Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Khai niệm tâm và phép điều tâm

Khai niệm tâm và phép điều tâm

134
0

Khái niệm “Tâm” của đạo Phật bao gồm cả tình cảm và lý trí, ý chí. Đó là một khái niệm rộng.

Khi mắt nhìn thấy sắc, thí dụ thấy cái bàn, sách Phật gọi là nhận thức, đây cũng là tác dụng của tâm, nhưng thông qua con mắt. Chúng ta cũng có thể nói như vậy về các giác quan khác như tai, mũi, lưỡi, thân. Sách Phật gọi giác quan là căn, nghĩa là gốc. Còn sắc (màu sắc, hình sắc như đỏ, xanh, tím, vàng, hình tròn, hình vuông…), âm thanh, mùi, vị thì sách Phật gọi chung là Trần, sách Phật còn dùng hợp từ khách trần, để nói những sự vật, hiện tượng như sắc, thanh, hương, vị, xúc… đều là khách quan, ở bên ngoài chúng ta.

Do căn tiếp xúc với trần mà nảy sinh ra tâm thức hay thức, nếu nói gọn.

Nhưng cần chú ý là khi nhận thức nhận biết một sự vật, thí dụ cái hoa, cái bàn thì thông thường, đó không phải là một sự nhận biết thuần tuý. Kèm theo đó, có những cảm giác vui hay không vui. Nếu vui thì yêu thích, không vui thì ghét bỏ cũng đều là hoạt động của tâm.

Chính những hoạt động của tâm như vui, yêu, thích, không vui ghét bỏ dẫn tới những ý muốn: muốn có cái mình ưa thích, muốn loại bỏ cái mình ghét. Ý muốn này, cũng là một hoạt động của tâm. Sách Phật thường gọi là tác ý (Cetana) cũng có sách gọi là tư.

Phật nói tác ý chính là nghiệp (Karma). Bởi vì, do ý muốn vui hay không vui, yêu thích hay ghét bỏ mà nảy sinh ra những ý nghĩ lời nói và hành động tương ứng. Anh thích cái hoa thì có thể anh sẽ có những lời nói khen cái hoa, anh sẽ có những cử chỉ như lại gần hoa, ngửi hoa, bẻ hoa.

 Người không tu hành, thường buông lỏng cho các niệm nối đuôi nhau xuất hiện trên bình diện ý thức, một cách tự phát, ít khi dừng lại suy nghĩ xem mình đang nghĩ gì, nghĩ như vậy là đúng hay sai, thiện hay ác. Nghệ thuật điều tâm của đạo Phật chính là ở chỗ biết “dừng lại”, sách Phật gọi là chỉ, và trên cơ sở chỉ, quán xem đó là niệm gì, niệm ấy đúng hay sai, thiện hay ác. Đó là thuyết “ba niệm” của thiền. Sau niệm thứ nhất, đến niệm thứ hai nhận mặt và đặt tên cho niệm thứ nhất. Thí dụ, nếu là tham thì biết tâm tham. Nếu là si thì biết đó là tâm si, nếu là tâm tán loạn thì biết đó là tâm tán loạn, nếu là tâm định tính thì biết đó là tâm định tính v.v… và niệm thứ ba là đánh giá niệm thứ hai là thiện hay ác, đúng hay sai.

Từ niệm thứ tư, người tu hành phải có một nỗ lực nội tâm lớn để:

1. Tăng trưởng niệm thiện, nếu đã có.
2. Có được niệm thiện, nếu chưa có.
3. Trừ bỏ niệm ác, nếu đã có.
4. Tránh niệm ác nếu chưa có.

Sách Phật gọi bốn nỗ lực này là “tứ chánh cần” tức là bốn siêng năng chân chánh. Các niệm được quan sát như vậy, niệm này diệt, niệm kia sinh không bao giờ có hai niệm cùng tồn tại một lúc, một khoảnh khắc (sách Phật gọi đơn vị thời gian nhỏ nhất là sát na). Như vậy, niệm thiện không thể cùng tồn tại với niệm ác, và ngược lại cũng như vậy. Nghệ thuật điều tâm là ở chỗ là làm cho trong dòng niệm luôn luôn chỉ có niệm thiện, niệm ác không còn chỗ đứng. Nếu có một niệm ác xuất hiện thì lập tức niệm thứ hai nhận mặt được nó ngay và xua đuổi nó tức thì. Trong kinh An trú tầm (Kinh thứ 20 của Trung Bộ Kinh I) Phật giảng 5 biện pháp xua đuổi, hạn chế niệm ác.

1. Lấy niệm thiện, xua đuổi niệm ác. Như lấy niệm từ bi xua đuổi niệm sân giận. Phật lấy ví dụ người thợ mộc khéo léo dùng cái nêm này (thiện niệm) đánh bật một cái nêm khác (ác niệm).
2. Nhận thức rõ hậu quả tai hại của niệm ác, để xua đuổi nó đi. Phật lấy ví dụ một người đeo xác con chó xung quanh cổ thấy sợ hãi và vứt bỏ đi.
3. Quên đi, đừng chú ý tới niệm ác nữa, Phật lấy ví dụ một người không muốn thấy một vật gì đó, bền nhắm mắt lại, không nhìn.
4. hãy chậm lại dòng niệm ác, khiến cho nó dần dần tan biến, Phật lấy ví dụ một người đang chạy, nghĩ rằng hãy đi chậm lại, và trong khi đi chậm, nghĩ rằng sao không đứng lại, và sau khi đứng lại nghĩ rằng sao không ngồi xuống…
5. Dùng nghị lực, xua đuổi niệm ác đi. Phật ví dụ một người khoẻ vật ngã một người yếu vậy.
(Xem kinh “An trú tầm”, Trung bộ kinh I trang 197-201).

Điều tâm là lấy tâm để chế ngự tâm, lấy tâm thiện chế ngự tâm ác, khiến cho tâm trở nên thuần thiện. Và một khi tâm đã thuần thiện thì sẽ trở nên nhu nhuyễn, dễ sử dụng chứ không còn tán loạn như trước nữa.

Khi rèn luyện tâm, chúng ta phải chú ý ba điều:

Một là, trên bình diện ý thức, bao giờ cũng chỉ có một niệm tồn tại, không tthể có hai niệm tồn tại cùng một lúc, một khoảnh khắc, một sát na.

Hai là, niệm này diệt, niệm khác mới sinh ra và thay chân vào được.

Ba là, niệm ác (niệm 1) được niệm tiếp theo (niệm 2) nhận mặt là ác, là xấu thì sẽ mất đi mà không xuất hiện lại nữa ở niệm tiếp theo. Nên nhớ rằng, đó là một dòng niệm, một dòng những niệm nối đuôi nhau, băng qua trên bình diện ý thức mỗi niệm chỉ tồn tại trong khoảnh khắc.

Bốn là, niệm thiện mạnh hơn niệm ác, cũng như ánh sáng mạnh hơn bóng tối. Một cái hầm, dù có tối tăm hàng trăm, ngàn năm, nhưng một ngọn đèn sáng được đưa vào thì lập tức sáng ngay.

Nghệ thuật điều làm chính dựa trên sự nhận thức và vận dụng 4 điều nói trên. Trong quá trình tu tập, những niệm ác dần dần như vơi đi, các tạp niệm cũng bớt xuất hiện, tư tởng dễ tập trung hơn, dễ vào định hơn.

Kinh Pháp cú (Dhammapada) nói về tâm như sau:

Tâm hoảng hốt, dao động,
Khó hộ trì, khó nhiếp
Người trí làm tâm thằng
Như thợ tên làm tên
(Kệ 33)

Như cá quăng trên bờ,
Vất ra ngoài thuỷ giới
Tâm này vùng vẫy mạnh
Hãy đoạn thế lực ma
(Kệ 34)

“Hai câu kệ trên của Kinh pháp cú ví tâm người như con cá bị vứt ra khỏi nước luôn luôn vùng vẫy, hoảng hốt, dao động rất khó kiểm soát, chế ngự, thế nhưng người có trí tuệ có thể chế ngự được tâm, kiểm soát được tâm theo đúng các biện pháp mà Phật chỉ bày.

Tiếp đó, Kinh Pháp cú lại mô tả tâm một cách chi tiết hơn như sau:

Khó nắm giữ, khinh động
Theo các dục quay cuồng
Lành thay điều phục tâm
Tâm điều an lạc đến.
(Kệ 35)

Tâm khó thấy, tế nhị
Theo các dục quay cuồng
Người trí phòng hộ tâm,
Tâm hộ, an lạc đến.
(Kệ 36)

Kệ 35 giải thích vì sao tâm khó điều phục đó là vì tâm quay cuồng theo dục vọng. Nói điều phục tâm, chính là điều phục các dục vọng, không để cho chúng ngự trị tâm, bắt tâm phải quay cuồng theo chúng. Nói cho đúng ra, dục vọng cũng là tâm, thuộc về tâm. Sách Duy Thức gọi chúng là tâm sở (Cetasikas). Nói điều phục tâm, trên thực tế là điều phục các tâm sở, gạt bỏ mọi tâm sở bất thiện, chỉ để lại những tâm sở thiện. Nói phòng hộ tâm, tức là phòng hộ không cho các tâm sở phiền não xuất hiện. Thí dụ, thấy người đàn bà đẹp, chúng ta phòng hộ tâm, không để cho tâm sở “tham sắc” khởi lên.

Thân ngồi đây, mà tâm có thể phóng đi rất xa, chạy theo những bóng dáng, những hình ảnh mà nó ưa thích. Những bóng dáng đó, hình dáng đó giống như những ma lực trói buộc tâm, lôi kéo tâm quay cuồng, vì vậy mà tâm rất khó điều phục, khó chế ngự. Thế nhưng người nào điều phục được tâm, thì người đó sẽ được tự do tự tại.

Phẩm về tâm của Kinh Pháp cú kết thúc bằng hai câu kệ, khích lệ và đầy ý nghĩa:

Kẻ thù hại kẻ thù
Oan gia hại oan gia
Không bằng tâm hướng tà
Gây ác cho tự thân.
(Kệ 42)

Điều cha mẹ, bà con
Không có thể làm được
Tâm hướng chánh làm được
Làm được tốt đẹp hơn.
(Kệ 43)

Theo đạo Phật, người ác tự hại mình, việc ác mình làm trở lại hại mình. Cũng như vậy, người làm lành tự cứu mình, tự mình đem lợi lạc cho mình. Người ác tự làm hại mình, còn đáng sợ hơn là kẻ thù của họ tự làm hại họ. Việc làm thiện đem lợi lạc tới cho người lành, hơn là cha mẹ, bà con đem lợi lạc cho họ. Đó là một chân lý thâm trầm sâu sắc, chỉ có những người có trí, đầy kinh nghiệm sống ở đời mới nghiệm thấy được.

Cũng nói ý tứ ấy, là câu kệ mở đầu kinh Pháp cú, ở “Phẩm Song Yếu”:

Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe chân vật kéo
(Kệ 1)

Nếu tâm nghĩ ác, thì lời nói và hành động cũng ác và tức thì tâm ác, lời ác và hành vi ác sẽ đem lại đau khổ một cách tất yếu chẳng khác bánh xe lăn theo vết chân bò, không sai trệch chút nào. Ngược lại:

Nếu với tâm thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình.

Nếu tâm được trong sạch, nói và hành động thiện lành, thì an lạc sẽ đến với chúng ta như hình với bóng, không bao giờ tách rời.
Đó là lợi ích của phép tu “Điều tâm” của đạo Phật.

M.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here