Trang chủ Phật học Kham nhẫn

Kham nhẫn

144
0

Thiết nghĩ sống ở đời để tồn tại đúng ý nghĩa thì không ai không kinh qua lòng nhường nhịn, với nhiều tâm trạng độ tuổi khác nhau trên con đường tìm đạt được hạnh phúc. Cuộc đời là mối tương quan nhân duyên. Những điều bất như ý đến với ta hơn một nữa, tâm lý không toại nguyện thì khổ đau, trước một hoạt cảnh trái ý nghịch lòng có thể làm ta nổi giận. Điều đẹp lòng thì chúng ta càng dang tay sở hữu, điều trái ý tìm cách loại suy hay kháng cự. Vấn đề mâu thuẫn tâm lý nội tại là chuyện thế thường. Bản năng huân tập được lưu xuất dưới sự điều động của bản ngã.  

Kham nhẫn (Ksànti, Khanti) là một hình thái tâm lý biểu hiện hai chiều của một tâm thức. Một mặt làm thăng hoa sự sống theo chiều hướng thiện. Mặt khắc làm đình trệ và chặn đứng sự sinh khởi dòng tâm lý hướng thượng, lạc quan yêu đời. Giống và khác nhau tuỳ theo tư duy và sự quán chiếu của mỗi người trong đời sống hiện tại.

Người thiếu điềm tĩnh, sáng suốt trong khi nhận diện vấn đề thường bị méo mó và luôn theo cảm tính tự nhiên. Đâu biết rằng mọi sự phát khởi đều có nhân duyên nghiệp báo. Muốn hiểu rõ bản chất và tác dụng của mọi vấn đề chúng ta phải thực hành hạnh nhẫn, nghĩa là kiên trì, chịu đựng, sáng suốt, nghiêm túc để hoạch định một hướng đi cho đời sống lý tưởng của bản thân, đem lại lợi lạc chung cho mình và mọi người.

Trong giai thoại văn học với những câu chuyện xưa có không ít những nhân vật được ca ngợi có tính kham nhẫn cao. Nó phát họa trên nhiều phương diện, tự hào dân tộc, đề cao khả  tính bi tráng của một tâm hồn vĩ đại trước sự  trấn áp của lân bang, hay uy lực hùng dũng của một nhân cách được khẳng định. Hoặc thể hiện phẩm tính âm thầm chịu đựng , không hẳn vì vô  phương kháng cự mà để nuôi chí lớn  đợi thời cơ phục thù, rửa hận hay mưu nghiệp lợi  ích sau này. Đây cũng là suy nghĩ và lối sống thường tình. Đức tính này khiến người ta ai cũng phục, phục vì có dũng khí, quân tử mà văn hóa phương Đông đều ca ngợi. Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập tại nước Ấn Độ, thánh Gandi đã vận dụng chữ nhẫn của Phật giáo để đấu tranh bất bạo động rồi giành thắng lợi. Không phản kháng, cũng không dùng vũ lực mà dùng năng lực nội tâm để cảm hóa cái xấu ác, uy quyền tàn nhẫn. Tinh thần này Bồ Tát Thích Quảng Đức khẳng định: “Đã mang danh thể con dòng Thích, Bi trí hùng sao chẳng đem ra”. Đây là sức mạnh vô song lấy đức báo oán, đem tình thương xóa bỏ hận thù. Giải phóng con người khỏi vô minh luẩn quẩn với bản ngã chính mình. Hai nhân cách vĩ đại trên đã vận dụng đức kham nhẫn được soi sáng bởi trí tuệ Phật giáo.

Dân gian Việt Nam có câu “Một câu nhịn chín câu lành” hay “Chữ nhẫn là chữ vàng, ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”. Người xưa đúc kết những bài học bổ ích bằng kinh nghiệm sống. Nhẫn là “nhịn” và cũng là “nhường” trong tiếng Việt. Chữ nhẫn được biểu hiện trang trí bằng chữ Hán, chữ Việt treo trong nhà, nơi tiệm ăn, nhà khách, để họ trực diện chiêm nghiệm ngỏ hầu thấm nhuần trong lối ăn nếp nghĩ. Ngoài ra chữ nhẫn được cụ thể hóa bằng chiếc nhẫn trao cho nhau khi đôi lứa dự lễ hằng thuận ước mong tình yêu thương chung thủy, trung kiên, viên mãn và lâu bền. Trương Đào đời Tống có nói rằng “Ngô gia công nghệ, thị bất nhẫn dĩ đồng cư, thiên cổ truyền vi mỹ đàm”. Nghĩa là mọi việc trong nhà, nhờ vào trăm điều nhẫn mà sống chung, ngàn năm đều cho đó là câu nói hay.

Thông thường trong cuộc sống chúng ta đòi hỏi quá  nhiều cho bản thân mình. Đạo Phật gọi đó là  lòng Tham (lobha). Mọi hoạt cảnh sắc tướng được thâu nạp bởi các giác quan thông qua tặng phẩm vật chất và lợi dưỡng. Tâm không được thỏa mãn với tình thế hay lòng sở cầu, nghĩa là chưa có lòng kham nhẫn; Nhẫn vì tình thế, du nịnh là nhu nhược, yếu hèn, nhẫn vì tính sở cầu là tham lam. Nên biết rằng mọi sự không có gì tự nhiên sinh ra  mà nó hỗ tương, biện chứng. Mỗi sự việc đến với ta dưới cái nhìn phiến diện một chiều rồi quy kết cho những triết thuyết, hay đạo lý của một tôn giáo nào đó mà mình cho nó đúng theo cảm quan xưa nay được huân tập trong lối sống. Chúng ta không nhìn chúng bằng trí tuệ thông bác, rồi kiên trì, nhẫn nại để tầm nguyên quán quả xem nó đúng với thực tại như thật hay không. Kết luận giáo điều là niềm tin chưa vững, hành động vội vàng là thiếu trí tuệ sáng suốt. Tất cả là vì thiếu kham nhẫn trong quán chiếu.

Đức Thế Tôn dạy chúng ta nhẫn không phải là gồng mình chịu, bị sỉ nhục trong lòng cũng không móng niệm trả thù. Chúng ta biết thời gian càng kéo dại thì nỗi nhục càng lớn, và dễ dàng làm thối rữa tâm tư qua từng ngày, từng giờ khi ăn cũng như khi ngủ một cách thường trực. Khổ đau như thế không gì bằng. Lời dạy minh triết của Ngài, là người tranh giành được thắng thì vui còn kẻ thua oán hận, ôm mưu ám hại rồi sẽ khổ. Vậy là khổ cả hai thua cũng như thắng, ý niệm về hơn, thua nên thực hành hạnh xả ly để tâm điềm tĩnh thư thái. Đức Thế Tôn có dạy bài kệ pháp cú “Thắng ngàn vạn quân địch, không bằng chiến thắng mình”. Hay: 

“ Chiến thắng sinh thù oán

Thất bại chịu khổ đau

Sống tịch tịnh an lạc

Bỏ sau mọi thất bại.”

Lời dạy cao thượng thay! Người giành hơn và kẻ thấy mình thua cả hai đều khổ. Vậy nên, phải sáng suốt nhìn rõ lý thật mọi sự do duyên sinh, có đi đến rồi buông xả  nó với tâm niệm không thù oán.

Người sống với đức nhẫn là  người tự do và hạnh phúc nhất. Họ biết tiết chế cung cách lời nói nhu thuận, hòa hợp  đem lại đoàn kết. Người sống với đức nhẫn luôn mở rộng lòng từ bi hòa chung trong sự  sống thương yêu. Họ sống trong giới đức đem lại niềm tin và giải thoát cho con người, gắn kết lòng bao dung khoan hòa, không thù hận khai thông đạo trí tuệ xua tan vô minh, phiền não. Người có  đức kham nhẫn hoạt dụng tinh khôi hanh thông mọi vấn đề. Nó không bị khuất lấp bởi sân hận, không bị đè nén bởi bệnh lý và sự căng thẳng do cuộc sống mưu sinh đem lại. Người sống với đức kham nhẫn là người xem hạnh phúc của mọi người chính là hạnh phúc của mình. Với đầy đủ giới đức, tuệ đức và hạnh thí xả này họ có sự mầu nhiệm trong cuộc sống hiện tại.. Trong Lục độ Ba la mật hạnh nguyện của Bồ Tát thì đức kham nhẫn  nằm ở nấc thứ ba sau Bố thí, Trì giới. Lời dạy của Bồ Tát Tỳ Bà Thi trong bài kệ đầu đề cao hạnh nhẫn nhục trong việc tu tập đến con đường của bậc thánh “ Nhẫn nhục đệ nhất đạo, Phật thuyết vô vi tối”.

Môi trường sống là cơ sở  tạo dựng an lạc. Trường đời cũng là trường học, những nghịch cảnh là vị thầy huấn luyện dẫn dắt chúng ta. Thoát thai làm người là do nghiệp, mỗi người có biệt nghiệp và cộng nghiệp khác nhau và gặp những cảnh bất toại khác nhau. Nếu không kham nhẫn mà sống để trả nghiệp, chuyển nghiệp nghĩa là đầu hàng số phận. Thiếu tu tập hạnh nhẫn nghĩa là đang khai mở liên minh cho lòng sân hận châm ngòi, nhen nhúm và bùng phát. Kham nhẫn và sân hận tuy hai nhưng biểu hiện cùng một tính cách. Với người có lòng kham nhẫn khi đối trước sự phản ứng của đối phương mà lòng điềm tĩnh nhu thuận; càng điềm tĩnh nhu thuận càng sáng suốt nhận rõ mọi vấn đề. Cơn giận không có cơ hội bập bùng, lòng từ và tính bao dung nơi người ấy tươi mát, sung thiệm. Nhờ đó mà phiền não nghiệp chướng hao mòn, ung dung trong ràng buộc tự tại giữa khổ đau. Như bài thi kệ với nội dung đẹp gởi đến chúng ta:

 “Cái giận làm ta xấu

 Biết vậy ta mỉm cười

Hai bốn giờ tinh khôi

Mắt vui nhìn cuộc đời”.

Đời sống nhẫn đối với các bậc đại trí khác với chúng ta, về cung cách hành xử, thái độ cảm nhận rất thông tuệ, đĩnh đạc. D.T.Suzuki diễn giảng trong kinh Lăng Già: “Ở cõi Phổ Hiền (samatabhadra) chỉ cần nhìn là đủ để khiến người ta thể hiện được trạng thái chứng ngộ tối thượng gọi là ‘Vô sinh pháp nhẫn’ (Amutpattika- dharmaksà)”. Chúng ta học hạnh của các ngài, đón nhận và xử sự một cách trầm tĩnh, khéo léo về sự đến đi, vận hành trong cuộc sống tương duyên chuỗi nhân quả. Hành động của chúng ta thường xảy ra với tâm nhạy cảm, bộc phát, bồng bột dẫn đến cơn giận kết hợp với tâm tham, tật đố, ích kỷ mà nó được huân tập lâu ngày trong tàng thức. Nhượng bộ trước một áp lực, mạ lỵ, vu khống là an toàn cho chính mình, cho người. Chứ không phải vì chúng ta e dè, sợ hãi, vì biết rõ cơn cuồng nộ của đất trời không nên đẩy thuyền ra biển khơi để rước hiểm họa, không lợi ích gì mà đánh mất lương tri, nguy hại tánh mạng. Trước sự đe dọa học hằn của vua Ác Sanh, Tỷ Kheo Salana nhu thuận, không hề biểu hiện khinh mạn, chán ghét, thù nghịch. Cuối cùng vua Ác Sanh bị khuất phục trước đức tánh của tỷ kheo Salana.

Thật ra kham nhẫn đối với những vị Bồ Tát có cái nhìn tinh tế sâu sắc hơn. Họ quán chiếu vào bản chất diễn tiến tâm- vật lý bằng pháp duyên sinh vô thường, vô  ngã để loại si mê đạt trí tuệ qua con đường Trung đạo. Bồ Tát kham nhẫn với những hạng người mạ lỵ, vu khống đầy lòng thù hận  đã đành, song Bồ Tát cũng hành hạnh kham nhẫn những lời du nịnh, cung phụng, sẵn lòng. Vì Bồ  Tát thấy đây cũng là cảm giác “ru ngủ” luôn tỷ lệ thuận với giác quan nó gây ra sự say đắm, yêu thích. Bồ Tát quán chúng là không, như huyễn, như mộng nên không đắm nhiễm, không thủ trước. Vậy, Bồ Tát  thong dong tự tại vượt ngoài đối đải thường tình mà du hành hóa độ khắp mười phương.

Mỗi người chúng ta đều hướng đến đời sống bình an, nhất là trong một xã hội có nhiều cám dỗ và chạy đua nhau theo lối sống vật dục. Người thiếu kham nhẫn nghĩa là đang chặn đứng hạnh phúc, dễ dàng nhen nhúm cơn giận phát khởi pháp lạc nội tâm khô kiệt. Cuộc đời là vị thầy, những trải nghiệm là bài học. Chân lý cũng xuất phát từ cuộc sống, và chúng huấn luyện cho ta biết cách sống, biết vươn lên từ nơi hành xử, nhẫn nại, yêu thương.

Ý nghĩa sống có giá trị, nghĩa là tạo hạnh phúc cho người khác và cho bản thân mình. Mình không có hạnh phúc thì không thể ban tặng hạnh phúc cho người khác được và ngược lại. Trầm tĩnh, quán chiếu mở rộng lòng thương và tha thứ. Tuy nhiên điều ấy không phải dễ. Nhưng chúng ta không thể nghĩ sống trong một cộng đồng mà chỉ biết hơn, thua, thực dụng, thanh trừng chưa bao giờ dừng lại. Mỗi chúng ta hãy làm chức năng của chiếc chìa khóa, khai thông con đường thánh thiện để tiến bước. Đừng để cơn giận làm chủ mình, mà mình làm chủ và phóng thích nó ra ngoài bằng phương pháp xả, trong từ bi hỷ xả. Chúng ta là người đang thực tập đi trên con đường hướng thượng nên xem đức nhẫn là người bạn đồng hành trong mọi tình huống, bất cứ thời gian nào và ở đâu trong đời sống hiện tại này.  

T.C.Đ 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here