Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Hướng đi nào cho Hoằng pháp trong thời hiện đại

Hướng đi nào cho Hoằng pháp trong thời hiện đại

123
0

 Mỗi người con Phật ai ai cũng lấy tinh thần: “Hoằng pháp thị gia vụ, lợi sanh vi bản hoài” là nền tảng trong sự nghiệp hoằng hóa độ sanh của mình. Dù rằng mỗi người xuất gia đều có nhiều hạnh nguyện, nhưng hạnh nguyện cao nhất phải là hoằng pháp. Vì nếu không như thế, thì giáo pháp cao quý của Đức Phật sẽ mai một dần, và Tam Bảo sẽ không còn đủ 3 ngôi. Bởi giáo pháp mới là ngọn đuốc dẫn đường cho người ta biết sống thế nào an lạc, hạnh phúc. Giáo pháp như tấm bản đồ giúp con người tìm lối đi tốt đẹp giữa rừng rậm cuộc đời, mất tấm bản đồ ấy, chắc chắn con người sẽ lạc bước vào tội lỗi.Từ những ngày xưa đức Phật từng căn dặn sau này mỗi Tỷ – kheo hãy đi một phương để hoằng dương chánh pháp, và bản thân Ngài cũng trải qua nhiều khó khăn gian khổ trên con đường độ sanh, nhiều khi bất chấp cả tánh mạng. Ngài dạy: “Này chư Tỷ Kheo, hãy du hành và an lạc, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người”. Công hạnh này đã được Ngài Phú Lâu Na thực hiện và trở thành biểu tượng của những người con Phật học hạnh đức Phật và thực hành lý tưởng hoằng dương chánh pháp.

Ở Việt Nam chúng ta, dù trải qua những thăng trầm, khó khăn trên những chặng đường lịch sử dân tộc, nhưng hiện thân Phú Lâu Na ngày một nhiều thêm. Thế nhưng, công cuộc hằng dương chánh pháp trong xã hội mới, thời đại mới không phải dễ dàng cho những người con Phật muốn dấn thân vào con đường “Hoằng pháp thị gia vụ, lợi sanh vi bản hoài”.

Từ khi đất nước thống nhất đến nay, Phật giáo đi vào một quỹ đạo mới. Giáo hội Phật giáo Việt Nam được hình thành, công tác hoằng dương chánh pháp lại ngày càng khời sắc. Cố Đại lão HT. Thích Trí Thủ đã từng nói: “Những gì tôi làm cho đạo pháp là tôi làm cho dân tộc, những gì tôi làm cho dân tộc là những gì tôi làm cho đạo pháp”. Phương châm hành đạo của Ngài được đúc kết từ truyền thống Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, hòa nhập vào nhau như nước với sữa. Điều này cũng thể hiện tinh thần hoằng pháp căn bản của Phật giáo là Khế cơ, khế lý, khế thời, khế xứ. Từ những quan điểm đúng đắn đó của Phật giáo và chư tổ Việt Nam, những thế hệ Tăng Ni Phật tử thực hiện công tác hoằng truyền Phật pháp sau này đều giữ gìn và phát huy trong thời đại mới với những kỹ năng mới.

Những ngày này, một lần nữa Ban hoằng pháp Trung ương lại tổ chức Hội thảo để hoạch định công tác hoằng pháp trong thời gian tới. Các “sứ giả Như Lai” đã và đang thao thức nhiều vấn đề làm sao giáo lý Phật Đà đến được tất cả mọi người, nếu ai muốn tìm nguồn hạnh phúc an lạc cho tự thân. Các vấn đề liên quan đến sự hội nhập của Phật giáo với thời đại được các “sứ giả Như Lai” trình bày thể hiện một sự quan tâm rất lớn đối với ngôi nhà phật giáo nước nhà cũng như thế giới. Trong lần gặp mặt quan trọng này, chư tôn đức Tăng Ni cả nước sẽ tập trung thảo luận các phương thức chuyển tải giáo lý đạo Phật đến với đông đảo quần chúng nhân dân thông qua 8 nhóm chủ đề của Hội thảo: Hoằng pháp với đồng bào dân tộc; Hoằng pháp với thanh thiếu niên; Hoằng pháp với công tác Từ thiện Xã hội; Hoằng pháp thời hội nhập; Định hướng về việc Hoằng pháp ở Hải ngoại; Hoằng pháp với vấn đề môi trường và thay đổi khí hậu toàn cầu; Hoằng pháp với việc xây dựng chùa văn hoá; Phát triển đời sống tâm linh, đạo đức Xã hội và phát triển kinh tế qua mô hình du lịch tâm linh….v.v…

Vì vậy, để cho bản hoài của công cuộc hoằng pháp được trọn vẹn thì chắc chắn mỗi hoằng pháp viên phải tìm cho mình một hướng đi thích hợp với vấn đề Hoằng pháp trong thời hiện đại. Bài toán này cũng được các cấp lãnh đạo giáo hội chú trọng rất nhiều và Ban hoằng pháp trung ương cũng như các địa phương đề ra nhiều phương thức hoạt động khác nhau. Các khóa hội thảo về ngành hoằng pháp, các khóa học bồi dưỡng giảng sư đoàn, các lớp đào tạo nâng cao kỷ năng hoằng pháp luôn được khai giảng trên khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Thế nhưng, để việc hoằng dương chánh pháp đạt kết quả cả về “lượng”“chất” thì ngành hoằng pháp cần phải đưa chánh pháp vào tất cả các thành phần xã hội như tần lớp trí thức, sinh viên học sinh, công nhân, nông dân,… Đồng thời cũng cần đến sự nhiệt tình, năng khiếu, sáng tạo, năng động, không ngừng rèn luyện, học tập các kỹ năng khác của các hoằng pháp viên, thì công cuộc hoằng pháp mới mong đạt kết quả cao.

Mặt khác các hoằng pháp viên phải làm sao đưa cho được giáo lý Phật đà về đến tất cả các vùng nông thôn, vùng xa vùng xôi. Những nơi này rất cần chúng ta đêm ánh sáng Phật pháp đến với họ. Một vấn đề nửa là mỗi hoằng pháp viên cần tiếp cận và áp dụng các công nghệ thông tin điện tử cho công việc hoằng pháp như thế nào để có lợi ích nhất cho của mình.

Do đó, nhiệm vụ hoằng pháp sẽ góp phần đáng kể trong việc định hướng cho xã hội, làm cho mọi người có niềm tin và lối sống lành mạng. Được như thế tất cả mọi người là bạn đồng hành cùng chúng ta trên bước đường tu tập của tất cả những ai đã và đang làm một hành giả Phật giáo.

 

HT.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here