Trang chủ Phật giáo khắp nơi Khi cái Ác mang danh cộng đồng

Khi cái Ác mang danh cộng đồng

120
0

Những vụ án đánh chết người "không có án"

Trong xã hội văn minh, đề cao sự công bằng, không ai không bất bình trước những hành vi tham nhũng, trộm cướp (bằng nhiều cách khác nhau) nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác làm tài sản của mình. Luật pháp quốc gia, đạo đức xã hội ngày càng được hoàn thiện để làm giảm thiểu những hành vi kể trên.

Thế nhưng gần đây, báo chí đưa tin về một số vùng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, người dân đã tuỳ ý đánh hội đồng cho đến chết những kẻ trộm chó, thậm chí họ còn đốt xác, đốt xe của kẻ ăn trộm một cách rất dã man. Rõ ràng điều này đang chà đạp vào niềm tin, lương tâm, tình người và sự công bằng của pháp luật.

Nhìn nhận dưới góc độ xã hội học về một số hiện tượng giết người một cách vô cớ, từ những mâu thuẫn lợi ích nhỏ… không thể không cảnh báo về hiện tượng vô cảm và sự trả thù đồng loại đang gia tăng.

Những người dân này họ yêu súc vật đến nỗi không chịu nổi cảnh những kẻ kia đã câu trộm chó của mình, nên buộc những kẻ kia phải đền mạng? Ở một số vùng nông thôn, người dân nuôi chó để giữ nhà, thậm chí nuôi chó đẻ và xem như một thứ tài sản có thể mua bán và nếu cần thiết thì làm thịt để ăn. Người dân ở vùng đó có thừa lý do để căm tức những kẻ đã xâm phạm đến tài sản của họ, nhưng đến nỗi không thương tiếc mà đánh chết đồng loại của mình thì hiện tượng đó, quả là đáng báo động về tính người.

Hiện trường vụ 2 kẻ trộm chó bị người dân đánh chết vào chiều ngày 29/8 (Ảnh: Điền Bắc)
Con đường ra hiện trường vụ đốt xác kinh hoàng hôm 7/6 – nạn nhân bị thiêu rụi cùng xe máy
 

Điều đáng nói, sự việc giết người đốt xác lại ẩn núp dưới danh nghĩa cộng đồng (làng, xã). Thói quen trong suy nghĩ tập thể là, vì "lợi ích chung", nếu cả làng cả xã có đánh chết kẻ trộm thì cũng chẳng ai làm gì được. Làm gì có án để xử, xử ai, chả lẽ đem bắt giam cả làng cả xã và đưa ra tòa để xử tội đánh chết người?

Đó là những suy nghĩ nông cạn, thiếu hiểu biết, và tăm tối. Vì thế, nếu kẻ trộm nào vô phúc gặp phải hoàn cảnh bị đánh hội đồng thì chỉ còn biết cầu trời may thì sống sót, còn không thì chết tức chết tưởi. Có thể nói đó là những vụ án đánh chết người "không có án" chăng, theo lý luận và suy nghĩ của những người này?

Pháp luật từ lâu cũng gặp không ít khó khăn với tình huống này, chỉ có thể bằng giáo dục tuyên truyền, rằng mọi hành vi phạm pháp đều đã có pháp luật phân xử, người dân nên kìm chế hành động quá khích của mình.

Chẳng ai có thể vui nếu hiện tượng trên càng trở nên phổ biến trong cộng đồng, vì điều đó bộc lộ những góc khuất khác: Một là, người dân đã mất niềm tin vào công cụ bảo vệ của pháp luật, khi tài sản của họ liên tục bị xâm phạm mà không được giải quyết một cách rốt ráo. Hai là, người dân có thói quen ứng xử vô luật, ứng xử theo "luật rừng" bất chấp sự tồn tại của chính quyền.

Phản ứng bất công nhỏ- chà đạp công bằng lớn

Hành vi tự ý giết người đốt xác trên cho thấy cơ quan công quyền phần nào đã tỏ ra bất lực trước hành vi và lối sống của cộng đồng. Không thể có làng văn hoá, xã văn hoá hay những khẩu hiệu "văn minh" nổ như bắp rang ở những vùng đất mà người dân dã man với đồng loại của mình như ở thời "hỗn mang" như thế. Đó phải coi là một thái độ hành xử dã man, không công bằng và thiếu nhân tính trong xã hội con người.

Người dân ở những vùng xảy ra vụ việc đáng sợ đó đã tự ý hành xử để phản ứng với sự bất công bằng nhỏ, nhưng lại vô tình chà đạp vào công bằng lớn. Vì ai cũng có thể hiểu mất của thì còn có thể nỗ lực kiếm lại của, nhưng mất người rồi thì không thể lấy lại người được. Những gia đình có người bị đánh chết họ sẽ đau khổ như thế nào khi thấy mạng của con mình đã không bằng mạng của những con chó?

Người dân ở đó vừa là người bị hại vừa là người gây hại, vì chính họ đã đánh mất sự công bằng và đánh mất luôn cả lối tư duy tích cực về con người. Trong khi cả hai điều đó đều là những điều kiện căn bản để người dân cảm thấy hạnh phúc, an toàn về thân thể và tài sản.

Có tình thương yêu thì không lấy của người khác làm của mình. Có tình thương yêu thì không giết người đốt xác một cách dã man như vậy.

Chỉ khi có được hai sự hạnh phúc và an toàn ấy, họ mới có thể hướng tâm ra bên ngoài để thể hiện tình thương yêu của mình với tha nhân, đồng loại. Có tình thương yêu thì không lấy của người khác làm của mình. Có tình thương yêu thì không giết người đốt xác một cách dã man như vậy.

Thực tế trong xã hội văn minh, cả vạn người mới có một kẻ dã man, nhưng đáng lo ngại là sự dã man đó đang có xu hướng mang tính "cộng đồng". Trong khi chờ đợi vào sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật, việc làm tích cực hiện nay của các tổ chức xã hội là nỗ lực giáo dục nhằm khơi dậy lương tâm con người, thái độ biết kiềm chế để tránh "cái xảy nảy cái ung".

Ai cũng hiểu, lòng tin của người dân bị phản bội thì sẽ tiêu huỷ nhiều thứ khác trong cuộc sống, ở đó không chỉ dừng lại ở việc đánh đổi mạng sống của một vài cá nhân cho một số ít tài sản (súc vật), mà còn làm tổn thương hệ giá trị của một cộng đồng. Hệ giá trị ấy trong ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với môi trường sống chung quanh đang có nguy cơ bị tổn thương. Tiếc thay, đó lại là những cơ sở nền tảng để chúng ta hướng tới xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

N.Q (Tuần Việt Nam)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here