Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Hương sen

Hương sen

167
0

Hoa sen “tròn mà nhọn”. Đó là một câu của thời xa xưa, khi tôi mới vỡ lòng tập đọc. Mới nghe câu này người ta dễ thấy có gì vô lý. Thế nhưng nếu từng ngắm hoa sen, người ta thấy quả thật nó “tròn mà nhọn”. Hoa sen lúc còn “búp” cũng thế mà mỗi cánh hoa lúc đã nở cũng “tròn mà nhọn” như thế. Hình dáng giản đơn đó của hoa sen – ngờ đâu – là cách tôi dùng để phân biệt hoa sen với các thứ hoa cùng loại, ngày sau khi lớn lên.

Hoa sen không phải chỉ mọc ở châu Á như nhiều người vẫn tưởng. Ở các nước khác như tại Bắc Phi, châu Âu và châu Mỹ, hoa sen vẫn nở đầy trong sông hồ. Thế nhưng, chúng không phải là sen, nếu nói một cách chính xác. Các loại “sen” đó mà tiếng Anh gọi là Water Lilies thuộc về một họ thực vật tên gọi là “Nymphaea”. Loại hoa này dĩ nhiên cũng có tại Việt Nam mà tên của nó bị gọi một cách rẻ rúng là “hoa súng”. Hoa súng chỉ là một trong khoảng 50 loại của họ “Nymphaea”, chúng rất khác nhau về màu sắc và hình dáng. Các loại “Nymphaea” thật ra cũng rất được người trồng cây quí trọng, màu sắc của chúng rất đáng yêu, từ trắng tinh đến hồng nhạt, đỏ thắm và cả màu thiên thanh. Có thứ “Nymphaea” sinh hoa và lá cực lớn, hoa có thể có đường kính đến 40cm, lá lớn cả mét. Nhưng cái “đáng trách” của loài hoa nước này là hoa lá của chúng thường chỉ nổi trên mặt nước, không mấy thứ vươn cao lên khỏi nước, ta cứ nhìn hoa súng thì biết. Ngoài ra hoa và cánh hoa của chúng dù có thể to nhỏ và đủ màu sắc, hình dáng khác nhau, nhưng thường hình thuôn dài, không thể “tròn mà nhọn”. Và đó là tiêu chuẩn giản đơn của tôi khi phân biệt đâu là hoa sen, đâu là hoa súng.

Hoa sen “tròn mà nhọn” của tôi thuộc về một họ khác, đó là họ “Nelumbo”. Phần lớn người phương Tây không biết phân biệt hai họ đó, cứ gọi chung là “Lotus”. Người biết rõ loại hoa này gọi nó là “Padma”, tiếng Sanskrit, chỉ một loài hoa độc nhất vô nhị trên thế giới. Hoa, cánh hoa và lá của nó hình tròn. Chúng nằm trên một thân thẳng đứng có gai nhỏ, vượt cao lên mặt nước khoảng từ 20 đến 40cm. Và từ nhiều ngàn năm nay, con người phương Đông ngắm hoa sen, trong lòng nẩy sinh bao điều cảm khái.

Hoa sen là một loài hoa mọc từ ao hồ, đầm lầy. Từ lòng đất ẩn mật và dường như “dơ bẩn” đó, loài sen đã thu nhận cát bùn và chuyển hóa thành một cánh hoa đều đặn, hài hòa, tinh khiết và đầy hương thơm cao quí. Gốc của nó thì trong bùn đất, nhưng ngọn của nó đón nắng và gió, tỏa hương sắc cho đời. Vì những lẽ đó mà từ nhiều ngàn năm nay, hoa sen là biểu tượng của sự chuyển hóa, của sự thành tựu. Và Đạo là gì nếu không phải là con đường của sự chuyển hóa. Vì thế nên hoa sen là biểu tượng của Đạo. Nhiều bậc trí giả còn đi xa hơn, họ nghiệm rằng hoa sen là thứ mọc trong đất, lớn lên trong nước, thở cùng với gió và đón lửa của mặt trời để cho rằng trong hoa sen cả bốn yếu tố đất nước gió lửa đều hội tụ, cho nên hoa sen là thành tựu cụ thể và bé nhỏ của vũ trụ. Và hành giả Đại thừa Phật giáo, nếu không quên được câu “Sinh tử là Niết bàn”, thì có lẽ các vị đều thấy hoa sen chính là biểu tượng của sự nhất thể đó vì gốc và ngọn của hoa tuy khác nhau một trời một vực nhưng chúng không thể lìa nhau, cái này là điều kiện tồn tại của cái kia.

Hoa sen lại còn một điều bất ngờ khác mà con người mới phát hiện gần đây. Khoảng trong những năm 90, một giáo sư ngành thực vật người Đức tên là W.Barthlott khám phá ra một điều mà ông gọi là “hiệu ứng Lotus”. Ông thấy một điều mà ai cũng biết là những hạt nước nằm trên lá sen đều cuốn tròn lại như những hạt ngọc trai và lăn đi rất nhanh, chúng cuốn theo cát bụi và không để lại chút dấu vết trên lá. Thế nhưng Barthlott giỏi hơn người thường ở chỗ, ông xác định được cấu trúc của mặt lá sen và thấy chúng không hề bằng phẳng mà gồm những hạt rất tròn và đều. Thế là nhà khoa học đó bắt chước thiên nhiên để đưa ra một nguyên lý nhằm chế tạo bề mặt các sản phẩm có khả năng “tự làm sạch”. Nguyên lý đó ngày nay được áp dụng khắp nơi, nhất là trong ngành vật liệu xây dựng và Barthlott được lãnh giải thưởng bảo vệ môi trường năm 1999. Điều đáng nói nơi đây là tính chất đặc biệt này của lá sen – không để cho bị cát bụi làm nhiễm ô – hẳn phải gây cảm kích và kính sợ trong tâm thức tôn giáo của người đời. Lý do gì mà hoa sen vốn đã là biểu tượng của sự giác ngộ – nay còn có thêm một đặc tính hết sức phù hợp nữa, đó là tính chất bất cấu nhiễm, không dính mắc nơi cát bụi thế gian, không có chỗ cho sự ràng buộc? Đây, chính là biểu tượng của sự giải thoát. Mà thật ra thì giác ngộ hay giải thoát cũng chỉ là một.

Hoa sen huyền diệu như thế nên cách đây hơn 2500 năm, đức Phật đã ví chúng sinh như những đóa sen: “…Ta nhìn quanh thế giới. Này các Tỳ-kheo, với Phật nhãn, ta thấy… như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng hay hồ sen trắng có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vượt lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước đẫm ướt. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, với Phật nhãn, ta thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm”. Tuy thấy chúng sinh đủ hạng người như thế, nhưng vị giác ngộ – như một đóa sen thuần khiết – vẫn quyết định giáo hóa cho tất cả và tuyên bố: “Cửa bất tử rộng mở, cho những ai chịu nghe”[1].

Tôi là một trong những người “chịu nghe”, chủ yếu vì lòng từ bi của Ngài, kẻ không cần phân biệt hoa sen hay hoa súng. Thậm chí tôi lên đường tìm theo những bước chân của Ngài tại Ấn Độ. Đối với tôi, hoa sen là biểu tượng của đạo Phật nên trong những bước đường lữ hành đó, tôi hay nhớ đến hoa sen. Ấn Độ là xứ sở đầy những hoa sen, đúng thứ Padma “tròn mà nhọn”. Bản thân cả nước Ấn Độ mà kinh sách gọi là “Nam Thiệm bộ châu”, theo truyền thuyết của Ấn Độ giáo cũng là một đóa sen vĩ đại mọc từ thân của thần sáng tạo Vishnu.

Tại Ấn Độ tôi tìm đến đỉnh Linh Thứu và nhớ rằng đây đã diễn ra cảnh “niêm hoa vi tiếu”, cảnh đức Phật đưa một đóa hoa lên cao và chỉ vị đại đệ tử Ca-diếp mới mỉm cười lĩnh hội động tác “tâm truyền tâm”. Đó là đầu nguồn của Thiền tông mà ngàn năm sau mới truyền qua Trung Quốc. Kinh sách không nói là hoa gì, trong hành động này hẳn nó chỉ đóng vai trò phụ. Thế nhưng tôi tự hỏi, phải chăng đó là một đóa sen vì tìm thấy hình sau.   
 

Ngày nọ, tôi đến Ngũ Đài sơn (Trung Quốc) chiêm bái Bồ-tát Văn Thù. Ngài là vị Bồ-tát chủ trí huệ. Tranh tượng hay vẽ Ngài tay mặt cầm kiếm chém bóng tối của vô minh, từ tay trái bừng nở một đóa sen, trong đó là kinh Bát nhã. Hai tay nằm trong một thể thống nhất, vô minh bị đối trị thì trí huệ tự hiện ra, trí huệ không cần tìm cầu, đó là quan điểm của Đại thừa. Như đồ vật được dọn đi thì khoảng không tự có, không gian không cần ai mang lại. Vô minh và trí huệ cũng như sinh tử và Niết-bàn nằm trong một nhất thể như bùn lầy và hương thơm trong đóa sen không thể tách lìa.

Có một vị được sinh ra từ hoa sen, đó là vị Liên Hoa Sinh (Padmasambhava), sống trong khoảng thế kỷ thứ 8 tại Tây Tạng. Tôi tìm đến tượng Ngài tại Lhasa (Tây Tạng) và thấy một khuôn mặt phẫn nộ với cặp mắt trợn tròn. Sự phẫn nộ của Ngài chính là lưỡi kiếm của Văn Thù. Cặp mắt dữ tợn của Ngài đang nhìn lũ ma quái mà truyền thống Tây Tạng kể lại Ngài phải đối trị lúc từ Ấn Độ qua Tây Tạng trong lần đầu tiên. Tôi nhìn Ngài, tôi muốn hỏi vị sinh ra từ đóa hoa giác ngộ: “Sao Ngài không ra tay diệt giùm loại ma quái tân thời đang hoành hành nhiều nơi trên thế giới”. Dường như Ngài nhìn tôi, một kẻ đến từ phương Tây, mà bảo: “Không phải sao, truyền thống các bạn vẫn hay nói, dân tộc nào xứng đáng với chính phủ đó”. Và dường như tâm thức giác ngộ đó thúc tôi hiểu thêm cho rõ rằng, chính cộng nghiệp của một dân tộc đã tạo tiền đề cho một nhóm người nhất định lên nắm chính quyền và cai trị lại chính mình.

Trí huệ của đóa sen Kashmir [3] nhắc tôi lại một điều mà tôi đã nghe nhưng chưa hiểu, đó là đừng đòi hỏi gì nơi ai khác cả, vấn đề chỉ nằm ở nơi mình. Khi con người chuyển hóa thì cả thế giới chuyển hóa. Một điều mới nghe thì phản khoa học nhưng toàn bộ sự thực dường như ở trong đó. Hoa sen có bao giờ than vãn về thời tiết bất thuận?

Một ngày trong tháng năm, tôi về Huế tham dự lễ Festival 2002. Trong đêm khai mạc, vì biết trước sẽ chen chúc đông đúc, tôi bỏ xe đi bộ vào nội thành. Đi qua cửa Thượng tứ, giữa dòng người hối hả, tôi bỗng cảm nhận một mùi hoa sen thoang thoảng và thuần khiết. Trong bóng tối, nhìn xuống hào nước, tôi không thấy gì ngoài vài đốm trắng mờ mờ. Sen ngày càng ít trong các hào nước ở Huế, đó là điều tôi thấy trong chục năm qua. Hôm nay, trong mùi khói xe khét lẹt và dưới ánh sáng laser quét ngang dọc trên bầu trời đêm của một buổi hội diễn ồn ào đầy khích động, vài đóa sen vẫn thầm lặng tỏa hương cho đời. Trong dòng người hỗn loạn đó, có lẽ ít ai biết đến có một loài hoa vô song vẫn liên tục vươn lên khỏi mặt nước và cống hiến hương sắc cho những ai biết ngắm nhìn chúng.

Tôi tựa tay vào bức tường thành còn nóng hổi của mặt trời ban chiều và cảm nhận được thời gian. Gần năm mươi năm đã trôi qua, từ ngày tôi biết hoa sen “tròn mà nhọn” đến ngày nay, biết thêm tính nhất thể trong mọi mâu thuẫn và cuối cùng, hiểu ngộ ý nghĩa đích thực của sự chuyển hóa trong Đạo mà biểu hiện rõ nhất của nó nằm trong hoa sen.

Nguyễn Tường Bách

Chú thích:
[1]. Trích Trung Bộ Kinh, Kinh Thánh Cầu (26), Thích Minh Châu dịch.
[2]. Hình trích của “Buddhistische Bilderwelt”, W. Schumann, nxb Diederichs, Munich 1986.
[3]. Vùng Tây Bắc Ấn Độ, được xem là quê hương của Liên Hoa Sinh.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here