Cuộc triển lãm sẽ mở cửa từ 16 giờ ngày 19 đến 16 giờ ngày 27/9/2009 giới thiệu 38 tác phẩm tiêu biểu trong hơn 100 tác phẩm của Lê Duy Đoàn. Mặc dầu là một họa sĩ "không chuyên", tự học, tự rèn luyện là chính, nhưng tác phẩm của anh đã được giới yêu nghệ thuật và yêu hội họa đánh giá rất cao.
Sau đây BBT xin giới thiệu đến quý độc giả bài viết của tác giả Trần Kiêm Đoàn, một người bạn của họa sĩ Lê Duy Đoàn rất hiểu anh và hiểu tranh của anh một cách sâu sắc.
XEM TRANH LÊ DUY ĐOÀN
Trần Kiêm Đoàn
Người ta thường nói “nghề tạo ra nghiệp”; nhưng trong nghệ thuật thì nghiệp tạo ra…nghề! Một người bạn Huế, anh Lê Duy Đoàn, đã kết hợp những điều trải nghiệm từ bục giảng của người thầy giáo và khung vải của người họa sĩ, mượn khái niệm về một lối nhìn cuộc đời của Phật học để nhìn lại chính mình và phát biểu như thế.
HS. Lê Duy Đoàn (mặc áo đen) |
Theo anh, một tác phẩm nghệ thuật tài hoa có sức chinh phục vô hình và trực tiếp là kết quả của một cộng nghiệp. Nếu hiểu “Cộng nghiệp” như là Picasso là “vác cây cọ và hộp màu đi giữa cuộc đời; chờ đợi hột ngọc trên trời rơi xuống để vẽ thêm một nét cho ra hồn ra phách…”. Khi đứng trước những danh phẩm văn chương, âm nhạc, hội họa, điêu khắc… cuốn hút mình, kẻ thưởng ngoạn nghệ thuật tự dưng cảm thấy mình nhỏ lại, khiêm tốn và có khi tan loãng vào trong thế giới sáng tạo của người nghệ sĩ. Sức mạnh của nghệ thuật có khi đến từ những biểu tượng ngỡ như quá đơn sơ mà lại ẩn chứa cả một sức sống đầy bão liệt. Có gì đâu dăm ba chữ vài câu thơ tuyệt bút; có gì đâu một giai điệu vút lên, lặng tờ rồi tắt; có gì đâu dăm mảnh màu và ánh sáng hòa cùng bóng tối…mà lại gây nên những chấn động “dị thường” cho hết thảy nhân gian không biên giới!
Người thầy giáo làm công việc đưa đò cho những thế hệ học trò đi qua là cái nghề, là nhu cầu cuộc sống. Người họa sĩ tạo hình đam mê trên khung vẽ là cái nghiệp, là nhu cầu sáng tạo. Một nghiệp (lành?) do sự tích lũy trùng trùng những cảm xúc, suy tư, dự phóng… không biết từ đâu; từ chốn sơ xưa nào cho tới hôm nay. Hình ảnh Lê Duy Đoàn trước phòng tranh của anh đang nói lên điều đó.
Bốn mươi năm trước, những người bạn Huế biết Lê Duy Đoàn khi còn ở đại học Huế như một chàng thư sinh chuẩn bị ra làm thầy giáo dạy môn khoa học. Chỉ những bạn bè rất…tình cờ mới biết chàng mê vẽ tranh hơn mê học. Năm 1969, “cố tật” đam mê hội họa của Lê Duy Đoàn đã làm cho liên danh ban đại diện sinh viên ĐHSP Huế của chúng tôi thất cử qua số phiếu bầu sát nách với liên danh Vĩnh Trung. Lý do: Sáng bầu cử ứng cử viên chủ tịch mê vẽ cho xong bức tranh cô gái Huế, nên ung dung tới
Thả một bè lau | lang thang trong chiều |
trường sau khi kết quả đã công bố! không biết có cần mở ngoặc thêm ở đây không về trường hợp một chàng bạn Huế khác đã làm tôi…thất tình khi chàng xách chiếc honda của tôi lên lăng Tự Đức vẽ và khi trả lại xe cho tôi kịp gặp cô bồ vía thì đã làm tôi trể hẹn mới có…nửa ngày! Chàng là “nhất phiến tài hoa hội họa” Bửu Chỉ!
Bốn mươi năm sau về quê hương tìm lại bạn xưa thì Bửu Chi đã đi trước rồi và Lê Duy Đoàn vẫn còn say sưa trước giá vẽ, mê mãi với bức họa thứ mười mươi…
Mỗi tác phẩm nghệ thuật có một linh hồn và thể phách độc sáng của chính nó. Làm sao ví von hay so sánh được khuôn mặt độc nhất, thường hằng của bà mẹ quê của chính mình với bất cứ hình tướng nào khác, dẫu có đi hết cùng trời cuối đất! cũng thế, đem so bì, cân đo cảm xúc nghệ thuật khi đứng trước một tác phẩm nghệ thuật này với một đối thể khác là một sự rong chơi phí phạm.
Xem tranh Lê Duy Đoàn trong một cảm nhận tĩnh lặng như thế làm tôi cảm thấy hạnh phúc và an lạc. Hạnh phúc vì có những nỗi đam mê ngỡ như trể tràng, về muộn ở tuổi về chiều; nhưng hóa ra vẫn còn quá sớm khi nhìn lên giá vẽ, thấy và cảm nhận từ những chấm, sợi và mảng màu mà Lê Duy Đoàn diễn tả trên khung vải còn nguyên sự tươi mát xuân xanh. An lạc vì dẫu cho anh đang chấm phá về một nội dung bão nổi, một dòng đời trong hoài niệm xa sưa hay một ý niệm đời thường mà “làm đày” như triết lý…thì tổng quan những búc tranh của anh vẽ, từ màu sắc đến đường nét và nội dung, đều toát lên sự hài hòa, thoáng rộng như một ý niệm khép mở cửa thiền.
Thông thường, “gam” màu, đường nét và nội dung là phương tiện nhất quán trong tay người họa sĩ. Nhưng với Lê Duy Đoàn-đã sáng tác hơn một trăm họa phẩm-thì phương tiện lại “tùy duyên” theo đối tượng mà anh đang nắm bắt và diễn đạt. Vẽ người, vẽ cảnh và vẽ tĩnh vật thì anh vẽ theo lối ấn tượng, biểu hiện. Nhưng phần lớn tranh của anh vẽ theo lối trừu tượng. Đề tài các họa phẩm của anh vừa gần gũi, vừa xa xôi. Có thể nói là gần gũi
như Huế và xa xôi như tiếng chuông chùa Thiên Mụ. Cách diễn đạt hòa quyện những đường nét chân phương, vừa trừu tượng và có khi phảng phất nét tiêu dao phóng dật trong tranh Lê Duy Đoàn khiến người ta có cảm tưởng là anh chịu ảnh hưởng sâu đậm trường phái ấn tượng phương Tây và nghệ thuật thư pháp viết chữ thảo bay bướm của Tàu.
Bức tranh được nhiều người và ngay chính tác giả cũng ưa thích nhất là họa phẩm Chiều Tà Trên Lưng Đồi Quảng Tế có thể nói lên một phần quan điểm hội họa của anh. Tuy nội dung chỉ là sự hoài niệm về một mảnh đời đẹp đã đi qua, nhưng tác giả đã diễn đạt thật tài hoa và đầy cảm xúc. Với nghệ thuật dụng màu nền “mát dịu”: xanh lam, chàm tím, Lê Duy Đoàn đã nói lên được dáng vẻ lưng đồi hoang sơ nhưng không tiêu điều mà dịu như tâm hồn tuổi trẻ. Toàn cảnh vắng bóng người, chỉ có cỏ cây hoang biền biệt, nhưng những chùm màu tối đã ghi dấu tâm hồn sống động trong từng góc khuất.
Những hoạ phẩm gây được nhiều ấn tượng sâu sắc là Kỵ Sĩ, Chớm Đông, Dục Vọng, Bố Cục Duyên… mang kỹ thuật phối hợp, hoà quyện khéo léo và sống động giữu hai khuynh hướng ấn tượng và trừu tượng
Một người thấy quen quen | kỵ sỹ |
.
Thế giới hình tượng và màu sắc của thế kỷ 21 đã chuyển từ thế tĩnh sang thế động. Máy móc và kỹ thuật tạo hình đã thay đổi cả thể tính cảu thiên nhiên. Đất đá cỏ cây cũng lao nhao trò chuyện. Trong lúc đó, những mảnh hồn thiên cổ của cây cọ trên những ngón tay tài hoa của người hoạ sĩ vẫn không vì thế mà giảm mất đi tác dụng sáng tạo. Bao kiệt tác của các nhà danh hoạ vẫn là những gia tài của nhân loại. Nét cuồng thảo của Vương Hy Chi, nét bão táp cuồng điên trong cảm xúc của Van Gogh, nét thiên nhiên như một lối rẽ xanh trời của Monet… và cứ thế, những tài danh hội hoạ cổ điển, hiện đại và tương lai không bao giờ có giới hạn hay điểm dừng trên đường bay sáng tạo.
Đông đảo quan khách và thân hữu đến dự lễ khai mạc |
Xem tranh Lê Duy Đoàn, tôi tự đặt mình vào vị trí của người thưởng lãm nghệ thuật theo cách riêng và lối nhìn riêng của mình. Cũng thế, khi nói về Lê Duy Đoàn và khuynh hướng hội hoạ của anh tôi vẫn quen nhìn anh như một người bạn, một cựu giáo sư đồng môn, một tâm hồn đam mê hội hoạ trong thế giới độc sáng của riêng anh. Mỗi một tác phẩm nghệ thuật là một bình minh trong đôi mắt của trẻ thơ: độc đáo và độc sáng; nên đừng để lấm bụi trần qua trung gian so sánh và liên tưởng “thông thái” đầy viễn mơ. Khi giữ được một lối nhìn đơn giản và tươi mát như thế để ngắm tranh Lê Duy Đoàn: anh là một hoạ sĩ có tài năng trong thế giới mở rộng bao la giàu tính nghệ thuật và nhân bản của hội hoạ.
T.K.Đ
Natomas, mùa Vu Lan 2009