Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Hữu xạ tự nhiên hương

Hữu xạ tự nhiên hương

128
0

Ngồi trên xe, đang lúc mải miết ngắm nhìn cảnh đẹp của miền nước lợ, khi xe chạy qua trường Tiểu học Quảng Công, một vị Giáo thọ nói: Ngôi trường này làm tôi nhớ lại Trường Tổng(1) Diêm Trường ngày xưa, một Trường Sơ cấp dạy theo chương trình Pháp Việt của Nha Học chánh Đông Pháp, ban hành năm 1918, chuẩn bị cho việc cáo chung của nền giáo dục Hán học vào năm sau. Nhớ trường xưa hẳn nhiên tôi không khỏi liên tưởng đến hình bóng các cụ Đồ Nho dạy chữ Hán ở Trường Sơ cấp (École élémentaire), từ lớp Năm, Tư, Ba (lớp 1, 2 và 3 ngày nay) để chuẩn bị cho học trò thi lấy bằng Sơ học yếu lược (Brevet Élémentaire).

Thầy Giáo thọ tiếp tục kể: Ở ngôi trường này, ngoài các vị trợ giáo ăn lương theo khung lương của quy chế giáo dục Pháp – Việt, còn có các thầy đồ dạy tiếng Việt và chữ Hán. Đặc biệt, giờ dạy chữ Hán do các nhà Nho phụ trách được tuyển dụng theo lối dạy hợp đồng. Theo chỉ thị của người Pháp, vào các giờ học ấy phải có lý trưởng hoặc phó, chánh tổng dự giờ từ đầu chí cuối, vì họ rất “ớn” các thầy đồ truyền chuyển tư tưởng yêu nước cho học trò.

Các cụ Đồ Nho thời bấy giờ được nhà nước Pháp – Việt đề huề gọi bằng chức danh “Giáo sư Hán tự” mà tiếng Pháp dịch là “professeur des charactères chinois”. Chính vì cái hay cái đẹp của nền giáo dục truyền thống dân tộc mà người xưa đã có cách ứng xử như thế. Quý trọng việc giáo dục nên ngôn ngữ dùng để đặt tên cho chức danh người thầy dạy trường làng cũng có tính cách rất tự nhiên: Giáo sư Hán tự. Giáo là dạy, Sư là thầy – Nhất tự vi sư bán tự vi sư. Thầy ở đây là thầy dạy học, chứ không phải thầy gánh các chức nghiệp như thầy đề, thầy lại trong hệ thống quan chức ở cấp phủ, cấp huyện ngày xưa. Thì ra vào thuở ban đầu, thầy dạy ở trường làng được người xưa gọi là Giáo sư! Thời nay mà nghe vậy e có người không khỏi giật mình!

Tôi có người chú tên là Nguyễn Đàm (1886-1969), người làng Phú Long, phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Chú thi hỏng khoa thi Hương cuối cùng vào năm Mậu Ngọ, 1918 chỉ vì bài thi tiếng Pháp. Ở khoa thi ấy có tệ nạn tiêu cực. Cò chạy thi lộng hành một cách có hệ thống. Những “vòi” đòi ăn tiền ngựa chạy về làng tìm gia đình giàu có mật báo cho biết nộp 300 đồng thì lấy Tú Tài, 600 đồng lấy được Cử nhân. Thời ấy, chỉ cần có 50 đồng là làm được một cái nhà rường 37 khang trang(2). Gia đình chú tôi có thừa điều kiện, bụng dạ như đã “sẵn sàng” nhưng ông bà vẫn còn chút tặc lưỡi: Xin quý ngài cho phép tôi hỏi lại con cái đã.

Chú tôi được mẹ gọi vào. Bà hỏi: Con làm bài thế nào, có chắc không? Chú nói: Thưa mẹ, các trường nhất, nhì, ba với những bài thi phú, kinh nghĩa, văn sách con đều làm bài vượt trội xa các khoa thi trước. Riêng môn tiếng Pháp, đề ra thật kì quặc và hóc búa: Tả một cái cầu (Décrivez un pont) nên con làm hơi non. Nhưng có thể lấy điểm ưu, bình của các trường nhất, nhì, ba bù vào thì chẳng lo mấy.

Thân mẫu chú tôi khéo khước từ nên hôm ấy các “cò tìm mồi bỡ” cuối mùa thi đành phải lên ngựa về kinh.

Kết thúc hồi chòi ra sao? Lúc xem truyền lô ra bảng, chú tôi xỉu ngất, suýt nữa bị té vì tiếp tục trượt dài vỏ chuối. Thua keo thứ ba, ông đành gác lại chuyện theo đuổi nghiệp lều chõng.

Năm sau, nhà nước Pháp – Việt có nhu cầu tuyển dụng hợp đồng các nhà Nho hỏng thi Hương đi dạy chữ Hán ở trường Tổng, trường Làng. Thế là nhờ “thời”, chú tôi trở thành “Giáo sư Hán tự” ở trường Tổng Văn Vận thuộc phủ Hải Lăng. Thường ngày chú hay đùa: Làm Giáo sư Hán tự thật oai ghê!

Có lần tôi lên chùa Từ Đàm gặp một vị Đại đức. Vị này hỏi chuyện ngày xưa, nhất là những chuyện thâm cung bí sử trong khoa cử khá kỹ lưỡng, khiến tôi phải moi óc vặn não ra mà kể.

Thấy vị Đại đức hỏi với tinh thần cầu học, sau một hồi suy nghĩ, tôi hỏi: Thầy có biết nhà thơ Đông Hồ không? Thầy trả lời vắn gọn: Biết sơ sơ. Tôi chỉ biết tên thật của ông là Lâm Tấn Phác, vì ngày trước tôi có theo học chứng chỉ Văn chương Quốc âm tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Tôi cắt lời vị Đại đức: Ông Đông Hồ chỉ đỗ bằng Sơ học yếu lược, nghĩa là chỉ mới học xong lớp Ba, Thầy có tin không? Lúc ấy đã 16 tuổi, lại gia cảnh gặp khó khăn nên học xong lớp Ba thì ông nghỉ, rồi ở nhà tự học. Hết học nhà ông ra học đường, học sá, học chợ… Ông đọc sách rồi ông viết báo. Bền chí. Cuối cùng bài của ông được Phạm Quỳnh chọn đăng trên tạp chí Nam Phong, từ năm 1923 cho đến lúc đình bản năm 1934. Sự kiện này đã làm cho dân cả vùng Nam Bộ sửng sốt!

Chưa hết. Ông còn làm đủ nghề: ngoài làm thơ là nghề thi sĩ đất Hà Tĩnh từ lúc 13 tuổi, ông còn mở thêm trường tư, dạy học, rồi đi buôn; mở nhà sách Yễm Yễm(3) Thư Trang, nhà xuất bản Bốn Phương để làm báo đời (hẳn nhiên lúc này ông chưa làm báo đạo!). Nhưng xét ra thì cái nghề làm thơ của ông là đắt giá nhất. Chính nghề này đã đưa ông lên ngôi: ông được mời tham dự hội nghị quốc tế về thơ ở Knokhe-le-Zoute – Belgique. Ông cũng đã từng tham gia Trung tâm Văn bút Việt Nam từ năm 1957 và nghiễm nhiên được mời làm Giáo sư dạy môn Văn học Miền Nam tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1964. Ông dạy một cách say sưa và hấp dẫn. Sướng quá! Giáo sư ngâm thơ, bình thơ và rồi trên giảng đường Đại học ông đã ra đi vĩnh viễn khi đang ngâm cho sinh viên nghe bài “Bài Thơ nhân loại”:

Cùng soi chung
một tấm gương trăng bạc,
Hình thi nhân
lồng lộng giữa khung mây.
Một ngôn ngữ
cất lên cùng điệu nhạc,
Lời thiên nhiên chim gió tiếng vui vầy…

Rồi đem thơ buộc tình thân ái,
Người với Người thơ tay nắm tay”.

Lạ chưa! Chỉ học xong lớp 3 rồi tự học để đạt đến chức “Giáo sư” mà mọi người đều kính trọng!

Mấy ai trên đời dễ được như nhà thơ Đông Hồ. Ông không bằng, không cấp, không biếu xén gì cả mà hữu xạ tự nhiên hương được gọi là Giáo sư. Không gọi ông là Giáo sư thì gọi bằng chức danh gì? Có ai hơi đâu dư chữ dư nghĩa mà gọi ông là “Nhà thơ – Giáo sư Đông Hồ”?

Như thế rõ ràng thuật ngữ Giáo sư đã có ở nước ta từ lâu đời, chứ không đợi đến ngày Tây qua giăng giây thép hoạ địa đồ nước Nam mới có!

Nói đến đây, tôi hỏi vị Đại đức: vậy danh xưng Giáo sư được dùng trong nhà Phật từ bao giờ?

Thầy nói: Trong nhà Phật, theo sử sách để lại, ít thấy nói đến hai chữ Giáo sư. Liên quan đến chữ “Sư”, thuật ngữ Phật học có các từ như “Giảng sư”, “Pháp sư”, “Giới sư”, “Luật sư”, “Đại sư”… là những thuật ngữ thường gặp. Ngoài ra, còn có từ “Giáo thọ A-xà-lê sư” được hiểu như chữ Giáo thọ sư. Còn chữ Giáo sư, nếu nó đã từng được sử dụng trong nhà chùa thì có lẽ cũng đã lâu lắm rồi, chỉ sau nhà Nho một thời gian ngắn. Bởi vì kể từ hơn 2000 năm nay, lúc Phật giáo mới truyền vào nước ta, thì ngôi chùa đã là những trường học. Bên Trung Quốc, chữ Tự còn có nghĩa là trường học. Ban đầu nhà vua cho lập Hồng Lô Tự, xếp ngang hàng với cấp Bộ để phụ trách việc học hành và thi cử. Ở nước ta, các Thiền sư như Lý Vạn Hạnh, dạy đạo cho vua Lý Thái Tổ được gọi là gì? Là Quốc sư, Đại sư. Có thể khi ra đứng lớp giảng dạy thì các Ngài cũng đã được mọi người gọi là Giáo thọ sư hay Giáo sư. Chỉ cần mỗi chữ Giáo sư hay Giáo thọ sư là đủ, bởi vì Giáo là dạy, Sư là Thầy. Thêm một chữ Thọ có nghĩa là truyền trao. Chữ này rõ ràng hàm nghĩa giản đơn mà vô cùng thâm thuý. Một vị được gọi là Giáo thọ sư ngày xưa rất quý. Bởi vì vị ấy không chỉ làm một chức năng là truyền trao kiến thức, mà còn giúp học trò nâng cao đầy đủ cả ba phương diện trí, đức, thể. Hay nói cách khác, trọng trách của một vị Giáo thọ sư rất nặng, vị đó có bổn phận truyền trao cho học trò đầy đủ cả hai mặt thể chất vừa đạo phong, vừa học phong như ý nghĩa mà ta thường gặp qua các câu nói: “Giáo bất nghiêm chi noạ”; “Thiên mệnh chi vị tính; xuất tính chi vị đạo; tu đạo chi vị giáo”… Nhờ có thầy dạy giỏi thì đất nước mới hưng thịnh – “lương sư hưng quốc”.

Ngày nay, nếu có dịp tham quan các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh… thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, mọi người sẽ còn bắt gặp thuật ngữ “Giáo sư trường chùa”. Điều đó nói lên các vị sư Nam Tông người Việt gốc Miên đã đóng một vai trò quan trọng thông qua việc làm Giáo sư dạy học cho nhân dân.

Năm 1965, nhân chuyến đi công tác ở Sài Gòn, tôi tìm đến văn phòng Bộ Giáo dục hỏi xem có chức danh hoặc ngạch trật “Giáo sư trường chùa” hay không. Thầy Nguyễn Văn Tốt, Chủ sự Phòng Nhân viên Tiểu học thuộc Nha Nhân viên Bộ Giáo Dục hỏi tôi: Cậu cần gì, tớ chỉ cho. Tôi nói: Con nhờ Thầy tra bảng lương và xem xét các ngạch trật giáo chức coi thử có chức danh “Giáo sư Trường chùa” hay không?”. Ông vui vẻ đến tủ lục ra một tập hồ sơ, đeo gương vào và đọc. Ông lấy bút chì đánh dấu rồi chỉ cho tôi xem: Đúng rồi. Có chức danh ấy, nhưng nay đã được cải đổi thành “Giáo viên trường chùa” rồi. Ông giải thích thêm: Thời Pháp thuộc có thuật ngữ “Giáo sư trường chùa” nhưng sau này khi đưa vào quy chế học chánh được Bộ Giáo dục cải đổi thành “Giáo viên trường chùa”, vì nhà chùa có đủ điều kiện mở trường, mở lớp để dạy cho thanh thiếu niên, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo.

Trước lúc ra về, tôi cám ơn Thầy Tốt. Thầy dặn thêm: Vì người đời nay nặng óc phân biệt, dựa theo học phong của phương Tây cho nên phân biệt người dạy Đại học, Trung học với Tiểu học mà dùng thuật ngữ Giáo viên, Giảng viên và Giáo sư. Cậu còn nhớ không? Giai đoạn đầu, người Pháp dịch thuật ngữ Giáo sư của Trường làng, Trường chùa là professeur, chứ không dịch là instituteur (giáo viên). Khi kể lại tiểu sử của mình, giáo sư Đông Hồ không hề nhầm lẫn tí nào. Ông là người uyên bác mà khiêm nhường. Cậu nên lấy đó làm gương. Ngày nay, theo truyền thống, Phật giáo dùng thuật ngữ Giáo sư là hoàn toàn có cơ sở. Nhà chùa cũng dùng thuật ngữ khác, có vẻ cao hơn, là Giáo Thọ Sư. Diệu nghĩa của thuật ngữ này nằm ở chữ “Thọ”. Cậu nên suy nghĩ cho kỹ. Không tin tôi thì lên Đại học Vạn Hạnh ở đường Trương Minh Giảng mà hỏi. Các Thầy ở trên đó sẽ trả lời cho cậu. Rời Bộ Giáo dục, tôi vô cùng biết ơn Thầy Tốt.

Trong Nho học cũng có thuật ngữ Giáo thọ. Nhưng đó là từ chỉ học quan, người đứng đầu để coi sóc việc học ở một phủ. Ông Cao Bá Quát bị vua Tự Đức đẩy từ Kinh sư ra Bắc lãnh chức Giáo thọ ở phủ Quốc Oai thuộc tỉnh Sơn Tây. Tuy làm công tác học chánh nhưng ông vẫn đứng lớp dạy các Nho sinh ở cấp phủ chứ không phải chỉ làm vị thư lại cạo giấy dó ở chốn công đường ngày xưa.

Ngồi trên xe, nghe các Thầy nói chuyện mà tôi “ngộ” ra được nhiều điều: Giáo dục Phật giáo là nền giáo dục toàn diện. Đức Phật là nhà giáo dục vĩ đại, một vị “Vạn Thế Sư Biểu”. Phương châm của Giáo dục Phật giáo là “Văn – Tư – Tu” hay “Duy Tuệ Thị Nghiệp”, cho nên Phật giáo dùng thuật ngữ “Giáo Thọ Sư”, một danh xưng  cao quý để tôn vinh chư vị đứng lớp truyền trao học phong và đạo phong cho Tăng Ni sinh là điều dễ hiểu, bất kể vị thầy ấy có hàm, ngạch gì và dạy ở cấp học nào. Thêm vào một chữ “Thọ” đã làm sáng nghĩa biết bao!

 Q.T

Chú Thích
(1) Tổng gồm nhiều làng, thôn, phường. Có tổng gồm 5, 7 làng. Có tổng đến 25 làng. Người Pháp dịch là “canton”
(2) Nhà rường có khung rầm thường (quen gọi là cái tra), nối hai cột nhất theo chiều dài có xuyên, nối hai cột nhất theo bề rộng có trếng. Chiều dài của trếng là 0m40x3,7 = 1m48. Một thước mộc = 0m40
(3) Viết Yễm nhưng đọc Diễm, nghĩa là vẻ đẹp. Ở Trung Quốc có huyện Yễm Thư, quê hương của Đông Phương Sóc, một thần đồng, vừa là nhà hài hước nổi tiếng.
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here