Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Hướng đến lễ hội Quán Thế Âm 19/6/Kỷ Sửu

Hướng đến lễ hội Quán Thế Âm 19/6/Kỷ Sửu

144
0

Hằng năm, cứ vào trung tuần tháng 6 âm lịch Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế và Ban Quản Trị, Ban Điều hành Tượng đài Quán Thế Âm đều cho tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm và từ đó, trong nếp sinh hoạt tâm linh của người dân Huế cũng như một số khách hành hương thập phương trong cũng như ngoài nước đều ao ước đến ngày vía ( Đản sinh) của Bồ tát Quán Thế Âm (19-6 ÂL) để được về tham dự và dâng hương trong không khí của một mùa lễ hội mang nhiều nét văn hoá tâm linh của Phật giáo Phú Xuân-Huế-kinh đô Phật giáo, mà nói như lời của Ban tổ chức lễ hội năm nào, đây là “lễ hội của niềm tin và giao cảm”.

Là lễ hội của niềm tin và giao cảm nên đã có hàng ngàn người đến dự để cầu nguyện

Tuy nhiên, cũng kể từ ngày  Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành tổ chức kỳ lễ hội Quán Thế Âm có tính quy mô đầu tiên cho đến nay thì tính chất của “Lễ Hội” chưa thực sự được đầu tư công phu và nâng lên đúng tầm về chuyên môn. Công chúng và du khách hành hương chưa thực sự thấy được những nét đặc sắc của văn hoá Phật giáo Huế theo đúng kiểu "LỄ HỘI" mà phần lớn các kỳ lễ hội trước đây và ngay chính trong kỳ lễ hội năm nay chủ yếu là lặp đi lặp lại phần nghi lễ tín ngưỡng. Các khoá lễ như Hưng tác-thượng phan; khai kinh; tụng kinh; trai đàn chẩn tế…trong khoa nghi “trai đàn chẩn tế âm linh cô hồn” được xem như là điểm nhấn của lễ hội đã chiếm mất hết thời lượng của hai ngày diễn ra lễ hội.

Phần “Hội” hình như là không có, nếu có thì rất sơ sài. Khai mạc trại Hạnh ngành Nữ của GĐPT Thừa Thiên Huế quy tụ khoảng trên dưới 1000 trại sinh cũng diễn ra rất nhanh gọn. Chương trình văn nghệ đêm 18 chủ yếu do trại sinh tự đứng ra lo liệu theo kiểu "cây nhà lá vườn" nên hoàn toàn mang tính phong trào, quá đơn điệu cả về nội dung lẫn hình thức. Những thay đổi nhỏ như trang hoàng cờ, hoa, đèn, băng rôn kéo dài từ ngã ba đường tránh Huế theo chân núi Tứ Tượng đến khu vực Tượng Đài mặc dầu BTC đã có nhiều cố gắng nhưng do vùng diễn ra lễ hội nằm giữa một vùng núi đồi bao la rộng lớn vài chục hetta nên mọi sự cố gắng trở thành quá bé nhỏ, tất cả dường như bị lọt thỏm giữa màu xanh bạt ngàn của rừng thông. Từ đó mà nhiều năm liền BTC đã đầu tư khá lớn cho khâu thiết trí ánh sáng và cách tạo ánh sáng tương phản nhằm tập trung mọi sự chú ý vào khu vực lễ hội mà điểm nhấn là tạo ánh sáng nhiều màu sắc tương phản chiếu vào nơi tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm nhằm làm cho toàn thân pho tượng sáng và lung linh giữa nền trời đêm là phần rất đáng được ghi nhận.

Theo chúng tôi, Phật giáo Huế có nhiều Đạo tràng, Đoàn Chúng có truyền thống, biết được nhiều nét đặc sắc của văn hoá Phật giáo Huế. Nếu biết lợi dụng thế mạnh này để tạo ra nhiều khu vực lễ hội có tính chuyên môn độc lập riêng biệt tại nhiều nơi khác nhau trong “vùng lễ hội-không gian lễ hội” thì chắc chắn rằng lễ hội sẽ có nhiều màu sắc văn hoá hơn. Như tạo ra khu trưng bày tranh, ảnh, thư pháp rồi mời một số hoạ sĩ, nghệ sĩ có tên tuổi ở Huế hoặc các tỉnh thành khác có tác phẩm nghệ thuật liên quan đến văn hoá Phật giáo về trưng bày triễn lãm. Hay mở khu hội thảo diễn thuyết về các đề tài liên quan đến văn hoá tâm linh và sự giao cảm do Chư tôn và các Giáo sư phụ trách. Tổ chức Đêm hội cầu nguyện và hành thiền quanh vùng lễ hội. Tổ chức lễ hội ăn chay theo cách thức bán vé cho thực khách vào chiều và tối 18 vừa để khách thập phương có chỗ ăn chay vừa đóng góp một số tịnh tài ít ỏi có thể của mình…

Như chúng ta đã biết, lễ hội Quán Thế Âm là lễ hội của niềm tin, mọi người đến  với lễ hội là hướng tâm đến sự bình an. Nên ai cũng tự mình trang nghiêm và thanh tịnh  trong chính bản thân mình. Đây là một lợi thế để BTC tiến hành nhiều chương trình có tính quy mô và đặc sắc. Mà theo chúng tôi thì trong kinh sách và truyện cổ Phật giáo cũng như trong văn học dân gian Việt Nam có rất nhiều điển tích hay nói về Bồ tát Quán Thế Âm hay như các hóa thân của Ngài trong kinh Phổ Môn, chỉ cần 33 nữ huynh trưởng, hóa trang tương ứng với từng hóa thân của Ngài và thêm vào vài chi tiết phụ họa (1/. Thân Phật; 2/. Thân Độc Giác; 3/. Thân Duyên Giác; 4/. Thân Thanh Văn; 5/. Thân Phạm Vương; 6/. Thân Đế-Thích; 7/. Thân Tự Tại Thiên; 8/. Thân Đại Tự Tại Thiên; 9/. Thân Thiên Đại Tướng quân; 10/. Thân Tứ Thiên Vương; 11/. Thân Thái tử của Tứ Thiên Vương; 12/. Thân Nhân Vương; 13/. Thân Trưởng giả; 14/. Thân Cư sĩ; 15/. Thân Tể quan; 16/. Thân Bà-la-môn; 17/. Thân Tỷ-kheo; 18/. Thân Tỷ-kheo-ni; 19/. Thân Ưu-bà-tắc; 20/. Thân Ưu-bà-di; 21/. Thân Nữ chúa; 22/. Thân Đồng nam; 23/. Thân Đồng nữ; 24/. Thân trời; 25/. Thân Rồng; 26/. Thân Dược-xoa; 27/. Thân Càn-thát-bà; 28/. Thân A-tu-la; 29/. Thân Khẩn-na-la; 30/. Thân Ma-hầu-la-già; 31/. Thân Người; 32/. Thân Phi nhân; 33/. Thân Thần Cầm Kim Cương)…là sẽ có được một lễ hội hóa thân hay. Và nếu BTC mạnh dạng tìm người biên soạn kịch bản và mời các GĐPT đóng vai nhằm giới thiệu với công chúng về những “hoá thân”của Bồ tát Quán Thế Âm thì nhất định sẽ tạo được tiếng vang và quy tụ được nhiều du khách hành hương về dự lễ hội. Với lại lễ hội Quán Thế Âm ở TT-Huế là kiểu lễ hội “thường niên chiếu lệ” chỉ cần đầu tư một lần sau đó là cứ thế nâng cao, hay thay đổi một vài chi tiết nhỏ là đã đạt được tiêu chí lễ hội văn hoá và tâm linh.

Với lực lượng đông đảo của các Trại sinh trại Hạnh nếu có đầu tư kỷ lưỡng thì chắc chắn lễ hội "hóa thân" sẽ thành công

Mỗi năm lượng khách hành hương về dự lễ hội lên đến hàng ngàn người đã nói lên tầm ảnh hưởng rộng lớn của lễ hội trong đời sống tâm linh tín ngưỡng của người dân trong và ngoài nước. Do đó, để các kỳ lễ hội sau có tính chuyên nghiệp hơn, tổ chức lễ hội hoành tráng hơn, BTC cần có sự đầu tư thật chu đáo hơn, giới thiệu sâu rộng hơn nét đẹp văn hoá tâm linh của Phật giáo Huế thì tin chắc rằng khách hành hương trong và ngoài nước về dự hội sẽ đông đảo hơn.

T.M

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here