Trang chủ Phật học Khái quát về Giáo dục nhân cách trong kinh tạng Pàli

Khái quát về Giáo dục nhân cách trong kinh tạng Pàli

269
0

Trong một thời đại, con người luôn ước mong được an ổn, hòa bình và hạnh phúc. Vì thế, văn hóa và giáo dục phải đem lại an ổn hòa bình và hạnh phúc cho con người. Một hệ thống văn hóa và giáo dục như thế phải được xây dựng trên cơ sở một hệ thống triết lý, tâm lý và mẫu người giáo dục lý tưởng. Các vấn đề giáo dục quan yếu này phải xuất phát từ một lý thuyết Nhân tính lý tưởng nói lên được sự thật về con người và cuộc đời, trình bày được mối liên hệ không thể tách rời giữa con người và cuộc đời.

Như chúng ta đã biết, nền văn minh của nhân loại hiện nay đang rơi vào các khủng hoảng. Các nước tiên tiến thì tập trung phát triển các kỹ nghệ nặng, nhẹ, đặc biệt là đại kỹ nghệ. Các nước đang phát triển thì đang trên đường kỹ nghệ hóa. Tất cả đều đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế, nghĩa là quan tâm nhiều đến sản phẩm và lợi tức, mà bỏ quên sự phát triển một hướng sống tâm linh và đạo đức. Hướng phát triển ấy ràng buộc với tâm tham ái và chấp thủ của con người đã đem lại cho thế giới các cuộc chiến tranh nóng, lạnh và các khủng hoảng đương thời về xã hội, đạo đức, môi sinh…đã báo động cho chúng ta mối hiểm họa hủy diệt tập thể gây ra một mặt do các cuộc chiến tranh nguyên tử, chiến tranh hóa chất, mặt khác do sự ô nhiễm mà con người gây ra cho môi trường sinh thái bao gồm đất đai, nguồn nước và bầu khí quyển.

Chính vì thế, nhiều giá trị khác của nền giáo dục đương thời cần được xét lại và cần được soi sáng bởi những lời dạy của Đức Phật. Dưới đây, chúng ta đề cập một số giá trị mà Kinh tạng Pàli có thể đóng góp vào việc giáo dục nhân cách trong ý hướng góp phần giải quyết khủng hoảng.

  1. Vấn đề cạnh tranh

Văn minh thế kỷ XX được xây dựng trên cái nền của tinh thần cạnh tranh. Người phương Tây cho rằng: tinh thần ấy giúp họ phát triển nhanh cả về kinh tế lẫn văn hóa.Nhưng chính tinh thần cạnh tranh ấy đã là nguyên nhân của mọi khủng hoảng. Thế nên, tinh thần cạnh tranh cần được xét lại.

Cạnh tranh là nỗ lực của người này để thắng được người khác, trong khi vấn đề chính phải là làm thế nào để mình hơn được chính mình ngày hôm qua, như lời Đức Phật dạy:

Nếu một người chiến thắng một triệu quân ở chiến trường, và một người khác tự chiến thắng mình thì người tự chiến thắng mình là người chiến thắng vĩ đại nhất trong những kẻ chiến thắng”. (Dhp.103)

“Tự chiến thắng mình tốt đẹp hơn chiến thắng mọi người khác; và ngay cả các vị Thiên, Càn-thát-bà, Ma cùng Phạm- thiên cũng không chiến thắng nỗi người tự chiến thắng mình, người luôn luôn sống tự chế ngự”. (Dhp.104-105)

  1. Vấn đề giáo dục con người xã hội

Sự phát triển kinh tế và kỹ nghệ đòi hỏi phải chú trọng đến việc giáo dục con người xã hội, trong khi một nền giáo dục nhân bản lại yêu cầu giáo dục con người chính nó.

Giáo dục con người chính nó là làm cho con người hiểu được sự thật về chính mình và biết làm thế nào để đạt hạnh phúc ngay bây giờ và tại đây. Vấn đề này đã được Đức Phật dạy:

Mình là chủ nhân của chính mình, không ai khác là chủ nhân của mình. Người tự khéo chế ngự mình sẽ thấy được vị chủ nhân khó tìm thấy”. (Dhp. 160)

Người trí tuệ giữ gìn tâm mình, vì cái tâm khó nhận thức, rất tế nhị, nó chạy theo cái dục: cái tâm được khéo giữ gìn đem lại an lạc, hạnh phúc”. (Dhp.36)

Chúng ta sống quả thật hạnh phúc dù không xem mọi thứ là của ta”. (Dhp.200)

  1. Vấn đề mẫu người giáo dục

Các nhà giáo dục đương thời có khuynh hướng tạo nên một mẫu người giáo dục. Điều này có nghĩa là gán cho con người một bản chất cố định và làm ngưng lại quá trình phát triển của nó. Ví như đóng các đôi giày cùng một cỡ cho nhiều người với nhiều cỡ chân khác nhau. Rõ ràng như vậy đã có điều gì sai lầm ở cái mẫu ấy. Trong khi đó, về sự thật của con người, Đức Phật đã tuyên bố: “Tất cả các pháp là vô ngã” (Dhp.279).

  1. Vấn đề liên hệ trong các hiện hữu

Nếu một người không thể nhận ra mối liên hệ giữa các hiện hữu thì không thể nhận ra sự thật của con người và của cuộc đời. Vô minh sẽ gây ra cho người ấy và đời sống của người ấy lắm rối lắm, như gây ra sự ô nhiễm môi sinh. Trong trường hợp đó, giáo dục cần giúp con người hiểu rõ sự thật của mọi hiện hữu để bảo vệ con người và môi sinh. Việc nghiên cứu sâu về giáo lý Duyên khởi và Năm thủ uẩn của Phật giáo có thể đem lại những lý thuyết giáo dục nhằm bảo vệ con người và môi sinh, là việc cần được thực hiện.

  1. Giáo dục cho một nền hòa bình lâu dài cho thế giới

Hòa bình là sự vắng bóng chiến tranh. Khoa học lịch sử trong nhà trường chỉ đề cập đến biến cố lịch sử và những nguyên nhân bên ngoài của chiến tranh và hòa bình, chứ không hề bàn đến các động cơ từ tâm thức con người. Do vậy, khoa học lịch sử không thể giúp con người xây dựng được một nền hòa bình cho thế giới.

Theo lời Đức Phật dạy, nguyên nhân cơ bản của các việc ác, mà việc ác lớn nhất là chiến tranh, chỉ gồm tham, sân và si. Cho nên để dập tắt chiến tranh, điều tốt nhất phải thực hiện là dập tắt tham, sân, si qua việc thực hành Chánh pháp, như điều Đức Thế Tôn dạy:

Chiến thắng sinh thù oán, thất bại thì khổ đau. Người từ bỏ cả thắng lẫn bại là người an lạc, hạnh phúc”. (Dhp.201)

Không hận những kẻ ghét hận ta, chúng ta quả thật sống hạnh phúc. Giữa những kẻ hận ta, chúng ta sống không hận”. (Dhp. 199)

Không tham giữa những kẻ tham, quả thực chúng ta sống hạnh phúc. Giữa những kẻ tham, chúng ta hãy sống không tham”. (Dhp.199)

  1. Một hệ thống triết lý giáo dục

Triết lý giáo dục là một hệ thống tư tưởng chủ đạo nhằm phục vụ các mục tiêu giáo dục. Nó được xây dựng trên ba phạm vi: nhận thức luận, giá trị luận và bản thể luận. Hệ thống triết lý và triết lý giáo dục của phương Tây hiện tại là do tư tưởng hữu ngã tạo nên. Tư tưởng đó không chính xác cho nên nền giáo dục phương Tây rơi vào khủng hoảng. Một hệ thống triết lý giáo dục vì hạnh phúc của con người.

Sự thật Duyên khởi mà Đức Phật chứng ngộ chính là nền tảng của một hệ thống triết lý giáo dục có tính nhân bản mà con người cần đến. Sự thật ấy sẽ chỉ rõ con đường thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng hiện thời, con đường vận hành của tư duy vô ngã, hay sự vận hành của trí tuệ dẫn đến việc chấm dứt vô minh.

Việc nghiên cứu sự vận hành của trí tuệ sẽ là một bước cơ bản để xác lập một hệ thống triết lý giáo dục tiến bộ, nghĩa là xác lập một hệ tư tưởng chủ đạo hướng đến một nền giáo dục vì hạnh phúc con người.

  1. Giáo dục giải quyết các vấn đề cá nhân

Có thể nói rằng các trường phái tư tưởng từ ngàn xưa được xếp vào trong ba nhóm:

  1. Nhóm tư tưởng ngôi thứ ba: Các tư tưởng cho rằng có nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ được gọi là nhóm tư tưởng ngôi thứ ba – người mà ta đang nói về. Trong nhóm tư tưởng này, vai trò làm chủ cuộc sống của con người bị đánh mất, cho nên tư tưởng của nhóm này bị tha hóa.
  2. Nhóm tư tưởng ngôi thứ hai: Các tư tưởng cho rằng sự thật chỉ hiện hữu trong thiên nhiên hay hiện tượng giới được gọi là nhóm tư tưởng ngôi thứ hai – người mà ta đang nói với. Con người cũng bị đánh mất trong nhóm tư tưởng này, nên nhóm này được gọi là tư tưởng tha hóa.
  3. Nhóm tư tưởng ngôi thứ nhất: Các tư tưởng cho rằng con người làm chủ cuộc đời mình, hay cho rằng cuộc sống có mục đích là vì hạnh phúc của con người, thì được gọi là nhóm tư tưởng ngôi thứ nhất – người đang nói. Đây được gọi là nhóm tư tưởng nhân bản, bao gồm tư tưởng Phật giáo, tư tưởng của chủ nghĩa Hiện sinh, tư tưởng Hiện tượng luận và tư tưởng của các tổ chức vì quyền sống con người. Tư tưởng của nhóm này giúp con người thức tỉnh quay trở về với chính mình. Nhưng tại đây, ngay khi trở về với chính mình, con người vẫn còn phải đối mặt với các vấn đề nóng bỏng gây ra do mâu thuẫn giữa các mệnh lệnh của tư duy và dục vọng như là sự mâu thuẫn giữa bản năng (id) và siêu ngã (superego) đã được Sigmund Freud khám phá.

Chỉ có giáo lý Duyên khởi, giáo lý hướng dẫn con người thoát ly khỏi dục vọng, tư duy hữu ngã và khổ đau do dục vọng và tư duy hữu ngã gây nên, giải quyết được mâu thuẫn này. Duyên khởi sẽ đem lại nhiều tư duy hữu ích cho giáo dục.

  1. Về tâm lý giáo dục

Tâm lý giáo dục là ngành học khảo sát các lý thuyết nhân tính, khảo sát về tánh hạnh con người,về sự phát triển của trẻ em, của thiếu niên và của người lớn, và khảo sát bản chất của việc dạy, việc học, việc khảo cứu, việc lượng giá cũng như các phương cách giúp con người giải quyết các vấn đề của chính mình để sống hạnh phúc. Có nhiều lời dạy của Đức Phật trong Kinh tạng Pàli đề cập đến việc hiểu được con người và giúp con người sống hạnh phúc.

Này các Tỷ-kheo, ở đây, kẻ vô văn phàm phu, không hiểu rõ các bậc Thánh, không khéo hiểu pháp của các bậc Thánh, không hiểu rõ các bậc Chân nhân, không tu tập Pháp của các bậc Chân nhân, không khéo hiểu Pháp của các bậc Chân nhân, nhận thức địa đại là địa đại, người ấy nghĩ đến địa đại, người ấy nghĩ đến tự ngã là địa đại. Người ấy nghĩ đến, “địa đại là của tôi”, vui thích về địa đại. Vì sao vậy? – Ta nói rằng người ấy không hiểu rõ địa đại”.

Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, biết đích thực địa đại là địa đại, do biết đích thực địa đại là đại đại, Như Lai không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến tự ngã liên hệ với địa đại, không nghĩ đến tự ngã là địa đại, không nghĩ “địa đại là của ta”, không vui thích về địa đại. Vì sao vậy? Vì Như Lai biết rằng “Vui thích là gốc của khổ đau”, biết rằng Sinh khởi lên từ Hữu, và già chết đến với chúng sanh. Do vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng Như Lai do sự diệt trừ tất cả tham ái, do ly dục, sự chấm dứt, sự xả ly, sự hoàn toàn từ bỏ tham ái là chân chánh giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.

Và:

Này các Tỷ-kheo, có những lậu hoặc cần do tri kiến đoạn trừ, có những lậu hoặc cần do kham nhẫn đoạn trừ, có những lậu hoặc cần do tránh né đoạn trừ, có những lậu hoặc cần do tu tập đoạn trừ”.

9 Lý thuyết Nhân tính

Lý thuyết Nhân tính là trọng điểm của tư tưởng giáo dục nói chung và của tâm lý giáo dục nói riêng; là cơ sở để xây dựng nói dung của giáo dục, các phương pháp giảng dạy và hướng dẫn tâm lý. Vì vậy các nhà lý thuyết giáo dục và tâm lý giáo dục luôn nỗ lực để hình thành một lý thuyết nhân tính toàn bích. Các lý thuyết nhân tính đương thời của Sigmund Freud, Carl Jung, Eric Fromm, Adler, Maslow, Lewin, Skinner, Allport, Carl Rogers, v.v..là nổi tiếng và có thể hữu ích, nhưng lại rất giới hạn. Các lý thuyết ấy không thể nói lên được bản chất chân thật của con người và cuộc đời, vì chúng nhìn con người như có ngã tính thường hằng trong khi thực sự con người là vô ngã và vô thường.

Trong Phật giáo, hơn hai mươi lăm thế kỷ qua, đã có ít nhất ba lý thuyết Nhân tính được hình thành trong đó có thể kể tới Thắng Pháp luận của Thượng tọa bộ, A-tỳ-đạt-ma-câu-xá luận của Nhất thiết Hữu bộ, và Duy Thức luận của Đại thừa. Tất cả những lý thuyết ấy đều phân tích tâm lý và chia tâm lý con người thành các nhóm thiện tâm. Tất cả đều nối kết với thiền định làm phương tiện để chứng ngộ cái tâm của con người và để giải thoát đau khổ.

Tuy nhiên, ngay từ nguyên thủy của những lời Đức Phật dạy đã được kết tập trong Kinh tạng Pàli, lý thuyết về nhân tính cũng đã được nêu trỏ một cách rõ ràng. Đức Phật đã trình bày con người qua nhiều hình thức khác nhau: sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới, năm thủ uẩn, và lý thuyết Duyên khởi. Chỉ riêng giáo lý Duyên khởi và Năm thủ uẩn đã nói lên rõ sự thật của con người, đồng thời, đã chỉ rõ con đường giải phóng các vấn đề cá nhân và các khủng hoảng xã hội. Hãy theo dõi lời dạy của Đức Phật liên hệ đến mục đích giáo dục của thời đại hiện nay:

“ Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu thấy rằng: “Thân này là của tôi: Tôi là thân này: thân này là tự ngã của tôi”. Thân này của kẻ ấy bị biến hoại, đổi khác. Khi thân này bị biến hoại đổi khác, kẻ ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não”.

Cũng thế, đối với họ, tưởng, hành và thức”.

Này các Tỷ-kheo, và như thế nào là không chấp thủ và không ưu não? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị đa văn Thánh đệ tử thấy rằng: “Thân này không phải là của tôi, tôi không phải là thân này: thân này không phải là tự ngã của tôi”. Thân này của vị ấy biến hoại và đổi khác. Nhưng dù cho thân này biến hoại, đổi khác, vị Thánh đệ tử ấy không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não”.

Cũng thế đối với thọ, tưởng, hành và thức”.

Như phân tích dẫn trên đã xác định, đối với Đức Phật, con người chỉ là Năm thủ uẩn trôi chảy, trôi chảy mãi. Mục đích giáo dục của Ngài là chỉ cho con người thấy rõ khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, sự chấm dứt khổ đau và con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau từ thân Năm thủ uẩn ấy. Một lý thuyết nhân tính và giáo dục như thế xứng đáng được nghiên cứu để chuyển hóa thành một hệ thống triết lý giáo dục toàn bích hướng con người đến an lạc, hạnh phúc, góp phần giải quyết mọi khủng hoảng của loài người hiện nay.■

 Trích The Concept of Personality Revealed Through The Pãncanikàya.

Tâm Ngộ dịch

Tựa do Văn Hóa Phật Giáo đặt.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 88

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here