Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Hương sắc chùa Huế

Hương sắc chùa Huế

151
0

Vườn chùa và kiến trúc chùa Huế là một kiệt tác mẫu mực giữa tâm và cảnh. Tâm cảnh viên dung thì thế giới mới tròn đầy và mùa Xuân thường tại khắp cả thế gian.

Cảnh quan của danh lam cổ tự ở cố đô Huế không đồ sộ mà e ấp kín đáo, không lộng lẫy tân thời mà uy nghi trầm mặc như tính cách của chính Huế vậy. Xuân kinh cũng là Thiền kinh, tuy hai mà một, ẩn hiện dưới những tàng lá xanh, giao hưởng giữa Thiên – Địa – Nhân, không mấy khi ồn ào, sôi động mà đã sưởi ấm lòng người. Một không gian mà tâm – tình – cảnh – đạo quyện lẫn vào nhau, ở đó Xuân đạo tiệm cận với Xuân đời:

“Chầm chậm Xuân về lòng đất chuyển

Nhạc trời thanh thoát rộn muôn phương

Tâm linh một thoáng bừng giao cảm

Lặng hết bao nhiêu lớp sóng còn”.

(Giao cảm – N.H.)

Đầu năm mới, dạo quanh vườn chùa là cái thú tiêu dao của người sành điệu. Du khách có dịp thưởng thức sự giao hòa tuyệt diệu giữa mùa Xuân đất trời và mùa Xuân lòng người, đưa hồn vào với làn hương hoa cỏ, lắng nghe âm thanh rì rào như cung đàn muôn điệu của suối khe và tiếng ca rộn rã trầm bổng của chim muông đang hát mừng ánh dương mới:

“Xuân về trước ngõ

Mai nở vàng sân

Sư ung dung bước

Chim hót trên cành”.

(Xuân – Nhuận Thường)

Xuân trong chùa Huế do vậy mà ấm tình đạo vị, khoảng cách giữa người với người, giữa thầy với trò gần gũi nhau hơn. Ngoài thế gian, quý nhất là gia đình sum họp của nhiều thế hệ cháu con, còn trong chùa thì đầm ấm thiêng liêng là tình cảm đôn hậu, khiêm cung tâm-tâm ấn-ấn giữa thầy và trò.

Sau ba hồi chuông trống Bát nhã đón giao thừa, xông lên một lò trầm, chế một bình trà thật thơm, dâng một đĩa mứt gừng ngọt ngọt cay cay, vị đệ tử đầu cùng pháp đệ của mình y áo chỉnh tề đảnh lễ chúc thọ sư phụ và các vị cao niên trong chùa, để xin lời giáo huấn đầu năm.

Mùi trầm hương thơm ngát, lời giáo huấn từ từ thấm sâu vào tâm khảm mọi người:

“Xuân khứ xuân lai nghi xuân tận

Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân”

(Thiền sư Chân Quang)

Ngày mùng một Tết là ngày nhộn nhịp nhất của nhà chùa. Bổn đạo Phật tử gần xa và người dân xứ Huế có tập tục lên chùa lễ Phật sớm:

“Trong vườn hoa vừa nở

Cô em đến đúng mùa

Đọc xong bài thơ cổ

Anh đưa em viếng chùa”

(Vô đê – Phương xích-lô)

Không hẹn trước mà ai nấy đều trang nghiêm, liên nghĩ đến quá khứ, hiện tại và tương lai, để mong cầu cho tâm hồn được sáng trong, không còn vương vấn với bụi trần.

Thiết tưởng, đã đến chùa thì tuyệt nhiên không có chuyện đi hái lộc và xin lộc, coi xăm bói quẻ đầu năm. Tâm tư đi chùa của người Huế thật dung dị, nhẹ nhàng, sâu lắng và kín đáo, không khoe khoang mốt này mốt nọ, tinh tế tự nhận ra nơi mình một tình cảm chung thủy với nếp xưa, thiết tha gìn giữ hương vị mùa Xuân truyền thống. Lên chùa lễ Phật mà đồng thời cũng là dâng nén hương lòng với người thân được ký tự, quanh năm suốt tháng có thiện duyên thấm nhập hương thiền:

“Chắp tay cầu nguyện thanh bình

Buồm xuôi gió thuận gập ghềnh qua nhanh

Đêm nay Nguyên đán tâm thành

Nghe hương trầm thoảng về quanh mái nhà”.

(Xuân cầu nguyện – Huyền Không)

Từ bao giờ cho đến bây giờ, nhà chùa là nơi che chở ôm ấp cho tâm hồn con người chuộng đức tin mà không sa vào hình thức phô trương phù phiếm. Đến chùa là để thắp nén hương lòng, dâng lên thành hương đạo, tuyệt nhiên không có cảnh ai ai cũng dâng hương một cách ngút ngàn. Khách đến chùa, trước lễ Phật, sau thăm hỏi chuyện trò vui vẻ với quý Ôn quý thầy, cầu chúc tốt lành:

“Xuân đa cát khánh

Hạ bảo bình an

Thu tống tam tai

Đông nghinh bách phước”.

Ảnh hưởng của đạo vào đời thật là sâu lắng. Mọi người hiểu và thấm nhuần được tinh thần Phật giáo “Tâm thanh thế giới thanh” cho nên họ hiểu Xuân lòng mới là Xuân miên viễn, mà phấn chấn tinh thần gạn đục khơi trong. Đẹp gì bằng lánh xa những tác hại đua đòi, sa ngã vào chốn bùn nhơ, để hướng đến xây dựng một xã hội phú xuân phú cường. Vì thế mà cảnh sắc chùa Huế rất tĩnh mà cũng rất tịnh so với các nơi khác.

Xuân năm nay, Xuân của năm Ngựa, cầu mong mọi người nhận diện cuộc đời bằng con đường chính trực, thì tin chắc rằng “mã đáo thành công” sẽ nằm trong tầm tay và mùa Xuân sẽ ở lại mãi cùng bên chúng ta.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here