Trang chủ Phật giáo khắp nơi Khai mạc Festival Huế 2012: Gặp gỡ và thăng hoa

Khai mạc Festival Huế 2012: Gặp gỡ và thăng hoa

135
0

Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt; Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Xổm-xa-vạt Lềnh-xa-vắt; các vị Ủy viên T.Ư Đảng: Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; các ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL, Trưởng Ban chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia; Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước; Đại sứ quán và tổng lãnh sự của các nước có đoàn nghệ thuật tham gia Festival Huế; đại diện các nhà tài trợ… cùng hàng nghìn du khách và nhân dân địa phương.

Tiếp nối thành công 6 kỳ trước đó, Festival Huế 2012 – chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử” – gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng: Kỷ niệm 325 năm chúa Nguyễn Phúc Thái chọn Phú Xuân làm thủ phủ Xứ Đàng Trong và từ đó trở thành Kinh đô của nhà Tây Sơn và kinh đô nước Việt Nam thời nhà Nguyễn; là hoạt động văn hóa đặc biệt được Bộ Ngoại giao Việt Nam đề xướng trong khuôn khổ diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á – Mỹ Latin và Hội nghị toàn thể lần thứ 13 Liên đoàn các thành phố lịch sử gồm 80 thành phố của 55 quốc gia sẽ tổ chức tại Huế.

Đọc diễn văn khai mạc, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Ban Tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2012- khẳng định: Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ – Huế 2012 là một chuỗi các hoạt động về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các hội nghị, hội thảo… mang tầm quốc gia và quốc tế, nhằm quảng bá điểm đến cho du lịch quốc gia, thu hút khách du lịch quốc tế và thúc đẩy du lịch nội địa. Đây là một lễ hội văn hóa – du lịch quốc tế mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và văn hóa Huế. Việc tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế lần này góp phần khẳng định một hướng đi đúng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong tiến trình xây dựng Huế thành thành phố Festival đặc trưng, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa – du lịch đặc sắc của Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi Kết luận 48 của Bộ Chính trị, sớm đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia là sự kiện khởi đầu trong việc thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt với quan điểm phát triển toàn diện du lịch Việt Nam. Trong đó, chủ trương xây dựng ngành du lịch quốc gia theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại có trọng tâm và chất lượng, hiệu quả; phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển. Đến năm 2020 sẽ đạt được hơn 10 triệu lượt du khách quốc tế và 48 triệu lượt du khách trong nước với tổng thu nhập khoảng 20 tỷ USD. Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ – Huế 2012 là cơ hội cho cả vùng phát huy thế mạnh về di sản văn hóa để phát triển du lịch.
 
Vì vậy, bước vào giai đoạn mới, Thủ tướng đề nghị: “Tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương trong vùng cần phối hợp với các Bộ, ngành của T.Ư thực hiện tốt để thực hiện tốt một số nội dung sau: Thứ nhất, phát huy tốt nhất mọi lợi thế và tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè trong và ngoài nước, khắc phục những khó khăn, vướng mắc để tập trung tổ chức thành công các hoạt động trong chương trình Năm Du lịch quốc gia và Festival Huế 2012. Từng bước khẳng định thành phố Huế là một trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival của Việt Nam. Thành phố Huế phấn đấu là một trong những nơi đi đầu xây dựng thành phố du lịch văn minh, mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế để phát triển nhanh, bền vững.
 
Thứ hai, đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ để tạo ra nguồn lực tổng hợp, phát huy lợi thế so sánh và kinh nghiệm của từng địa phương để hình thành các sản phẩm du lịch liên vùng có sức cạnh tranh cao. Các sản phẩm du lịch vùng duyên hải Bắc Trung Bộ cần xoay quanh trục lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, giàu truyền thống lịch sử và giá trị văn hóa, nhân văn – một thế mạnh không nơi nào có thể sao chép được của vùng đất chứa đựng nền văn hóa lâu đời với những di sản lịch sử sống động.
 
Thứ ba, liên kết triển khai xúc tiến thương mại và quảng bá, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch của cả vùng, là điểm đến tầm khu vực và quốc tế. Các bộ, ngành T.Ư phải tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ có cơ hội tiếp cận những chính sách, những nhà đầu tư trong và ngoài nước để qua đó giới thiệu tiềm năng và cơ hội hợp tác, đầu tư của vùng Bắc Trung Bộ.
 
Cuối cùng, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế – xã hội, gắn việc phát kinh tế với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, tạo diện mạo mới cho cả vùng, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
 
 
Sau lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc sắc với 2 điểm nhấn: “Âm vang một miền di sản” và “Sắc màu văn hóa 5 châu về với Festival Huế”.  “Không biết tự bao giờ, người dân quê tôi đã sáng tạo ra danh từ dành riêng để gọi vùng đất quê hương của Tổ quốc là “xứ”… Rồi bỗng một ngày, “xứ” đi vào thi ca và ví “xứ” thành miền hoài niệm. Để ngày nay, khi gọi tên xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Quảng, xứ Huế là ta lại như được trở về với ký ức, với lịch sử thời cha ông tạo ra những giá trị văn hóa bất hủ, để lại cho muôn đời cháu con….”. Đó là những tâm tình nhẹ nhàng và sâu lắng mà liên khúc hát múa đầu tiên đưa khán giả dạo bước qua 6 tỉnh duyên hải Bắc miền Trung, bắt đầu từ đôi bờ sông Mã của xứ Thanh và dừng chân ở đêm hội Cố đô Huế.
 
Không chỉ dừng lại ở Cố đô Huế, khán giả còn được hòa mình trong nhiều cung bậc tâm tư khác nhau qua điệu đàn réo rắt của các nhạc cụ dân tộc với hòa tấu “Dấu chân phía trước”, qua hợp xướng “Hà Nội – Huế – Sài Gòn”, liên khúc dân ca “Tiếng hát nơi bản xa” và phần hòa tấu cồng chiêng Tây Nguyên-piano. Rồi vượt ra khỏi biên giới quốc gia, vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, chỉ bằng tiếng nhạc, tiếng trống, điệu nhảy, nhịp múa, thậm chí chỉ là nụ cười trên gương mặt diễn viên và tiếng vỗ tay hưởng ứng của khán giả trên khán đài… những “sắc màu văn hóa 5 châu về với Festival Huế 2012” như vỡ òa trong niềm vui lan tỏa. Đó là sự hứng khởi cùng tiếng hú hoang dã của các chàng thổ dân Úc, điệu múa rộn rã của đoàn nghệ thuật Gugak (Hàn Quốc), tiếng lục lạc vô ưu của các diễn viên nhí Trung Quốc; hay như điệu múa vui nhộn của các đoàn nghệ thuật Piatnitsky đến từ xứ sở bạch dương…
 
Hơn 60 phút với 15 tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, chương trình nghệ thuật khai mạc Năm Du lịch quốc gia các tỉnh duyên hải Bắc Trung bộ và Festival Huế 2012 khép lại với “Ngàn năm vang mãi” và lắng theo câu hát “Đưa ta về với Huế/ Về vui trong ngày hội/ Tay trong tay bạn bè/ Huế ơi rợp đỏ cờ hoa… Huế ơi, dù một lần đến Huế/ Vang mãi ngàn năm tỏa sáng muôn đời/ Huế đẹp như thơ/ Vang mãi ngàn năm/Huế đẹp như mơ…” Từ phía sau lầu Ngũ Phụng cổ kính, những chùm pháo hoa nghệ thuật được nghệ sĩ Pierre Alain Hubert bắn lên rực rỡ, sáng bừng cả quảng trường Ngọ Môn và đưa khát vọng hội nhập của các miền di sản thăng hoa.
 
Dưới đây là một số hình ảnh tại lễ khai mạc:

















 

Theo TT Huế

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here