứ. Những duyên này cũng là nhân quan trọng, cũng gọi là cận nhân hay viễn nhân dần dần đưa tôi đến với và nhập vào ly hệ quả, an lập quả, gia hạnh quả, hòa hợp quả và tu tập quả. Đây mới chính là mục đích tối thượng của một ngời con Phật.

Con sông không phẳng lặng. Cuộc đời không êm ả. Điều quan trọng là ta sẽ làm gì trước một cuộc đời không êm ả như vậy. Tôi học được nhiều điều qua những nghich duyên. Thầy mất vừa là một nghịch duyên, nhưng cũng là một thuận duyên để tôi nhìn lại chính mình, tự quyết định con đường mình đi, tự đối phó với tất cả mọi chuyện. Nghịch cũng đó mà thuận cũng đó, hòa quyện vào nhau như nhân với duyên, như duyên với quả, như nước với sữa vậy. Điều cần khẳng định ở đây là tôi đã lớn hơn sau những lần như vậy.

Câu chuyện "Tái ông mất ngựa" lại trở về trong tôi. Cái mất này là cái được của kia, thiên biến vạn hóa thật rất khó có thể hình dung.

Và tôi biết, còn nằm trong pháp hữu vi, hay nói rõ hơn, còn nằm trong dòng đời này thì cần phải thấy được như vậy. Sống đúng với lý nhân quả tức sống đúng với lý duyên khởi. Cũng ngay lúc đó, ta đang thật sự sống đúng với chính mình.

T.V

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here