Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Kết nối truyền thông Phật giáo

Kết nối truyền thông Phật giáo

151
0

Hôm nay là một ngày có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi, và tôi tin là cả với quý thầy cô, anh chị trong Ban Liên lạc, Ban Thư ký, Ban Tổ chức sự kiện, Ban Truyền thông, Ban Tiếp tân và quý thầy cô, anh chị, bạn bè có cùng quan tâm tới sự kiện này của chúng ta.

Sở dĩ nó có ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên kể từ khi mạng internet xuất hiện tại Việt Nam, truyền thông Phật giáo mới chính thức có một cuộc gặp mặt giao lưu đầy sức trẻ, nhiệt huyết, có trách nhiệm và thắm thiết đạo tình như thế.

Đáng nói, chỉ trong vòng hơn một tuần mà ý tưởng cho cuộc gặp mặt giao lưu đã trở thành hiện thực, được phổ biến rộng rãi, thu hút sự quan tâm của nhiều website truyền thông Phật giáo, có những quý thầy cô anh chị, từ miền Bắc, miền Trung, hay đang du học ở nước ngoài cũng về tham dự sự kiện, làm cho ngôi nhà truyền thông Phật giáo càng thêm ấm áp hơn khi mùa xuân đang về trên quê hương.

Trong thực tế còn nhiều khoảng cách dị biệt, ngại ngùng, chúng ta đã đồng thanh tương ứng cho một sự kiện có tính chất mở đầu, điều đó chứng tỏ những mong mỏi, khát khao làm sao để truyền thông Phật giáo được liên kết mạnh mẽ, nhằm đem ánh sáng từ bi, trí tuệ của đạo Phật phổ biến trong cộng đồng xã hội, xây dựng một đời sống tốt đẹp, hiền thiện, bao dung hơn. Chúng ta có niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc và đạo pháp, nhưng không quên những thực tiễn ngổn ngang của cuộc sống với nhiều thách thức, đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo, khách quan, không bàng quan, né tránh những vấn đề mà thời đại đang đặt ra đối với truyền thông Phật giáo.

Tôi tham gia viết blog từ năm 2007, nhưng ngần ấy thời gian tôi luôn suy nghĩ đối với câu hỏi của Giáo sư Cao Huy Thuần: “Làm sao có một mạng lưới truyền thông để anh em trí thức Phật giáo và có cảm tình với Phật giáo ngồi lại với nhau cho sự nghiệp chung?”. Vâng chỉ cần ngồi lại với nhau là quá đủ để chúng ta xích lại gần nhau cho những ý tưởng, những sáng kiến Phật giáo trở thành hiện thực tốt đẹp. Và tôi cũng không quên câu nói của Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách: “Trong khi chờ đợi những điều chỉnh ở tầm vĩ mô, chúng ta hãy tự thắp sáng ngọn đèn của chính mình. Có nhiều ngọn đèn được tự thắp sáng, thì xã hội có muốn tối cũng tối không được”.

Tôi thấy những điều đó đang dần hình thành trong cuộc gặp mặt ngày hôm nay, và bởi tôi tin mỗi website là những ngọn đèn đã sáng, đang sáng và sẽ sáng rực hơn trong tương lai. Bởi có khi chỉ bằng một bài báo, một trang kinh, một hình ảnh xúc động, có thể làm thay đổi cuộc sống của một con người và cộng đồng sẽ vị tha, nhân ái hơn bắt đầu từ ngôn ngữ và hành vi ứng xử của mỗi chúng ta.

Cho đến bây giờ tôi vẫn không quên hình ảnh thầy Pháp Định phải rời ngôi chùa thân yêu của mình với 50 nghìn đồng trên tay, không biết đi đâu về đâu, và một người bà đã cạn khô nước mắt vì thương cháu. Tại sao trong lúc con người đau khổ cùng cực thường tìm đến với Phật giáo để nương tựa, và được chúng ta bao dung, thì một người đang đầy đau khổ như thầy Pháp Định lại bị chúng ta ruồng bỏ, cố đẩy ra bên ngoài để tránh tai tiếng, liên luỵ? Trước hình ảnh ấy, truyền thông của chúng ta đã thất bại ở ý nghĩa nhân văn nhất của giá trị tình người. Truyền thông xã hội đã khắc nghiệt như thế đấy!

Vậy truyền thông Phật giáo của chúng ta sẽ phải làm gì trước những thách thức thông tin xã hội đang có chiều hướng diễn ra hết sức phức tạp, nhất là trong thế giới ảo thật khó phân của môi trường internet? Rõ ràng cái gì khởi đầu bằng truyền thông thì cái đó phải kết thúc bằng truyền thông. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải xây dựng cho mình bản sắc và phong cách riêng của truyền thông Phật giáo đối với những vấn đề xã hội và thời đại.

Được sự tin tưởng của quý thầy cô anh chị, đúc kết những ý kiến đóng góp quý báu của mọi người, tôi xin đại diện cho anh em trình bày những ý tưởng sau:

1. Sau sự kiện này, chúng ta cùng đẩy mạnh sự liên kết giữa các website Phật giáo với nhau, tạo ra một môi trường truyền thông tích cực, nhanh, nhạy, chủ động tham gia vào các sự kiện Phật giáo, cũng như sự kiện truyền thông Phật giáo, góp phần đẩy mạnh các giá trị văn hoá, giáo dục, hoằng pháp trên tinh thần phụng sự đạo Pháp và dân tộc.

2. Khai thác có chọn lọc các nguồn tin từ mạng xã hội có liên quan đến các sự kiện Phật giáo, những vấn đề văn hoá, lịch sử, kiến trúc, thẩm mỹ, lối sống Phật giáo… Từng website nên lập đề án, kế hoạch truyền thông của mình, tạo điểm nhấn cho các sự kiện, phản ánh kịp thời mọi góc cạnh của sự kiện. Thiết kế thông tin, tạo hiệu ứng dư luận liên quan đến các sự kiện Phật giáo, kịp thời phản biện đối với những thông tin gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Phật giáo.

3. Truyền thông Phật giáo bản lĩnh tự tin, trung thực, khách quan, chịu trách nhiệm nội dung thông tin, c ải chính xin lỗi khi thông tin không đúng gây tổn hại đến uy tín, danh dự của tổ chức cá nhân. Chấp nhận thông tin mang tính xây dựng, thông tin góp ý, phản biện để điều chỉnh mình cho phù hợp với các quy định của Giáo hội và pháp luật của nhà nước.

4. Lập đề án hình thành mạng truyền thồng Phật giáo, với một Ban Chứng minh, Ban Cố vấn, Ban Thư ký – Biên tập, các admin, nhà tài trợ… Tạo môi trường sinh hoạt tri thức, môi trường thảo luận để các trí thức Phật tử tham gia đóng góp ý kiến xây dựng ngôi nhà chung Phật pháp ngày càng vững mạnh, đáp ứng nhu cầu của thời đại.

5. Đóng góp ý tưởng, sáng kiến cho các sự kiện truyền thông Phật giáo, phát hiện các vụ việc truyền thông xuyên tạc, bôi nhọ, viết sách xuyên tạc giáo lý đạo Phật, sử dụng hình ảnh đạo Phật vào các mục đích thương mại, thiếu lễ độ, tôn kính… Kịp thời gửi sáng kiến, phát hiện của mình về cho quý thầy cô, anh chị trong nhóm truyền thông Phật giáo để phân tích, khảo sát và đưa ra những đề án truyền thông hiệu quả cho từng chương trình Phật sự như từ thiện, giáo dục, môi trường, văn hoá, nghệ thuật, ca nhạc, khoá tu mùa hè… Ví dụ chương trình Diệu âm hoằng pháp, Hương sen màu nhiệm, dự án phim Phật giáo, phóng sự Phật giáo, phỏng vấn nhân vật, hành trình du lịch tâm linh, khảo sát chùa chiền, sinh hoạt Phật pháp của giới trẻ, của gia đình Phật tử…

6. Song song với việc thành lập website chung liên kết của Nhóm Truyền thông Phật giáo, là việc thành lập mạng lưới thành viên truyền thông xã hội trên FB, với những lời tuyên thệ online, xây dựng ngôn ngữ chuẩn mực, cách hành xử đúng đắn trên mạng lưới thông tin xã hội, khi thế giới mạng ngày càng trở nên phức tạp, khó phân ảo thật…

7. Cùng tập trung trí tuệ, đóng góp ý kiến và sự trợ giúp kỹ thuật để các website Phật giáo khẳng định được bản sắc, phong cách riêng của mình cho từng mảng thông tin mà tăng ni, Phật tử quan tâm. Chủ động gửi thông tin, hình ảnh, đề án, điều chỉnh, cải tiến website về cho ban liên lạc của nhóm để cùng đóng góp ý tưởng, quảng bá tiếp thị, kêu gọi nguồn tài trợ, cùng chung tay cho Phật sự chung. Trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng ta là kịp thời chuyển tải thông tin để Giáo hội kịp thời đo lường dư luận, nắm bắt các diễn biến thông tin của dư luận, kịp thời phát ngôn, hoặc có các định hướng thông tin, định hướng dư luận phù hợp, cùng nhau nối kết để phổ biến các hoạt động Phật sự của Giáo hội Trung ương và Địa phương.

8. Theo dõi thường xuyên hoạt động của các trang mạng đã tham gia nhóm truyền thông Phật giáo, dẫn nguồn truyền tải các thông tin, các bài báo có ý nghĩa trên các mạng xã hội. Đặc biệt ưu tiên quan tâm tới các dự án, chương trình từ thiện xã hội, giáo dục, văn hoá, lễ hội Phật giáo để kịp thời đưa tin, thậm chí tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào các chương trình sáng kiến Phật giáo, tiếp thị cộng đồng, các dự án mang tính xã hội cộng đồng cao… Có kế hoạch phổ biến sự kiện trên mạng truyền thông xã hội, kêu gọi giới trí thức, giới trẻ, giới doanh nhân thành đạt đầu tư công sức trí tuệ vào các sự kiện văn hoá, sáng kiến Phật giáo để chung tay cùng với xã hội giảm bớt những khổ đau, bất hạnh trong cuộc sống…

Trên đây là những ý kiến có tính chất khởi đầu để chúng ta cùng nhau suy nghĩ, bổ sung, điều chỉnh thêm cho ý tưởng kết nối mạng lưới truyền thông Phật giáo. Chúng tôi mong rằng với sức trẻ, nhiệt huyết và đạo tình của mình, quý vị sẽ cùng chúng tôi bắt tay tạo dựng một mạng lưới truyền thông Phật giáo có bản sắc, phong cách, chuyển tải được những giá trị tinh tuý của đạo Phật đến với cộng đồng. Chúng ta đã gặp nhau, đang gặp nhau, sẽ gặp nhau, không chỉ ở thời điểm này, không gian này, mà xa rộng hơn thế đó là tinh thần dấn thân phụng sự đạo pháp và dân tộc, như lời chư tiền bối dạy: “Những gì chúng ta làm cho Phật pháp là làm cho dân tộc, những gì chúng ta làm cho dân tộc là làm cho Phật pháp”.

Một lần nữa đại diện cho anh em trong Ban Tổ chức cuộc gặp mặt và giao lưu các website truyền thông Phật giáo xin gửi lời tri ân chân thành tới quý thầy cô, anh chị, bạn bè, những người đang cần mẫn góp từng viên gạch để xây dựng ngôi nhà chung truyền thông Phật giáo, đã bớt chút thời gian quý báu về tham dự sự kiện này.

Kính chúc quý thầy cô, anh chị sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!

(Bài phát biểu trong buổi gặp mặt và giao lưu các website truyền thông Phật giáo chiều nay (31/1/2013) tại nhà hàng chay Hương Nghiêm. Có khoảng 80 khách mời tham dự và 40 website nhận tham gia kết nối mạng truyền thông xã hội Phật giáo).

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here