Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Hướng dẫn con cháu xây dựng nền tảng tâm linh

Hướng dẫn con cháu xây dựng nền tảng tâm linh

152
0

Cho dù theo tôn giáo nào hoặc là không theo tôn giáo nào hết, thì nền tảng tâm linh cũng đều rất quan trọng cho một cuộc sống hạnh phúc của con người.

Tâm linh là những gì làm đẹp cho mình, làm mình thánh thiện, hơn đời hơn người, giúp mình vượt lên trên mọi khổ nảo trong đời. Người có tâm linh như cây có rễ ăn sâu vào lòng đất, dù bão tố phong ba cũng khó mà bị quật ngã. Gia đình huyết thống bị đau khổ, thì còn có thể nương vào gia đình tâm linh. Người có tâm linh vững thì có niềm tin mạnh, và như vậy thì sẽ có được nơi nương tựa chắc chắn, sẽ bớt đi rất nhiều cảm giác cô đơn buồn chán và có thể đối đầu, chịu đựng với những cơn khủng hoảng trong đời hơn là người không có tâm linh, không có niềm tin.

Đối với trẻ con trong những năm đầu đời, thì tâm linh là đạo đức, mà đạo đức cũng chính là tâm linh. Chúng ta đừng nghĩ là phải dạy cho con cháu mình những gì sâu xa vi diệu. Ở tuổi của các em, thì nền tảng tâm linh được hình thành và hun đúc trong những lúc cúi đầu thành kính lạy Phật, chào các Thầy các Sư Cô, là đạo đức căn bản không tham lam, không giựt đồ chơi của trẻ khác, biết thương gia đình và nói lên được tình cảm của mình đối với cha mẹ ông bà, biết chia sẻ và biết cảm được cái đau của kẻ khác. Ở tuổi này, ông bà cha mẹ chỉ cần làm sao cho con cháu mình cảm thấy gần gũi với Tam Bảo, thích đi Chùa (dù chỉ lên Chùa để đi thăm hồ cá), thích cười với Phật, thích đùa giỡn, gần gũi với chư Tăng Ni, và thoải mái với mọi người xung quanh. Đừng quá khắc khe với trẻ con khi chúng đến Chùa hay Nhà Thờ hoặc bắt chúng phải im lặng suốt cả buổi lễ. Làm như vậy sẽ khiến cho trẻ con chán ghét và sợ khi phải lên Chùa hoặc Nhà Thờ, và đó là ông bà cha mẹ đã vô tình đẩy con xa rời gốc rễ tâm linh của mình.

Những ngày sinh hoạt cộng đồng như Ngày Lễ Hội Phật Đản Vesak sẽ để lại dấu ấn tâm linh và bản sắc dân tộc sâu đậm trong ký ức và tiềm thức của trẻ con.

Khi các em đến tham gia các sinh hoạt cộng đồng như Lễ Hội Phật Đản Vesak, các em tươi cười hớn hở vì các em sẽ gặp được những con người thiện, những tấm lòng tốt và, dù không nói ra, nhưng các em cũng sẽ lây lan được phần nào cái thiện ý và niềm vui tràn ắp trong không gian. Các em sẽ có được một ngày vui chơi trọn vẹn bên cha mẹ ông bà, trong một không gian thật đầm ấm tươi đẹp. Kỷ niệm vui đó sẽ hình thành trong các em những hình ảnh hài hòa về cuộc sống con người, và cho các em một khái niệm về hạnh phúc, hòa bình, về một nếp sống thuận thảo tuơi mát, không tỵ hiềm, ganh ghét.

Khi đến những sinh hoạt cộng đồng như thế này, trẻ con sẽ có dịp quan sát nhiều người lớn khác hơn cha mẹ của chúng. Các em sẽ bắt chước làm người lớn, quan sát và học theo cách cư xử chào hỏi trong xã hội và có dịp vui chơi với các trẻ con khác. Điều này rất tốt cho việc phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội cho các em, đặc biệt là các em con một trong gia đình với nhiều người lớn, vốn hay bị cô đơn và phải ‘chơi’ với người lớn nhiều hơn. Nay các em có thể tung tăng thả mình hòa vào trong văn hóa của dân tộc. Đó chẳng phải là cách hữu hiệu nhất để chúng ta gầy dựng bản sắc dân tộc, giúp cho con cháu mình “bắt rễ” trong văn hóa Việt Nam đó sao?

Nếu mỗi ngày dạy trẻ lạy Phật thì lớn lên chắc chắn chúng sẽ biết sợ mà tránh những việc làm tội lỗi

Muốn dạy cho con gầy dựng nền tảng tâm linh, thì cha mẹ phải cho con thấy cha mẹ cũng trân quý, và nỗ lực thực hành, gầy dựng nền tảng tâm linh cho chính mình. Cha mẹ cần phải “sống Đạo”, chứ không chỉ “theo Đạo”

Ông bà mình thường nói trẻ con là tờ giấy trắng, là tờ giấy chậm, sẽ thấm hút và in lại tất cả những gì mà ông bà cha mẹ vẽ lên. Cho nên nếu muốn con mình có được một lòng tin tôn giáo, một nền tảng tâm linh vững chắc thì ông bà cha mẹ cũng phải làm gương. Quý vị có thể hướng dẫn con cháu tham gia vào những việc cụ thể như nhờ con cháu giúp mình một tay trong việc cắm hoa cúng Phật, dạy cho con là khi thắng một giải thưởng nào đó được tặng hoa, hay đi chợ mua trái cây về thì phải nhớ cúng dường Phật trước, rồi mình sẽ thưởng thức sau. Điều này tập cho con cháu tâm cung kính Tam Bảo, tánh chia sẻ với bạn bè và người thân, sau này phát triển thành lòng nhân ái, ý muốn giúp người. Và cách sống vị tha và tấm lòng từ bi đó chắc chắn sẽ mang lại hạnh phúc cho con em mình sau này.

“Sống Đạo” là thật sự cố gắng sống theo lời dạy của Phật trong bất kỳ mọi hoàn cảnh chứ không phải chỉ tụng niệm suông mà thôi. Ví dụ mình học về lý nhân duyên của nhà Phật. Miệng mình lúc nào cũng quen câu “tất cả do nhân duyên”, nhưng tâm mình có thật sự nương vào lời dạy này để mà buông bỏ mọi sự thành bại ở đời không? Thường thì khi thành công, thì người ta cho đó là “TÔI thành công vì TÔI tài giỏi”, còn chỉ khi thất bại thì mới thở dài đổ lỗi cho “nhân duyên”. Cũng như khi con cháu học giỏi thì đó là do “con cháu CỦA TÔI giỏi”, còn khi con cháu hư hỏng thì là do nghiệp báo đời trước, nhân duyên đời này v.v…

Đức Phật dạy chúng ta lòng từ bi, tâm hỷ xả để được an lạc trong cuộc sống. Cho nên một cách “sống Đạo” là chúng ta phải làm sao luôn giữ cho Thân, Miệng, Ý của mình được thanh tịnh. Tự thân ông bà cha mẹ phải chuyển đổi tâm tư của mình. Hãy nên tự xét mình trước chứ đừng vội đỗ lỗi cho người. Đây là một bài học ‘thân giáo’ thật quý báu mà ông bà cha mẹ có thể dạy cho con cháu. Khi ông bà cha mẹ bình tĩnh trình bày cảm nghĩ và lập luận, thì con cháu cũng sẽ học cách bình tĩnh trình bày cảm nghĩ và lập luận. Ông bà không qui tội cho người khác, thì con cháu cũng không qui tội cho người khác. Cha mẹ tự xét lại mình và thẳng thắn nói chuyện và xin lỗi với con, thì trẻ con cũng sẽ học cách thẳng thắn xét lại mình, và thành tâm sám hối hoặc xin lỗi cha mẹ.

Tóm lại, muốn cho con cháu có được nền tảng tâm linh vững mạnh, thì ông bà cha mẹ cũng phải tự xây đắp cho mình nền tảng tâm linh vững mạnh. Mình gieo nhân, vun phân tưới nuớc ở nơi mình, và quả sẽ trổ ở nơi con cháu – vì trong sự luân lưu chuyển tiếp liên tục của dòng đời, trong quá trình chuyển hóa của một dân tộc, thì ông bà cha mẹ chính là gốc rễ của con cháu, cho nên nền tảng tâm linh của ông bà cha mẹ chính là gốc rễ tâm linh của con cháu. 

Theo thuvienhoasen.org

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here