Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Khi doanh nhân viết báo

Khi doanh nhân viết báo

179
0

Với không khí thiêng liêng của ngày đầu năm, tôi giữ mình trai tịnh, tâm thanh thản, đốt hương trầm ngồi vào bàn bắt đầu viết. Chợt điện thoại reo, một trong các thầy của tôi gọi, hỏi:“Đang làm gì đó?”. Tôi trả lời:“Dạ, khai bút đầu năm”. Ông bèn phán: “Khai đao thì có chớ khai bút gì!”.

Thật ra, nếu chỉ tính toán thiệt hơn bằng hiện kim và hiện vật thì doanh nhân dùng thời gian để viết là xài rất sang và lỗ vốn hơn làm kinh doanh nhiều. Và “bản chất của doanh nhân là cân, đong, đo, đếm” rất kỹ cho nên trong số họ ít người chịu viết là vì vậy. Doanh nhân còn là người thực tế, họ tư duy: điều hành, hoặc thực hiện một thương vụ sẽ cho lợi nhuận tức thì và cụ thể, còn viết thì hiệu quả thật phù du. Đôi khi còn bị độc giả chê dở, chê viết tào lao; điều đó làm họ… thẹn. Vì thế, doanh nhân ngại “thử một lần rồi xem” vì không dám tin “độc giả sẽ thích ngay mà!”, như lời động viên của các vị làm báo chuyên nghiệp.

Nhưng với kinh nghiệm có được khoảng gần bảy năm viết báo (oai hết biết), tôi cá với các đồng nghiệp doanh nhân của tôi rằng: mình mà viết về tụi mình hoặc lĩnh vực mà mình đang kinh doanh thì độc giả thích đọc và ủng hộ hơn người ở giới khác viết. Có lẽ do giới khác hiểu về tụi mình rất lơ mơ (cũng như tụi mình hiểu rất lơ mơ về giới của họ vậy) cho nên nhiều bài họ viết về tụi mình, ngành nghề kinh doanh của mình, dân trong nghề đọc thấy rất ngộ. Cụ thể là trong dịp tết vừa qua tôi được nhiều độc giả viết thư thăm hỏi, gởi thiệp chúc mừng; quá đã!

Đúng ra thì không nên chia sẻ “cái lợi” độc quyền của một doanh nhân viết báo mà tôi đang được hưởng. Nhưng sau khi nghĩ lại, tôi thấy, cũng giống như thương trường, cái độc quyền nào cũng đáng phê phán, vì vậy, tôi đành phải công khai cái lợi của mình. Nói thì có thể các bạn không tin nhưng những cái lợi thu được từ chuyện viết báo không hề thua cái lợi làm kinh doanh, nếu không muốn nói là, ngang ngửa!

Cụ thể như: thông qua các bài viết, mình có điều kiện quảng bá thương hiệu của công ty, quảng bá chức năng và dịch vụ đang kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó mình sẽ được nhiều người ủng hộ và hỗ trợ. Đó là một cách quảng cáo văn minh nhất, quảng cáo mà như không quảng cáo. Ngoài ra còn có những nguồn lợi bất ngờ từ chuyện viết, là: nếu không may, doanh nghiệp mình bị lao đao sẽ có nhiều người giúp đỡ; doanh nghiệp mình bị ăn hiếp, sẽ có nhiều người biết mà bênh vực; doanh nghiệp mình bị oan sai, sẽ có nhiều người phụ la làng. Và đương nhiên khi doanh nghiệp mình thành công thì có nhiều người chung vui.

Người ta nói, “Thà cho vàng chứ không chỉ đàng đi buôn”, tôi không dám chỉ các bạn đi buôn vì cái khoản này chúng ta đều là dân có nghề. Nhưng cái chuyện viết thì tôi xin được mạo muội “tư vấn” (nói cho sang) theo kinh nghiệm của bản thân, người liều mạng làm trước. Chúng ta có thể bắt đầu thói quen viết bằng cách viết “Nhật ký doanh nhân”, viết chân phương, mộc mạc, những điều ta thấy, ta suy nghĩ, ta trăn trở. Mỗi ngày chúng ta va chạm với thương trường là một “đầu vào” dồi dào giúp cho “đầu ra” (bài viết) của chúng ta phong phú.

Khi viết nhật ký đã kha khá, chúng ta nâng dần lên bằng cách đưa những suy nghĩ của mình vào bài viết và tự đặt câu hỏi: tại sao (doanh nghiệp, hoặc Nhà nước) làm như thế này mà không làm như thế khác, biết đâu hay hơn? Qua các bài viết, mình có cơ hội giãi bày cho các giới khác trong xã hội hiểu về giới của mình cũng “hoàn cảnh lắm”, không béo tốt, bụng phệ, ăn trên ngồi tróc, lên xe xuống ngựa, như một số người lầm tưởng đâu.

Và khi doanh nhân chịu viết thì Nhà nước sẽ hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân kinh doanh. Cụ thể như qua viết báo, tụi mình nói rõ với Nhà nước là thích hoạt động trong cơ chế thị trường hay cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó sẽ giúp Nhà nước hiểu mà điều chỉnh cơ chế cho phù hợp, như vậy doanh nhân mới có thể làm giàu cho mình và cho đất nước. Nhưng nếu mình viết hoài mà Nhà nước chậm thay đổi thì “bút hóa thành đao” hù cho Nhà nước sợ (nếu Nhà nước không sợ thì mình sợ!). Có thể, tụi mình viết chưa suôn sẻ, còn ngô nghê, không giống ai, nhưng biết đâu “Độc giả sẽ quý cái thiệt của giới kinh doanh và thích cách phản ánh thực tế của người trong cuộc?”.

Nếu các bạn muốn nghe tôi chia sẻ kinh nghiệm viết báo, thì: Một là, đừng đặt yêu cầu quá cao với bản thân khi viết, bởi ai mà không biết, viết không phải là nghề của tụi mình, cũng như kinh doanh không phải là nghề của nhà báo vậy. Hai là, đừng cố gắng viết cho giống người ta, viết như thế không phải là thế mạnh của mình và mắc mớ gì làm bản sao của giới khác? hãy viết đúng theo góc nhìn của doanh nhân.  Ba là, hạn chế viết về những đề tài phê phán khi mình chưa đủ sức đưa ra được hướng giải quyết. Viết báo cũng như điều hành một thương vụ, phải có đầu vào và đầu ra cụ thể, “ầu ơ ví dầu” là không phải “e” của giới kinh doanh.
Ngoài ra, giới doanh nhân nên siêng viết, vì viết còn là một thú vui tao nhã, một liệu pháp giảm stress rất hiệu quả, một khoảng lắng trong nhịp sống sôi động và cũng là một cách bày tỏ, trải lòng. Viết còn giúp mình hệ thống lại thực tiễn đúc kết thành lý luận để gởi gấm cho lớp doanh nhân trẻ. Thêm nữa, viết còn đem đến cho giới kinh doanh của mình nhiều nguồn lợi bất ngờ (mà bản chất của doanh nhân là không bao giờ “ngó lơ” nguồn lợi).

Vậy tại sao giới doanh nhân không tập viết báo?
 

T.T.N.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here